Tự hào gạo Việt Nam nằm trong Top 3 gạo ngon nhất thế giới

Theo tạp chí The Rice Trader, một trang chuyên đánh giá về gạo, đã xếp hạng gạo Việt Nam được nằm trong Top 3 những loại gạo ngon nhất thế giới

Lần đầu tiên một loại gạo Việt Nam được công nhận là Top 3 gạo ngon nhất thế giới, đó là gạo Lộc Trời 1 (tên cũ là AGPPS 103) tại cuộc thi gạo ngon nhất thế giới lần thứ 7 (Malaysia) cuối năm 2015 vừa qua.

Khi ông Jeremy Zwinger (Chủ tịch The Rice Trader) công bố kết quả Top 3 cuộc thi gạo ngon nhất thế giới, tôi như không tin vào tai mình và phải hỏi lại các anh trong đoàn là có phải gạo Việt Nam được công nhận là 1 trong 3 loại gạo ngon nhất thế giới không? Khi mọi người xác nhận, tôi đã muốn nhảy cẫng lên vì vui mừng”, ông Phạm Thanh Thọ (Phó giám đốc ngành lương thực, Tập đoàn Lộc Trời, tiền thân là Công ty cổ phần Bảo phần thực vật An Giang, AGPPS), người được cử mang gạo đi thi chia sẻ với phóng viên Tiếp Thị Gia Đình về giây phút gạo Việt Nam được vinh danh.

gao ngon nhat the gioi hinh anh 1

Chị Nguyễn Thị Hồng (trái), TP. Long Xuyên, An Giang, đang chọn mua gạo tại cửa hàng

Đong đầy hứng khởi, ông kể tiếp: “Khi tên gạo AGPPS 103 của Lộc Trời – Việt Nam được xướng lên cùng với tên của gạo Campuchia và gạo của Mỹ, vượt qua 24 loại gạo của các nước khác như Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar…, tôi mừng đến mức gần như quên ngay lập tức những gì đã nghe”. Chia sẻ niềm vinh quang và tự hào từ hội nghị gạo thế giới thường niên tại Kuala Lumpur, do tổ chức The Rice Trader tổ chức, phóng viên Tiếp Thị Gia Đình đã tìm hiểu về loại gạo ngon nhất thế giới này.

LỘC TRỜI DO NGƯỜI MÀ CÓ

Theo ông Phạm Thanh Thọ, giống AGPPS 103 do tập đoàn tự nghiên cứu và được nông dân, người tiêu dùng đánh giá rất cao về chất lượng gạo. Đặc điểm của gạo là cơm mềm, vị ngọt, thơm, mặt cơm sau khi nấu nhìn rất đẹp. So sánh dễ hình dung nhất là gạo AGPPS 103 còn ngon hơn cả gạo thơm Jasmine 85 nổi tiếng thế giới. “Chúng tôi mang gạo AGPPS 103 đi đấu xảo cũng nhằm mục đích muốn biết đánh giá của các chuyên gia trên thế giới như thế nào”, ông Thọ nói.

Để tìm hiểu kỹ hơn về Lộc Trời 1, chúng tôi đến Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Định Thành (thuộc tập đoàn Lộc Trời), huyện Thoại Sơn, An Giang, vào một buổi sáng mà nhiều cán bộ và nhân viên trung tâm đang làm đồng. Đây là nơi nghiên cứu, lai tạo ra giống lúa Lộc Trời 1 được công nhận là Top 3 gạo ngon nhất thế giới. Phó giáo sư, tiến sỹ Dương Văn Chín (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Định Thành) chở chúng tôi đến thửa ruộng Lộc Trời 1.

Ngồi trên xe điện, băng qua những con đường, mương rãnh, cống thoát nước đều được bê tông hóa, chúng tôi “mở rộng tầm mắt” với bạt ngàn ruộng lúa và quy mô sản xuất nông nghiệp hiện đại. Ngồi kế bên ruộng lúa, ông Dương Văn Chín hào hứng nói về gạo Lộc Trời 1. Ông cho biết trên thị trường, gạo Lộc Trời 1 còn có thương hiệu là “Hạt Ngọc Trời – Thiên Long”. Thong thả đưa tôi dạo quanh thửa ruộng, ông Chín kể: “Mười hai năm trước, tức là năm 2004, trung tâm bắt đầu nghiên cứu với mục tiêu là tạo ra giống lúa có chất lượng ngang bằng với gạo thơm Thái Lan, năng suất cao, ngắn ngày để tăng tính cạnh tranh và tăng lợi nhuận cho nông dân. Ròng rã 10 năm nghiên cứu, lai tạo bền bỉ, chúng tôi mới tìm được giống mà mình mong muốn ở tổ hợp lai thứ 103. Đó là lý do khi mang đi Malaysia thi, nó mang tên AGPPS 103. Từ năm 2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho sản xuất thử và tháng 1–2016, Lộc Trời 1 được công nhận là giống quốc gia sử dụng cho cả miền Nam”.

Khi phóng viên hỏi tên giống lúa bố mẹ dùng để lai tạo ra giống Lộc Trời 1, ông Chín lắc đầu “bí mật”, song ông cũng tiết lộ giống lúa này đã thừa hưởng được những đặc tính của một giống lúa mùa nổi tiếng thế giới và lúa cao sản chất lượng cao của Việt Nam. Ngoài những đặc tính về chất lượng gạo, ông Chín nói rằng lợi thế cạnh tranh lớn nhất của gạo Hạt Ngọc Trời – Thiên Long (Lộc Trời 1) so với gạo thơm của Thái Lan hay Campuchia là có thể dự trữ hàng tháng cơm vẫn dẻo, mềm, thơm chứ không bị cứng cơm. Điều này đã khiến các nhà nhập khẩu không ngần ngại ký hợp đồng với Tập đoàn Lộc Trời để nhập khẩu loại gạo đặc biệt này.

Tiếp xúc với ông Võ Văn Khuôn ở xã Tân Phú, huyện Thoại Sơn, Tiếp Thị Gia Đình được biết ông Khuôn có 3ha cũng sản xuất theo hợp đồng với công ty này. Trước đây, ông chuyên làm giống Jasmine 85 nhưng từ vụ đông xuân đến nay chỉ sử dụng giống Lộc Trời 1 vì dễ canh tác, ít sâu bệnh, chi phí đầu tư ít, lợi nhuận cao. “Nông dân tụi tui rất hãnh diện vì đang sản xuất giống lúa ngon hàng đầu thế giới. Bán lúa cho công ty xong thì tui mua gạo Hạt Ngọc Trời–Thiên Long về ăn chứ không ăn gạo Jasmine nữa. Cơm ngon, ngọt, ăn rồi ghiền luôn”, ông Khuôn nói.

gao ngon nhat the gioi hinh anh 2

Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Định Thành rộng 80ha. Khi thăm đồng, cán bộ và nhân viên phải di chuyển bằng xe điện

CỨU CÁNH CHO ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG NHIỄM MẶN?

Không chỉ cho thành phẩm ưu việt như chúng tôi đã đề cập ở trên, điều đáng mừng hơn nữa là giống lúa này thích hợp với vùng đất không được thiên nhiên ưu đãi, kén cây trồng như đất phèn. Trong hoàn cảnh đồng bằng sông Cửu Long bị xâm nhập mặn, nhu cầu an ninh lương thực trở nên bức thiết thì thông tin giống lúa Lộc Trời 1 có thể sinh trưởng tốt ở vùng đất nhiễm phèn cũng là một trong những giải pháp phù hợp trước thảm họa cận kề. Thêm một vùng đất phèn trồng được Lộc Trời 1 là thêm một nguồn bổ sung lương thực hiệu quả.

Trao đổi với phóng viên Tiếp Thị Gia Đình, ông Đỗ Văn Ớt ở xã Tân Tuyến, huyện Tri Tôn, An Giang, cho biết vùng đất nơi ông sinh sống bị nhiễm phèn nặng, nhiều giống lúa thơm không chịu được. Ngay cả lúa thơm Jasmine 85 cũng chỉ cho năng suất cao vụ đông xuân, còn hai vụ còn lại rất tệ. Song hơn một năm qua, ông đã canh tác thử giống lúa Lộc Trời 1 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV Lương thực Thoại Sơn (thuộc Tập đoàn Lộc Trời) thì cả 3 vụ/năm 2015 đều thắng lớn. Giống này chịu phèn và mặn tốt. Năng suất luôn đạt khoảng 8 tấn/ha, chi phí đầu tư thấp hơn, lợi nhuận trung bình 20 triệu đồng/ha. Ông Ớt hào hứng kể ông có tới 7ha lúa ký hợp đồng tiêu thụ với Công ty Lương thực Thoại Sơn, mỗi vụ ông “bỏ túi” 140 triệu đồng. Không chỉ ông Ớt, nhiều nông dân ở huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) sản xuất giống Lộc Trời 1 còn phát hiện khi nguồn nước trên ruộng bị nhiễm mặn 3g/lít, lúa vẫn sống tốt và gạo còn ngon hơn khi trồng trên ruộng toàn nước ngọt.

Nói về ưu điểm này của Lộc Trời 1, PGS–TS. Dương Văn Chín xác nhận: “Đúng là lúa này trồng ở vùng nhiễm mặn thì hạt gạo bóng đẹp hơn, cơm ngon hơn khi trồng ở vùng nước ngọt hoàn toàn. Phát hiện này là tin vui đối với nông dân vùng ven biển vì họ có thêm lựa chọn trong mùa khô, hạn, nước mặn xâm nhập. Hiện nay, Tập đoàn Lộc Trời đang sản xuất hơn 10.000ha lúa ở An Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp và Long An theo quy trình khép kín từ khâu cung cấp giống đến thu hoạch, chế biến, đóng gói để đảm bảo độ thuần của sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.

TỪ RUỘNG ĐỒNG VỀ DƯỚI MÁI NHÀ

gao ngon nhat the gioi hinh anh 3

Ông Võ Văn Khuôn (phải) rất hãnh diện vì đang sản xuất giống lúa ngon hàng đầu thế giới

Rất nhiều người tiêu dùng ở TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang đến mua gạo ở một cửa hàng gạo tại An Giang cũng cho biết họ đã ăn thử gạo Hạt Ngọc Trời–Thiên Long từ trước khi gạo được mang đi dự thi và đã đánh giá “ngon hơn gạo Jasmine 85”.

Buổi cơm trưa được dọn lên, ngồi quanh mâm cơm nghi ngút khói, từng người trong gia đình chị Nguyễn Thị Hồng (ở P. Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, An Giang) lấy đũa xới nhẹ một ít cơm trong chén của mình rồi đưa lên miệng nhai thử, nghe một mùi thơm thoang thoảng của gạo mới, hạt cơm bóng đẹp lại dẻo, ngọt. Cả nhà đều chấm điểm “rất ngon”. Chị Hồng chia sẻ với chúng tôi về buổi đầu ăn thử gạo Hạt Ngọc Trời-Thiên Long (Lộc Trời 1) trong dịp gặp gỡ khi chị đến cửa hàng để mua gạo. Nhân viên bán hàng có giới thiệu thêm một số loại gạo khác nhưng chị vẫn nhất quyết lấy 2 bao gạo Hạt Ngọc Trời–Thiên Long loại 10 ký/bao. Chị phân trần lý do “nhất quyết không thay đổi” của mình là vì: “Tui ăn gạo Hạt Ngọc Trời–Thiên Long được mấy tháng nay rồi. Cơm ngon, ngọt, thơm. Ngon hơn gạo Thái”.

Cùng lúc này, ông Nguyễn Thanh Dũng ở huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau bước vào cửa hàng. Nhân dịp đang đi công tác ở An Giang, ông tranh thủ ghé đây để mua một ít gạo ngon về ăn và làm quà. Đi xem một vòng, cuối cùng ông quyết định mua một lúc 8 gói gạo, tổng cộng là 40kg, có dòng chữ “Top 3 gạo ngon nhất thế giới”. Ông Dũng hồ hởi giải thích với nhân viên bán hàng: “Xưa giờ tui chỉ nghe nói gạo Thái, gạo Campuchia ngon nhất thế giới. Nhìn thấy bao bì tôi mới biết gạo Việt mình đã được công nhận. Thế giới thừa nhận thì chắc chắn là ngon rồi. Việc gì phải ăn gạo thơm Thái Lan nữa!”

THƯƠNG HIỆU TOP – GẠO ĐẮT HÀNG

gao ngon nhat the gioi hinh anh 4

Gạo Việt Nam được lọt Top 3 gạo ngon nhất thế giới

Sau khi gạo Việt Nam được công nhận Top 3 gạo ngon nhất thế giới, nhiều doanh nghiệp đã tìm mua. Ông Andi Jaka (Công ty Louis Dreyfus) và một số khách hàng Trung Quốc đã đặt lịch hẹn thảo luận ký hợp đồng nhập khẩu gạo này.

Mới đây, bà Mai Ping (Abound Zoom Trading, Trung Quốc) đã đặt hàng mua gạo và trao đổi hình thức đóng gói. Còn ông Alberto (một doanh nghiệp ở Philippines) đã liên lạc đặt mua ngay 6.000 tấn.

4 “NHÀ” ĐỀU MỪNG

PGS.TS Dương Văn Chín cười thật tươi nói rằng ông rất hạnh phúc khi nghe tin gạo Việt được vinh danh. Nhà khoa học mừng vì công sức bỏ ra có kết quả. Nông dân vui vì được tăng thu nhập. Doanh nghiệp mở cờ trong bụng bởi nhà nhập khẩu liên tục đặt hàng lại không ép giá. Đặc biệt, niềm vui lớn nhất là từ đây gạo Việt đã được xướng danh trên thương trường quốc tế, không bị chê bai như trước.

Yêu cầu của cuộc thi gạo ngon nhất thế giới

Yêu cầu về tiêu chuẩn gạo dự thi rất khắt khe: Đơn vị dự thi phải có bản quyền sở hữu và chịu mọi trách nhiệm liên quan đến chủ sở hữu của giống đó. Đây cũng là lý do trước đây, không có doanh nghiệp Việt Nam mang gạo dự thi. w Ban giám khảo cuộc thi là các chuyên gia nghiên cứu lúa gạo, các nhà kinh doanh, sản xuất lúa gạo từ các hiệp hội lúa gạo của các quốc gia sản xuất lúa gạo hàng đầu thế giới và một bếp trưởng của khách sạn 5 sao. Những người này chấm thi theo quy trình “mù”, có nghĩa là họ không được biết tên của loại gạo và đánh giá trên cơ sở: vị cơm, mùi thơm, cảm quan về hình dạng hạt gạo và mặt cơm sau khi nấu.

Bài và ảnh: Bình Nguyên

Mục Câu chuyện và con người / Tiếp Thị và Gia Đình

Đừng bỏ qua