Drew Faust: Từ cô gái nổi loạn đến hiệu trưởng Harvard

Dù mẹ luôn nói thế giới này là của đàn ông, nhưng Drew Gilpin Faust đã chứng minh mình có thể thay đổi thế giới ấy

Hiệu trưởng Đại học Harvard, Mỹ, Drew Faust phát biểu tại ngôi trường danh giá này. Ảnh: Getty Images

Bài viết cho tạp chí Harvard số tháng 5 và 6–2015 của vị hiệu trưởng gây ngạc nhiên vì có chủ đề về… thời tiết. Điểm lại mùa đông lạnh kỷ lục ở Boston vừa qua, Drew Faust ngợi ca nỗ lực của nhân viên căng-tin và nhiều sinh viên, giảng viên tình nguyện giúp để giáo sư và sinh viên có bữa ăn nóng. Là hiệu trưởng trường đại học danh giá với 13.000 nhân viên và 21.000 sinh viên, đối mặt với nhiều vấn đề toàn cầu, Drew Faust vẫn tường tận các chi tiết tưởng như nhỏ nhặt.

MANG LẠI SỰ THAY ĐỔI

Drew Faust trở thành nữ hiệu trưởng đầu tiên của Harvard vào năm 2007 và bà đã mang đến nhiều thay đổi tích cực. Giai đoạn kinh tế khủng hoảng, năm 2008–2009, các nguồn tài trợ của Harvard giảm đến 27%. Song, bà không giảm mà còn tăng hỗ trợ tài chính cho sinh viên xuất thân bình dân. Cách đây 10 năm, 48% sinh viên hệ đại học ở Harvard được hỗ trợ tài chính, bây giờ là 60%. Có khoảng 20% sinh viên xuất thân từ gia đình có thu nhập dưới 65.000 đô-la Mỹ/năm nên phụ huynh không phải trả đồng nào.

Drew Faust muốn tìm sinh viên tiềm tàng khả năng nghiên cứu, dù họ chưa từng bước chân vào phòng thí nghiệm do điều kiện ở trường phổ thông.  Dưới sự lãnh đạo của bà, Harvard tích cực tham gia nghiên cứu biến đổi khí hậu, đẩy mạnh tài trợ nghiên cứu khoa học, tăng cường hợp tác quốc tế, ảnh hưởng của Harvard cũng vươn xa hơn. Những đổi mới này không lạ với khí chất của cô bé Drew nổi loạn ngày nào.

CÔ GÁI NỔI LOẠN

Thời nhỏ, Drew nuôi bò con, nhập hội với người da màu, học khiêu vũ – những điều mà các bé gái thời đó không ai làm. Bà cật lực phản đối quy định bất công dành cho phụ nữ và người da màu ở Virginia. Chín tuổi, Drew gửi thư cho tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower lên án nạn phân biệt chủng tộc. Nhận thức sớm này là tiền đề cho đam mê nghiên cứu về lịch sử miền Nam nước Mỹ, đưa bà trở thành học giả hàng đầu về cuộc nội chiến Nam – Bắc Mỹ.

Là nhà hoạt động năng nổ, bà bỏ kỳ thi giữa học kỳ mùa xuân năm 1965 để đến Selma, Alabama, Mỹ, tham gia cuộc biểu tình do luật sư Martin Luther King lãnh đạo. Bà cũng tham gia nhiều cuộc tuần hành phản đối chiến tranh Việt Nam.

Những hoạt động sôi nổi đó không ngăn cản bà tốt nghiệp trường Bryn Mawr loại xuất sắc. Sau đó, bà chuyển sang học thuật, tìm kiếm những bài học có thể đóng góp cho sự thay đổi. Thay vì trở thành phu nhân của một quý ông giàu có như nguyện vọng của cha mẹ, bà trở thành hiệu trưởng trường đại học quyền lực nhất thế giới.

BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG

Thuyết “chỗ đậu xe cuộc đời” Bạn không nên đậu xe cách nơi cần đến sáu dãy nhà chỉ vì sợ không tìm được chỗ gần hơn. Hãy đi tìm chỗ tốt đã, nếu không có thì quay lại. Đừng thỏa hiệp nhanh quá, cũng đừng thỏa hiệp mà không có bằng chứng buộc bạn phải làm như thế.

Lãnh đạo = lắng nghe + lặp đi lặp lại Là nhà nghiên cứu lịch sử, tôi chẳng bao giờ phát biểu trùng lặp với những gì tôi viết trong sách. Song, làm lãnh đạo, tôi cần có thông điệp thống nhất, rõ ràng để cấp dưới nhận diện, thấu hiểu và phối hợp hành động.

THÔNG TIN THÊM

• Faust sống với người chồng thứ hai Charles Rosenberg, giáo sư hàng đầu về lịch sử dược học Mỹ. Con gái bà là Jessica tốt nghiệp Harvard và làm việc ở tạp chí The New Yorker.

• Thời điểm nghỉ thai sản, bà thu video bài giảng của 6 tuần liên tiếp gửi cho sinh viên nhờ dịch vụ nghe – nhìn của trường. Thời điểm đó, chưa ai dùng phương pháp giảng dạy hiện đại đến vậy.

Theo Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua