Từ chuyện thịt bò giả: Làm sao để phân biệt thịt bò?

Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia phát hiện rất nhiều mẫu thịt bò giả và các loại giò bò không hề có thịt bò trên địa bàn thành phố Hà Nội

Trước thông tin thịt bò giả đang tràn ngập các phương tiện truyền thông, Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã tiến hành thu thập hàng loạt mẫu thịt bò tươi, xúc xích bò, giò bò trên địa bàn Hà Nội để xác minh tính xác thực của thông tin này.

Kết quả được Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia công bố như sau: Trong 44 mẫu thịt bò tươi tại các cơ sở kinh doanh, có 35 mẫu là thịt bò, 8 mẫu là thịt lợn (heo) và 1 mẫu là thịt trâu. Trong 10 mẫu thịt bò tái được thu thập tại các quán phở, cơ quan này phát hiện ra 2 mẫu là thịt lợn giả thịt bò.

Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cũng công bố thông tin về hàm lượng thịt bò trong các mẫu giò bò kiểm tra lần này. Trong 20 mẫu giò bò có 9 mẫu không có thịt bò mà chỉ toàn thịt lợn. Trong 8 mẫu có thịt bò, hàm lượng thịt bò chiếm tỷ lệ rất thấp, 13%. Mẫu có hàm lượng bò cao nhất cũng chỉ có khoảng 60% thịt bò.

Với các loại xúc xích bò, kết quả càng đáng thất vọng hơn, vì có đến 8 mẫu không có chút thịt bò nào. 15 mẫu có tỷ lệ bò rất thấp nhưng lại đậm mùi bò, trong số này có cả những nhãn hiệu được đánh giá cao trên thị trường. Việt Nam không phải là quốc gia có ngành nuôi bò phát triển, vì thế thịt bò có giá cao cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Các doanh nghiệp và cá nhân làm thịt bò giả đều nhằm mục đích tăng lợi nhuận bất chính.

Thit bo gia hinh anh 2

Thịt bò thật có màu hồng nhạt, sờ thấy dính tay. Thịt bò giả nhạt và tái, sớ to hoặc bị ra màu

Để không mua phải thịt bò giả, bạn có thể áp dụng những cách phân biệt sau đây:

♣ Màu sắc

Thịt bò thật có màu đỏ au, khô ráo, thớ nhỏ và đặc biệt là mỡ vàng. Nếu bạn thấy thớ thịt to và ngắn, mỡ màu trắng đục thì đó chính là thịt heo giả bò. Trong trường hợp đó là thịt trâu thì thớ sẽ to, màu đen sậm nhưng mỡ màu trắng.

♣ Mùi

Thịt bò có mùi đặc trưng và rất khó làm giả, dù người bán thường dùng chiêu thoa mỡ bò rán lên tảng thịt lợn để tạo mùi. Khi bạn ngửi thịt sẽ nhận ra mùi bò không đậm và có sự pha trộn, đặc biệt là khi miếng thịt bị phơi ra môi trường quá lâu.

♣ Độ mềm và bám dính

Khi mua thịt, bạn nên dùng tay ấn vào miếng thịt để kiểm tra độ mềm, dính, lúc thái thì thịt thật dễ bám vào dao. Bạn cũng nên thử miết tay lên thịt xem màu đỏ có dây vào tay hay không. Nếu thấy tay dính màu, nhiều khả năng đó là thịt heo nhuộm màu giả bò. Cẩn thận hơn, bạn có thể yêu cầu người bán thái thịt ra để xem màu sắc bên trong và bên ngoài có đồng nhất hay không. Thịt lợn bị nhuộm thường không thể lên màu tận sâu trong từng thớ thịt.

♣ Màu sắc, mùi vị sau khi chế biến

Thịt bò tươi dù đã qua chế biến vẫn có màu hồng sẫm, thơm đặc trưng, khi ăn cảm nhận được độ ngọt. Nếu là là thịt bò giả từ heo, miếng thịt sẽ nhạt màu, mùi hôi và rất dai.

Với tình trạng thịt bò giả tràn lan như hiện nay, bạn chỉ nên mua thịt ở những nơi uy tín, cửa hàng, siêu thị để biết rõ nguồn gốc và có hóa đơn để đảm bảo quyền lợi cho mình.

Bài: Hân Thái

Tiếp Thị Gia Đình

Bạn có những clip nóng về tin thời sự, tin hay về các trào lưu mới trong xã hội, hay câu chuyện tâm sự cảm động? Hãy gửi bài về cộng tác cùng Tiếp Thị Gia Đình. Xem chi tiết tại đây

Các bài được chọn đăng tải sẽ có nhuận bút. Bạn nhớ để lại email và địa chỉ liên hệ để Ban biên tập TTGĐ có thể liên hệ với bạn trả nhuận bút được nhanh chóng và chính xác.

Đừng bỏ qua