Trước tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt ở nước ta, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, ông Jan Eliasson đã đến thăm Việt Nam từ ngày 3 đến ngày 6 tháng 5−2016. Suốt chuyến thăm, ông Jan Eliasson đã thảo luận với các quan chức cấp cao của Chính phủ và nhân viên Liên Hợp Quốc về một loạt các vấn đề, trong đó có việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Jan Eliasson đã trực tiếp thị sát Bến Tre, một trong những khu vực đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn. Ngay sau buổi thăm Bến Tre, chứng kiến những cánh đồng chết cháy, những hoàn cảnh bi kịch của người dân, ông Jan Eliasson đã có buổi họp với báo giới tại TP. HCM để công bố sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc dành cho Việt Nam.
Theo ông Eliasson: “Liên Hợp Quốc đã xây dựng nguồn ngân sách 48 tỉ đô la để hỗ trợ cho các quốc gia đang gặp khó khăn về nguồn nước. Bản thân tôi cũng làm việc với các tổ chức khác để cử cán bộ, chuyên viên đến nghiên cứu, làm việc với các nhà khoa học Việt Nam để đưa ra giải pháp tốt nhất ứng phó với biến đổi khí hậu. Hạn hạn, thiếu nước ngọt, nước biển dâng là các vấn đề lớn của Việt Nam. Đây sẽ là những nhiệm vụ ưu tiên mà chúng tôi sẽ cùng thực hiện với Việt Nam để giải quyết vấn đề này”.
Ông Eliasson cũng cho biết, trong Hội nghị cấp cao về Nhân đạo Thế giới và ứng phó với biến đổi khí hậu sắp tới, ông sẽ đề cập đến cách nào để giảm tác động tiêu cực của hạn hán, ứng phó hiệu quả hay dự báo trước, làm giảm tối đa những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra. Cộng đồng quốc tế sẽ làm việc với Việt Nam một cách chặt chẽ vì biến đổi khí hậu không phải là vấn đề riêng của nước nào mà của toàn cầu.
Bàn về giải pháp đối phó với tình trạng thiếu nước, vị phó tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho rằng: “Việc hợp tác về sử dụng nguồn nước giữa các quốc gia sử dụng dòng sông Mê Kông là yếu tố quan trọng. Chúng ta phải tìm ra cách thức hợp tác để đảm bảo quyền lợi của các quốc gia chia sẻ dòng sông Mê Kông. Điều đó có nghĩa chúng ta phải hiểu nhu cầu của nhau, hiểu yếu tố thiên nhiên và có khả năng quản lý nguồn nước hiệu quả. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải chú ý việc lạm dụng phân bón. Phân bón sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của nguồn nước và tác động rất nhiều đến biến đổi khí hậu“.
Nói về vấn đề cá chết hàng loạt ở miền Trung Việt Nam, ông Jan Eliasson cho hay: “Đây là vấn đề lớn trong nông nghiệp. Tôi đã thảo luận một số người liên quan đến vấn đề này nhưng hiện tại cũng vẫn chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân cá chết hàng loạt. Chúng tôi cũng biết các hoạt động đánh giá đang triển khai ráo riết và nghiêm túc. Tuy nhiên, điều này cho thấy, bản thân chúng ta cũng đã góp phần tác động đến sự toàn vẹn của thiên nhiên và bản thân của chúng ta phải chịu trách nhiệm. Đây cũng là tiếng chuông của thiên nhiên cảnh báo rằng, chúng ta phải sống hòa thuận với thiên nhiên, tôn trọng tự nhiên và có những cân nhắc kỹ lưỡng khi có những hành động tác động đến thiên nhiên. Nếu chính phủ Việt Nam yêu cầu sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc trong vấn đề này thì chúng tôi luôn luôn sẵn sàng. Chúng tôi hy vọng các kết quả phân tích nghiên cứu sẽ được cung cấp cho công luận để cộng đồng quốc tế, Liên Hợp Quốc có thể góp phần hỗ trợ nhau tìm ra nguyên nhân của vấn đề”.
Kết thúc buổi họp báo, ông Jan Eliasson nhấn mạnh: “Chúng ta phải có trách nhiệm với con cháu chúng ta, với các thế hệ về sau của chúng ta”. Trách nhiệm của chúng ta chẳng phải là tìm ra giải pháp vĩ đại nào mà bắt đầu từ những việc rất đơn giản: Tiết kiệm nước, điện, không xả rác bừa bãi, không dùng túi ni lông, hạn chế tối đa sử dụng các loại hóa chất, bảo trì xe máy thường xuyên để bớt thải khí độc ra môi trường, trồng thêm cây xanh và… xin đừng tận diệt thiên nhiên.
Xoa Nguyễn
Tiếp Thị Gia Đình