Tôi chưa từng có dịp nói cho anh biết, tôi chỉ là cô gái nhỏ tên Mai Vy chứ không phải Julia hay nàng phù thủy thành Florence
Bình minh gõ cửa thành Rome cổ kính bằng những tia nắng yếu ớt màu chanh, nhuộm lên chút sinh khí trên dãy tường nâu bã trầu xưa cũ. Bao giờ cũng thế, tại góc ngoặt nơi giao nhau của ba con hẻm nhỏ, nhìn thẳng ra đại lộ luôn tấp nập hàng đàn chim câu béo núc gật gù. Chỗ ấy, dưới hàng mái gạch đã lên rêu hơi nhô ra từ tầng trên của tòa nhà chếch bên tay phải là nơi mà tôi bắt đầu công việc của mình mỗi buổi sáng và ngồi đấy cho tới tận khuya.
Có lẽ vì địa điểm tôi chọn là hướng Đông – nơi mà vầng mặt trời phải quá trưa mới có thể vượt qua bóng tòa nhà mà ghé mắt tới được và mỗi buổi chiều, khi mặt trời đã đi về hướng Tây, thì ánh sáng phải đấu tranh với hàng hà sa số những tua trường xuân phủ kín góc tường để có được vài sợi hiếm hoi lọt tới chỗ tôi ngồi.
Nếu muốn kiếm sống bằng nghề này, tôi đã không chọn cái nơi thừa tối thiếu sáng ấy. Tuy nhiên, tôi có cảm giác an toàn khi ẩn mình nơi đây và quan sát cuộc sống với cây bút chì và giá vẽ. Tôi phác thảo những hàng mái ngói im lìm đã hàng trăm năm nay, những chú bồ câu hiền lành và cả những người thành Rome không quen biết lướt qua… Mười năm rồi, Roma dường như vẫn xa lạ với tôi.
Cái ngày mà tôi – con bé mười ba tuổi, nắm tay mẹ lên chuyến bay muộn rời Việt Nam, tôi đã khóc rất nhiều. Tôi để lại phía dưới đôi cánh máy bay ấy là bạn bè, là kỷ niệm, là bố, là quê hương, là cả bầu trời thơ ấu… Tôi để lại một phần con người mình ở đó. Dù cha dượng đối với mẹ con tôi rất tốt, dù những ký ức của mười năm trước đã dần nhạt nhòa, nhưng chẳng hiểu sao, giữa Roma lộng lẫy và cổ kính, tôi thấy mình vẫn luôn là một khách tha hương xa lạ. Có điều, tôi chẳng còn nước mắt để rơi.
Mẹ mất. Tôi dọn ra khỏi nhà dượng, thuê một căn phòng áp mái bằng gỗ với giá rẻ như cho và làm những việc lập dị – như cái cách mọi người vẫn bảo tôi thế.
Năm ấy tôi hai mươi tuổi.
Như tôi đã nói, không thường có người nhận ra tôi ở nơi góc hẻm tôi vẫn ngồi, nhưng đôi khi cũng có một ngoại lệ. Ví dụ như anh.
– Ơ, thì ra nơi đây có người ngồi sao?
Tôi ngước mắt lên nhìn và chạm phải ánh nhìn lạ lùng từ chàng trai đứng đối diện. Tôi biết anh ấy. Chàng trai dong dỏng cao, sở hữu đôi mắt có màu của một ly cappuccino, sáng nào cũng đi ngang chỗ tôi lúc sáu giờ rưỡi sáng, tiến thẳng tới quán cà-phê có cái tên Cappuccino phía bên kia đại lộ, đối diện tôi. Anh ngồi vào chiếc bàn cạnh cửa sổ, vừa nhâm nhi cà-phê vừa bình thản chiếu tầm mắt qua khung cửa kính, rồi lại rời quán vào lúc bảy giờ, đi ngang chỗ tôi và khuất vào những góc ngoặt đan cài phía sau. Nhưng lúc này đây, tôi giật mình đến sững sờ là vì người con trai đó, anh ta nói bằng tiếng Việt.
Mười năm rồi, thứ tiếng mẹ đẻ tưởng như đã theo ký ức về một mái ấm không trọn vẹn mà chìm vào quên lãng bỗng bất thần bật ra trên môi người con trai xa lạ, ấm áp đến lạ kỳ. Lần đầu tiên trong mười năm, tôi thấy Roma không còn giá lạnh.
– Năm mươi hai giây – chàng trai đưa mắt liếc đồng hồ, miệng nở nụ cười tinh nghịch.
– Này cô gái, cô nhìn tôi không chớp mắt đã năm mươi hai giây rồi đấy, à, giờ thì năm mươi ba.
Tôi bừng tỉnh, nhận ra anh vừa nói với tôi bằng tiếng Ý.
– Xin lỗi, có lẽ vì quý khách quá đẹp trai.
Thứ ngôn ngữ Ý trôi tuột khỏi cổ họng tôi trước khi tôi kịp suy nghĩ. Ngốc thật, tôi muốn nói với anh ấy tôi là người Việt. Chúng tôi là đồng hương. Ở Roma, người Việt chẳng có mấy ai.
– Cảm ơn… nhưng cô làm gì ở đây vậy?
Chàng trai chạm khẽ tay lên chiếc bình chạm khắc cầu kỳ tôi đặt trên bàn. Chất đồng đã ngả màu thời gian. Từng làn khói ấm áp tuôn qua các kẽ trổ nạm đá mang theo hương thơm dìu dịu của oải hương, sưởi ấm không gian.
– Bài Taro, thưa quý khách!
Tôi nhún vai đáp. Chàng trai mỉm cười. Nụ cười mang theo cả nắng ấm thành Rome.
Sau cuộc nói chuyện ấy, chàng trai vẫn đi ngang chỗ tôi mỗi sáng, nhưng anh không ghé thêm lần nào. Cũng phải, trong mắt anh, tôi chỉ là cô nàng lập dị với bộ bài Taro. Còn với tôi, chàng trai ấy là Việt Nam, là ánh nắng, là sự ấm áp.
Khung cửa sổ nơi quán cà-phê anh ngồi nhìn thẳng ra đại lộ, cũng như nhìn thẳng vào chỗ tôi. Tôi có thể quan sát anh rất rõ, còn anh nếu có tình cờ liếc mắt đến chỗ này, chắc chỉ có thể thấy những dãy trường xuân chằng chịt.
Tôi luôn tự hỏi, trong suốt nửa tiếng đồng hồ ngồi bên ly cappuccino và yên lặng nhìn ra khung cửa sổ kia, có bao giờ, dù chỉ một lần, anh nảy ra ý định đưa mắt tìm tôi? Chắc là không. Tôi bỗng thấy ghen tỵ vô cớ với những chú bồ câu béo núc. Sáng nào anh cũng nhìn chúng.
Tôi nhận ra mình yêu chàng trai Việt Nam ấy. Tình yêu đầu tiên trong suốt hai mươi ba năm qua hóa ra lại nảy sinh trong vỏn vẹn chưa đầy một phút, bởi một câu nói buột miệng bằng tiếng Việt, một nụ cười và cái nhìn vô tình chạm vào đáy mắt nâu. Trớ trêu thay, người ta gọi cái thứ tình cảm ấy của tôi là tình đơn phương.
Một buổi sáng khi đi ngang qua tôi, anh dừng lại.
– Julia, tôi có cái này cho cô.
Anh đặt xuống bàn chiếc vòng có những sợi tua bằng da với những hạt gỗ đa diện và những đồng xu cổ xâu lại ngẫu hứng. Vừa liếc qua tôi cũng biết đây là mẫu mới nhất của tập đoàn nữ trang lớn nhất Việt Nam có chi nhánh ở Rome. Tôi lắc đầu:
– Tôi không thể nhận vì nó quá đắt.
– Không sao đâu, nó hợp với Julia mà.
Tôi cúi nhìn mình phản chiếu nơi quả cầu thủy tinh, nhìn mái tóc dày, dài và hơi xoăn được tết rối với một lọn tóc tết vắt ngang qua trán, vận bộ đồ đậm chất bohemian. Nhìn tôi lôi thôi và hoang dại như một nàng digan và cũng kỳ quái cổ xưa như một ả phù thủy còn lảng vảng ở thành Rome cổ kính.
– Mỗi lần nhìn Julia, tôi lại nghĩ tới “Nàng phù thủy thành Florence”.
Tôi cúi đầu nhìn chiếc vòng, nghe giọng anh ấm áp, nhẹ nhàng như một cơn gió thoảng. Có lẽ nhìn tôi thật sự giống một cô gái Ý hơn là cô gái Việt Nam. Nếu biết tôi là người Việt, liệu anh có nói chuyện với tôi nhiều hơn chăng?
Cô đơn xa xứ là loại cô đơn ám ảnh nhất.
Quan sát anh trở thành thói quen của tôi. Chẳng hiểu sao anh lại thân thương và trở thành mối quan tâm quá mức đối với tôi đến vậy chỉ sau có hai lần nói chuyện. Rồi tôi nhận ra, ở quán Cappuccino ấy, chỉ có duy nhất một nữ nhân viên phục vụ được chỉ định mang cà-phê tới cho anh. Hình ảnh hai người trở nên mờ ảo nhạt nhòa sau ô cửa kính. Mỗi lần cô mang cà-phê tới, anh đều giữ cô lại hỏi han chuyện trò ít phút. Chỉ ít phút thôi nhưng tôi đã phát điên lên. Anh nói với cô ấy mỗi buổi sáng còn nhiều hơn cả hai cuộc nói chuyện với tôi gộp lại. Tôi vô thức nắm chặt chiếc vòng tay. Những hạt gỗ đa diện đâm vào lòng bàn tay đau nhói.
Tôi bước vào Cappuccino một buổi sáng sau khi anh vừa rời khỏi và nhìn thấy cô sau quầy, đang chăm chút vẽ một hình trái tim lên tách cappuccino nóng hổi. Tôi gọi một tách cappuccino và tiến về bàn nơi anh vừa ngồi, đặt mình vào vị trí của anh. Từ khung cửa sổ này, đại lộ trải rộng ra xa với những tòa nhà gạch màu bã trầu đặc trưng cổ kính, những chú bồ câu mũm mĩm chậm rãi dạo bước…
Từ nơi tôi ngồi, tôi có thể nghe thấy tiếng gù của những con bồ câu hiền lành. Từ nơi anh ngồi, thế giới thật câm lặng. Từ nơi tôi ngồi, tôi có thể thấy anh thật rõ. Từ nơi anh ngồi, vị trí của tôi chỉ là một lùm dây leo già cỗi lòa xòa, xấu xí và buồn tẻ.
Tôi chợt nhận ra, khoảng cách giữa tôi và anh không chỉ là khoảng cách từ phía bên này đến bên kia đại lộ, cũng không là khoảng cách của người bên trong và bên ngoài tấm kính. Nó xa hơn, sâu hơn.
– Cà-phê của quý khách đây ạ.
Tôi ngước nhìn người con gái mang cà-phê tới. Một khuôn mặt rất Việt Nam. Tôi ngay lập tức nhận ra cô là người Việt mà chẳng cần nhìn tới cái bảng tên Bảo An trên ngực áo. Thì ra điều anh tìm kiếm là gương mặt đậm nét Việt Nam này, là sự thân thương đến nao lòng này. Còn tôi với anh thì là “nàng phù thủy thành Florence”.
Anh vẫn đi ngang tôi mỗi buổi sáng, đều đặn. Anh đến với Cappuccino như một sở thích. Tôi cho rằng như thế. Rồi tôi nhận ra, anh tới đó vì đang chờ đợi. Giống như lúc này đây, anh đang đứng chờ cô trước cửa quán. Lưng tựa vào tường, hai tay khoanh lại, mắt nhìn ra con đường, im lặng, kiên nhẫn.
Nếu từ trước đến giờ, đâu đó có người chờ tôi như vậy, thì tôi có lạc lõng thế này?
Khi anh nắm tay An chạy tới đài phun nước Fontana del Nettuno, tim tôi như hụt mất một nhịp. Tôi luống cuống theo sau họ. Trong lúc vội vã, tay tôi gạt phải bộ bài. Một lá bài nhẹ nhàng đáp xuống bên chân. Tôi nhặt lên, nhìn như thôi miên vào lá “The lover” trên tay trong tư thế ngược chiều.
Lẽ nào là… định mệnh?
Tôi thu người ở một góc tường, nhìn anh đặt vào tay An lon cà-phê đã được hâm nóng cẩn thận, chợt thấy những đầu ngón tay trở nên tê buốt. Góc tường chắn hết chút ánh nắng yếu ớt, không gian trở nên giá lạnh. Tôi thu người trong chiếc áo khoác bản rộng, giấu đôi tay lạnh cóng vào áo. Đôi tay giá lạnh có thể dễ dàng sưởi ấm, trái tim lạnh giá biết phải làm sao? Vậy là hết. Một trò chơi mà tôi đã thua ngay từ khi chưa bắt đầu. Yêu một chàng trai mà trái tim đã lấp đầy bóng hình một người con gái khác chính
là khờ dại, đau khổ và tuyệt vọng nhất. Tôi quệt nước mắt, lặng lẽ quay lưng, nước mắt không ngừng rơi.
Sáng hôm sau, An không đến Cappuccino nữa. Hôm ấy, anh ngồi lại quán cả ngày. Hôm sau, rồi hôm sau nữa, anh không trở lại.
Tôi thậm chí chưa kịp hỏi tên anh. Chàng trai ấy bước vào cuộc sống của tôi như một vệt nắng, rồi lặng lẽ bước ra như nắng tắt cuối ngày. Tôi không thể tiếp tục ngồi lại dưới tán trường xuân nhìn sang khung cửa kính không còn hình dáng anh nữa. Trở về
nhà dượng, làm thiết kế viên cho công ty của dượng như những gì mẹ mong mỏi.
Tôi nghĩ tôi biết lý do kéo anh lại gần An hơn là lại gần tôi. Anh biết cô ấy là người Việt. Mối quan hệ đồng hương khiến cô ấy trở nên gần gũi. Nếu trong lần đầu tiên gặp mặt, tôi không buột miệng ra cái tên Julia dượng vẫn gọi, thì anh sẽ biết tôi cũng là người
Việt và tôi cũng như anh, đang nhớ Việt Nam đến quay quắt, chết dần chết mòn. Như thế, liệu tôi có chút cơ hội nào với anh không?
Đúng vậy, tôi chưa từng có dịp nói cho anh biết, tôi chỉ là một cô gái nhỏ tên Mai Vy, tôi chưa từng là Julia.
Trong suốt những tháng ngày cùng chung một bầu trời thành Rome, cùng hít thở một bầu không khí, tôi vẫn chưa từng biết tên anh, cũng như anh chưa từng thực sự biết tên tôi.
Anh đi, nắng ấm thành Rome cũng theo anh mà rời xa tôi, anh có bao giờ biết không?
Truyện ngắn của Tiêu Dao – Theo Tiếp Thị Gia Đình