Trong cơn bão

Nhờ cơn bão dữ đe dọa quét qua thành phố mà Di nhận ra mình cần gia đình đến nhường nào và những giận hờn của mình thật trẻ con... – Truyện ngắn của Huyền My

 

Hôm đó là thứ Hai nên Di chẳng dám nhờ ai đến phụ. Người ta còn phải đi làm kiếm cơm, thời buổi khó khăn, làm sao có thể khơi khơi nhờ vả được. Cũng tại má bảo: Để qua đầu tuần, mọi người đi làm hết, lối xóm đỡ dị nghị. Lấy quyền gì để mà dị nghị? Mình sống cho mình hay cho hàng xóm mà phải quan tâm tới thiên hạ xì xầm? Mà thật ra, Di đã làm gì sai kia chứ?

Di thật sự muốn nói với má những câu hỏi dằn hắt đang bật ra trong đầu mình lúc đó nhưng rồi Di gắng ghìm lại. Có cần thiết nữa hay không? Khi Di loay hoay lên xuống gom góp vài thứ còn sót lại trong nhà, đầu vẫn còn bưng bưng với ý nghĩ, có thật sự phải dọn đi hay không nhỉ?

Nghĩ và quyết định thì đơn giản lắm, nhưng đến lúc làm thì quả là không dễ chút nào. Phòng đã đặt tiền cọc. Xe tải chuyên chở đã thuê. Đồ đạc đã được gom vào từng thùng. Gối ôm và gấu bông được dồn vào những cái bịch ni-lông lớn, cột chặt, cất lên đầu tủ. Vài món đồ nhà bếp như bát đũa, ly tách đã kịp “chôm” và bỏ vào mớ hành lý chuẩn bị dời nhà.

Mặt má lạnh tanh, như lẽ thường vẫn thế trong những tình huống tương tự. Má lúc nào mà chả lạnh lùng với Di. Chỉ ngọt ngào với ai kia thôi còn với Di, hễ mở miệng ra là má cáu gắt, khó chịu. Di dọn ra ngoài sống cho xong. Chịu đựng nhau chừng ấy là kiên nhẫn lắm rồi.

Đó là những suy nghĩ lên gân của Di lúc hùng hục phụ người lái xe tải khuân những thùng đồ lên rồi quần quật mang vô căn phòng thuê của mình. Mi mắt của Di nằng nặng nhưng Di cố gượng lại. Không có gì phải khóc lóc. Ngay cả cảm giác tủi thân và đôi chút hoang mang, lo lắng cũng bị Di xua vội đi không thương tiếc. Ở trong lòng Di chẳng có chỗ dành cho những cảm xúc ngớ ngẩn kiểu ấy.

Nơi ở mới của Di là một căn hộ chung cư hai phòng ngủ. Di ở phòng nhỏ, phòng bên kia là của một gia đình có vài người. Phòng khách, bếp và nhà vệ sinh sử dụng chung. Phí gửi xe này nọ nữa, cũng nhiều. Nhưng thôi, cố một chút.

Chiều tối, bạn bè cũng có đứa ghé qua phụ Di chút đỉnh, rồi cũng tạm ổn hết. Khi Di mệt nhoài, tắm xong và nằm lăn trên giường sau cả ngày đầy xáo trộn, Di mới chợt nhớ ra và bỗng dưng muốn nhắn tin cho chị hai.

hoavan_truyen

Chị hai lớn hơn Di sáu tuổi. Chỉ sáu tuổi thôi, mà chị có tất cả. Chồng, hai đứa con, một trai một gái, nhà cửa đàng hoàng chính chủ, công việc ổn định, một cái nghề để sống đủ đầy. Những thứ vừa được liệt kê này, Di hoàn toàn chẳng sở hữu cái gì tương tự cả. Cuộc sống vì đâu mà đầy rẫy những bất công như thế này? Thậm chí, có lần chị nửa đùa nửa thật bảo: Hồi bằng tuổi Di bây giờ, chị đã có một đứa con và một khoản kha khá ở ngân hàng rồi, sao em cứ mãi lẹt đẹt thế này, hở Di?

Tin nhắn không có hồi âm gì đáng kể ngoài một câu vô thưởng vô phạt: Chị có nghe má nói. Vậy thôi. Chị không buồn hỏi Di dọn đi đâu, sống chết no đói thế nào. Di cũng biết là chị hai bận, cuộc sống không phải dễ dàng gì. Nhưng Di là đứa em gái duy nhất của chị, chị hai có nhất thiết phải hà tiện với Di đến cả một câu hỏi thăm hay không nhỉ?

Nhà Di có bốn người, anh và em trai Di cũng đã có vợ. Tất cả sống trong căn nhà cả đời tích góp mẹ mới xây được. Nhà không rộng lắm, nhưng đẹp đẽ và tươm tất so với những nơi chốn thuê trọ cả gia đình từng trải qua. Thế nhưng, cuộc sống mới trong ngôi nhà đó lại chẳng ấm áp và bình yên như thuở ở trọ chút nào.

Vợ thằng út nhỏ hơn Di vài tuổi, trẻ đẹp và tiểu thư. Di thấy ngứa mắt quá. Chị dâu của Di lầm lì ít nói, Di làm gì cũng có cảm giác vụng về, hậu đậu trước chị. Ngay cả má cũng hay khen rằng: Trạc tuổi nhau mà con Thảo nó chín chắn điềm đạm hơn con Di nhà mình biết bao nhiêu. Thảo là tên của chị dâu. Di tự dưng trở nên cáu kỉnh, thô lỗ với chị một cách vô thức, như một cách tự bảo vệ mình. Má làm gì cũng sợ thằng út nó buồn, sợ con Thảo nó cười. Sợ hai đứa con dâu không vừa lòng. Sợ thiên hạ dòm ngó, bình luận. Sợ gia đình sui gia nghĩ này nghĩ nọ…

Má lo nhiều quá, có bao giờ má nghĩ đến cảm giác của Di hay không? Trong nhà hình như chẳng còn chỗ cho Di. Dù căn phòng má dành cho đứa con gái ế cũng đủ để Di thoải mái mỗi tối trở về nhà, nhưng Di cảm giác, mình không còn thuộc về nơi chốn này nữa rồi. Những trận cãi vã nho nhỏ xoay quanh áo quần bị rút sót khi mưa đổ xuống, về rác chưa kịp đổ mà chẳng thấy ai động tay động chân, về hoa trái Di mua cho má, chưa kịp ăn thì đã hết… đã đẩy mối quan hệ ruột rà trở nên căng thẳng, khó chịu.

Chị hai qua chơi, bật khóc bảo: Hồi xưa ở trọ chật hẹp mà lại thấy hạnh phúc. Di quay mặt đi, khó chịu với ý nghĩ: Bà thì chỉ được mỗi cái mau nước mắt. Chẳng phải vậy sao, hồi xưa trong căn phòng trọ hẹp đầy mùi thức ăn má nấu. Nóng đó, ngộp đó, nhưng chị em nhường nhau, má vui vẻ nhìn đám con xì xụp chan húp mà vui.

Nhà đẹp và rộng, nhưng mọi người dường như chẳng kịp tận hưởng. Đàn bà con gái bận hơn thua, tị nạnh. Đàn ông cáu bẳn, khó chịu bởi tiếng mấy đứa trẻ nheo nhéo khóc. Xa gần thì thầm trong bếp trong sân rằng: Di gái ế, khó chịu, bà cô. Có ai chịu tìm hiểu đâu mà biết, Di co rút lại sau mấy đợt đổi việc mà cũng chưa thấy đâu vào đâu. Những ngày xấc bấc xang bang chạy ngoài đường toàn nắng với bụi mà tiền thì chẳng kiếm được đồng nào.

hoavan_truyen

Má dường như “sợ” con dâu một cách quá đáng. Cả ngày loanh quanh chăm cháu, hầu hạ cơm nước. Di đi thì thôi, về đến nhà là thấy chướng mắt. Con dâu thời này sao mà sướng thật. Di chạnh lòng nhớ đến lời má đã tâm sự với chị hai rằng: Di vô tâm, ích kỷ, nếu thương má thì phụ má một tay, không thì thôi, sao lại bắt bẻ chị em dâu trong nhà cho gia đình thêm xào xáo mất vui. Ôi má! Di là đứa con gái xấu xa đáng ghét đến như vậy ư?

Đêm đầu tiên trong căn phòng lạ, Di mất ngủ. Di gọi cho chị hai, lần này cương quyết đợi chị nói chuyện. Dù chị hai có bận thế nào, thì cũng phải dành cho Di chút thời gian chứ.

– Chị thấy không có vấn đề gì. Quan trọng là mình dọn ra khỏi nhà với tâm thế như thế nào. Để tiện đường đi làm hơn, thay đổi môi trường, tìm kiếm một cơ duyên mới chẳng hạn. Điều đó khác hẳn với việc mình dọn ra để dằn mặt, giận dỗi ai đó. Em có nghĩ như vậy không?

Di đưa tay lên quệt giọt nước lăn ngang mắt, buồn cười với ý nghĩ: Ừ thì… chỉ hơn Di sáu tuổi thôi, nhưng chị hai quả đúng là chị hai. Di chợt nhớ có lần chị hai bảo: Không phải tự dưng mà chị có được cái này cái nọ đâu Di. Chị cũng vất vả lắm, đi làm ở đâu mà chẳng phải nhịn. Đừng đòi hỏi người ta phải làm gì cho mình, khi bản thân mình chẳng làm được gì cho người khác. Lúc ấy, Di đã bĩu môi cho rằng, vì chị hai thành công, nên chị nói cái gì mà chẳng được.

Di chưa bao giờ ở trọ bên ngoài một mình. Nay dọn đi mới thấy đời không đơn giản như mình nghĩ. Tiền phòng, tiền điện, tiền nước đến liền liền. Mọi thứ từ cuộn giấy vệ sinh cho tới cây tăm, gói mì đều phải đi mua. Lo cho cái guồng cuộc sống xoay được bình thường đã đủ hết hơi, nói chi đến học thêm, mở rộng mối quan hệ hay chăm sóc bản thân gì nữa.

hoavan_truyen

Thành phố những ngày mưa tơi tả. Di bơi trong những vũng nước ngập hơn nửa bánh xe, bò về đến phòng thì cảm giác như thể kiệt sức. Không ai hỏi han làm phiền gì. Cứ một mình một giường tha hồ mà lăn trở. Di nghĩ, má ngủ một mình, đêm hôm chắc cũng thui thủi như Di.

Giọng má trong điện thoại nghe hơi run: Bão vào thành phố, về nhà liền đi con. Má khéo lo chứ Sài Gòn làm gì có cơn bão nào nguy hiểm đâu. Má bảo: Hồi nãy anh rể đã mang qua nhà một ít đồ khô và nến. Chị hai mày chu đáo gửi cho. Di nhấm nhẳng trả lời: Ừ, nhà đã có tay chị hai với hai bà con dâu lo rồi. Má yên tâm nhé.

Chiều hôm ấy, công sở nhốn nháo vì tin bão. Tự dưng Di thấy mình giống như chẳng thân chẳng thích gì ở cái thành phố này.

Cái bụng Di cũng ăn theo cơn bão, cứ âm ỉ đau như thể trúng thực hay tới tháng không bằng. Má lại gọi điện thoại, thấy Di than, má kêu: Người thì hay đau ốm, trời lại mưa bão, về đây ăn bữa cơm và tránh bão. Di lừng khừng rồi cũng: Dạ!

Cảm giác nao nao khi Di bon bon giữa bao xe cộ hối hả của một chiều không gió, trở về nhà. Thành phố lặng thinh, tưởng chừng như đang chờ đón một cơn bão vô cùng hung hãn sắp tràn ngang qua vậy.

Di nằm bẹp trong phòng sau gần chục lần đi ra đi vô nhà vệ sinh. Từ bé đến giờ ăn cơm má nấu, Di thấy cũng thường thôi, không có gì đặc biệt. Giờ không được ăn nữa, chẳng lẽ lại thú nhận với chính mình rằng: Di nhớ những bữa cơm đơn giản ngày xưa đến xót lòng, nhất là những tối trở về căn phòng trọ, lặng lẽ mở hộp cơm bụi mua ngoài phố. Di nhớ cảm giác háo hức lật cái lồng bàn má để phần thức ăn cho mình đến quay quắt. Mà Di hồi nào giờ đâu có ủy mị ngớ ngẩn vậy đâu nè.

Má nấu cháo thịt bằm cho Di chỉ có gạo, thịt và ít củ gừng, hạt tiêu, nêm thêm nhiều hành lá, tía tô cho ấm. Mồ hôi mẹ mồ hôi con ở đâu vã ra như tắm sau vài thìa. Có giọt mồ hôi từ trán rơi xuống, vướng ngang chân mày, đọng lại trên đuôi mắt. Di luống cuống lau. Ăn xong tô cháo, Di thấy lòng nhẹ nhõm hẳn. Con em dâu thập thò ở cửa phòng, trên tay là ly nước cam. Di nở với nó nụ cười hiếm hoi của bà chị chồng, gái già khó chịu. Chỉ vậy thôi, mà nét mặt lo âu của nó như vừa giãn ra, lạ kỳ.

Di quờ tay lấy điện thoại, tìm số của chủ phòng trọ. Mới dọn vô ở chưa bao lâu mà bảo trả phòng, liệu có kỳ không nhỉ?

Ngoài kia, mưa gió vẫn ngang nhiên giật đùng đùng.

Truyện ngắn của Huyền My – Theo Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua