Xe bắt đầu rời bến, những tiếng ồn ào huyên náo lắng dần. Mọi người thu xếp hành lý, sửa soạn chỗ ngồi, chọn tư thế thoải mái nhất, chuẩn bị cho chuyến đi hàng trăm cây số. Giờ này chắc vợ và con gái anh đã về. Anh có thể hình dung được khuôn mặt vợ khi đọc những dòng chữ anh viết vội: cặp mày châu lại, đôi môi mím chặt, Thu sẽ xé vụn lá thư, sẽ đi đi lại lại trong phòng, sẽ nói với bé Thy bằng những câu hờn mát mà một đứa trẻ lên bốn không thể hiểu được. Và tối đến, Thu sẽ khóc cả đêm, tỉ tê, cách khóc mà lúc mới cưới luôn làm anh ray rứt, sau thấy bực bội và cuối cùng là mặc kệ. Thu có khóc ướt gối anh vẫn ngủ ngon.
Suy cho cùng thì Thu không có lỗi gì với anh, có chăng là Thu quá yêu anh, quá nuông chiều và lo lắng cho anh, trong khi anh đối với Thu thờ ơ, lạnh nhạt. Anh cưới Thu không vì tình yêu, biết thế nhưng Thu vẫn chấp nhận và hy vọng đến một lúc nào đó anh sẽ yêu mình. Đôi lúc anh cảm thấy mình quá đáng, cũng thấy xấu hổ và ân hận về sự vô tâm của mình, nhưng tình yêu quá lớn của Thu, nỗi sợ hãi khi thiếu vắng anh của Thu làm cho anh nguôi ngoai rằng như thế là đã đem lại hạnh phúc cho Thu. Anh vô tư hưởng thụ tất cả sự thương yêu, chăm sóc của Thu mà không nghĩ rằng mình phải đáp trả. Anh để mặc Thu vun vén gia đình, mặc Thu với những hờn tủi rất đàn bà. Còn anh có một thế giới riêng để mà nhung nhớ, mà hạnh phúc.
Điện thoại reo lên từng hồi, vài người ngồi bên tỉnh giấc, lơ mơ nhìn rồi lại tiếp tục ngủ. Số của Thu, anh khóa máy, đưa mắt nhìn ra ngoài. Ráng chiều phủ lên cánh đồng lúa Phú Yên đang thì con gái một màu đỏ sẫm, vài cánh cò trắng dập dìu như nét chấm phá trong bức tranh quê tuyệt đẹp.
Anh nghe thoang thoảng mùi bùn đất bao năm xa cách. Anh nhớ đến Thân với với đôi mắt thơ ngây và suối tóc dài óng ả. Thuở ấy, mỗi chiều chăn trâu về, anh thường men theo bờ đê, dúi vào đôi tay lấm lem bùn của Thân những quả sim dại. Tối đến hai đứa trốn nhà ra đồng đếm sao, cứ thế hết đêm này qua đêm khác. Rồi những đêm trăng bên triền cỏ Thân đọc cho anh nghe những bài thơ êm đềm, giọng Thân ngọt ngào trong sáng, mùi lúa non thơm lựng quyện với hương tóc thôn dã của Thân làm anh ngây ngất, để rồi ngần ấy năm mùi hương ấy quấn quýt lấy anh, ám ảnh anh mãi không thôi.
Anh còn nhớ hôm nhận được tin Thân lấy chồng, anh đau đớn biết dường nào. Anh uống say mềm, say đến nỗi nhìn Thu ra Thân, cũng mái tóc dài, cũng dáng người nho nhỏ, anh ôm chầm lấy Thu mà vồ vập, ngấu nghiến. Khi tỉnh cơn say, anh không thấy Thu đâu, chỉ mảnh giấy nhỏ đập vào mắt: “Anh cứ khóc, nhưng khóc xong thì hãy sống cho hiện tại”. Thu nói đúng, anh phải sống cho hiện tại và tương lai, chẳng phải anh vì công danh mà rời xa Thân đó sao? Rồi anh lao vào công việc, tình yêu dành cho Thân được chôn kín, bao bọc bởi bổn phận và trách nhiệm gia đình. Thế nhưng, trong sâu thẳm tim anh, tình yêu ấy vẫn âm ỉ cháy, nó làm cho cuộc sống của anh vô vị, làm anh có cảm giác như đang ở trọ trong chính ngôi nhà của mình mà không cách gì thoát ra được.
Và có lẽ sẽ mãi như vậy nếu chiều qua anh không gặp lại Tâm, không nghe cuộc sống hiện tại của Thân. Như giọt nước tràn ly, những dồn nén tình cảm trỗi dậy, xé tan lớp vỏ bọc mà bấy lâu anh cố giữ. Anh không thể ngăn nỗi khao khát được trở về quê gặp Thân, nhất là trong lúc này Thân đang một mình đối chọi với khó khăn trong khi anh ung dung, đầy đủ.
Anh đứng rất lâu trước cổng dâm bụt xanh um điểm vài bông hoa đỏ. Bên trong là căn nhà nửa lá nửa tôn nằm chơ vơ, buồn bã giữa hai đám mía chạy dài hai bên. Mải nhìn ngôi nhà, anh không để ý đến một bé gái độ tám tuổi, tay cầm khúc mía ăn dở nhìn anh tò mò. Thấy anh không hỏi, nó lên tiếng:
– Chú tìm ai? – Đôi mắt đen láy và sống mũi thanh tú, mái tóc mỏng manh ôm lấy khuôn mặt xanh xao. Hình ảnh ấy làm tim anh thắt lại, không thể lầm lẫn.
– Mẹ Thân con đâu?
Đứa bé nhìn anh dò xét, rồi đi vào trong, anh vào theo. Cái bàn gỗ cũ kỹ, cái phản nhẵn thín, phía bên trái có cái nôi cũ, vài vật dụng rơi vãi… tất cả nói lên sự nghèo khó và cẩu thả. Đứng ngay cửa nhà trên anh thấy luôn phía nhà dưới. Người phụ nữ đang loay hoay với mớ rau lang, quần ống thấp ống cao, áo loang vết bẩn, mái tóc rối bù. Nghe đứa bé gọi: “Mẹ ơi”, người phụ nữ ấy quay lại. Anh sững sờ: “Thân của anh đấy ư?”.
– …Nói mang tội với chồng con, chứ anh ấy bỏ đi em còn đỡ khổ hơn, người gì suốt ngày đàn đúm rượu chè. – Thân vừa kể vừa đưa năm ngón tay làm lược vuốt mái tóc rồi vấn chúng thành một búi hết sức tự nhiên.
– Anh đi được hơn năm thì em lấy anh ấy. Nào ngờ lại lấy phải người không ra gì, của cải cha mẹ để lại có ít ruộng vườn anh ấy cũng bán sạch để nhậu nhẹt.
Anh đưa ly nước chè lên uống, cố sắp xếp lại những xáo trộn đang diễn ra. Những tình huống anh cố hình dung, những câu nói anh sắp xếp sẵn trên chuyến xe dường như không cần thiết nữa. Có lẽ với Thân, anh giờ như người bạn lâu ngày gặp cần thông tin cho nhau chứ nếu Thân nghĩ về anh như bấy lâu nay anh nghĩ về Thân thì cô ấy sẽ không tự nhiên như thế.
Đứa bé thức giấc khóc ré lên, Thân ôm con vỗ vỗ, đứa bé vẫn không nín.
– Chắc là đói rồi! – Thân vừa nói vừa ngồi trên phản, quay lưng lại phía anh, vạch áo cho con bú rồi nói tiếp:
– Em sinh nó được vài tháng thì anh ấy bỏ đi. Nó còn hai chị nữa, đứa anh thấy hồi nãy là chị cả, đứa kế mẹ em nuôi giúp, toàn con gái nên hắn càng có cớ kiếm chuyện.
– Miệng nói, tay Thân lôi tuột cái quần ướt ra khỏi đứa bé, giọng xoe xóe gọi:
– Cái lớn vào trông em này.
– Thân ở nhà trông con à?
– Giữ con thì lấy gì nuôi cả nhà, em đầu tắt mặt tối có thì giờ đâu.
– Thế nội bé đâu?
– Ối dào, từ ngày hắn bỏ đi có ai thèm qua đây đâu. Có hôm em sai cháu qua mượn đấu gạo còn chì chiết nặng nhẹ nữa là. Mà thôi không nói chuyện em nữa, nghe nói anh lúc này khá lắm, vợ đẹp con ngoan phải không? Anh đi vậy mà hay chứ cắm mãi đất này ngóc đầu lên không nổi anh ạ.
Thân còn nói nhiều nữa như thể lâu lắm rồi mới có người nghe mình, anh chăm chú nghe, lâu lâu góp vào vài câu. Có cái gì đó đang đổ vỡ trong anh, Thân của anh ngày xưa không nói nhiều cũng không có cái kiểu vừa nói vừa trề môi háy mắt như thế. Thời gian làm thay đổi mọi thứ hay là anh tự vẽ lên một hình ảnh và hàng ngày tô son điểm phấn để rồi khi đối diện với thực tại lại quá ư khập khiễng?
Anh ấp úng gợi chuyện xưa:
– Chắc Thân còn giận anh lắm…
Thân hơi ngẩn ngơ, câu nói của anh có vẻ như không ăn nhập gì với những chuyện Thân vừa nói, nhưng rồi như hiểu ra, Thân cười, nụ cười thờ ơ và gượng gạo:
– Chuyện xa lắc xa lơ, em quên rồi, cơm áo gạo tiền, thời gian đâu mà nghĩ anh?
Anh ngẩn người. Thân nhìn anh biết mình lỡ lời, vội rót nước xởi lởi hỏi thăm chuyện khác. Ai đó bên nhà hàng xóm cho lợn ăn trưa, tiếng ồn vọng sang làm đàn lợn bên nhà Thân kêu inh ỏi, Thân vội đứng lên:
– Thôi chết em phải cho đàn lợn ăn, anh chờ em tí. Lâu quá mới gặp, trưa nay thế nào anh cũng dùng cơm với mẹ con em đấy.
Anh khéo léo từ chối, rồi đứng lên nắm lấy bàn tay chai sần của Thân:
– Gặp lại em thế này là tốt lắm rồi, giờ anh phải đi.
Anh định nói: “Anh về đây cốt là để gặp em”, nhưng rồi lại thôi.
Anh dừng lại bóng cây ven đường, châm điếu thuốc. Kỳ lạ thay anh thấy nhẹ nhàng, mọi sự xáo trộn trong lòng lắng xuống. Phải chăng những gì anh vừa thấy đã xóa đi hình ảnh người phụ nữ ngự trị trong tim anh bấy lâu? Cô gái trong anh chỉ là ảo ảnh do anh dựng nên rồi tự làm khổ mình, làm khổ Thu. Đột nhiên anh thấy nhớ Thu kinh khủng và chắc là Thu buồn anh lắm. Anh bước nhanh ra bến xe, anh muốn trở về nhà, giờ anh mới thấy mình còn có một gia đình để quan tâm, chăm sóc. Anh sẽ kể cho Thu nghe tất cả, sẽ nghe Thu trách móc và hờn dỗi nhưng anh biết Thu sẽ đồng ý với anh giúp Thân trong lúc khốn khó này. Giọng Thu reo vui mà như trẻ con khóc bên kia đầu dây làm anh ấm áp: “Mai em ra bến xe đón anh nhé!”.
HOÀI THU
Mục Truyện ngắn / Tiếp Thị Gia Đình