Thị dân

Chị đã chán ngán cảnh rày đây mai đó. Chị muốn ổn định để thằng con được ăn học đến nơi đến chốn, nhưng chị biết để thành thị dân không phải dễ... − Truyện ngắn của Trần Huyền Trang

Nhiều lần chị cũng mơ mình trở thành cô gái thành thị, trắng da dài tóc

Chuyến ăn hàng kỳ này kéo dài hơn một tuần, tính cả bận đi và bận về. Ngặt nỗi, thằng con đang tuổi học, cứ quắp nó theo cái ghe hàng rày đây mai đó, anh e con chữ cũng có lúc rớt hết xuống sông. Đã có lúc chị cũng đánh tiếng với anh, đại ý là kiếm chỗ nào đó cắm dùi, cho thằng nhỏ có nơi yên ổn ăn học. Đời nó không thể tiếp tục như miếng bọt sóng trôi nổi trên mặt nước rồi bị đánh tan tành hồi nào không hay. Đời cha mẹ nó đã quá khổ cực rồi.

Chị gạn nước sạch vo cơm, rồi trút thứ nước đục như váng sữa đó vào thau rửa chén. Nước sạch quý lắm. Mỗi lần cập bến kênh Đen ăn hàng, chị phải tranh thủ mua mấy thùng nước sạch lên ghe dự trữ. Có khi cả tuần chị chỉ dám tắm qua loa. Đến nỗi không dám dùng sữa tắm hoặc xà bông vì có nhiều bọt, tốn nhiều nước. Bà chủ hàng trong khu chợ, nơi vợ chồng chị lấy hàng hóa rồi chở về phân phối khắp các tỉnh miền Tây, vẫn đon đả khen chị có nước da giòn tan, không như bà, dân thành phố mà da dẻ cứ chỗ nhạt chỗ thâm như da thằn lằn. Chị cười nắc nẻ:

– Trời ơi, thời buổi giờ người ta đua nhau tắm trắng, chỉ có chị là khen nước da bánh mật của em đó nghen.

Bà chủ hàng nháy mắt ti hí, cười cợt:

– Ủa, mà chồng em hổng thích vậy hả?

Chị bẽn lẽn, kéo nón lá ụp lên đầu, kề vai khiêng nốt lô hàng xuống ghe:

– Em hổng biết! Ảnh có bao giờ khen chê ai cái gì đâu chị.

– Cái thằng, vợ đẹp vậy mà không dám khen một tiếng cho hả dạ! Tính để thằng khác khen hả trời?

Chiều sụp xuống nơi thị thành nhanh không kịp ngó. Thoắt cái đã thấy phố xá lên đèn, tiếng còi xe hối hả thúc giục trên đường. Những gương mặt nhàu nhĩ đổ ra từ sở làm. Phụ nữ áo váy xúng xính nhưng mắt thì dáo dác ngó quanh xem trên đường có chỗ nào tiện thể ghé qua mua mớ dưa cà, thịt cá cho bữa tối. Chị chợt thấy sao mà họ giỏi vậy, vừa kiếm tiền giỏi vừa khéo nuôi con, chăm chồng.

Chị cũng khéo chăm chồng, nuôi con, nhưng chị chưa bao giờ được cầm thẻ ngân hàng đi rút tiền hàng tháng với vẻ mặt hớn hở, thảnh thơi như bọn họ. Có tiền nên phụ nữ ở đây ai cũng đẹp, mười phân vẹn mười. Chị cứ ngẩn ngơ trước những khuôn mặt phấn son mịn màng, suýt chết ngất với mùi nước hoa thoảng ra từ những người khách hàng sang trọng của bà chủ hàng, mê mẩn đắm đuối trước lọn tóc xoăn mềm nhuộm chút màu hạt dẻ đầy ma lực. Đến cái dáng đi uyển chuyển trên đôi giày cao gót da bóng cũng khiến chị nuốt nước bọt. Rồi chị bật cười nghĩ đến cảnh mình mang đôi giày cao lênh khênh, điệu đàng lắc hông bước lên tấm ván. Không chừng, đàn ông trên cái kênh Đen này thọt mắt hết chứ chẳng chơi.

hoavan_truyen

Anh thọc đũa vô chén, vít miếng cơm lên mà nuốt không trôi. Chị vẫn im lặng. Anh biết rõ tính vợ mình, đã muốn thứ gì thì phải làm bằng được. Nhưng lần này ước muốn của vợ đâu phải chỉ là đôi bông tai hay cặp cà rá đính ngọc bích như hồi mới cưới. Thằng con nay phổng phao rồi, ước muốn của vợ cũng tăng theo đà trổ mã, nhổ giò của nó.

– Em chán cái cảnh rày đây mai đó lắm rồi. Mình rứt khỏi sông nước thử đi anh. Thằng Tý phải biết chạy xe như người ta, chứ suốt ngày bì bõm trên sông nước, tội nó.

– Vậy thì mua cái xe cho thằng Tý. Nhưng tiền học năm nay chắc phải trễ hơn à nha, không thể một lúc có cả hai thứ được, tiền chứ đâu phải lá mít.

Thằng Tý có cái xe. Nó lơi dần việc giúp ba khuân hàng lên ghe. Nó còn phải sang nhà ông chủ bán nước máy ở khu này để thằng con ổng tập cho nó chạy xe, hôm bữa đi lấy nước ổng đã hứa với nó. Như mọi đứa con nít mới biết chạy xe trên đời này, người thằng nhỏ cũng kịp in vài vết tích ở khắp đầu gối, khuỷu tay, mông má… Trong khi mẹ nó bôi ô-xy già lên vết thương, ra vẻ hối hận “Tại mẹ hết” thì nó khoái lắm, nói vọng ra sau:

– Cha, con biết đạp xe rồi đó nha. Mai mốt con chở cha đi vòng vòng Sài Gòn cho biết với người ta nha.

– Tổ cha mày, nói hay dữ! Mày làm như cha mày không biết Sài Gòn hả mậy? Hổng biết sao tao đèo hai mẹ con mày lên tới đây hả?

Nó cười khì khì, nhìn mớ bọt ô-xy già phun xèo xèo trên vết thương.

– Vậy để con chở mẹ đi cho biết.

Cái giấc mơ được xúng xính áo quần, đi giày cao gót, chạy xe máy thỉnh thoảng vẫn hiện trong đầu chị

Thằng Tý nói vậy, rồi bắt chị leo lên yên xe, hai tay bấu chặt be sườn của nó. Hai mẹ con đi tới chiều tối, trời đổ mưa ầm ầm mới chịu về bến. Anh nhăn nhó:

– Tưởng hai mẹ con mày đi Mỹ luôn chớ.

Chị bụm miệng cười:

– Mỹ gì mình ơi! Mẹ con em đi lạc. May gặp anh Tư nước máy đi công chuyện trên đường nên ổng đưa về nè. Hổng gặp ổng chắc hai mẹ con em đi tới sáng luôn á.

Anh quắc mắt:

– Đó, còn tài lanh nữa không? Ở đây có phải như dưới quê đâu mà hở ra là đòi đi.

Chị quây tấm màn, thay vội bộ đồ ướt sũng ra, giọng vẫn đầy háo hức:

– Mai mốt em phải đi thường xuyên cho quen mình ơi! Mang tiếng dân thương hồ mà không rành đường sá, nhục chết.

Anh châm điếu thuốc, giọng hằn lên:

– Nhục mà chết gì! Đói mới chết!

Bữa nay, chị nói bà chủ hàng lấy cho mình chai sữa dê với chai dầu gội bạc hà mát lạnh. Bà chủ nháy mắt ẩn ý:

– Tắm sữa dê da trắng sáng đẹp lắm đó em! Chị có nhiều loại, em cứ lấy xài thử, hợp loại nào thì chị để rẻ cho xài.

Gò má chị thoáng chốc tê rần:

– Không chị! Em lấy hàng về cho khách dưới quê, nếu được lần sau em lấy về bán.

– Vậy hả? Vậy tốt quá!

Bà chủ bỏ lửng câu nói, làm chị cứ suy nghĩ hoài, như có đám rong rêu quấn quanh đầu chị, không có mối gỡ. Hai gò má chị đang tê rần, nhưng chắc da chị đen nên có đỏ mặt cũng không ai biết. Chị mong là không ai biết.

20150225_truyenngan_thidan-1

Buổi tối, anh thấy chai sữa tắm nằm chễm chệ trên đầu nằm, nốc một chung rượu đánh khẹt:

– Cha, bữa nay có tiền mua nước để tắm sữa tắm nữa hén?

Nghe cái giọng đằng hắng đầy ẩn ý, chị ngồi dậy, vấn tóc, rồi nhìn ánh trăng in bóng xuống dòng kênh. Kênh đen nên cái màu vàng của mặt trăng cũng gờn gợn như lòng đỏ trứng gà bị khuấy loãng. Một vạt vỏ dừa trôi lều bều tấp phía dưới mạn ghe, bốc mùi chua hoai hoải.

– Mình ngủ rồi hả?

– Chưa!

– Sao không trả lời tui?

– Vụ gì?

– Nè, bộ hai mẹ con mình chán cái ghe hàng này lắm rồi, muốn lên bờ làm dân thành thị phải không?

Chị giật mình. Sao hôm nay chồng hỏi cắc cớ vậy? Anh đã biết gì? Liệu thằng cha Tư nước máy có làm gì để anh nghi ngờ không? Cái thằng cha đó, người thô kệch mà miệng lưỡi ngậm đường, nói câu nào câu đó ngọt lịm. Chính thằng chả bày cho chị mua sữa tắm về xài cho trắng da dài tóc. Rồi kêu cứ qua xài tạm cái nhà tắm của ổng, đàn ông gà trống nuôi con, nhà cửa thênh thang sử dụng đâu có hết. Buổi trưa vắng, viện cớ đi lấy nước, chị nhét chai sữa dê vô lưng quần, rồi chị thậm thụt chui vô nhà tắm của ông Tư. Chu choa, chưa bao giờ chị thấy cái nhà tắm nào lộng lẫy vậy, có vòi sen, có bồn tắm, cửa kiếng mờ mờ kèm theo ánh đèn huyền ảo khiến chị như muốn nằm mãi trong bồn. Khi nghe tiếng gõ cửa, chị mới giật mình.

– Tư nè. Tư mang khăn tắm cho em nè. Mở cửa đi.

Chị giật bắn mình. Chị đoảng quá, đi tắm mà không mang theo khăn. Cánh cửa không biết khóa làm sao, nên chị cứ khép vậy thôi.

Thằng cha Tư chỉ cần đẩy nhẹ cũng đủ làm chị hoảng vía.

– Anh làm gì vậy? Người ta thấy là chết.

– Kỳ gì mà kỳ! Có ai thấy đâu!

Chị quơ vội quần áo, cập rập mặc lên người rồi xô lão già đang lướt ánh mắt thèm thuồng lên làn da óng ánh nước của chị, cuống cuồng chạy xuống ghe, đến nỗi không kịp mang đôi dép. Đến giờ, chị vẫn còn run. Giọng anh lè nhè trên nóc ghe vọng xuống:

– Đầu tháng sau người ta giải tỏa kênh Đen, cái bến này cũng tan. Tui đang rầu lắm, mình biết không?

Chị chưng hửng, rồi bỗng bật cười:

– Lo gì! Thì mình đùm túm về quê, ở nhà trồng khoai trồng lúa, nuôi con gà con vịt cũng đủ sống mà.

– Mình không sợ đen, sợ xấu. Không muốn ở lại thành phố nữa hả?

– Nơi này… không phải của tụi mình.

Rồi chị trèo lên nóc, ngồi xếp bằng bên cạnh chồng, ngắm trăng.

– Mình nhớ em đã từng nói gì không?

Anh nhìn vợ, khuôn mặt chị sáng lên dưới ánh trăng:

– Mình sẽ đi theo tui suốt đời, như mặt trăng kia, tui đi đâu thì mặt trăng sẽ theo đó, tui dừng ở đâu thì mặt trăng cũng dừng ở đó, đúng không?

Chị nằm xuống bên anh, giữa cái mông lung của đất Sài thành, mong đến ngày quay ghe về quê cắm dùi. Chị đã ngán cảnh muối mặt đi mua nước ở nhà lão già đó rồi. Mặc dù cái giấc mơ một lần được xúng xính áo quần là lượt, đi giày cao gót, chạy xe máy lượn vòng vòng trên phố đích thực như một thị dân lâu lâu vẫn vờn trong đầu chị như một đám rong rêu khó gỡ.

Truyện ngắn của Trần Huyền Trang – Theo Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua