Thanh long

Những toan tính khiến cậu thanh niên nghi ngờ lòng tốt của một người lạ, nhưng tình huống ở bến xe giúp cậu càng tin vào cuộc sống... - Truyện ngắn của Trần Minh Hợp

Cuối giờ chiều, sếp gọi tôi vào phòng máy lạnh, tức phòng làm việc riêng của sếp. Bộ dạng sếp cũng vội vàng khi tay đã cầm sẵn va-li, loại va-li nhỏ mà những người lãnh đạo hay dùng, như một quy ước bất thành văn về hình ảnh của quyền lực.

–  Nhà cậu dưới quê có trồng thanh long không? Đang mùa trái chín có phải không? truyện ngắn

–  Dạ đúng, nhà con có trồng thanh long, nhưng không biết giờ là đang bông hay là đang trái đỏ, mà có thể là trái xanh.

Tôi trả lời, lẫn trong đầu thắc mắc tại sao sếp lại thèm thanh long bất tử? Không đợi cho tôi suy nghĩ, sếp đã hạ giọng bất thường:

–  Cậu kiếm cho tôi độ nửa tạ. Cuối tuần gia đình tôi cúng dường trai tăng, cầu phúc cho cha mẹ dưới quê. Nhà chùa muốn trái cây hái từ trong vườn quê, không qua bàn tay chợ búa và không có mùi đồng tiền.

Nhìn gương mặt sếp, lúc nói những câu này thật phúc hậu. Tôi ước khoảnh khắc hiện tại trên khuôn mặt béo bầu của người đàn ông trung niên này cứ dài ra mãi. Tôi chưa kịp điều chỉnh thái độ thì sếp vừa bước ra cửa, nói vọng lại. Hành lang nhỏ hẹp, như nhốt hết âm lượng của sếp:

–  Nếu cần, tôi ký phép cho cậu về quê thăm nhà. Nhớ là đừng cho trái đụng vào chợ búa, tiền buôn. Thanh long tới thành phố, tôi sẽ cho tài xế ra chở.

Tôi nhìn theo dáng sếp vội vã đi xuống xe, thấy sự tĩnh tại của dãy hành lang và sự thiền lành dưới bước chân có đôi giày da đang lên nước bóng, như có một tâm hồn khác đang hiện diện, che khuất tâm hồn cũ trong cùng một con người.

Cũng may mắn cho sếp, vui cho tôi và đã có duyên lành cho chuyện cúng kiếng là thanh long ở vườn nhà dưới quê đang chờ chín tới. Khỏi mất công ba phải đi tìm ở những cánh đồng thanh long chòm xóm hay vườn nhà họ hàng, dù ba có tới tận vườn hái, thì dù ít hay nhiều cũng đụng đến tiền bạc. Ba cũng sẽ nhát tay khi lựa những trái ngon vì người ta sợ ba hái hết hàng cồ, hàng xuất thì thương lái sẽ ỏng ẹo chê. Khi mua thanh long, mấy thương lái thường phân chia từng nhóm trái để lựa và định giá, theo thứ tự: Hàng xuất, hàng cồ, hàng dạt và hàng chôm. Năm mươi ký thanh long của sếp buộc phải là hàng cồ, hàng xuất, là thứ thanh long không tì vết.

Tôi coi lịch tay trên bàn, tính ngày chuyển thanh long cho sếp tiện nhất, vỏ đỏ tươi nhất, sếp ưng mắt nhất, gương mặt không lộ những nét nhăn nhện như lúc tôi đi dộng đế giày hơi mạnh xuống nền hay không làm báo cáo theo mẫu chuẩn của sếp. Một dấu tròn và dòng chữ thanh long quê nhà trên tờ lịch tay, hệ trọng như một cái lịch công tác tuần không được quên.

Tôi gọi điện năm lần bảy lượt về nhà, cũng chỉ nhắc đến chuyện thanh long cúng chùa, những trái ngon nhất vườn, không qua bàn tay chợ búa và không có mùi đồng tiền. Nhiều khi chạnh lòng nghĩ lại, không biết mình đã lựa cho ba má miếng đồ ăn ngon nhất chưa?

truyen ngan thanh long

Buổi sáng khi trời ngớt sương, hoa thanh long của vụ sau đang nở chen với trái chín trên cây, đáp bóng cánh thinh lặng xuống giếng nước. Nhóm xong bếp lửa nấu cháo cho heo, người đàn ông đẩy xe rùa ra vườn, lựa mấy trái thanh long ngon nhất trong đám. Vài cái gai cào vào cánh tay ông, để lại những lằn máu nhỏ. Đi hết một lượt rưỡi qua các trụ, ông đã cắt được bốn xe rùa trái đỏ đẹp và căng tròn nhất. Ông ngồi ở góc sân, có mấy bụi chổi chà đang mọc rướn trong lằn đất gạch kiểm tra đi, kiểm tra lại, bỏ vào lấy ra, đúng ních hai thùng. Có lẽ người đàn ông đang cố hoàn thành một điều gì đó cho đứa con trai mình dễ dàng làm việc. Bởi ông biết ý vì cũng từng là một cán bộ nhà nước nghỉ việc do không muốn chiều ý lãnh đạo.

Ba gọi điện báo đã chất thanh long lên xe, chiều sẽ tới thành phố. Trước khi cúp máy ông còn nói đã ghi số điện thoại của tôi trên thùng giấy và cân thử được nửa tạ hai ký mốt. Tôi cười to qua điện thoại và cũng hy vọng sự hao mòn trong quá trình vận chuyển ít hơn hoặc bằng hai ký mốt.

Cả buổi chiều, ngồi trong cơ quan mà ruột gan tôi cứ quay theo vòng bánh xe chuyến Tân Thựng – Sài Gòn. Mỗi lần nóng ruột và thấy nhói nhói trong bụng là hình như xe đang bị gì đó, bánh xe cán phải một cục đá đang nằm lăn lóc trên đường hay những thùng cá, thùng nước mắm vừa đụng vào những trái thanh long quý giá.

Năm, ba phút sếp lại qua nhìn tôi. Cái nhìn chờ đợi và khiến tôi run rẩy, trong lòng niệm cầu cho hai thùng thanh long lành lặn về tới Sài Gòn.

–  Sao rồi, thanh long sao rồi? Cả nhà tôi trông cậy vào cậu đấy! –  Sau câu hỏi là một tiếng giày đe mạnh xuống nền.

–  Chú yên tâm, khi nào xe tới, tài xế gọi, con sẽ nhắn chú địa chỉ cho người ra chở.  Xe trong quê con, đưa khách lòng vòng nên về bến hơi chậm.

Xe về bến chậm thật. Đã sáu giờ chiều, phố phường hiu hắt mà tài xế vẫn chưa gọi, chắc là đang bỏ khách tận An Sương hay Gò Vấp gì đấy. Tôi ám ảnh hai nơi chốn này vì có lần từ cầu Bình Triệu vào quận nhất, tôi tốn hết hai tiếng đồng hồ. Chuyến xe Tân Thựng – Sài Gòn chiều hôm nay dường như dài ra gấp đôi.

Tôi gọi điện trong cơn sốt ruột và đầy dự cảm hiểm nguy, chỉ hỏi được nửa câu thì tài xế đã xán vào mặt tôi cái giọng Tân Thựng oang oang: “Hai thùng thanh long phải không? Xe tới bến lâu rồi, sao không ra lấy?”.

Tôi thấy hơi thở ách lại. Nếu không phải cái giọng oang oang đầy mùi muối, mùi cá của người quê nhà Tân Thựng thì tôi đã sùng máu gằn giọng lại. Tôi vẫn kìm nén nhưng cũng không nhỏ giọng được:

–  Sao không gọi điện giùm tôi?

–  Sao người trong Tân Thựng kêu là xe cứ tới bến, sẽ có người ra chở.

“Chỉ có mấy con đường trong thành phố mới biết xe của ông về bến lúc nào”. Tôi yên lặng cho tan đi ý nghĩ, vì hai thùng thanh long cúng trai tăng đã hiện diện tại Sài Gòn.

Như một phản xạ được lập trình và trông đợi, tôi gọi điện báo sếp. Sếp hỏi chỗ bến xe đậu, rồi nói ngã ba Lý Thường Kiệt – Thiên Phước lạ hoắc nhưng sẽ rất xa. Sếp nhăn tôi vì không lo báo sớm. Sếp cũng giống mấy người tài xế, hình như ai cũng tưởng tôi có thiết bị định vị xe, có được đôi mắt nhìn xuyên thấu con đường từ Tân Thựng vô Sài Gòn.

Sếp cằn nhằn tôi một hồi vì cái tội đẩy sếp vào thế bị động. Bản tính cũ của sếp đã trở lại, dù đang nói chuyện về hai thùng thanh long để cúng dường trai tăng. Cuối cùng, sếp gút lại cuộc gọi, tựa giọng điệu những lần kết thúc cuộc họp ở cơ quan:

–  Cậu ra thuê xe ôm chở đến nhà cho tôi. Đợi thằng tài xế biết tới khi nào. Lần sau cậu phải chủ động, không được bị động.

Một lần nữa, hơi thở ách lại ngay lồng ngực đang chảy ướt mồ hôi và bám đầy bụi đường buổi chiều. Một lằn ranh giữa buồn bã và sự tỉnh táo vô thường chạy dọc trong người. Tôi sẽ buồn tức hay xem tình huống trở kèo là một chuyện bình thường của cuộc sống này?

Không biết, ba đã ra vựa nào để xin hai cái thùng giấy đẹp và vuông vức, người ta dùng đóng thanh long xuất khẩu đi châu Âu, có hình vẽ trái thanh long, có chỉ dẫn địa lý quê nhà. Hai cái thùng làm cho nửa tạ hai ký mốt thanh long danh giá gấp nhiều lần. Nhìn hai thùng thanh long ngon hiền sau cốp xe, thấy bóng hình quê nhà, trong lòng tôi trôi chảy một sự dịu dàng, thỏa mãn và phấn chấn, không còn nhiều sự buồn bã, bực dọc.

hoavan_truyen

Tôi sẽ không kêu một người xe ôm nào khác. Tôi không chịu được cái cảnh người xe ôm sức yếu, khệ nệ rinh hai thùng thanh long, hoang mang chở qua các ngã tư đèn đỏ trong dòng xe cộ đông đúc. Đôi khi, tiền bạc không mua được sự thanh thản và nhàn rỗi, dù đó là những đồng tiền hỗ trợ sự sống. Khi sự buồn tức đã chuyển hóa bằng sự quyết liệt và sức lực, tôi quyết định sẽ tự tải hai thùng thanh long danh giá cúng dường trai tăng đến nhà sếp, dù đó là chuyến hành trình đầy chướng ngại xe cộ, đèn đỏ, rẽ trái, qua đường…

Bãi đậu xe chiều cũng thanh vắng khi những chiếc xe khách đường dài như đã đi ngủ.

–  Đó, hai cái thùng đó, lấy đi. Không sợ lộn đâu.

Trong nhóm người đang nhâm nhi cà-phê đen, thuốc lá ở mái che nhỏ của bãi xe, có một người đàn ông người Hoa nói vọng ra, bằng giọng đãi đãi quen thuộc mà tôi nghe nhiều ở khu Chợ Lớn. Tôi không biết ông ta ở bãi xe làm gì? Không phải là lơ vì lơ chuyến Tân Thựng – Sài Gòn là một đứa choai choai răng móm. Có thể là ông lão nhàn rỗi gần bến xe. Có thể là người bốc vác, chở hàng cho xe.

Tôi gật đầu nhẹ, biểu hiện cho sự cảm ơn vì đã để tâm đến hai thùng thanh long “vàng ngọc”. Khi tôi đặt mũi chân hướng về cốp xe thì người đàn ông cũng đứng dậy,  hướng mũi chân về cốp xe.

Trong lòng, tôi nhận ra một tình huống mang tính chất bến xe bắt đầu. Tình huống khi người đàn ông đó bắt đầu phụ tôi khiêng hai thùng thanh long, ràng lên xe, sau đó tế nhị hoặc công khai xin tôi một ít mồ hôi phí để uống cà-phê, hút thuốc. Hoặc người đàn ông cũng tin rằng, tôi là người thanh niên biết điều, tự nguyện móc bóp ra đưa cho ông một ít để trà nước. Càng lúc, tôi thấy tình huống làm tiền ở bãi xe càng rõ rệt khi người đàn ông này tích cực một cách sâu sắc.

–  “Dồi!”*. Dựng chân chống sau lên đi cậu em. Dồi, dồi! Muốn để thùng ngang hay thùng dọc? Để dọc đi nha, cho thanh long đỡ giập.

Để tránh nhổng đầu phía sau, tôi đưa ra ý tưởng về việc chở một thùng để trên ba-ga trước, trên hộp xăng. Người đàn ông lập tức thực nghiệm vận chuyển cho tôi xem rồi lắc đầu:

–  Ái chà, xem nè, cái thùng kẹt vào tay lái, bẻ cua là té giập mặt, giập thanh long hết.

Ông lại nhắc đến tính từ giập làm tôi hoảng loạn thêm.

Dù đang ngổn ngang phương án vận chuyển an toàn hai thùng thanh long, nhưng tôi vẫn không thoát được ý nghĩ về tình huống làm tiền ở bãi xe. Tôi buộc phải xác định chủ trương, phải cho tiền người đàn ông này vì những gì ông ta đang làm rất có lòng, tươm tất và quan trọng nhất không hổ thẹn với đồng tiền được nhận. Và cũng chẳng có ai, giữa cuộc sống đầy mua bán này, làm không cho ai điều gì, ngoại trừ vì tình thương. Sự thật, tôi và người đàn ông đó không hề có mối quan hệ tình thương.

hoavan_truyen

Những cử chỉ của ông cũng khiến tôi xúc động trong khung cảnh buổi chiều thành phố buồn hiu và vừa bị sếp nhăn nhện. Nhưng con người tôi, trong phút chốc cũng đầy toan tính thiệt hơn, cũng vì lẽ một người mới ra trường, làm công ăn lương trong thành phố này, tôi không đủ tự tin, thanh thản để thoải mái chi một khoản tiền. Tôi nhớ lại cái bóp, nhẩm lại lần xài tiền cuối cùng trong ngày. Ngăn tiền lẻ, chỉ còn một tờ mười ngàn, một tờ một ngàn bị rách góc và một tờ hai trăm lẻ, còn lại là ít tờ năm chục và một trăm ngàn. Miệng vẫn trò chuyện với người đàn ông, tay vẫn kéo dây ba-ga ràng, đầu tôi vẫn đang thống nhất giá trả ơn cho người đàn ông này. Cho mười ngàn thì kỳ quá, còn năm mươi ngàn thì nhiều quá, bằng cả hai bữa ăn cơm. Tôi nghĩ tới phương án, sẽ mua cho ông một gói thuốc và một ly cà-phê đen, lúc đó cũng tốn độ chưa tới ba mươi ngàn, vẫn còn đủ một đĩa cơm chiều. Nhưng ngó ngàng trong tầm nhìn chẳng thấy một xe cà-phê, tủ thuốc lá nào. Tự dưng tôi đau đầu hết sức. Ông lại khom khom người, sửa lại cái móc dây ba-ga mà tôi móc sai vị trí, cái dáng lao động tận tụy và có lòng khiến tôi chạnh lòng nhưng năm mươi ngàn vẫn nhiều quá.

Khi đã ràng xong hết hai cọng dây, hai thùng thanh long vẫn trông thật lỏng lẻo, nguy cơ rớt giữa đường là có thật. Lúc ấy, giữa dòng xe cô đông đúc, không biết tôi sẽ xoay trở thế nào?

–  Gần đây, có chỗ nào bán dây ba-ga này không chú?

Tôi thấy nhẹ nhõm một chút vì ý nghĩ đi mua những cọng ba-ga, lúc đó sẽ có tiền thối để cho ông chú.

–  Không đâu? Khu này toàn bán phụ tùng máy móc. À, hình như tôi còn…

Tôi vừa mừng, vừa lo, vì nếu như kế hoạch làm tiền rất thuần thục, ông sẽ kiếm thêm tiền từ việc gửi cho tôi hai sợi dây ba-ga cũ. Tôi lắc đầu để xóa đi dòng suy nghĩ đen đúa đang xâm chiếm, làm mình cực đoan và độc ác. Nhưng lúc này, tôi nhẹ lòng khi đã khơi thông chủ trương, gửi ông chú năm mươi ngàn, coi như là tiền gửi ông chú mua hai sợi dây ba-ga mới. Cơ mặt tôi giãn ra.

Hai sợi ba-ga cũ làm hai thùng thanh long trông vững vàng, cứng cáp trên xe.

–  Cậu ngồi lên thử đi, tôi sẽ chỉnh lại cho vừa chỗ cậu ngồi

Có lẽ, năm mươi ngàn là đúng cho những câu nói và việc làm đầy tấm lòng quan tâm, lo nghĩ đến tận những khoảnh khắc cuối cùng.

–  Dạ, được rồi. An tâm rồi chú.

–  Dồi, đề xe chạy đi. – Giọng ông chú thanh thản tột cùng. Dường như cũng đã đến thời khắc tôi thực hiện trách nhiệm của mình khi đã được hưởng lợi từ “hợp đồng” dân sự  trong tình huống làm tiền ở bãi xe.

–  Dạ, cháu xin phép gửi chú tiền mua lại hai sợi ba-ga giùm cháu.

Tôi nghĩ đến gương mặt vui vẻ của ông nhưng khi thò tay vào bóp thì bị ngăn lại:

–  Hai sợi dây cũ thôi, ít bữa có qua thì trả, còn bận quá thì tặng cậu luôn.

Tôi bắt đầu thấy suy nghĩ của mình từ chiều giờ thật lố bịch. Trong lòng nặng trĩu. Chẳng có một tình huống làm tiền nào cả. Nếu có thì ông chú đã chớp lấy cơ hội tế nhị này.

–  Cháu mời chú một ly nước được không?

Lúc này, trong lòng tôi muốn mời thiệt, không còn ngụy trang tiền công cán.

–  Thôi, tôi mới uống tức thì, cậu lo về đi, trời tối dồi.

Tôi im lặng, nổ máy xe rồi ngoảnh nhìn chú, cười mà thấy trong lòng xót và thương hại chính bản thân. Thương hại cho những ý nghĩ hời hợt, sai lệch của mình, thương hại khi không để tâm hồn hướng vào điều lành, thương hại vì để tuột mất một cơ hội sống hoàn toàn trong khoảnh khắc của một xã hội tốt bụng, thương hại vì đã điểm trang cuộc đời mình sự động lòng, bình yên quá muộn.

Tôi chở thanh long chậm rì qua nhiều ngã tư vì đó là những trái thanh long quý báu, có bàn tay trồng và hái của ba, có bàn tay khiêng và ràng của ông chú người Hoa. Càng chạy, hai thùng thanh long cứ đổ dồn phía người tôi, choán hết cả ghế xe, đè vào lưng tôi nặng trịch. Có khi tôi đã uất khóc vì sự nặng nề và khổ nhọc, nhưng sự nhẹ nhàng, thanh thản vẫn trôi qua trong lòng tôi ra phố.

Phố xá đông đúc, tôi nghĩ đến gương mặt hết nhăn nhện của sếp khi thấy những trái thanh long đặt trước nhà, đã không đụng vào chợ búa, tiền buôn, dù là tiền xe ôm hay là tiền nhờ khiêng vác, nhờ ràng lên xe. Ông chủ nhà xe Tân Thựng –    Sài Gòn là bạn học cũ của má tôi nên cũng không lấy tiền chở.

Tôi nghĩ đến những trái thanh long nhà mình lên chùa cúng Phật mà thấy thanh thản trong lòng.

Rồi ai cũng sẽ được phước.

Truyện ngắn của Trần Minh Hợp – theo Tiếp Thị Gia Đình

* Người Hoa nói ngọng chữ “rồi” thành “dồi”

Đừng bỏ qua