Núi mờ sương

Cảnh phố thị tấp nập, xe chạy bon bon, những cô gái da trắng, tóc xoăn ngồi dưới ô cửa kính đầy hấp lực. Tôi ma mị trong vùng đất ấy, ma mị đến quên cả amí

 

Tôi ghét tiếng gà buổi sớm, nó đánh thức và gáy ra rả vào tai tôi: “Guôp, mày chỉ là đứa con nhà nghèo tay nứt chân nẻ, lưng cong vai thô, váy hai màu vải, da dẻ đen sì như hạt dưa hấu, đừng nằm ườn như con mèo lười trên đống tro như thế, dậy lấy nước và lên rẫy thôi”.

Tôi bịt tai phải thì nghe bên tai trái, tôi bịt tai trái thì tiếng gáy của nó chui ngay giữa đầu: “Guôp, mày chỉ là… Mày chỉ là… Mày chỉ là…”. Tôi tức mình bật dậy thình thịch đến bên vách lấy gùi, xếp những chai nhựa xuống cầu thang đi về phía giếng nước chung của buôn cạnh cây h’rê to đùng. Nhiều amí amai đang đợi ở đấy. Mùa này M’Đrắk khô khốc, thiếu nước nặng. Giếng nước của nóc nhà nào cũng nhìn thấy đất, chỉ trừ giếng chung của buôn thôi. Amí nói giếng nước này có từ thời pô pin ea (chủ bến nước) Y’ Tai đến lập buôn. Ban đầu nó chỉ là cái hốc nhỏ nằm giữa hai khe đá. Đàn ông đi làm mệt ghé vốc vài ngụm, đàn bà gùi củi nặng dừng chân nghỉ lấy hơi. Dần dần người ta đào nó sâu thêm, khoét rộng ra, xếp đá, trát xi-măng thành giếng như người Kinh vẫn gọi. Gùi nặng cong lưng, tôi lấy hết sức của con gái mới lớn, nhấc bổng mắc vào hai vai. Giọt nước từ những chai nhựa rỉ tong tong tạo thành sợi chỉ dài đứt quãng. Sương giăng kín, dáng người loạng choạng không nhận ra nhau.

Về đến nhà thì chiếc váy đang mặc ướt sũng, tôi không xếp chai nước lên kệ bếp, việc đó có amí tôi làm. Tôi ra hiên giũ váy. Mệt mỏi và thấy buồn. Sương vẫn giăng, gió thổi mùi cỏ hăng hắc từ quả đồi Seng mới đốt hôm nọ. Seng phát cỏ đốt ba quả đồi, đẽo bảy cán cuốc, vác chín bao lúa nặng đổ vào bồ. Seng mê tôi như con dê ưa đọt măng non, như chim non thích sâu bọ. Amí ưng lắm, gật gù khen mãi.

– Siêng phát cỏ thì sẽ có rẫy lớn. Siêng đẽo cột thì sẽ có nhà mới. Siêng làm rẫy thì sẽ có lúa nhiều. Mày đeo được vòng vào tay nó thì đời mày sướng to.

Tôi lơ đãng nhìn ra cửa sổ. Xa xa cảnh phố thị tấp nập, xe chạy bon bon, những cô gái nước da trắng, tóc xoăn đang ngồi khoanh chân trong ngôi nhà có cửa sổ bằng kính. Tôi bị ám ảnh bởi bộ phim từng coi khi ngực mới nhô đằng trước, búi tóc gọn lỏn phía sau, gặp con trai mới lớn biết ngại, người già hỏi chuyện suy nghĩ trước mới nói. Bộ phim kể về những cô gái trong thành phố, sạch sẽ và giàu có. Tôi cũng thích thế. Thế nên tôi ghét mỗi sáng nghe tiếng gà, ghét lê chân lên quả đồi nhét hạt bắp giữa kẽ đất khô khốc, ghét mùi cỏ cháy và ghét luôn Seng. Tôi không cần thứ hạnh phúc mà amí nói.

Con gái Êđê vất vả từ lúc lọt lòng mẹ cho đến khi về bên kia núi với ông bà. Lòng tôi quặn thắt mỗi khi thấy chị Xinh cõng bé Len thòng lòng đằng trước, chiếc gùi củi phía sau, còn anh rể đủng đỉnh vác xà gạc huýt sáo. Đám tang, đám cưới là cớ để đàn ông tụ tập trong nhà dài khật khưỡng qua nhiều lần mặt trời đi qua đỉnh núi. Các amí, amai lại tìm, cõng về nhà, cái vai cõng nhiều đứa con rồi lại cõng chồng. Khổ quá! Tôi rấm rứt kể với amí, amí cười khề khề nhổ toẹt nước bọt xuống tro bếp: “Đã bao đời nay rồi. Đi chặt cây le phải có đôi. Đi chặt cây nứa phải có cặp. Mày không cõng nó về rồi mày đi rẫy với ai?”. Tôi không cãi amí, hậm hực chẻ trái cà xoay lưng. Tôi giận amí, cả ngày không muốn nhìn mặt. Thể nào tôi cũng xếp váy đi về phía Tây nhộn nhịp và sung sướng ấy.

Và tôi đi thật. Đó là một ngày bắt đầu mùa mưa. Sương tù mù lành lạnh ôm lấy buôn nhỏ dưới chân núi.

hoavan_truyen

Tôi đang ở thành phố đông đúc. Quân, bạn trai người Kinh xin cho tôi một chân phụ việc ở tiệm ăn. Không như Seng, Quân cao lêu nghêu và trắng như ruột măng non, dặt dẹo, yếu đuối như con bê mới đẻ. Tôi gặp Quân trên chuyến xe trốn amí lên thành phố. Quân nhìn tôi:

– Đúng rồi, em đẹp thế làm sao ru rú mãi chân núi được? Lên thành phố đi, có khó khăn gì anh giúp.

Ngày hai lần Quân ghé qua quán ăn, tôi không quen cái nhìn lấm lét như con mèo ngó miếng thịt khô treo lên bếp của hắn, nhưng tôi không nói. Tôi chỉ có mỗi Quân là bạn. Tôi muốn ở phố. Tôi ghét nằm nhà dài, trống trải và đau lưng. Có lần quán vắng, Quân dí sát vào người tôi, thọc tay vào ngực sờ soạng, xé toạc chiếc áo mỏng rồi vục mặt vào đấy hung hãn như con hổ bị dính bẫy của Seng. Tôi đứng trơ. Nếu là Seng tôi sẽ tát bôm bốp vào mặt, gào toác mồm lên hô hoán. Tôi không làm thế. Ở đây không phải buôn tôi. Tôi muốn ở phố. Tôi ghét mùi cỏ và hơi sương. Tôi đứng im như pho tượng nhà mồ, trong đầu chấp chới thấy Seng, thấy ánh mắt sáng như trăng dưới lông mi cong vút của anh ấy.

Quân nhàu nát tôi đến khi bà chủ trở về. Đó là người đàn bà béo tròn, đôi mắt như mắt cáo. Thay vì tru tréo, bà ném cái nhìn lạnh lùng về phía Quân:

– Chỗ tôi làm ăn chứ không phải nhà chứa. Cút ngay cho.

Quân vội vàng quên mang tôi đi. Tôi chới với chạy theo như em bé lạc mẹ. Bóng Quân mất hút giữa đám đông phố thị. Tôi ngồi bẹp đầu hẻm nức nở. Người ta chỉ trỏ vào tôi như một người đàn bà bị bắt quả tang dan díu với chồng người khác. Phải rồi, chiếc áo tôi đang mặc xộc xệch. Người đàn ông bước xuống từ chiếc xe màu trắng đang đi về phía tôi. Tôi chợt nhớ đến bộ phim những cô gái trong thành phố, tôi vò đầu cho tóc rối tung và thút thít như con nai tội nghiệp. Người đàn ông tên Thành nhẹ nhàng dìu tôi lên xe. Tôi kịp nhếch mép cười với những người đàn bà tò mò thích soi mói. Xe phóng đi trong cơn mưa tầm tã.

Nhiều mùa trăng đi qua, tôi trở thành nhân tình trong vài nhân tình của Thành. Thành dạy tôi biết nhiều tiếng Kinh. Đôi khi còn quên dấu nhưng tôi đã nói chuyện lớn sang sảng, trả giá sát rạt những áo váy ngoài tiệm. Tôi trở thành cô gái thành phố, da trắng tóc xoăn, ngồi trong ngôi nhà có cửa sổ bằng kính. Tôi bắt Thành kiếm cho tôi cái tên người Kinh. Thành làu bàu: “Có ngụy trang hàng đống thứ khác, em vẫn là em thôi”. Trong bữa tiệc gặp bạn bè Thành giới thiệu tôi với nhiều gã: “Đây là Ly, bồ em”. Tôi thích thú đón nhận tên mới như mầm le đón nhận cơn mưa rào. Rồi cảm giác xấu hổ ập đến. Ánh mắt giận dữ của bà ngoại quấn lấy tôi.

H’Guôp, cái tên bà ngoại đã làm lễ thổi tai đặt tên khi tôi còn đỏ hỏn. Amí nói đó là tên của người bà họ xa đã mất nhiều năm ở buôn Sông Hinh. Tại lễ thổi tai, pô riu yang (thầy cúng) nói: “Nay ta đặt tên cho cháu, nếu cháu ưng tên ta đặt thì cháu hết khóc và ngủ thật ngon. Nếu không thích tên này, hãy khóc thật to”. Sau đó pô riu yang đọc lần lượt tên người quá cố trong dòng tộc, đọc đến tên H’Guôp thì tôi hết khóc và tên trong tiếng Êđê nghĩa là “hài hòa” ấy theo tôi hơn mười tám mùa rẫy nay. Bây giờ mình là Ly chứ không phải H’Guôp, tôi luôn đính chính trong giấc ngủ chập chờn.

Buôn Ama Thuột đổ mưa. Những hạt mưa nghiêng nghiêng tạt mạnh vào ô cửa. Tôi lấy chai hứng đầy. Chợt nhớ đến chai nước trên kệ bếp. Người Êđê không quen uống ly, chỉ thích ngửa cổ tu chai nước ừng ực. Tôi nói với Thành tôi thích ăn bốc, ăn bốc cơm nóng với lá mì giã nhỏ xào khô đựng trong lá chuối hơ, ngon lắm, thơm lắm. Thành bảo thôi đi cách sống nguyên thủy. Nguyên thủy là gì? Tôi thắc mắc. Thành cười phô hàm răng vàng như nghệ:

– Tắt điện đi rồi em sẽ thấy bầu trời nguyên thủy.

Tối hôm đó tôi đã buồn thật nhiều.

hoavan_truyen

Tôi hay ngồi ghế tựa lưng hướng mặt ra vườn. Vườn nhỏ xíu tím rịm nhiều dải phong lan như cô gái gội đầu tóc xõa. Trông chúng buồn bã và héo quắt. Tôi nhớ đến giò phong lan Seng mang tặng cạnh giếng, chắc giờ chúng cũng ra hoa. Tôi nghĩ đến Seng và amí. Chắc họ ghét tôi như ghét đứa nuôi ma lai, hận tôi như hận người trồng thuốc độc. Tôi đã giũ bỏ họ như giũ một con sâu róm bám lên áo để tìm hạnh phúc mơ hồ nơi phố thị. Không có đêm nào tôi không mơ xấu. Tôi mơ thấy amí chết vì thương nhớ tôi, tiếng khóc chật ních từ gian khách đến gian bếp, tiếng trống đánh bên mặt da trâu cái thùng thình, tiếng chiêng knăh u buồn báo hiệu có người đi xa. Hồn amí đứng trên cầu thang bảy bậc, amí nói atâu yang (linh hồn người chết) đừng đón amí đi sớm, amí chờ con gái từ Buôn Ama Thuột trở về.

Người phụ nữ trẻ đẹp quỳ sọp dưới chân, cầu xin tôi đừng yêu Thành nữa. Thành đã có vợ và hai đứa con. Chị ấy khóc như dòng thác chảy. Tôi động lòng thương xót. Tôi chưa từng yêu Thành. Tôi chỉ mượn bóng râm để nghỉ chân thôi. Người Êđê chỉ quỳ gối khi người đó có tội nặng. Tôi trộm cắp, bất hiếu với mẹ cha, ngoại tình… Còn chị? Chị có tội gì? Tội không đủ sức buộc chỉ vào chân vì chồng có tính “dao có rồi còn đi kiếm sắt, cơm có rồi còn đi kiếm lúa, cá có rồi còn đi bắt nữa” sao? Chị sụt sùi. Người phụ nữ Kinh cũng khổ sở như chúng tôi.

Tôi để lại cho Thành một đôi tất em bé trong ngăn kéo. Đôi tất màu xanh hiện mờ tên Guôp màu vàng ở giữa. Tôi đã đan trong những ngày hoang hoải nhớ núi. Tôi trở về vùng núi mờ sương của tôi.

Mưa lã chã. Nước cống đen ngòm tràn lênh láng. Trong ngôi nhà cửa kính, người chồng vung nắm đấm vào khuôn mặt vợ, tiếng khóc thét, tiếng đổ vỡ hòa lẫn tiếng mưa. Tôi rùng mình, sải bước chân dài phía dốc núi mờ sương.

Truyện ngắn của H’ Siêu Byă – Theo Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua