“Đã vào đến phòng mổ thì chỉ còn có chờ gây mê từ đầu đến chân. Mổ xong thì chờ bệnh nhân tỉnh, bác sỹ cũng phải chờ thuốc thoát mê. Cứ từ từ, có gì mà hỏi lắm thế”, nữ y tá đi ngang qua, giọng kim, hơi gắt. Hình như rất khó có thể dịu dàng cả ba trăm sáu lăm ngày. Nắng mưa, oi ả, người tai biến, người tai nạn, người suy hô hấp, đái tháo đường. Họ nằm như nhộng ở khoa hồi sức cấp cứu.
Nữ bác sỹ An không thể nhớ mình đã gây mê cho bao nhiêu người. Có một lần chị cũng gục xuống như mê đi vì huyết áp thấp, quá thấp. Khi tỉnh lại, chị mừng mình còn sống. Mấy đêm mất ngủ vì ám ảnh chuyện ngày thứ Sáu, hàng xóm hô hoán cháy nhà. Thì ra cậu con trai quý tử của An đã nghĩ ra cách lấy chìa khóa mẹ cậu gửi bên bà Lưu hàng xóm. Bằng cách rất tinh vi, nó đốt mấy cái áo cũ ở ngay cửa phòng, cho nhà đối diện chung cư chạy ra, tất yếu sợ cháy, bà Lưu hoảng hốt mở cửa. Thằng Han xách ngay cái laptop của mẹ đi cầm. Sau lần cầm cự chiếc xe vì cá độ bóng đá, mẹ An còn chiếc máy tính, nó mang cầm nốt. Nhà cửa sạch trơn.
Nếu còn cái ti-vi chắc Han cũng xách ra khỏi nhà. Khi tỉnh lại, nhớ hôm lên Ba Vì lúc rẽ qua vườn cây xương rồng trổ hoa rất đẹp trên đất núi. Người trồng xương rồng bảo: Bác sỹ An phải cố sống như cây xương rồng này. Nó đã vượt từ sa mạc châu Phi về đây. Nó từng làm thứ nước giải khát cho con người. Rồi An xuống núi, xem ông thầy bói phán về đất đai. “Nhà cô ở lưng chừng giời, làm gì có đất. Ông thần linh tại chỗ ở lại là người Tàu xem tướng rất dữ, chồng cô đi với người phụ nữ khác rồi”, thầy phán lảm nhảm mãi.
Nữ bác sỹ An vốn chẳng thể bấu víu vào đâu. Anh em cô không có, họ hàng cũng không. Trận bom B52 ở Khâm Thiên đã xóa sổ cả đại gia đình cô. May mà cô còn sống vì ngày đó cô đi học trồng cây dược liệu ở tận trên Ba Vì. Cô lấy chồng, sinh cu Han. Anh Thân, chồng An, là bác sỹ khoa ngoại, từ giã dương gian rất nhanh vì chứng đột quỵ tim mạch. An nuôi con trai, lúc con còn nhỏ thấy nuôi dễ. Khi lớn khôn nó làm An khổ sở, phiền muộn. Khi cu Han đắm đuối yêu, rồi mắc bệnh hay sỹ diện, hay bao bạn gái, tiền đi ăn uống, xem phim, rất tốn kém. Con gái ở tỉnh lẻ thiếu thốn đủ thứ, bập vào loại gái này, các em bám lấy Han như một con vắt, không rời. Khuyên con không được, An lại đi xem bói. Thầy này phán:
– Dâng ba cái lễ ba triệu đồng. Không vấn đề gì. Nhưng bảy con cá rô nhảy ra khỏi chậu, vì chậu không có nước nó bơi ngược vào nhà, suy ra, nhà chị con lấy hết của đem đi tiêu tán, mà tình cảm đôi lứa vẫn tan. Cô thấy đấy, bảy con cá rô lách qua bậu cửa lại quay vào nhà, cá rô lội cạn dòng, cho thấy con cô sẽ tiêu hết tiền lại về lấy tiếp. Nhà hết đồ đạc thì con may ra lại ngoan. May ra thôi nhé.
Vừa mất tiền vừa nghe phán điêu ngoa, tức lộn ruột mà An vẫn im.
Hôm qua An trực thay hai đêm cho cô bạn đi đón chồng từ Pháp về. Ca trực vẫn gây mê ngày lại ngày, rồi bệnh nhân mổ xong tỉnh lại, bình thường như chuyện ngày nắng ngày mưa ở bệnh viện lớn. Bác sỹ An mệt vô kể. Cô thiếp đi.
Lại nhớ hôm mò lên Thái Nguyên, gặp lão thầy bói nói ngọng, hắn giở ra mấy quyển sách bói toán rẻ tiền, An nhìn xong, thở hắt ra. Tự hỏi vì sao mình lại đâm ra thế này, chẳng có gì để bấu víu cả. Thôi thì cứ đi xem bói xem mình có động chạm vào thế giới tâm linh không. Thế giới bên kia, liệu chồng An có điều gì muốn nói với vợ trên dương gian, nhưng không thấy thầy nào động chạm tới. Chồng chết rồi mà thầy gieo quẻ, vẫn phán chồng cô đi với gái chân dài không bỏ được dây tơ hồng quấn tới dăm năm chưa dứt. Nghe xong, An đứng lên, nhủ mình lần sau không đi nữa. Nhưng nghe nói có thầy gọi hồn ở tận huyện Mê Linh xem rất hay, cô lại đi.
Nhà thờ thầy bói có hẳn một gian ở vườn, mấy cái khăn đỏ khăn xanh thầy choàng vào, giọng đang tiếng Hà Nội rõ chuẩn lại tỏ ra ngọng nghịu, lơ lớ pha cái giọng Nghệ An. Thầy lại phán đem 20 triệu dâng lễ tổ tiên những bảy đời trước. Giời ạ, đến ba đời cháu còn không biết cụ tổ là ai thì bảy đời cháu cũng không hay đâu ạ. Rồi nghe nói hồn anh Thân về, cũng nhập vào cô đồng, cũng nói chả đâu vào đâu.
Con bỏ học đại học, bác sỹ An chả biết làm sao. Có lần An nhờ một bạn học cùng ngành y: Bạn nói giùm với con trai tôi một tiếng, xem nó có hiểu ra lẽ phải không. Ngay cả anh bạn tiến sỹ ngành xã hội học, An nhờ trò chuyện với cậu con trai cũng khó khăn. Họ ngại nói, ngại khuyên can con bạn, nhỡ đâu sẽ dẫn tới phản khoa học. Phản khoa học thì chưa thấy nhưng nỗi đơn thân nuôi con trai thì khó hơn cả khi gây mê tiêm vào tĩnh mạch ấy chứ.
Khi đã quá tam ba bận đi xem bói một mình, bác sỹ An lại rủ bạn thân làm báo đi cùng. Chị nhà báo cũng cảnh như cô, cứ cười cười bảo: Thôi thì ta góp lệ phí cuộc đời, xem thầy tử vi phán khoa học ra sao, không sao thì có trăng lo gì. Về nhà, nghe thầy tử vi phán cứ đến rằm trăng tròn mà đợi.
Nghĩ là lo lắng bồn chồn, mất của cũng đừng để hệ lụy mà khổ thân. Nếu gây mê mà thần kinh mình không vững thì chỉ có thân bại danh liệt. Thấy rõ mình không thể gây mê tiếp thì xin làm cái chân phụ mổ. Nếu chuyển sang phụ mổ, bác sỹ An sẽ còn thời gian dành cho con trai nhiều hơn. Vì con, bác sỹ An sẽ chuyển nghề. Trước khi chuyển nghề, An xin nghỉ phép ra biển. Biển ở Cửa Việt, Quảng Trị, quê chồng An, đẹp như tranh sơn thủy. Rồi An về làng Do xem vá lưới và làm nước mắm.
Nhà nào cũng rất nhiều chượp ướp cá, không tường rào nhưng vẫn có lằn ranh giới mỗi nhà. Không ai động chạm đến chượp mắm nhà ai, kỷ cương làng xóm nghiêm lắm. Nhà nào cũng độc lập, độc lập cả trong mất mát và đau khổ. Sau cuộc chiến, có chị Na vẫn sống đơn thân đi chợ cá kiếm sống, chị Biển có nhà mất chồng trên biển, cô quạnh, nhưng cả xóm vẫn đùm bọc nhau. Bác sỹ An nhìn biển ngộ ra, trong mỗi quốc gia, mỗi gia đình đều phải tựa vào chính mình thôi, đừng nghĩ có thể tựa vào ai khác, kể cả con và cháu, chồng hay vợ. Biển vắng hắt lên tia sáng rất dịu, đơn độc nhưng cũng hắt lên cả sự can đảm, như bản lĩnh riêng vốn có của mỗi người. Nếu không, cô làm sao đối mặt với những ca gây mê. Chỉ có điều y tá hay ai đó gây mê cho cô đều lắc đầu, không sao gây mê được cho bác sỹ An.
Truyện ngắn của Lộc Vừng – Theo Tiếp Thị Gia Đình