Hai người đàn bà có tuổi chở nhau trên chiếc xe gắn máy cũ. Họ dừng lại trước cổng nhà anh. Người trẻ hơn mặc áo bà ba màu lam nghiêng vai, cánh tay còn lại quàng ngang lưng người kia dìu xuống xe. “Có lẽ họ là hai chị em” – anh nghĩ. Đây là lượt khách thứ ba trong ngày đến nhờ anh viết đơn thuê. Nhìn thái độ ân cần, cung kính và khuôn mặt có nhiều điểm giống nhau, nhất là đôi gò má nhô cao khắc khổ, anh lại đoán họ là hai mẹ con.
Mời khách ngồi vào bàn, anh rót trà, mắt lướt nhanh qua hai người đàn bà như muốn tìm vài thông tin để có thái độ ứng xử thích hợp. Nghề viết đơn thuê đôi lúc đưa anh vào tình huống trớ trêu. Nhiều khi anh bị mắng nhiếc khi vừa mở miệng hỏi thăm vài câu. Họ bị cuốn vào câu chuyện của mình nên cứ tưởng như chính anh vừa cắm cọc giành vài tấc đất của họ không bằng. Không ít lần anh lúng túng khi chứng kiến những giọt nước mắt lăn dài, những lời kể đứt quãng xen giữa tiếng nấc nghẹn ngào. Những câu chuyện đau buồn, cay đắng ở khắp nơi được khách hàng mang tới kể cho anh nghe với nhiều cung bậc cảm xúc khiến anh nhiều lần khóc cười cùng họ.
Người đàn bà trẻ mặc áo lam lên tiếng:
– Má tui tới nhờ anh viết giùm cái đơn…
– Sao? – Anh ngạc nhiên buột miệng hỏi.
– Thằng em út của tui quá quắt lắm.
Được ở nhà thờ, ăn đất hương hỏa, vậy mà nó coi bà như đầy tớ. Tui có chồng ở xa, nhà nghèo nên không làm gì được. Phải chi tui có cái ăn cái mặc thì tui đã đón má về nuôi nấng tử tế rồi, ai để thứ con trời đánh đó hành hạ bà già.
Anh từ tốn:
– Chị bớt giận. Cứ bình tĩnh kể đầu đuôi chuyện nhà coi có cách nào gỡ rối không.
Người đàn bà nuốt nỗi uất nghẹn:
– Anh coi. Nó nhậu say về, nửa đêm dựng bà già đang ngủ dậy, rủa sả: “Tui thấy người ta cỡ tuổi bà “đi” gần hết rồi. Sao bà sống dai dữ vậy?”.
Chị ta quay mặt đi. Giờ anh mới nhìn thấy vài giọt nước mắt sệt quánh ứa ra trong khóe mắt bà mẹ. Đôi vai gầy guộc của bà run khẽ dưới làn áo vải nâu, chiếc cằm nhỏ hằn sâu nhiều vết xước thời gian trễ dài nỗi đau cam chịu. Mái tóc bạc trắng của bà bỗng hóa thành đám mây trôi vật vờ trước mắt anh, phả ra từ đó những lời rên xiết thống thiết thân phận.
Anh tự trấn tĩnh:
– Sao bác, chị nhà nói đúng vậy sao?
Bà cụ im lặng, bấu chặt tay vào lớp vải hoa trên hai đầu gối run rẩy. Anh đang cố gắng kéo thấp xuống những ngọn sóng lòng đang dâng ào ạt trong lòng hai người khách. Nhiều lần anh đã phải kiềm chế để mình không bị cuốn theo những trạng thái tình cảm của người đối diện từ ngày bắt đầu làm nghề viết đơn thuê này.
– Chị biết không, luật pháp bây giờ không có khoản nào nói về chuyện từ con. Khi có chuyện không thể giải quyết được trong gia đình bằng cách bảo ban, dàn xếp thì có thể nhờ đoàn thể xã hội ở địa phương giáo dục, nhắc nhở. Cùng lắm chỉ có thể đưa anh ta ra chính quyền để xử lý hành chính về tội ngược đãi, không hoàn thành nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ thôi.
Anh nói một hơi như trả bài. Kỳ thực anh đang giấu những cơn bão đang quăng quật trong lòng khi bất chợt nhận ra khuôn mặt khắc khổ của bà cụ phảng phất có nét giống khuôn mặt mẹ anh. Có phải mẹ anh đây không? Người mẹ của hơn 40 năm về trước, chết thương tâm trên cánh đồng đất cày, mặt úp xuống đất, nằm phơi mình trong mưa suốt đêm sau tiếng sét oan nghiệt của cơn mưa đầu mùa? Mắt anh bỗng nhòe nước. Tiếng sấm nổ chát chúa trên đầu anh, loang loáng những tia chớp ngoằn ngoèo xé toang bầu trời đặc quánh mây đen…
Cô giáo dắt xe đạp rời khỏi trường khi cơn mưa đầu mùa hậm hực đùn lên phía chân trời. Gió ngược. Tầng tầng lớp lớp mây đen chồng chất lên nhau dựng đứng như bức tường thành sẵn sàng đổ sập xuống mặt đất những thác nước hung hãn. Gần tới nhà, cùng với gió là những hạt mưa to nặng rơi như những viên sỏi quất ngược vào mặt cô đau rát.
Cô gửi xe, luồn người qua mấy liếp vườn cây ăn trái, định băng đồng chạy tắt về nhà trước khi cơn mưa ập tới. Trước mặt cô là khoảng ruộng khô nẻ đất cày, hừng hực hơi nóng. Phía xa, chìm trong làn mưa bụi trắng xóa là căn nhà lá nhỏ với lũ con nheo nhóc đang chờ cô về nấu bữa cơm chiều.
Cô nhét vội tập vở, sổ sách vào chiếc túi nhỏ, tay giữ chặt nón lá, chạy chân trần trên từng tảng đất cày sắc nhọn như những mũi dao cứa sâu vào da thịt. Môi cô mím chặt. Tiếng mưa rơi lộp bộp trên nón, to dần, rền rĩ giữa bốn bề gió giật. Những hạt nước vỡ ra xèo xèo trên đất cày khô khát. Hơi nước bốc ngùn ngụt phả ngược vào mặt cô. Cô sững người. Tia chớp màu da cam xòe lửa chói chang trước mặt. Trời đất tối sầm rồi bật sáng thành sương mù trắng sữa. Cô cảm thấy nhẹ tênh, mát lạnh. Gió thổi thốc sau lưng. Cô không chạy nữa. Cô bay…
Người đi làm đồng phát hiện cô chết nằm sấp cạnh vũng nước mưa giữa cánh đồng vào sáng hôm sau. Sổ sách và tập vở học trò bay tung tóe. Trong chiếc túi xách nhỏ là vài lon gạo đỏ, ít con khô sặc và mấy viên kẹo cô mua trước cổng trường mang về cho con. Cô đã nằm giữa trời như thế khi cơn mưa đầu mùa tàn nhẫn đổ xuống trên tấm thân nhỏ bé của cô giáo quê góa bụa.
Anh nghe tin sét đánh, vùng chạy ra khỏi nhà tìm mẹ. Lũ em nhỏ chạy theo sau, tiếng khóc, tiếng gọi mẹ thảng thốt như những mũi kim đâm ứa máu vào trái tim bà con trong xóm… Mẹ anh ra đi đau đớn như thế. Bàn tay gầy guộc và những đường gân xanh tần tảo bịn rịn bám chặt đất cày… Mẹ anh đây. Bàn tay ấy đây, trước mặt anh, nhòe trong nước…
– Anh có giúp được mẹ con tui không? – Người đàn bà trẻ lo lắng lẫn ngạc nhiên nhìn vào đôi mắt đỏ hoe của anh. Dễ chừng mấy mươi năm rồi anh mới khóc khi nghĩ về mẹ. Thời gian làm nhạt phai trong anh nhiều thứ, khỏa lấp và làm lành những vết thương, nhưng hình ảnh bàn tay gầy với những lằn gân xanh tần tảo của bất cứ người phụ nữ nào cũng gợi lại trong anh nỗi đau cắt ruột. Anh lúng túng:
– Tui dễ mủi lòng. Thôi, chị kể tiếp đi.
– Anh biết không, bà má tuổi hơn 80 rồi mà đã an nhàn tấm thân đâu. Lui cui cả ngày cơm nước, hầu hạ con cháu. Củi đuốc, gà vịt một tay bà lo. Vậy mà tụi nhỏ nỡ lòng nào ăn ở tệ bạc với bà già.
Chị khóc. Tiếng khóc nhiều lần bị giữ chặt sau những cái mím môi bỗng bật trào ra không thể kìm nén. Đôi mắt bà mẹ già như nhìn vào khoảng không mờ mịt của dĩ vãng sau lớp sương mù. Cái nhìn đăm đắm, nhìn như thể nhìn thấu những nỗi đau xa xưa mà chỉ có riêng bà mới thấy được. Trước mắt bà là cánh đồng nước lũ trắng xóa, phù sa nâu đỏ cuồn cuộn đổ về, tràn qua những xóm thôn nghèo đói, cuốn phăng cái chòi lá tả tơi nằm chơ vơ giữa đồng của mẹ con bà, cuốn trôi cả hai đứa con gầy gò đang la khóc, cầu cứu tuyệt vọng giữa ầm ào mưa gió. Bà giơ cánh tay tuyệt vọng níu lấy bàn tay nhỏ bé của hai đứa con đang chìm dần giữa dòng nước xoáy hung hãn…
Anh bất giác nắm bàn tay bà cụ ngồi đối diện, lay nhẹ để kéo bà về thực tại:
– Sao bác không về ở với chị đây cho đỡ phần cơ cực?
Người đàn bà trẻ trả lời thay mẹ:
– Anh biết không, vợ chồng tui không có tấc đất cắm dùi, phải cất nhà ở đậu trên đất của người dưng. Gia đình tui có ở chỗ nào được lâu. Cả năm lặn lội khắp xứ, nuôi vịt chạy đồng, có khi xuống tận miệt Cà Mau, Năm Căn… Bởi vậy làm sao dắt bà già theo để chăm sóc hả anh? Nghèo thành ra bất hiếu. Nhiều đêm nằm giữa đồng không mông quạnh, nhớ bà già tới rơi nước mắt. Phải chi…
Anh lựa lời an ủi hai mẹ con:
– Hồi xưa, người ta từ con là muốn chối bỏ trách nhiệm pháp lý với con cái. Giận thì giận chớ ai nỡ cầm dao cắt đứt núm ruột của mình. Tui biết bác còn thương con, thương cháu nên mới nắm níu ở lại để rồi chịu khổ. Hay là tui làm đơn nhờ chính quyền địa phương xác nhận là con trai bác đã ngược đãi cha mẹ để họ có biện pháp giáo dục, cảm hóa? Chí ít thì họ cũng đề nghị giải quyết cho bác một suất nuôi dưỡng ở trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh, được không bác?
– Trại dưỡng lão hả anh? Không đời nào! Thà má tui cắn răng chịu khổ chớ không bao giờ để con cái mang tiếng bất hiếu.
Bà cụ như vừa vùng ra khỏi giấc mơ, tay run run vịn mép bàn từ từ đứng dậy. Tiếng bà khô khốc trong cổ họng:
– Thôi, mình về đi con! “Về đi con!”. Câu nói đơn giản đó cũng đủ làm anh đau vì sự bất lực của mình khi tiễn khách ra cửa.
Bóng hai người đàn bà nhòe trong bóng chiều. Hoàng hôn rơi xuống thật nhanh. Nắng vàng chiếu rực rỡ phía chân trời, xòe ra giữa không gian tím sẫm thành hình nan quạt, giống như những ngón tay nhẫn nhục của người đàn bà – của mẹ anh – chai sần dấu vết của những năm tháng tảo tần…
Ngày của anh trôi yên ả như dòng sông lặng gió. Chỉ có anh mới biết bên dưới mặt nước bình yên đó là những đợt sóng ngầm, là phù sa bồi lắng để ngày một dày thêm trong anh nỗi đau nhân thế.
Ngày của anh là bản nhạc chấm dứt mà không có cao trào, là câu chuyện kể nhạt nhẽo nhưng dư vị để lại bao giờ cũng nhiều chua chát. Mỗi ngày của anh thường như thế, khởi đầu và kết thúc bằng những mảnh ghép vụn vỡ của bao nhiêu số phận mà phía sau nó luôn có những giọt nước mắt – đã không ít lần… là nước mắt của chính anh.
Truyện ngắn của Nguyễn Lệ Ba – Theo Tiếp Thị Gia Đình