Giữa trưa nắng, cái nắng gay gắt phả xuống mái tôn hầm hập cộng với mùi rác thải bốc lên từ con kênh ô nhiễm ngập ngụa khiến không khí như đặc quánh lại trong một nỗi bức bối khó tả. Chị dựng xe trước cửa, cẩn thận lấy dây khóa lại. Chiếc xe cũ rích giá trị chẳng đáng bao nhiêu nhưng là thứ kiếm sống của mẹ con chị.
Chị bước vào nhà. Gọi là nhà cho sang chứ thực tế chỉ là túp lều nhỏ quây bằng tôn. Những tấm tôn cũ cong vênh, thủng lỗ chỗ, nắng chiếu qua những lỗ thủng ấy soi vào nhà những vệt xiên xẹo, sứt mẻ. Đứa con trai đang ngồi làm toán, cánh tay khó nhọc lắm mới viết được những con số một cách ngay ngắn. Tay phải của nó bị bó bột nên mấy bữa nay nó phải viết bằng tay trái. Mồ hôi chảy ròng ròng trên trán nó. Nghe tiếng chị, nó ngẩng đầu lên, nhoẻn cười:
– May quá mẹ về rồi. Con tính làm xong bài toán này mà không thấy mẹ về sẽ nhờ chú Khích chở đi học mẹ ạ.
Chị dịu dàng vuốt mồ hôi trên trán con:
– Hôm nay chở khách đi xa nên mẹ về muộn, con ăn tạm bánh mì rồi đi học nhé. Đứa con trai lắc đầu:
– Lúc nãy chú Khích nấu cơm cho con ăn rồi mẹ.
Nói rồi, nó gấp sách vở lại chuẩn bị đi học. Con trai xách chiếc cặp cũ, nói với mẹ như ông cụ non:
– Chú Khích tốt mẹ nhỉ. Thế mà mấy đứa cứ thấy chú là sợ. Chúng nó bảo mặt chú nhiều sẹo vì đánh nhau. Chú ấy giúp con bao nhiêu việc.
Chị định bảo con từ giờ đừng làm phiền người khác, việc gì tự làm được thì cố mà làm con ạ, nhưng rồi lại thôi. Con chị vẫn còn là một đứa trẻ, có những điều phức tạp của thế giới người lớn, nó chưa hiểu được.
Mọi người ở cái xóm nhỏ nằm dưới chân cầu, ven con kênh ngày nắng cũng như ngày mưa đều bốc mùi hôi thối đến váng đầu óc này thường nói chị là người đàn bà sắt đá, chưa bao giờ nhỏ nước mắt, thậm chí không biết khóc. Chí ít là từ khi chị ôm con về cái xóm tự phát này người ta chưa từng thấy chị khóc bao giờ, kể cả khi đứa con trai đi bán vé số bị cướp giật ngã gãy tay hay khi chiếc xe máy là phương tiện kiếm sống duy nhất bị trộm, chị cũng không khóc. Mắt chị lúc nào cũng ráo hoảnh, khô khốc. Con bị tai nạn, chị ôm con vào bệnh viện, dặn con không được khóc. Nhìn cánh tay con băng bó trắng toát, đau đớn mà mắt chị chỉ vằn đỏ lên chứ tuyệt nhiên không rơi một giọt nước mắt. Xe mất, không chạy xe ôm được chị đi bốc vác, nhặt rác kiếm tiền mua lại chiếc xe cũ khác. Chị bảo có ngồi khóc cũng không giải quyết được gì. Đấy là chị nói với người ta thế, nhưng còn một lý do chị giấu kín trong lòng suốt bao nhiêu năm qua.
Đưa con trai đến trường, chị tính quay lại bến đợi khách thì tự nhiên cơn đau đầu ập đến. Cố gắng gượng mà không được, chị đành quay xe về. Dắt được chiếc xe vào nhà, chị nằm vật xuống giường rồi thiếp đi.
Chị lơ mơ tỉnh dậy khi cảm nhận bàn tay ai đó đang lay mình. Là Khích. Người đàn ông hàng xóm bưng cho chị tô cháo. Nụ cười ngượng nghịu của anh khiến khuôn mặt chằng chịt những vết sẹo bớt dữ dằn đôi chút:
– Chị cố dậy ăn bát cháo cho tỉnh. Hôm nay hết việc, tôi về sớm nên mới biết chị bệnh.
Chị chống tay ngồi dậy nhưng cơn chóng mặt kéo đến đột ngột khiến chị đổ ập người xuống. Khích vội đỡ chị tựa vào thành giường. Anh định bón cháo cho chị nhưng chị vội cản lại:
– Cảm ơn anh, tôi tự ăn được.
Khích bối rối đưa tô cháo cho chị. Đôi mắt anh thoáng buồn, nhưng ngay lập tức anh cố tỏ ra tự nhiên:
– Chị cố ăn cho khỏe. Tôi về.
Nhìn anh bước ra cửa, tự nhiên chị thấy hơi ân hận vì những lời nói và hành động lạnh lùng của mình, nhưng rồi chị khẽ thở dài. Vết thương lại trở nên nhức buốt. Bao nhiêu lần chị nhủ mình phải quên đi mà chưa thể. Chị như con chim sợ cành cong, chẳng muốn đặt niềm tin vào bất cứ người đàn ông nào nữa.
Sinh nhật chị, chẳng hiểu sao Khích biết. Có lẽ là con trai chị nói. Ở trường, cô giáo thường tổ chức sinh nhật cho các học sinh có sinh nhật cùng tháng, nó nhất quyết hỏi sinh nhật mẹ cho bằng được. Từ khi biết ngày sinh của mẹ, nó chưa bao giờ quên. Năm nào nó cũng tặng quà cho chị. Có khi là bức tranh nó vẽ, có khi là cái dây buộc tóc trị giá vài nghìn đồng, khi là bài thơ nó chép. Điều đó khiến chị thấy ấm lòng.
Khích tặng chị một chiếc áo hoa. Anh ngập ngừng đưa cho chị. Lòng chị khẽ run lên trong cơn xúc động bất chợt, nhưng rồi chị trở nên lạnh lùng:
– Cảm ơn anh. Nhưng anh cầm về cho, tôi không thể nhận được. Với tôi bây giờ, sinh nhật có quan trọng gì đâu.
Khích định nói gì đấy, vẻ mặt anh thiết tha lắm, nhưng nhìn đôi mắt lạnh lùng của chị, anh lặng lẽ quay về.
Chị soi gương. Nước da đen sạm vì nắng gió. Tóc xơ lại, gãy khúc vì cặp gấp sau gáy. Chị thở dài. Chị từng là một người phụ nữ đẹp. Vẻ đẹp thùy mị, dịu dàng và mong manh khiến bao người say đắm. Chồng chị cũng đã từng tôn thờ và say đắm nhan sắc ấy. Vậy mà khi chị đã hy sinh tất cả cho anh ta, anh ta lại ngã vào vòng tay của người phụ nữ khác, ngang nhiên đưa người tình về ngôi nhà bố mẹ chị cho con gái trước khi qua đời. Ngôi nhà ấy, anh ta ngon ngọt dỗ dành chị sang tên để tiện việc anh ta vay vốn làm ăn.
Chị ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng khi con trai còn chưa đầy tuổi. Không chốn nương thân, chị từng ôm con lên cầu, tính lao đầu xuống sông cho xong, nhưng nhìn con ngây thơ nhoẻn miệng cười trên tay, chị không thể. Những tháng ngày ấy, nước mắt chị đã chảy đủ cho một đời. Từ lúc quyết định ôm con về cái xóm tự phát dưới chân cầu, nơi cư trú của những phận người bần cùng, nghèo khổ này, chị tự nhủ mình sẽ không bao giờ nhỏ bất cứ một giọt nước mắt nào nữa.
Chị biết Khích thích chị. Chị từ chối tình cảm ấy không phải vì coi thường hay ghê sợ quá khứ của anh. Với quá khứ ấy, anh đã trả giá bằng những tháng năm trong tù. Vả lại, anh vốn không phải là kẻ có sẵn bản chất côn đồ, lưu manh. Con thơ bệnh tật, vợ bỏ nhà theo kẻ khác, để có tiền chữa bệnh cho con, anh đã tham gia vào nhóm đòi nợ thuê. Những vết sẹo trên mặt là vết tích của những lần đâm thuê chém mướn ấy, nhưng rồi đứa con cũng bỏ anh đi.
Anh tự thú, vào tù. Ra tù, anh về xóm này, làm nghề bốc vác để kiếm sống. Anh quý con trai chị. Con trai chị cũng quý anh. Còn chị, chị nghĩ tốt nhất là mọi chuyện chỉ nên dừng lại ở đấy.
Trận ốm kéo dài hơn chị tưởng. Con trai lóng ngóng, vụng về vì cánh tay còn băng bó. Dù lòng không muốn, chị vẫn phải nhờ cậy Khích. Chẳng biết có phải khi đau ốm, con người ta trở nên yếu đuối hay không mà nhìn thấy dáng vẻ tất bật của anh khi chăm sóc chị, đưa con trai đi học, tự nhiên những băng giá trong lòng chị như cũng tan chảy chút ít.
Qua trận ốm, chị bớt gay gắt hơn với Khích, nhưng tất cả cũng chỉ có vậy. Chị chẳng muốn mở lòng. Chị không muốn đảo lộn cuộc sống của mình, cũng không muốn tổn thương thêm một lần nào nữa.
Con trai đi học về có vẻ trầm lặng hơn thường ngày. Chị gặng hỏi, nó mới lí nhí:
– Hôm nay con đánh nhau.
– Sao con lại đánh nhau?
Thằng bé cúi gằm. Một lúc lâu nó mới trả lời:
– Vì chúng nó nói con là thằng không có bố.
Chị im lặng, nghe xót xa dâng đầy trong ngực mình. Khích đứng ở cửa từ lúc nào. Anh lặng lẽ nhìn chị. Đột ngột, anh bước đến cạnh thằng bé, đặt bàn tay lên vai nó:
– Thế chú… là bố cháu được không? Có ai bắt nạt cháu, cháu hãy nói chú là bố cháu.
Thằng bé ngập ngừng đưa mắt nhìn chị chờ đợi. Chị quay mặt đi, chưa biết trả lời con như thế nào.
Nước mắt tưởng đã khô cạn chẳng hiểu từ đâu ràn rụa chảy. Có bàn tay vụng về nhưng chân thành khẽ chạm vào những dòng nước mắt ấy. Và chị đứng im để bàn tay ấy lau khô nước mắt cho mình.
ĐÀO THU HÀ
Mục truyện ngắn / Tiếp Thị Gia Đình