Mượn chồng

Em đã bước sang tuổi 40 và chị Vui bảo em đi mượn chồng kiếm đứa con để tuổi già bớt hiu quạnh, nhưng em không thể... – Truyện ngắn của Huy Đức

Tiếng con chim lợn nghe sầu thảm, nó cứ giữ nhịp cầm canh bên quả đồi, bất kể từng hồi còi xe inh ỏi để báo hiệu cho các phương tiện chạy ngược chiều qua khúc cua chữ z dưới chân đồi. Con chim lợn chẳng hề di chuyển, nó đã quá dạn dày với khung cảnh đêm tối ở nơi được sinh ra.

Còn với em hơn hai mươi năm nay đã quen rồi tiếng còi xe, nhất là về đêm âm thanh xuyên vào gió, luồn thật sâu vào màng nhĩ. Kệ, em vẫn ngủ tít mù một giấc từ chập tối tới tảng sáng. Nhưng đêm nay em làm sao ấy, em cứ trằn trọc lăn qua lăn lại, hết ôm cái gối bông lại đẩy ra ôm chặt cái mền bông, rồi hai chân co quắp như con tôm, hai mắt nhắm chặt, thậm chí xổ tung cái mền trùm kín bưng vẫn chẳng thể ngủ được.

Rồi thật vô tình, một luồng gió lạnh cắt da đã trườn được qua cái khe vách gỗ bị hở ngay cạnh giường, nó liếm dần lên cái mền chạm phải em. Một cái rùng mình rồi cũng thật vô tình em duỗi thẳng người, hai bàn tay khẽ luồn vào bụng dưới, trong lớp vải của cái quần hoa sặc sỡ. Lần đầu tiên tay em rờ nơi ấy của em khi ở trên giường, biết được cái cảm giác lâng lâng khi em xoa nhẹ rồi ấn nhẹ và cứ thế em tự ru mình vào giấc ngủ. Kể từ cái đêm khó ngủ ấy, em vẫn thường ôn lại động tác luồn tay để tìm cảm giác lâng lâng ấy.

Cho đến một hôm có người hàng xóm ngày xưa ở Phước Bình, Bình Phước đi làm ăn ghé vào thăm nhà, trong bữa cơm trưa nghe tía nói với người ấy:

– Tui đang định về Lộc Ninh mua dây tiêu.

– Vậy vài hôm nữa xong việc rồi cháu chở chú cùng về Bình Phước luôn.

– Ừ, thế cũng tốt.

Lời của tía em biết rõ, vì tía má vừa mua thêm một hecta đất triền đồi, bên dưới thung lũng có thể múc ao giữ nước, thế là tía tính phát triển thêm bằng ấy diện tích đất trồng tiêu. Đấy là sự thay đổi hoàn toàn đúng theo tính toán của tía má, bởi năm hecta cà xưa nay vẫn thu hoạch đều đặn nhưng thực ra rất cực, rồi lại lo về giá cả.

Thực ra xuyên suốt chiều dài đường 14 nơi có năm tỉnh Tây Nguyên, người người ai cũng bảo cây cà-phê là niềm vui, lẽ sống của nông dân nhưng chẳng cứ gì nông dân, kể cả giới bán buôn ở phố thị, họ vẫn thích có vài hecta đất cà. Cái món “cà-phê Trung Nguyên” đang là thương hiệu cộm lên, rồi Tây Nguyên vẫn thường xuyên làm lễ hội cà-phê cũng chẳng khác chi nơi Bình Phước có quả điều vàng. Nhưng tất cả chỉ là động viên hai giống cây, dù là một trong những cây chủ lực, vẫn cứ tàm tạm cho sống được. Còn nói cho thẳng thì cây quả chi cũng có ích cả. Như cái hồi mới giải phóng miền Nam, tía 27, má 26 tuổi, nghe nói ở miền Đông Nam bộ đất đai nhiều, người lại thưa, nên tía má bán ngôi nhà nhỏ bên này cầu Hoàng Diệu thuộc thành phố Long Xuyên lên Lộc Ninh, Bình Phước, rồi vào khu vực xã Lộc Tấn mua đất lập vườn. Nào dè phải sơ tán vì cuộc chiến Tây Nam quá gần với Lộc Ninh, thế là lại bán hết rồi vòng qua Phước Bình mướn nhà sống bên chợ với tay nghề bán lẩu mắm ngày xưa ở Long Xuyên.

Thời gian ở đây thằng em ra đời được tía đặt cho cái tên Phước Bình. Bỗng một ngày tía bị mấy ông địa phương vu oan cho tội chống người thi hành công vụ và chứa chấp đồ gian, dù tía chỉ nói: “Tui mua mấy thứ này ở ngoài chợ trời, còn người bán tôi không biết, làm sao chỉ cho mấy ông bây giờ”. Từ ấy tía buồn, tía nói: “Má con Diệu Hiền để tía thằng Phước Bình đi ít ngày kiếm đất nghen”.

Vậy là em với thằng Phước Bình có bạn là người M’Nông, vì tía lên tận vùng núi thuộc xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông bây giờ kiếm đất.

hoavan_truyen

Ngày tía má quyết định hạ nọc tiêu, các gia đình bà con M’Nông ở gần đến phụ giúp, mặc dù tía đã chủ động thuê bốn thanh niên người Kinh đến làm. Khi nghỉ nửa buổi, mọi người đang ăn món khoai lang “nhật”, tự dưng nghe anh Điểu Ké nói:

– Diệu Hiền ơi, sao em chưa bắt chồng?

Câu hỏi đùa của anh Ké rất phù hợp với gia đình tía má em, nhất là kể từ khi cậu em Phước Bình không vào được đại học, trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, mấy năm sau đi học bổ túc lớp đại đội rồi chuyển về đồn 801 Hoa Lư, Bình Phước công tác, đến giờ đã là cán bộ cấp tá của biên phòng Bình Phước.

Mọi người dồn mắt về phía em chờ câu trả lời cho số tuổi gần tròn 40 mùa cúc quỳ vàng. Em chỉ cười. Từ nụ cười của em, chị Vui người Quảng Bình gỡ rối mối tơ lòng:

– Thôi bắt chồng làm chi nữa, Diệu Hiền cứ mượn chồng của ai đó sử dụng thời gian rồi trả lại cho họ cũng tốt mà.

Nghe câu ấy em chợt nghĩ cái chuyện đất trời an bài cho muôn loài, nơi nào cũng được xen lẫn các giống đực – cái, thậm chí nhiều góc khuất của một loài như “ngựa”. Đây là một loài rất tinh, nhưng vì sao nó tinh? Con đực con vì lý do nào đó phải xa ngựa mẹ một thời gian dài, đến lúc trưởng thành, nó vô tình gặp lại chính ngựa mẹ và phải làm cái nhiệm vụ gây giống. Nếu nó tinh thì sẽ không đời nào chịu thực thi cái nhiệm vụ quái ác ấy, dẫu bị con người đánh mắng, nó vẫn khăng khăng ngoảnh mặt. Còn nó không tinh, thì sẽ làm việc một cách ngọt ngào với con ngựa mẹ, và chỉ cần con ngựa đực con vừa nhảy phủ lên lưng ngựa mẹ, thì ngay lập tức cái giá của tội “loạn luân” sẽ được mọi người chứng kiến ấy là con ngựa đực con tự hộc máu ra rồi lăn đùng giãy chết.

Riêng hoàn cảnh của em, có thể phải tự em giải quyết để tránh cái tiếng gái độc không chồng, không con. Còn tại sao đến giờ em vẫn một mình, đến ngay tía má cũng không dám hỏi em vì sao.

4014_story_muonchong_01

Chiều tối ấy tía có rủ thêm ông bạn già qua nhâm nhi để giới thiệu người hàng xóm ngày xưa. Trong câu chuyện ấy, ở nhà ngang vô tình em nghe tiếng ông bạn già của tía:

– Chúc mừng ông bà có chàng rể mới.

– Không phải, đây là thằng cháu hàng xóm ngày xưa ở Phước Bình, Bình Phước đi làm ăn ghé thăm vợ chồng tui.

– Ồ! Vậy mà tôi cứ tưởng con Diệu Hiền chịu lấy chồng.

Nghe tới đây em vội bước ra thềm giếng ngồi, để khỏi phải tiếp tục nghe hai ông già tâm sự. Nhưng em thầm cảm ơn ông bạn già của tía, vì lời ông ấy vô tình làm em nhớ về cái buổi trưa ngày xưa ở Phước Bình, nơi con suối cạn chạy lòn phía sau nhà một đoạn đường ngắn.

hoavan_truyen

Xưa ấy khi đi học về rồi cơm trưa xong, em bê thau áo quần ra suối giặt, đến lúc giặt xong em bước khuất sau lùm cây sim để tắm. Bởi em rất thích vẫy vùng nơi em phát hiện sau lùm sim, nước nơi ấy sâu gần ngang thắt lưng như ở giữa dòng suối nhưng ở đây kín đáo hơn. Sau khi cởi áo quần mắc lên cành sim cẩn thận, em ào xuống cọ rửa thoải mái vô tư. Áng chừng vài phút em chợt nghe tiếng bước chân lội nước ào ào, em hướng mắt xuyên qua kẽ lá nhìn thấy một anh chàng lạ hoắc đang từ hướng bên kia suối lội qua. Khi anh ta dần bước lên bờ, em thật sự được ngắm thân hình cường tráng với những hình xăm đủ các con thú xanh lè. Bỗng dưng anh ta bước vài bước đến bên thau đồ của em, rồi tiến thẳng đến bụi sim nơi em đang tắm cởi nốt cái quần đùi.

Bây giờ nghĩ đến cảnh ấy, em cứ giận mình sao quá khờ khạo như thế. Sự sợ hãi khiến em mềm cả ra, mồm cứ há hốc, mắt nhìn anh ta ào xuống rồi ôm ghì lấy em rê nhanh vào cạnh bờ đất thoai thoải và lại thật nhanh ấn nửa người trên của em xuống sát đất, rồi nằm đè lên. Em chực hét lên khi nghe rất đau nhưng bàn tay anh ta đã ấn mạnh mồm em: “Nếu la sẽ chết”. Nói rồi, anh ta cứ thế chống hai tay lên bờ đất xoai xoải và liên tục làm cái động tác mà lần đầu em mới biết. Đến lúc thấy anh ta không điều khiển của ấy được nữa, em cảm nhận có một tia nước bắn mạnh vào cơ thể. Anh ta nằm đè lên nửa người trên của em, hai tay vòng lên đầu em ghì mạnh, rồi một bên má áp vào má em thật dịu dàng.

Anh ta khẽ hôn lên môi em rồi đứng dậy bước nhanh lên bờ đất. Em chợt nhắm mắt nằm im như thế thật lâu, thật lâu mới mặc áo quần bưng thau đồ về.

Tối ấy ở trong phòng riêng, trước lúc tắt đèn đi ngủ, em lấy cái gương soi nhìn thật lâu khuôn mặt em, rồi tự dưng lột phăng áo quần đứng nhìn cơ thể mình.

Sáng ra em vẫn đi học bình thường, cô học trò lớp chín đã chín ửng sau một buổi trưa. Rồi những buổi trưa sau ấy em vẫn ra suối giặt áo quần, lại đến tắm nơi bụi sim kín đáo, những gì của buổi trưa ấy như một cuộn phim cứ lần lượt chầm chậm hiện ra trong cái đầu mơ màng của em.

hoavan_truyen

Vậy là tía má em đã trồng được 500 dây tiêu “ác” mua từ Lộc Ninh, Bình Phước, theo kế hoạch của tía, năm sau sẽ cắt ít nhất cũng được 1.500 dây tiêu “ác” từ 500 dây đã trồng năm nay, vừa có chia lại cho bà con hàng xóm, vừa khép kín một hecta đất của gia đình.

Hôm trồng dây tiêu vẫn có chị Vui làm với em. Chị rất thích trồng tiêu nhưng chưa có điều kiện, thế là chị theo em để nghe tía chỉ bày cách đặt dây xuống hố được đào sát nọc gỗ, rồi lấp đất thế nào… Khi nghỉ ăn buổi lỡ, chị lại thủ thỉ nhắc chuyện mượn chồng với em. Thế là những lời thì thầm của chị cứ bám chặt em, nhiều lúc em muốn làm theo lời chị để kiếm một đứa con như chị, cho tuổi già đỡ hiu quạnh. Nếu em “mượn chồng” để kiếm con, em phải mượn thế nào? Em phải mượn ở đâu?

Cuối cùng cái thuyết lưu truyền của loài ngựa đã thắng những lời thầm thì của chị Vui và thắng cả em. Vì sao?

Câu hỏi ấy em đã tự trả lời. Đấy là cái thiên tình “loạn luân” vô tình giữa anh chị em cùng cha, nó có thể sẽ diễn ra cho chính những đứa trẻ trong thời đại hiện nay, bởi chúng nó đã và đang thích sống thử như vợ chồng rồi mới về cho hai bên gia đình được biết, nghĩ tới đây em khẽ kêu trời! Lúc ấy người chồng được em mượn tạm có dám nhận con hay không?

Truyện ngắn của Huy Đức – Theo Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua