Đôi bàn chân phía trước cứ thấp dần cho đến khi nó bước những bước thư giãn, thoải mái, cùng lúc cảm giác thoáng đãng nhẹ nhõm ập đến. Biết đã tới đỉnh dốc, tôi ngẩng đầu nhìn xung quanh. Những vạt rừng kỳ vĩ chao đảo dưới ánh nắng rực rỡ của mặt trời tháng Ba.
– Nghỉ hơi chút đã, Rúi! – Tôi thở trong tiếng ù ù của hai tai hơn là nói. Ngồi phệt xuống một bụi cỏ xanh mượt, tôi lấy bi-đông nước uống vài ngụm, lòng thầm biết ơn sự chu đáo của bí thư Ngọc. Thứ nước trà pha đường này khiến người khỏe lại rất nhanh.
Đứng tựa vào tảng đá đối diện, người đưa đường ngửa mặt dưới nắng, thong thả nhá một thứ vỏ cây khô lấy từ trong túi ra. Đó là một thanh niên Hrê chừng hai lăm tuổi, thấp bé, rắn rỏi. Mái tóc cắt ngắn, vàng nắng, khô khốc sương gió rất hợp với khuôn mặt nhiều góc cạnh: vầng trán cao rộng, sáng bóng nhưng lại gồ lên ở chân mày, tương xứng với cái mũi lớn, hơi hẹp, lưỡng quyền cao và đôi quai hàm bạnh ra bề thế. Đặc biệt, đôi mắt nấp sâu dưới đôi mày rậm và hàng mi dày, thâm nghiêm như dáng núi, tiềm ẩn một sức mạnh tự nhiên đến hoang dã. Hai cánh tay trần hơi dài, nâu bóng, chắc nịch những cơ bắp tự do. Cái áo không có ống tay đang miễn cưỡng ôm thân mình bằng chiếc cúc độc nhất còn lại nơi bụng, phô ra thấp thoáng bộ ngực cũng nâu bóng, nở nang.
Tôi ngước nhìn anh gỡ bánh thuốc đen nhẻm, dẻo quánh ra, cuốn một điếu to sụ bằng thứ giấy công văn ố vàng, châm lửa, phà khói xanh mù đậm đặc, hắc đến nỗi tôi bật ho sặc sụa. Lòng tôi thầm nghĩ đến những thứ tạo nên hình hài tự nhiên tỏa ra một sức mạnh đượm vẻ kỳ bí kia: cồng chiêng và những đống lửa, thác lũ mưa ngàn và tiếng chim, tiếng suối xa với nhịp chày, mật ong cây trái và nắng gió, cả những tập tục lễ hội kỳ lạ, những lá cây rễ thuốc màu nhiệm của núi rừng, những cuộc giao hoan cuồng nhiệt… Rúi nhìn mặt tôi xem đã khỏe lại chưa rồi quờ tay sang bên nắm cán cầm-pựt vác lên vai, vẫn không một lời, ra hiệu tiếp tục hành trình.
Xuống dốc một chút, con đường triền triền quanh quanh theo các vạt rừng dễ đi. Tôi có thời gian quan sát thứ vũ khí anh vác trên vai. Nước thép cực tốt, lưỡi dài khoảng hai lăm phân, phần bụng bằng, bén ngót, lưng dày cong vút về phía mũi, mỏng dần và nhọn hoắt. Cắm chắc chắn vào cán gỗ dài, người dân miền núi có thể sử dụng thứ vũ khí này chiến đấu với cả hổ, báo.
Một làn hương thơm mát bỗng sà xuống ngang vai khiến tôi nghếch mũi tìm kiếm. Trên mấy cây ké cổ thụ, những chùm đại châu nở muộn thấp thoáng như những đốm nắng lặng lẽ. Trên mấy cây khô chết đứng, từng khóm lớn lan trường kiếm xanh tốt tạo nên một họa tiết độc đáo như sự tái sinh kỳ lạ. Những con sóc ẩn hiện khẽ khàng và sinh động trong mấy bụi cây ven đường. Và tiếng chim, bản hòa tấu sặc sỡ muôn đời làm rừng trẻ mãi. Khúc nhạc buổi sáng mát trong khiến lòng tôi phấn chấn hẳn lên. Thiên nhiên giàu có tươi đẹp xiết bao!
Phải rồi, không chỉ có tiếng chim. Trước mặt tôi bỗng hiện ra con suối nhỏ, róc rách quanh mấy bụi mua, hoa tím hồng xác pháo, giăng giăng theo mép nước đến khuất hẳn sau ngọn đồi mọc đầy tranh. Rúi dừng lại, mắt dõi theo hướng ấy chăm chú đặc biệt. Nhớ lại câu nói của ông Ngọc khi giới thiệu người dẫn đường: “Đây là đứa con của rừng xanh. Cậu ta có thể ngửi cả phương hướng nữa đấy”, tôi im lặng chờ, biết rằng “đứa con của rừng xanh” không ngắm hoa như tôi. Chốc sau, Rúi quay sang nói câu đầu tiên, không chút cảm xúc:
– Cán bộ đứng đây chờ chút. Tui đi lấy mật con ong về ăn. Gần thôi. Nhanh thôi.
Hẳn là có mấy con ong vừa để lại địa chỉ trên dòng suối này. Tôi muốn chứng kiến điều người ta nói về cách tìm tổ ong của người dân miền núi nên hăm hở:
– Tôi đi với Rúi cho vui.
Không lội qua suối, Rúi đi ngược về phía đồi tranh. Qua khỏi đồi tranh, rừng mới bắt đầu bằng những bụi chành rành, ngành ngạnh và bằng lăng. Bằng lăng lưa thưa nhưng là vóc dáng chính của khu rừng này. Đã bắt đầu thấy ong bay quấn quýt, loài ong đặc biệt mê bằng lăng với những túi mật đầy ắp của hoa và những hốc cây làm tổ trên thân.
Rúi bỗng bước chậm lại, vẻ thận trọng là lạ xuất hiện trên mặt. Qua khỏi một lùm cây, anh chợt đứng sững, mặt ngây ra căng thẳng. Cách chúng tôi mười lăm mét, bên gốc bằng lăng thật lớn, ong bay rối loạn từ gốc đến tầm đầu người, một con gấu ngựa to lớn dị thường màu xám tro, đứng trên hai chân sau, chân trước vỗ nhẹ vào bọng ong, mũi nghếch lên khoái trá. Nó chưa vội. Phần việc quen thuộc còn lại thật hấp dẫn, nó muốn nhấn nhá thưởng thức – con thú già đời, từng trải.
Rúi phát cử chỉ bảo im lặng quay lại, cùng lúc cái xách nặng tuột khỏi vai tôi rơi độp xuống đất. Âm thanh lạ, khô khốc ấy đủ khiến đôi tai thính của con gấu rung lên báo động. Nó quay lại, đôi mắt tỉnh táo và cảnh giác kịp nhìn thấy chúng tôi. Lập tức nó bỏ hai chân trước xuống, lông dựng lên, miệng phát ra tiếng gầm khàn đục đe dọa.
Cái cầm-pựt đã vào thế thủ trên tay Rúi. Anh nói qua vai, điềm tĩnh kỳ lạ:
– Chạy đi! Để nó cho tui.
Tê dại, cảm giác sợ hãi, tôi ngớ ra vài giây rồi mới quay đầu chạy, không phải theo lối cũ mà tạt ngang trên đôi chân không vững. Khu rừng trở nên rậm rạp, chao đảo, giăng đầy bụi cây cản lối, tôi lao bừa vào một vùng lá tối trong tiếng gầm lớn của con thú. Cố quẫy đạp, mình vừa chạm đất, tôi xoay trở quay lại nhìn hướng nguy hiểm theo bản năng. Thì ra quá hốt hoảng, tôi loanh quanh mới chỉ cách Rúi chưa tới hai chục mét.
Và kìa, đối diện với con người nhỏ bé đang căng lên tư thế phòng vệ, con gấu càng to lớn dị thường trong lối đi bằng hai chân, “tay” đưa lên ngang vai bơi nhẹ trong không khí để lấy thăng bằng. Vùng lông cổ và lưng xù lên từng đợt kèm theo tiếng gầm gừ rung từ ngực, qua mấy cái răng trắng nhởn, cái lợi đỏ hồng phô ra đe dọa. Con vật đang ở trạng thái giận dữ. Tiếng gầm lớn của nó vừa rồi tỏ ra không có tác dụng như mọi khi, Rúi vẫn chân tiền chân hậu đứng yên không nhúc nhích, mắt quắc lên nhìn chằm chằm vào mắt nó. Còn cách nhau khoảng mười bước, luồng mắt dữ dội của con người khiến con gấu đột nhiên lo ngại. Nó từng gặp những con vật hung dữ khác nhưng không hề có ánh mắt kiểu ấy. Nó dừng lại, đặt hai chân trước xuống. Ở tầm thấp này, luồng mắt con người vẫn chiếu thẳng vào nó. Nó nhắm mắt, định bỏ đi. Chính lúc đó, cái bọng ong ngọt ngào mùi mật hiện ra trong óc nó đầy quyến rũ. Nó thèm ăn trào nước bọt, thèm nghe âm thanh u u rào rào của lũ ong túa ra phủ kín đầu cổ mà không thể chui qua lớp lông dày dựng đứng, thèm vung tay vỗ bộp vào thân cây và tách roạt ra từng mảnh gỗ…
Nó không muốn bỏ đi. Nó chưa hề sợ con vật nào. Nó là chủ của khu rừng này sau khi đánh đuổi xong một con hổ vốn làm chúa trước đó. “Con vật xấu xí” lạ lẫm kia không hề bỏ chạy khi nghe nó gầm đe dọa và rõ ràng có ý định cướp bọng ong, cướp quyền chúa tể của nó.
Cơn giận bùng lên dữ dội, nó gầm lớn và đứng bật dậy bằng hai chân sau, từng bước tiến tới. Mảng lông bụng trắng ngà rung rung theo bước đi, nó quả là con thú béo tốt, sung mãn. Không gầm gừ nữa, đi tới từng bước thận trọng, nó khôn ngoan tránh nhìn vào luồng mắt con người.
Khu rừng chợt lặng đi khác thường. Khoảng rừng thưa đột nhiên tối sầm lại. Chỉ còn con gấu lừng lững đi tới rung rung mảng lông bụng. Con người rùng lại, trụ chắc vũ khí.
Khoảng cách ngắn dần.
Năm thước.
Bốn thước.
Rồi ba thước.
Chưa bao giờ trong đời, tôi chứng kiến cảnh tượng lặng lẽ và khủng khiếp như lúc này: sự giáp mặt khắc nghiệt của con người và tự nhiên.
Con thú vẫn tiếp tục đi tới, “tay” bơi bơi, mắt nhìn vào vật trên tay con người. Một tiếng “rốp” vang lên khô khốc. Nó đạp phải cái túi xách tôi để rơi lúc nãy. Thì ra Rúi cũng đã lùi mấy bước lúc tôi chạy.
Âm thanh lạ dưới chân khiến con gấu cúi nhìn. Chính trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, con người với lòng quyết tâm và chờ đợi tưởng đã hóa đá vụt chồm lên. Bàn chân phải từ phía sau bước mạnh tới để rút khoảng cách vừa tầm cùng lúc với hai tay lắc một nửa vòng tròn đưa cái cầm-pựt ra sau vai rồi vung loáng lên nhanh như ánh chớp chém phập vào ngực trái con vật. Toàn bộ các động tác trên diễn ra trong nửa giây đồng hồ nên trở thành một vòng cung lóe sáng, uyển chuyển phi thường.
Nhát chém mạnh đến mức lưỡi cầm-pựt xẻ một đường dài bằng gang tay và ngập đến tận cán, chắc chắn cắt đứt mấy rẻ sườn ngực trái. Con vật khựng lại như va vào đá, hơi nẩy ngửa ra sau, há mồm kêu mấy tiếng khàn đục đau đớn. Nó ngạc nhiên, cố gắng cúi nhìn mà không được. Sự cố gắng khiến mình nó đè xuống vùng đau nhiều hơn và càng làm cảm giác ấy luồn sâu về phía lưng. Nó định vung tay, không phải tát miếng võ nhà nghề mà để gỡ cái khối đau đang bám chặt, cào cấu, lan tỏa khắp ngực. Mỗi cử động nhỏ đều làm nó đau đớn. Nó cố rướn hai chân cho thoát khỏi sức đẩy lên từ dưới.
Toàn bộ sức lực con người tập trung một hướng với cái cầm-pựt. Điểm tựa là hai bàn chân và cây gỗ lim trần như thép ấy vút nhọn dần tới ngọn, chui vào lồng ngực con thú mỗi lúc một sâu hơn. Con người biết rằng sự sống phụ thuộc vào việc giữ không cho khối lượng trên hai tạ trước mặt đổ ập vào mình với móng vuốt mạnh khủng khiếp.
Máu từ vết thương con vật tuôn ra như suối, chảy ướt đỏ vùng bụng trắng xuống đất, chảy xuống đôi tay, tưới đẫm mặt con người đang nghiến chặt răng, quai hàm bạnh ra, mắt trợn trừng nhìn cán gỗ lún dần vào mình con thú. Những vòi máu thỉnh thoảng phun mạnh ra trong tiếng khò khè cố đớp không khí của con vật.
Nếu không có tiếng lốp bốp của răng con thú va vào nhau trong từng cái rùng mình đau đớn, cuộc tử chiến hoàn toàn chìm vào sự im lặng khủng khiếp. Hai sinh vật cùng chôn chân, tựa vào nhau thành một khối đẫm máu. Chỉ có cán cầm-pựt lún dần.
Toàn thân con vật bây giờ rung lên bần bật. Cổ họng nó phát ra âm thanh chọt chẹt như bị ngạt. Nó há miệng đớp không khí, cùng lúc dòng máu tìm được lối thoát, tuôn ra. Cái cầm-pựt đã xuyên dần lên phá vỡ một lá phổi của nó. Con người có lẽ cũng mất hẳn cảm giác trong sự căng thẳng tột cùng và sự say máu bản năng, trong ranh giới sự sống và cái chết. Đôi mắt vẫn mở to giờ không thấy gì, con người bỗng thấy sức nặng không đè xuống nữa, chợt quên đi trong cái tĩnh lặng thiên thu của khoảnh khắc.
Chừng như sự đau đớn tột cùng và kiệt sức vì mất máu khiến các cơ bắp co giật ngoài sự điều khiển của con thú. Nó há ngoác miệng đớp đớp không khí. Vẫn ngợp thở. Như khối đá lạnh cứng chứ không còn là ngực nó nữa. Khoảnh khắc mơ màng, nó chợt nhớ ra mọi thứ. Cơn giận lại đột ngột ùa đến, nó gầm lên với tất cả sức lực còn lại, vung tay và đổ ập xuống.
Ra khỏi bụi cây ẩn nấp, tôi mới hay trời đã mưa nặng hạt. Tôi chạy vội lại như trong mơ, giấc mơ kinh dị và huy hoàng.
Rúi bị đè ngửa, hai chân mắc kẹt dưới bụng con thú, mặt hứng mưa bất động, mắt mở trừng trừng không chớp. Tôi xốc nách, ráng sức kéo anh ra khỏi con vật, đặt lên vùng đất bằng bên cạnh. Anh chợt tỉnh, vùng ngồi dậy quay sang con thú, thảng thốt. Rồi chống tay định đứng lên nhưng lại ngồi ngay xuống ngoẹo đầu nhìn vai, một vết thương khá sâu tuôn máu. Khi đổ xuống, con gấu chụp theo với bàn tay mang sức nặng cơ thể, cái đòn sinh tử này đã không còn chuẩn lắm. Tôi mở vội túi xách lấm bết, trút mấy mảnh vỡ cái ra-đi-ô, cây đèn pin và những đồ nhựa lặt vặt, lôi chiếc áo lót ra, xé băng cho Rúi. Mắt nhìn vết thương bốc hơi ngùn ngụt trên mình con thú, tay còn lại lấy thứ vỏ cây trong túi như lúc sáng bỏ vào miệng nhai chậm rãi, anh rùng mình vì lạnh, nói như phân trần:
– Nó nặng lắm!
Mưa rửa sạch dần máu trên người Rúi, trên mình con thú, hòa cùng các vũng nước xung quanh lan tỏa khắp vùng trũng, tìm lối trôi đi. Máu còn đậm sẫm trên vết lõm sâu nơi hai chân Rúi đứng trụ lúc nãy.
Rúi gượng đứng dậy đến bên xác con gấu nắm cán cầm-pựt rút ra. Tôi phụ kéo với anh. Từ vết thương con thú, dòng máu ứ đen sánh đã kết mảng bị lôi theo, rung rinh dưới mưa.
– Phải về thôi Rúi à. Vừa gom mấy thứ đồ sứt mẻ vào xách, tôi nói. Rúi không đủ sức đi xa đâu. Với lại, nước lũ xuống không qua suối được.
Trong đầu tôi còn giữ kín một lý do nữa: Những thứ tôi đem theo nhằm giới thiệu cuộc sống văn minh ở vùng huyện đã thành những mảnh vụn. Con gấu, lúc nãy, đã vô tình đạp lên.
Rúi im lặng đứng nhìn xác con gấu, không đáp lời. Lúc tôi nắm tay ra ý bảo đi, anh quay lại, ngơ ngác như không hiểu. Tôi bàng hoàng nhìn thấy từ đôi mắt thẳm sâu của anh, lẫn cùng nước mưa, hai dòng lệ chảy dài xuống khóe miệng. Anh khóc lặng không thành tiếng.
– Con thú, chao ôi, nó khỏe và đẹp biết bao!
Chuyến đi hoãn lại, chúng tôi phải về. Nhưng những điều chứng kiến hôm nay khiến tôi thắt lòng khi nghĩ tới nhiệm vụ phải hoàn thành: vận động đồng bào Xà-toong dời làng xuống định cư quanh huyện, nhường địa bàn hiện tại làm bãi gỗ cho bộ phận khai thác đang làm đường rầm rộ dưới kia.
Và, trong tiếng suối lũ gầm réo, trong tiếng âm âm dày thẳm của mưa rừng, ánh mắt tối u buồn của Rúi khiến anh như đứng hẳn về phía thiên nhiên, phía con gấu nằm đó, tách ra, đối diện với tôi. Tất cả nhìn tôi một cách độ lượng rồi thì thầm: “Hỡi con người kiêu ngạo và tham lam, ngươi thật đáng thương”.
Truyện ngắn của Lê Hoài Lương – Theo Tiếp Thị Gia Đình