Cô ôm một bó hoa hồng leo màu phớt hồng lên phòng ngủ, lúc này mọi người đã ngủ hết vì cả nhà có thói quen ngủ sớm. Cô rón rét bật đèn vàng, cắt sợi dây lạt buộc bó hoa rồi xốc những cành hoa be bé mỏng mảnh đang bị lèn chặt vào nhau. Cô lùa những ngón tay dài và mềm ấm của mình tách ra cho chúng dễ thở, những chiếc gai bé xíu cào vào tay không đủ làm cô đau mà chỉ làm cô nhớ những kỷ niệm đẹp về một mùa hoa đã xa.
Lần nào cũng vậy, không biết hữu duyên hay vô ý mà mỗi khi cô ra Hà Nội đều là lúc trời chuyển từ thu sang đông, không khí lành lạnh. Những cô hàng hoa chở bao nhiêu cánh hồng be bé, mỏng dính chạy khắp phố phường. Đó là lúc cô hãy còn độc thân, mơ mộng, tất cả những lần xê dịch của cô đều bất ngờ và một mình. Khi là giáo viên dạy văn của một trường danh giá ở một quận trung tâm thành phố, còn trẻ và chưa vướng bận, cứ mỗi độ Hà Nội đang thu se lạnh, cô lại nhét vài bộ quần áo vào ba lô và đặt vé bay ra Hà Nội vào ngày cuối tuần để hẹn hò và ngắm những xe đạp hoa di động trên phố.
Cô đặt những chiếc bình trong suốt trước mặt và cắt từng lá trên cành hoa rồi cẩn thận cắm vào bình. Cô chậm rãi hít thật sâu như gom cả hương thơm mùa yêu thích vào một chốn ngủ quên nào đó, mùi hoa hồng leo đánh thức những hồi ức về Tuấn – một học sinh đặc biệt trong cuộc đời dạy học của cô. Cô xinh đẹp và là cô giáo dạy văn có tiếng của trường cấp III. Sự xuất hiện của Tuấn hoàn toàn khác những cô cậu quỷ nhỏ non tơ trong trường. Hôm Tuấn xuất hiện trước cửa nhà cô là một ngày mùa thu nắng nhẹ. Vì sáng ấy không có tiết dạy nên cô đi chợ muộn hơn, cô còn khệ nệ vác về bó hoa hồng nhạt. Dù nhà cách chợ khoảng 2km nhưng cô vẫn đi bộ. Cô thường nói đi bộ để vận động nhưng kỳ thực cô rất sợ đi xe máy, bởi tay chân cô rất lọng cọng, đi xe máy gặp tai nạn suốt nên toàn nhờ chú xe ôm quen khi cần đi đâu xa.
Lúc cô về đến nhà đã thấy một người đàn ông trạc 30 tuổi, phong cách bụi bặm, tóc để dài buộc lên gọn ghẽ đang loay hoay bấm chiếc chuông trắng dưới dàn hoa giấy trước cổng. Vừa nhìn thấy cô, anh vội trình bày:
– Xin lỗi, chị có phải là cô Mai Khôi không?
– Anh tìm tôi có việc gì? – Cô đáp ngắn gọn.
– Tôi muốn đăng ký lớp học của chị…
– Tôi không hiểu lắm? – Cô ngạc nhiên.
– Tôi là Tuấn. Tôi 29 tuổi. Tôi muốn học thêm…
Cô mời anh vào nhà và buổi trò chuyện hôm ấy, cô biết Tuấn là con trong một gia đình khó khăn, bố mẹ không có đủ khả năng cho anh học đại học dù sức học của anh rất khá.
Tuấn kể anh mê vẽ, ngày còn đi học chỉ mơ được vẽ. Tốt nghiệp cấp ba, Tuấn xin học nghề đắp phù điêu ở một nghệ sỹ làng. Hơn mười năm làm nghề điêu khắc, tay nghề của Tuấn ngày càng nâng cao, những bức phù điêu anh tạo ra luôn làm gia chủ hài lòng. Tiếng tăm của anh bay xa. Anh đã làm không biết bao nhiêu tác phẩm, công trình.
Anh yêu công việc đang có nhưng đến một ngày anh cảm thấy nhàm chán khi cứ đắp, vẽ theo những hình mẫu, tác phẩm mà sư phụ truyền lại. Anh khát khao có trải nghiệm mới lạ và muốn thực hiện ước mơ được sống cuộc đời sinh viên trường Đại học Mỹ thuật. Anh không tự tin vào khả năng văn chương của mình, anh muốn đăng ký lớp học ngoài giờ ít học sinh để được ôn luyện kỹ lưỡng.
Bạn đầu nghe anh kể về hoàn cảnh của mình, cô cảm thấy bối rối vì với một người rời ghế nhà trường hơn chục năm, việc học trở lại là cực kỳ khó khăn. Cô ngại là mình không thể giúp anh khơi lại những bài học cũ, nhưng rồi chính vẻ kiên nghị và khẩn khoản của anh lại khiến cô nghĩ mình không thể vùi dập ước mơ trở thành sinh viên đại học, để được học hành, trải nghiệm và sáng tạo của người khác. Cuối cùng cô đồng ý.
Thêm một lý do để cô gật đầu là cô xem đây như một thử thách của chính mình. Xưa nay cô luôn tự hào rằng mình là người có khả năng truyền đạt và khơi gợi cảm xúc đẹp cho học sinh, để các em có được những cảm nhận đẹp nhất đối với một tác phẩm văn chương. Chìa khóa đó luôn thành công với những học sinh đã được lựa chọn kỹ lưỡng, nhưng với anh chàng học sinh trên trời rơi xuống này, cô không biết mình sẽ làm được gì.
Những buổi học trôi qua, anh luôn ngồi bàn đầu và luôn đi học đúng giờ dù đôi khi từ công trình chạy đến lớp học mất vài chục km. Thỉnh thoảng, anh mang tặng cô giáo một con gà, một con hạc hay một bông hồng bằng đất do chính mình làm. Đôi khi anh tặng cô vài bông hoa thạch thảo, sao tím vô hương nhưng chúng khiến cô vui vì từ khi lấy chồng và sinh hai con, cô hiếm khi được tặng quà – những món quà bé nhỏ, đáng yêu như vậy.
Chồng cô là một người có trách nhiệm nhưng anh luôn chọc ghẹo sự lãng mạn hay thói dễ xúc động của cô. Thậm chí đôi lần anh tỏ ra khó hiểu với thói quen xa xỉ của vợ là đọc sách và cắm hoa. Bởi với chồng cô, chẳng ai chết vì thiếu hai món ấy cả.
Những hôm đến lớp sớm Tuấn thường trò chuyện đủ thứ cùng cô. Anh học trò bằng tuổi trở thành một người bạn lúc nào không biết. Rất hiếm khi anh vắng học, nhưng một hôm anh nhắn tin: “Hôm nay tôi xin phép vắng mặt, cô giáo đừng vì thiếu tôi mà thấy buồn nhé!”.
Đọc tin nhắn, cô bất giác bật cười cho rằng anh quá tự tin, sao cô lại thấy buồn và trống vắng vì một lý do hết sức tầm phào như vậy chứ. Nhưng cô đã nhầm, buổi dạy đó cô thấy mình lạ lắm, hình như vắng anh học trò xù xì, cô mất hết cảm hứng, những lời giảng đôi khi ngắc ngứ như đi lạc phương nào. Theo thói quen, cô vẫn thường đưa mắt nhìn vào chiếc ghế trống. Nhận ra điều đó, cô cảm thấy bối rối, tim mình lạc mất một nhịp, rồi cô tự trấn tĩnh và tiếp tục với bài giảng.
Cách vài buổi học sau, anh xuất hiện sớm và mang tặng cô một bó hoa loa kèn trắng muốt tỏa hương thoang thoảng. Anh trao bó hoa được gói cẩn thận vào tay cô và tinh quái nói:
– Tôi phải lặn lội ra tận Hà Nội mang hoa thơm về tặng cô đó.
Cô vừa vui mừng, vừa cảm động nhưng lại thấy có chút giận dỗi vì anh đi đâu mất. Cô lấy cớ:
– Thi cử sắp đến mà nghỉ học đến mấy hôm.
Nguyên buổi dạy hôm đó cô nghĩ lung tung lắm, cô sợ, cô tránh nhìn thẳng vào chỗ của anh. Dường như có một thứ cảm xúc không thể gọi tên xuất hiện trong cô.
Buổi học cuối cùng của lớp diễn ra trước hôm thi đại học mười ngày. Kết thúc buổi học, anh nán lại như có điều muốn nói với cô giáo khi tất cả các bạn đã ra về. Cô vội xin lỗi vì còn bận đi thăm một học trò cũ của lớp dạy đầu tiên ngày cô mới ra trường sinh con.
Anh gọi giúp cô ông xe ôm quen thuộc, nhưng ông báo bận. Anh đề nghị đưa cô đi. Cô có chút đắn đo nhưng rồi cũng đồng ý lên xe anh chở.
Ngồi sau lưng anh học trò, cô chẳng biết mình nghĩ gì, mọi thứ đều rối rắm, mơ hồ và bấn loạn. Có lúc cô tự mắng mình: “Hôm nay không đi thăm thì ngày mai thăm, tại sao mình lại cun cút leo lên xe anh ta chứ? Hay mình thích anh ấy? Không phải đâu, chỉ là bạn thôi, một người bạn quan tâm và hiểu những điều nhỏ nhặt của mình”. Thậm chí có lúc cô muốn dựa vào lưng anh để nghe xem trái tim anh nói gì, nhưng rồi ngay lập tức cô cảm thấy có lỗi với người chồng thật thà và trách nhiệm, với hai đứa con nhỏ của mình.
Buổi đi ngày hôm ấy với cô như một câu chuyện dài mà chỉ có mình cô trò chuyện với bản thân. Ngoài những câu hỏi và trả lời bâng quơ, cô và anh chẳng nói gì nhiều. Trong những khoảng im lặng kéo dài ấy, dường như mỗi người đều theo đuổi ý nghĩ của riêng mình. Có lúc cô chợt thấy hối hận vì đã đồng ý để anh chở đi như thế này.
Anh đã đậu đại học và mùa se lạnh năm ấy, cô nhận được một bó hoa hồng leo thơm nồng, phớt hồng như tình cảm đẹp đẽ của anh dành tặng cô kèm lời nhắn: “Hồng thơm, tặng em, P/S: Thật ra hôm đó ông xe ôm không hề bận, anh xí gạt em đó cô giáo à”.
Cũng từ đó, đều đặn năm nào anh cũng gửi hoa tặng cô, vào tháng đặc biệt nhất của nghề giáo. Sau bao năm, mỗi lần nhận bó hồng leo từ anh học trò, cô lại bồi hồi và mỉm cười một mình.
Anh đã thực hiện được ước mơ, dẫu ở cái tuổi không còn trẻ trung nữa. Ý chí đó khiến cô ngưỡng mộ. Và cho đến tận bây giờ, cô vẫn dành chút tình cảm cho người học trò đặc biệt, dõi theo những thành công của anh, cũng như anh luôn ghi nhớ sở thích nhỏ của cô.
NGUYỆT PHẠM
Mục Truyện ngắn / Tiếp Thị Gia Đình