Hiện đại

Thời buổi hiện đại, các thành viên trong gia đình không còn thời gian cho nhau. Cuộc sống của người già trở nên nhàm chán và cô đơn... – Truyện ngắn của Kim Quyên

Con trai gọi điện, giọng oang oang kiểu chỉ đạo:

– Mẹ tưới lan giùm con, nhớ tưới cho ướt chớ tưới ít quá lan sẽ chết khô đó.

– Nhớ rồi, còn gì nữa không?

– Trưa con không về nhà ăn cơm, con bận đi với bạn rồi.

– Chiều có ăn cơm nhà không?

– Lúc này cơ quan tiếp khách nhiều, con không ăn cơm nhà.

– Còn vợ mày?

– Vợ con qua bộ phận reception cũng bận lắm, không có thời gian về. Cổ ăn ở công ty luôn, mẹ đừng lo chi cho mệt.

– Mẹ nói nhiều lần rồi, đừng ăn ở ngoài, về nhà ăn cho đỡ tốn và không bị ngộ độc mà sao tụi con…

– Ối trời ơi! Chừng nào chết hẳn hay chớ thời buổi này biết ăn chỗ nào là sạch, món nào cũng đầy hóa chất biết né vào đâu. Vậy thôi! Con đang kẹt, mẹ ăn một mình nhen.

Tôi đang vo gạo thì chuông điện thoại reo, vừa nhấc điện thoại, đã nghe tiếng con gái than thở:

– Mẹ ơi! Con tính trưa chạy lại nhà ăn cơm mà khách hàng đến nhờ dịch bài đông quá, làm không kịp, chắc mua cơm hộp ăn cho rồi. Mẹ đừng nấu cơm cho con, mai mốt, ngày nào ăn thì con sẽ báo, mẹ ăn một mình đi nha.

– Mẹ đã nói về việc nhiễm bẩn khi ăn ở ngoài mà sao con với thằng Tâm thích ăn hàng quán quá vậy?

– Không phải thích mà tại hoàn cảnh bắt buộc mẹ ơi!

– Chỉ tốn khoảng nửa tiếng cho bữa ăn vừa ngon vừa đỡ nhiễm bẩn mà sợ tốn thời gian là sao?

– Hì hì… Chạy tới chạy lui mệt mỏi quá, mua đại fast food ăn cho nhanh để còn làm việc nữa.

– Ăn kiểu đó sức khỏe kém, còn sức đâu nữa mà làm việc chứ?

– Tới đâu hay tới đó. Con chào mẹ nha, khách đang chờ.

Tôi đổ gạo ra rổ, xóc xóc mấy bận cho ráo nước rồi để lên giàn hong gió cho khô, chiều nấu. Buổi trưa không đứa nào ăn, nấu làm gì. Xong xuôi đâu đó, tôi nấu một ít nước sôi chế vào tô mì ăn liền, đợi mì mềm vừa lùa vừa xem ti-vi. Lùa được nửa tô thì ngán tới cổ nhưng ráng nuốt cho hết, bỏ mang tội mà lại phí của, ngoài đường còn lắm người đói khổ, mình có miếng ăn là phước rồi. Vừa ăn tôi vừa nghĩ, riết rồi mình giống tâm thần quá, ngày nào cũng mấy câu với giọng điệu như van xin nhai đi nhai lại với lũ con về việc ăn uống. Tội nghiệp lũ nhỏ, ngày nào cũng bận tối mắt, ăn không kịp ăn, ngủ không kịp ngủ, nói chuyện điện thoại chưa hết câu đã cắt ngang, gọi trở lại thì không bắt máy, chắc nó đang đi trên đường hoặc bận tiếp khách gì đó.

Ăn xong, buồn chân buồn tay không biết làm gì, tôi lấy chiếc điện thoại cảm ứng của đứa cháu tặng hôm sinh nhật ra ngồi mày mò cách sử dụng loại máy mới. Tôi bấm nút music để nghe nhạc, âm thanh chát chúa của điệu pop rock nổi lên nghe chói tai, bấm sang Facebook nhưng máy trả lời không kết nối được. Máy chưa chuyển ngữ sang tiếng Việt nên những từ chuyên môn tôi không hiểu rõ. Tôi định bụng phải chuyển sang tiếng Việt cho dễ sử dụng, chứ hai đứa con có rảnh đâu mà chỉ dẫn cho mình.

hoavan_truyen

Cất điện thoại vào tủ, tôi lên giường nằm và lấy báo ra đọc. Mấy tờ báo mới ra lò toàn đăng những tin giật gân về chuyện cướp của, giết người, chuyện người chết đi sống lại, chuyện người rừng sống lạc loài như loài vượn, chuyện hai mẹ con cùng cặp bồ với một chàng trai, bài viết dài ngoằng với nhiều tình tiết ly kỳ được lột tả tối đa bằng loại văn phong câu khách rẻ tiền. Tôi giấu mấy tờ báo vào ngăn tủ vì sợ thằng cháu ngoại hay tò mò lại ưa đọc sách thấy mấy tờ báo này dễ gì nó buông tha.

Tôi lôi mấy bài kinh ra đọc cho tâm được an và để thuộc làu đặng khi đi chùa không phải ê a, ngắc ngứ như người ngoại đạo. Chợp mắt được một chút thì tiếng hát quá cỡ từ cái loa của cậu bán băng nhạc phát ra rền rĩ: “Đường vào tình yêu có trăm lần vui, có vạn lần buồn…”. Bản nhạc tình ướt át làm cho buổi trưa hè đang yên tĩnh trở nên buồn hiu. “Over and over I’ll whisper your name. Over and over I’ll kiss you again. I see the light of love in your eyes. Love is forever no more goodbyes…”. Lại một bản tình ca buồn bã nữa giựt tôi ngồi dậy. Cái thằng bán đĩa nhạc thiệt vô duyên. Giấc trưa là giấc người ta đang ngủ nghỉ, ai rỗi hơi đâu đi mua mấy bản nhạc tình cũ rích. Buổi trưa, trời nắng chang chang nó không biết mệt hay sao mà để nhạc rên rỉ cùng đường cùng sá vậy không biết?

Tôi bực bội ngồi vào máy vi tính, mở máy lướt Facebook. Buổi trưa Facebook vắng hoe, đèn đóm tắt tối thui, không có ai để chọc ghẹo, trao đổi đôi câu dù là những câu đùa cợt, khen chê vô thưởng vô phạt cũng thấy vui vui được đôi chút. Rảo tìm không thấy người quen, tôi lục mấy tấm ảnh cũ đăng lên kèm đôi câu chú thích. Một cái nick lạ hoắc nhảy vào xin được kết bạn, tự xưng là người đồng hương, hiện đang sống ở Pháp, biết rõ về tôi. Tôi hỏi tên thật là gì chớ tên giả và hình một bàn tay to bè đưa lên không biết là ai, làm sao quen được. Người đó trả lời loanh quanh khiến tôi bực mình tắt máy. Nhớ lời thằng con căn dặn: “Mẹ không nên tin ai trên mạng, toàn là ảo, không có thật, coi chừng bị người ta lừa gạt”. Mạng ảo đã đành, ngoài đời cũng ít người thật, vậy biết sống làm sao đây?

Tan học về, thằng cháu cất cái ba lô lên kệ, chưa kịp rửa mặt, rửa tay nó vội ôm lấy iPad, mở game chơi. Tôi khuấy ly cam mật ong biểu uống, nó ậm ừ nhưng đôi mắt vẫn dán chặt vào màn hình. Nó mải mê chơi, thỉnh thoảng kêu “ Wow! Wow” như mèo gào. Cho nó giải trí khoảng 20 phút, tôi kêu đi tắm rồi ăn cơm, nó giãy nảy một hồi lâu mới luyến tiếc rời màn hình. Vừa kỳ cọ cái lưng ốm tong teo với mấy cọng xương sườn tôi vừa hỏi: “Bài thi Anh văn hôm nay con làm được mấy điểm?”. Nó nói điểm 9 với giọng đầy tự tin. Tôi hỏi môn tập làm văn thì nó ngắc ngứ. Tôi hỏi tại sao, nó nói cô cho đề khó, nghĩ hoài không ra, tới khi nghĩ ra thì viết được có sáu câu, còn thằng bạn của nó viết lạc đề luôn. Tôi hỏi sao kỳ vậy, nó nói đề biểu tả lại người thân của bạn mà nó tả ra bạn thân của bạn là lạc đề chớ còn gì nữa. Tôi kết luận:

– Anh văn là tiếng khó học mà con học giỏi, còn môn tiếng mẹ đẻ con học như vậy chưa được, phải tăng cường đọc sách thêm.

– Dạ, con biết rồi, có điều..

– Điều cái gì?

– Tiếng Việt khó học quá ngoại ơi.

– Khó đâu mà khó, để ngoại dạy thêm cho. Con nhớ đừng nói con là cháu của nhà văn nha.

Nó trố mắt nhìn:

– Sao vậy ngoại?

– Ngoại dặn thì cứ việc nhớ vậy là được rồi.

Mặc quần áo, chải đầu xong xuôi, ngồi vào bàn ăn cơm, nó nói:

– Con biết rồi, ngoại là nhà văn mà có cháu học dở văn, người ta sẽ cười ngoại không biết dạy cháu chớ gì. Ối! Bây giờ học trò học dở văn là chuyện bình thường, không phải mình con, ngoại đừng lo, không ai cười đâu ngoại sợ. Con lo học muốn ná thở có nhớ gì đâu để khai, mà khai làm gì chớ hì hì…

Nghe cháu nói mà buồn. Ngày trước, tôi cũng là cô giáo dạy văn. Học trò còn thích học môn tiếng mẹ đẻ, bây giờ cháu mới học lớp ba mà nó đã chán học văn rồi, biết tính sao đây?

Cho cháu ăn cơm, dạy xong bài tập làm văn, thằng rể gọi điện thoại:

– Mẹ ơi! Năm phút nữa con tới, mẹ dẫn nó xuống đất nghe.

Đưa cho cháu chiếc áo khoác, tôi đẩy chiếc cặp của nó ra hành lang rồi lặc lè kéo chiếc cặp lê theo từng bậc thang xuống đất. Thằng rể chạy ào tới, gật đầu chào mẹ vợ rồi gấp gáp bảo con:

– Nhanh lên con! Ba còn đi dự sinh nhật bạn ba nữa.

Thằng cháu leo lên ngồi phía sau, ôm chặt lấy ba nó, ngoái lại nói với theo trong tiếng xe nổ rền: “Thưa ngoại, con về”.

hoavan_truyen

Buổi tối, con cháu đã về nhà riêng, ngôi nhà vắng tanh vắng ngắt, đi tới đi lui buồn nẫu cả dạ.

Ngồi vào máy vi tính, mở Facebook lướt một loạt “nhà” hàng xóm vừa like vừa comment lung tung, thấy “đèn nhà” con gái sáng, “tám” với nó cho đỡ buồn. “Con khỏe không? Tắm rửa, ăn cơm chưa?”. “Dạ rồi”. “Dạy thêm môn tiếng Việt cho thằng Nam nghe”. “Chủ nhật con mới dạy được, ngày thường bận dạy cho con người ta rồi”. “Bớt giờ dạy lại đi, dành thời gian cho gia đình, trẻ con hay người già đều cần người thân để tâm tới, nhất là trẻ con, còn già như mẹ thì sao cũng được hết”. “Con không cày không đủ chi phí cho gia đình, thời buổi này mẹ biết rồi… Thôi! Bạn đang hỏi con công việc, bye mẹ nha”. “Ừa! Chủ nhật này rảnh ko? Mẹ đổ bánh xèo cho tụi con ăn?”. Đợi một hồi không thấy nó trả lời, tôi chán nản không muốn “chat” với ai nữa, tắt máy, lên giường lấy sách ra đọc. Mới đọc được mấy trang, điện thoại tít tít báo tin nhắn, mở máy, thấy tin nhắn của mẹ: “Con ngủ chưa? Hổm nay mất ngủ liên tục, mai dẫn má đi khám bệnh được không?”. “Dạ được”. “7 giờ qua rước má nghen”. “Dạ”. Sáng mai, tôi có hẹn nhưng thôi đi với bà già cho bà yên tâm.

Mười hai giờ đêm, đôi mắt vẫn mở thao láo. Đêm nay lại mất ngủ, tôi tìm vỉ thuốc. Thuốc ngủ uống riết đâm lờn, kiểu này phải xin tăng liều. Tôi bị bệnh thời đại rồi, bệnh “trầm cảm ác tính”, bệnh này thuộc tâm thần, thuộc diện “thầy chạy”.

Truyện ngắn của Kim Quyên – Theo Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua