Ở xóm này ai cũng gọi hắn là Tư Rái Cá. Bởi ngay từ lúc còn bé xíu, hắn đã bơi thành thạo và bắt cá bằng tay chuẩn xác chẳng khác gì loài rái cá. Lớn lên, hắn không học hành nghề ngỗng gì cho ra trò mà cứ rảo dọc từ đầu đến cuối con kênh nhỏ gần nhà để lưới cá. Một chiếc xuồng đã mục ruỗng, cứ chèo một đoạn là phải dùng gáo múc nước từ đáy xuồng đổ đi. Trên xuồng là một cái xô lớn chứa cá và dưới xuồng là một tấm lưới rộng cũ kỹ. Thứ gì cũng có vẻ tồi tàn nhưng đủ để nuôi tấm thân côi cút của hắn.
Tư Rái Cá ít giao thiệp với mọi người. Mà thật ra người ta cũng né tránh không dám gần hắn. Cha hắn chết vì bệnh AIDS. Hắn sống lầm lũi một mình sau cái chết của cha. Cũng ngộ, ai nói người chết là hết chứ trường hợp của hắn, có hết đâu? Sự kỳ thị dành cho người sống bắt nguồn từ người chết dường như cứ kéo dài đăng đẳng.
Bên ven sông, người ta mới làm khu câu cá giải trí. Họ dùng lưới thép chắn cá. Lượng cá ít dần, chỉ còn dăm con trê nằm ở dưới đáy. Thu nhập chẳng bao nhiêu, hắn đâm ra cáu gắt hẳn. Hắn mắc lưới vào đáy xuồng rồi chèo dọc kênh. Lục bình trôi dày đặc, phải vừa chèo vừa lùa vừa vớt chúng ném vào bờ thì mới có lối thông mà đi. Hắn cho xuồng chầm chậm luồn qua chân cầu. Nhất định hắn phải làm cách gì đó để phá tan cái rào thép ngăn cá thoát ra kênh. Nếu không, nay hoặc mai, chỉ có hắn chết đói mà thôi. Hắn cởi áo, đứng ở mũi xuồng, toan nhảy xuống để kiểm tra hệ thống lưới rào. Bỗng từ trên thành cầu, một thân hình lao nhanh xuống. Tư Rái Cá chưa hiểu mô tê gì thì cái thân hình ấy ngã nhào vào hắn làm cho cả hắn và xuồng chao đảo. Xuồng lật, cả hai ngã ùm xuống sông. Nhanh như cắt, Tư ôm vội cái thân hình ấy rồi trồi lên sụt xuống cả chục lần. Cái thân hình quẫy đạp trong vòng tay khiến hắn không thể nào xoay sở được. Sau một lúc, hắn kịp định thần, đấm một phát vào mặt cái thân hình kia. Nhờ vậy, hắn mới bơi được vào bờ, kéo theo cái thân hình đã ngất xỉu đúng lúc hắn cũng đuối sức hẳn.
Tư ngồi trên bờ thở hổn hển, kế bên là một cô gái nằm bất động. Hắn liếc mắt nhìn cô gái đã xám xanh đi vì ướt lạnh, tự dưng hắn buông một câu chửi thề:
– Nhảy đâu không nhảy, nhảy lật xuồng người ta!
Nghỉ một lát lấy lại sức, hắn mới tiến đến chỗ cô gái lay lay. Cô ta không phản ứng gì, chỉ ư ử rên trong họng. Gò má có dấu hiệu sưng lên vì cú đấm của Tư. Biết là cô ta không hề hấn gì nên hắn không quan tâm nữa mà nhảy ùm xuống sông, bơi lại chiếc xuồng bị lật úp của mình và dùng sức lật nó lại rồi bơi đi kiếm cây sào. Xong đâu đó hắn ngồi trên xuồng, chèo trở về nhà. Xuồng đi một đoạn lại bị mấy cụm lục bình chắn lối. Tư bâng quơ nhìn đám lục bình theo con nước cứ lềnh bềnh trôi, chợt nghĩ: “Lỡ cô ta tỉnh lại rồi nghĩ quẩn tự tử tiếp thì sao? Mất công mình nhọc sức cứu. Mà thôi kệ, sống hay không là do bản thân người ta quyết định, mình đâu có quyền gì!”. Nghĩ vậy, Tư cho xuồng đi tiếp. Gió thổi làm đám lá dừa hai bên bờ lao xao. Giờ hắn mới cảm thấy thấm lạnh. Hắn giật mình nhớ ra cái áo của mình đã trôi đâu mất tích. Nhà còn mấy cái áo cũ xì, phải tội chứ cái áo bị mất là cái ngon lành nhất của hắn. Thấy tiếc tiếc, hắn lại chèo ngược dòng trở ra. Ý là đi tìm cái áo nhưng thật ra Tư muốn kiểm tra xem cô gái thế nào rồi. Hắn cho xuồng tấp vào bờ. Cô gái vẫn còn đó. Khuôn mặt mỗi lúc một tím dần. Hắn ngó lom lom rồi đành bế xốc cô gái lên, đặt nằm ngay ngắn trên xuồng.
Trong căn nhà nghiêng ra hướng kênh, cô gái nhìn quanh quất và thấy bộ quần áo của mình được phơi ngoài mé kênh đang bay lật phật. Trên người cô mặc một cái áo thun và chiếc quần cụt tồi tàn hết chỗ nói. Tự dưng cô thở dài sườn sượt. Cái ý định muốn chết vẫn còn thôi thúc trong lòng. Cô lững thững ra khỏi nhà. Đứng trên bờ nhìn đám lục bình xanh rờn, cô thấy phận mình chẳng khác gì chúng. Có khi chúng còn hạnh phúc hơn vì được trôi nổi tự do. Cô cho một chân xuống nước, nước kênh đen sì nhưng cô đâu màng quan tâm. Chết đi rồi là hết, đẹp xấu sang hèn chẳng có gì quan trọng để mà vướng bận nữa. Khi sống người ta nắm tất cả mọi thứ chứ chết rồi hai bàn tay duỗi đơ ra, có nắm được thứ gì nữa đâu. Ngay khi chân thứ hai vừa chạm nước thì chiếc xuồng của Tư về đến.
– Cô kia! Vừa phải thôi nha! Muốn chết đi chỗ khác mà chết! Đừng chết trước mặt tui, xui xẻo thí mồ à!
Cô gái nghe tiếng la nhưng vẫn thờ ơ lạnh lùng bước. Lớp bùn khiến cơ thể cô lún nhanh xuống. Tư buông lời hằn học:
– Cô kia! Cô chết cũng được nhưng trả tui cái áo với tiền mua gỗ sửa xuồng đã!
Nghe vậy, cô gái cúi nhìn cái áo mình đang mặc, tự dưng bật cười. Cái thứ gì đâu, quần áo như giẻ lau thế này cũng bắt đền được. Xuồng tiến sát đến, thấy một bên mặt cô gái sưng húp, lòng có lỗi sao đó nên Tư vội nắm lấy tay cô:
– Nè, lên đi! Tui mới lưới được mấy con cá lóc ngon lắm, lên tui nấu cháo cho ăn. Xong, cô đi đâu đó thì đi. Cô đừng chết ở đây, tui không có tiền mua hòm đâu. Cha tui chết, tui còn quấn chiếu đó!
Cô gái chần chừ vịn vào thành xuồng, Tư thấy vậy nhoài người đỡ cô gái lên.
Lần đầu tiên trong đời, cô được ăn món cháo ngon đến vậy. Tư lui cui làm mọi thứ mà không để cô rớ tay vào. Hễ cô đụng vào cái nồi hay con dao là Tư lại ngăn.
Ăn uống xong, cô nằm ngủ thẳng một giấc dài. Nhà ven kênh, gió lúc nào cũng liu riu mát rượi. Lại chẳng có âm thanh xô bồ, ồn ào như khi trong nội thành. Lại khó có thể chạm mặt những con người mà cô không muốn nhìn thấy. Cô cảm thấy thích thú khi được Tư Rái Cá cho chèo xuồng, đùa nghịch với đám lục bình… Có lần, Tư Rái Cá hỏi:
– Sao cô tự tử? Tui thấy mấy người chết kiểu đó ngu thí mồ.
Cô gái không trả lời, chỉ xin Tư đừng nhắc đến nữa. Vậy mà thật, Tư chẳng nói đến vấn đề đó lần thứ hai. Rồi có lần, Tư chỉ nói phong long khi nhà thiệt chẳng còn hột gạo nào để mà ăn.
– Cô đi đâu sao không đi đi? Sống với tui nghèo chết bỏ. Thân tui bữa no bữa đói.
Cô gái lắc đầu bảo:
– Còn chỗ nào để đi ngoài đi chết? Nghèo thì nghèo nhưng tôi thấy sống vầy cũng vui.
– Ờ, thì chỉ có cô vui thôi chứ tui làm một mình mệt thí mồ.
Miệng nói vậy thôi chứ từ ngày có cô gái trong nhà, Tư thấy cuộc đời vui hẳn. Dù hắn đói một mình thì vẫn tìm cách để cô gái được ăn no ngủ ấm. Hắn bỏ rượu hẳn, biết để dành tiền, lo trước lo sau mọi việc. Hắn chọc rách lưới thép rào mấy lần để cá ở khu giải trí tuồn ra kênh. Người ta rào lại thì hắn phá. Rồi đánh chài thêm ở gần đình, chỗ người ta thả cá phóng sinh. Hắn vừa bán xong, người ta thả xong, đến chiều kéo chài, những con cá ấy lại được đem về nhà để sáng mai mang ra chợ bán tiếp. Nói chung là cái đầu cỏ dại của hắn giờ đây cũng biết tính toán được đôi chút. Vì cô gái.
Cái bụng của cô gái càng lúc càng lớn. Giờ hắn phải lo cho ba miệng ăn bằng cái nghề kéo lưới hẩm hiu của mình. Cô gái bàn với hắn:
– Hay là tôi bỏ nó? Tôi thật dạ chẳng muốn đứa trẻ vô thừa nhận này có mặt trên cõi đời.
Tư nghe vậy bực bội:
– Vô thừa nhận thì đã sao? Trẻ con vô tội! Sao có thể đổ lỗi cho trẻ con và tự cho mình cái quyền sanh sát chứ? Tui nè, người ta đẻ tui rồi vất ở bờ kênh, may mà cha tui nhặt ve chai lượm được tui. Cha mẹ ruột của tui không thừa nhận tui thì cũng có cha tui thừa nhận. Không người này thì người khác nhưng giết người là ác nhơn lắm. Cô cứ đẻ đi, không muốn nuôi để tui nuôi cho.
Cô gái nghe vậy tự dưng rơm rớm nước mắt. Từ ngày hay tin cô gái có bầu, Tư đâm ra lo lắng tợn. Đi chợ bán cá, trước giờ ai hỏi thì bán, nói được dăm ba câu giá cả trọc lóc chứ không quan tâm người ta bàn tán này nọ. Vậy mà nghe mấy người đi chợ bàn chuyện bầu bì ăn gì, giữ gìn ra sao thì hắn cũng hóng mỏ nghe theo rồi hỏi như mình sắp đẻ không bằng:
– Uống nước dừa thay nước lọc em bé sinh ra sẽ trắng thiệt hả bác?
Hắn đi chợ về mua một xuồng dừa để trong nhà rồi chặt cho cô gái uống mỗi ngày.
Cô gái đến ngày trở dạ, nghe nói bệnh viện X. đỡ đẻ chu đáo nọ kia, hắn cũng ráng dành dụm để cho cô gái được sinh ở đó. Thằng bé sinh ra đúng là trắng bóc đến nỗi ai cũng ngạc nhiên: “Sao thằng cha đen thui mà thằng con trắng thế không biết?”. Ngày về, bỗng dưng cô gái mất tích khi hắn lo cắm cúi làm thủ tục xuất viện. Tìm kiếm cô gái ở bệnh viện suốt một ngày một đêm trong tuyệt vọng, hắn lầm lũi trở về.
Một mình thui thủi, Tư Rái Cá quay lại với cuộc sống trước kia. Sáng chiều hai buổi kéo lưới, vẫn chiếc xuồng mục ruỗng, chèo một chặng là phải dùng ca múc nước từ đáy xuồng đổ đi. Không phải bận rộn tất bật lo về đúng giờ để nấu ăn sợ cô gái đói. Hắn cứ vạ vật, miễn no cái bụng thì thôi. Mấy thứ đồ chơi mua cho thằng nhỏ, hắn đem ra chơi và cười một mình trong những đêm khó ngủ.
Ba tháng sau, Tư Rái Cá chèo xuồng về nhà thì thấy từ đằng xa cô gái đang phơi phóng áo quần. Tự dưng cổ họng hắn nghẹn lại. Hắn từ từ cho xuồng cập vào nhà, chửi oai oải:
– Đi rồi còn quay lại làm gì? Quay lại để làm khổ cái thân tui thêm một lần nữa hả?
Cô gái chanh chua:
– Vậy chớ ai biểu tôi đẻ đi rồi có người nuôi nó?
Ngay lúc đó, bên trong nhà có tiếng trẻ con vọng ra. Hắn lật đật vào trong xem, toan bế thằng nhỏ thì cô gái đanh đá:
– Có biết bế nó không cha? Bế ẩu gãy cổ thằng nhỏ giờ!
Cô gái bế đứa trẻ đặt vào hai lòng bàn tay hắn rồi nói giọng như thủ thỉ:
– Tôi xin lỗi. Thằng cha khốn nạn của nó… Tôi đã từ rồi. Tôi muốn ông… À mà không…, ý của tôi là chúng ta cùng chăm sóc nó để nó lớn lên như một đứa trẻ được thừa nhận.
Tư Rái Cá ôm cái thân thể mềm oặt trong tay, nghẹn ngào.
Lê Liên
Mục Truyện ngắn hay
Tiếp Thị Gia Đình