Đi hết đoạn đường đất đỏ, gặp cây cầu xi măng bắc ngang sông hỏi thăm ai cũng biết nhà ông Sáu Mai. Gọi là Sáu Mai vì nhà ông chuyên trồng mai cho thuê dịp Tết. Cứ mỗi độ gần Tết là đoạn đường vô nhà ông lại tấp nập xe tải để chở những cây mai trĩu nụ, có cây xòe tán che mát cả chiếc xe.
Loại mai nhà ông trồng lâu năm nên đều có dáng cổ thụ không hẳn là được uốn nhưng nhìn rất đẹp, chắc chắn; khác hẳn với những cây mai thường thấy ở chỗ bán hoa Tết. Nhiều người có điều kiện hỏi mua nhưng ông không bán. Năn nỉ cỡ nào ông cũng không bán chỉ cho thuê chơi Tết, rồi lại đón về chăm sóc, nâng niu.
Có năm mai nhà ông không đủ cho khách thuê. Khách đến nhìn mảnh vườn rộng thênh thang để trống mà tiếc rẻ; nói sao ông không trồng thêm, đất rộng mà. Ông bảo ông già rồi, làm được đến đâu thì làm, không cố rồi ông chỉ tay về phía Dũng: “Có nhiêu đó mà nó làm cả ngày không có giờ nghỉ tay, tội nghiệp”.
Ở xóm này, ai cũng biết ông rất thích nhắc đến Dũng. Ông tự hào về Dũng, có dịp là khoe Dũng với mọi người. Ông xem Dũng như con ruột từ khi đưa về nhà này. Mà thật, cũng hiếm ai được như Dũng; chăm chỉ, tốt bụng, quan tâm ông và chăm sóc bé Vy – con ông, như em gái. Mấy bà hàng xóm nói đùa, thôi nhận con rể luôn cho rồi; có người để truyền nghề. Ông cười khà khà nhìn đứa con gái vừa lên 10 đang đọc truyện tranh dưới gốc mai: “Tui cũng mong được như vậy!”.
***
Lên cấp 3, Dũng hàng ngày chở Vy đi học ngoài thị trấn. Ông nói bây giờ đường sá nguy hiểm quá; thỉnh thoảng báo chí lại đưa tin đám thanh niên nghiện ngập cướp bóc; làm bậy với con gái mới lớn ở đoạn đường cách nhà ông không xa; làm ông thấy lo. Nhất là khi nhìn Vy trổ mã, ra dáng thiếu nữ.
Mỗi sáng, Dũng vệ sinh cá nhân thật nhanh; rồi lấy xe đứng chờ Vy sẵn ngoài cổng. Đến trưa, anh lại canh giờ tan học đến chở Vy về. Trái với hồi nhỏ, nhà chỉ có 2 người đàn ông; mà ông Sáu lại rất khó tính nên có chuyện gì Vy cũng kể lại với Dũng; từ chuyện ở lớp, chuyện bạn bè, chuyện đi thi học sinh giỏi… Giờ thì khác hẳn, ngay cả Vy có bạn trai mà cô cũng chẳng kể với Dũng. Chỉ là tình cờ Dũng biết được thôi.
Bạn trai của Vy có lẽ cùng trường; mỗi lần Vy đi chơi lại nhờ Dũng nói dối với ba là đi học. Khi thì học nhóm, sinh hoạt đội; sinh nhật bạn thân, đi thăm cô giáo bệnh… Mỗi lần Vy đều tìm ra một lý do hợp lý để Dũng về nói với ba. Rồi nhờ Dũng chở đến điểm hẹn; có khi chỉ cách nhà một đoạn, cô xuống xe Dũng; qua xe bạn trai phóng đi. Dũng nhìn theo dáng Vy nhỏ dần giữa đám bụi đất đỏ mịt mù; mà lẫn lộn những cảm xúc khó định hình.
***
Chẳng biết từ đâu mà ông Sáu biết chuyện Dũng ngoan ngoãn nằm lên bộ ván bên gian nhà bếp để sẵn roi cho ông đánh, như bao lần khác. Ông nhìn quanh rồi hỏi: “Con Vy đâu?”. Dũng đang ấm ớ tìm cách bao che cho Vy thì cô xuất hiện.
Chẳng kịp để Vy nằm úp trên bộ ván; ông cầm roi quất túi bụi vào người Vy. Quá bất ngờ, Dũng lao tới ôm lấy Vy; đón những ngọn roi tới tấp vào người. Có đau không, Dũng không biết anh chỉ lâng lâng một cảm giác khó tả khi ôm Vy trong lòng. Người Vy mềm, mát lạnh và thơm tho. Trong phút chốc, Dũng dấy lên một khát khao cháy bỏng: được bảo vệ cho Vy đến hết cuộc đời này.
Mà ở đời không phải ước mơ nào cũng thành hiện thực nhất là ở hoàn cảnh của Dũng. Anh lấy gì để đảm bảo một tương lai tốt đẹp cho người con gái mình yêu. Mỗi khi nói đến tương lai, ông Sáu lại gằn giọng trách móc Dũng. Phải chi Dũng chịu nghe theo lời ông ra thị trấn học lấy cái nghề thì giờ ông đỡ lo rồi. Dũng nhất định không rời khỏi mảnh vườn trồng mai này.
Nhiều lần Dũng cũng lưỡng lự nhưng nhìn mảnh vườn lúc nào cũng ngồn ngộn việc; Dũng không đành lòng để ông tự làm một mình. Có làm mới biết, trồng mai vất vả quanh năm chứ đâu phải mỗi dịp Tết.
Mà ngay cả khi Dũng có nghề nghiệp ổn định; biết Vy có ưng Dũng không. Dũng ít học, lại ăn nói không được ngọt ngào văn vẻ như người ta. Nghĩ sao nói vậy, có đứa con gái nào chịu ưng. Dũng để ý rồi, con trai vùng này cứ phải sành sỏi; nhất là cái khoản ăn chơi, quán sá, như vậy tụi con gái mới “bám”. Dũng thì quê mùa một cục, ai thèm.
***
Tất cả chẳng nằm trong những dự đoán của Dũng, chẳng cần Dũng phải có nghề, phải sành sỏi, phải ngọt ngào gì nữa. Sau trận cãi vã nảy lửa giữa hai cha con Vy ông có nặng lời đuổi cô đi, cô bỏ nhà đi thật. Đúng luôn theo nghĩa đen là “bỏ nhà theo trai”.
Cô chỉ để lại tờ giấy gấp tư trên bàn ăn, nói đừng lo gì cho cô. Cô muốn đi tìm cuộc sống riêng cho mình. Ông đọc xong, vò nát tờ giấy rồi xem như không có chuyện gì xảy ra. Phải chi ông cho Dũng đi tìm Vy; dù có bới tung cả các ngõ ngách khắp thị trấn này lên; nhưng ông bảo: “Ta không có đứa con cãi cha cãi mẹ đó; đừng bao giờ nhắc tới nó trước mặt ta”.
Dũng biết ông chỉ nói vậy thôi; chứ có cha mẹ nào bỏ con cái bao giờ. Sau đêm đó, ông không dậy nổi nữa. Cơn tai biến lần thứ 2 lặp lại; khác với lần đầu ông còn gắng gượng lướt qua; lần này thì nó đánh gục ông bởi tuổi già. Ông phải ngồi hẳn trên xe lăn, cả nói chuyện cũng khó; mọi sinh hoạt cá nhân, chăm sóc vườn mai… đều nhờ vào một tay Dũng.
***
30 Tết, những cây mai trĩu nụ lần lượt rời khỏi vườn; theo chủ mới đến một nơi khác, xa có, gần có. Trong căn nhà 3 gian rộng,; chỉ còn lại cây mai cổ thụ trước sân nhà. Ông Sáu cưng cây mai này đến độ; cả việc nhặt lá mỗi năm, ông cũng tự mình làm chứ không thuê người làm như những cây mai khác. Ông nói cây cũng như người, nó gắn bó với mình mang hương sắc cho mình thì mình phải chăm sóc để đền đáp.
Chiều 30, ông đòi Dũng cho lên xe lăn, xuống sân vườn. Dũng pha sẵn bình trà nóng, loại trà mà ông thích; rồi cho xe lăn ra vườn, xong ẵm gọn ông trên tay. Dũng thấy hụt hẫng khi ông nhỏ thó trong vòng tay mình. Sau khi đã yên vị trên xe lăn; ông ngơ ngác hỏi: “Con Vy đâu?”. Dũng bần thần người.
Vậy là đúng như vị bác sĩ cảnh báo; tình trạng của ông sẽ trở nên như thế này; nhớ nhớ quên quên lẫn lộn. Không thấy Dũng phản ứng gì; ông gằn giọng: “Con Vy đâu, kêu nó về đây ngay, tối rồi sao còn chưa chịu về!”. Dũng vội “dạ” rồi hớt hải lấy xe chạy đi. Mà thực ra Dũng cũng không biết tìm nơi nào.
***
Sau mấy ngày Tết, những cây mai được trả về đúng vị trí của nó. Dũng hăm hở như đón từng đứa con đi xa trở về. Giữa cái nắng tháng Giêng chói chang của vùng đất phương Nam; Vy xuất hiện trước cổng nhà, trên tay là đứa trẻ đỏ hỏn. Anh vội chạy lại đón lấy túi xách trên tay Vy; mừng không nói nên lời.
Khi đó, ông Sáu đã lẩn, chẳng còn nhận ra Vy. Cô đẩy đứa trẻ cho Dũng, ôm lấy ba khóc ngất. Ánh mắt vô hồn của ông dõi về phía Dũng; ông với tay thều thào: “Nhà có khách, dọn đồ ăn lên đi con!”. Vy ứa nước mắt, bồng đứa trẻ đến bên cạnh ông, nói: “Cháu của ba đã về rồi đây!”. Ông gắng gượng đưa bàn tay nhăn nheo lên chạm vào đứa trẻ nhưng không được.
Dũng vội cầm bàn tay đứa trẻ dụi vào tay ông: “Ông chơi với cháu; để con dọn bàn ăn ra gốc mai cả nhà mình ăn Tết”.
Vài vệt nắng chiều mải chơi còn sót lại nhảy nhót trên tán mai vàng; mâm cơm ngày xuân được Vy phụ Dũng dọn lên. Lâu lắm rồi Dũng mới lại thấy ông cười.
Tác giả: La Thị Ánh Hường
Tiếp Thị Gia Đình