Hiên dáo dác bước vào con hẻm phủ kín đám khiết bông đang độ mùa trổ đỏ rực rỡ.
– Thôi rồi Thụy ơi, ông Chú chọn mày nhé. Lo mà về gom đồ lên đường. Rõ khổ, Tết nhất tới nơi còn đi công tác. Coi như mày hy sinh vì đám chị em. Tết đến trăm thứ để lo. Mày sống có một thân một mình khỏe re, nên cái phần lo Tết đỡ hơn tụi tao trăm lần.
Thụy ngơ ngác:
– Đã bảo là đâu phải chuyên môn của em. Giúp em đi mấy chị. Ổng khó thí mồ. Đứng trước mặt ổng em đổ mồ hôi hột. Sáng ổng mới la em cái bảng cân đối thu chi sót phí công tác của phòng sales. Em còn ấm ức nè.
Mặc Thụy giãy nảy, hoang mang, mấy chị em phòng kế toán như trút gánh nặng. 20 Tết, gió vờn phố hiu hắt. Con hẻm nhỏ có cái quán cà phê cóc là nơi trú ẩn của đám chị em mỗi giờ nghỉ trưa. Hẻm sâu hun hút, cách công ty chỉ mươi bước đi bộ. Ông bà chủ quán có thú trồng hoa. Căn nhà nhỏ xinh toàn bông hoa. Mùa này rợp trời trắng xanh vàng đỏ. Quán cà phê rộn rã mỗi sớm trước giờ làm việc, hay ồn ào bận nghỉ trưa. Nhưng chẳng ai khó chịu. Dân văn phòng quen cái cảnh túm tụm mà huyên thuyên chuyện đời, chuyện nghề, chuyện thiên hạ. Cứ hễ ai vắng mặt, coi như “số hưởng”, bị đem ra “cà khịa” làm niềm vui cho cả đám.
Hồi Covid tràn qua thành phố, quy định giãn cách là không được tụ tập. Mỗi đứa ngồi cách nhau một sải tay. Hễ nhóm nào xít gần lại, vợ chồng chủ quán tằng hắng ra hiệu ngay.
– Nè mấy cô mấy chú muốn còn có chỗ ngồi thì làm ơn giữ khoảng cách. Không là về hết cả đám. Lỡ có chuyện gì, vợ chồng già tụi tui bị hốt, chắc mấy cô chú vui lắm heng!
Đám khách cười im ỉm trong miệng. Vợ chồng chủ quán là dân Sài Gòn gốc. Hồi xưa làm công chức, giờ về sống bằng lương hưu. Mấy đứa con nghe đâu lập thân tận nước ngoài, họ buồn quá mở quán bán chơi.
– Bán vậy mà vui, có người ra vào, nhìn đỡ buồn mắt. Lời bao nhiêu khi ly cà phê có 12.000 đồng. Chủ yếu là cha già này nè, ổng khoe bông. Ai mà khen bông đẹp, ai mà hỏi cách trồng bông ra sao, ổng xề xuống ngồi nói cả buổi. Kêu rần trời hổng thèm đứng lên.
Khách gọi má, khách kêu ba, riết quen. Khách mới học khách cũ, đứa nào nhỏ nhỏ, mặt non choẹt, theo bạn bè ghé quán thì kêu ngoại. Chắc ở cái khúc đường này, ông bà chủ quán là đông con cháu nhất. Sáng trưa chiều, đều đều cái điệp khúc, “má ơi”, “ngoại à”.
***
Mới ra trường, Thụy được cậu Út dẫn vào công ty xin một chân kế toán nội bộ, kiêm thủ quỹ. Cứ vậy cần mẫn đến giờ vừa tròn hai năm. Thời gian chưa đủ dài như các chị chung phòng, có người những mười lăm năm, nhưng cũng đủ lâu để hiểu hết ngọn nguồn nong sâu công ty.
Hai năm trời, quanh quẩn mấy công việc nội bộ, chưa bao giờ phải ra ngoài gặp khách hàng, cũng chưa bao giờ lang thang qua các phòng ban khác. Hai cậu cháu làm chung công ty chứ cũng ít khi gặp nhau. Đúng giờ đến, hết giờ về, muốn gì thì cứ nhắn tin cho nhau. Cậu bên phòng kỹ thuật, cũng đi công trình suốt, rồi tiếp khách khứa liên miên. Có bận mười một giờ đêm, mợ điện thoại réo hỏi inh ỏi:
– Con biết cậu đi đâu, tiếp ai không? Cứ vậy hoài là mợ nghi. Mấy cha nội làm sếp hay bồ bịch, mèo mả gà đồng. Có gì là phải báo mợ ngay. Mợ ở nhà hì hục mấy đứa nhỏ. Con thương mợ thì phải canh cậu giúp mợ đó.
Mợ cúp máy mà lòng Thụy còn ngơ ngác. Mợ quên một điều là Thụy nào giờ có phải đứa nhiều chuyện hay kiểu để ý rình rập mấy vụ này đâu. Huống chi, phòng kỹ thuật toàn đàn ông con trai, ăn nói thì chát chúa. Duy nhất một lần Thụy ghé ngang để đưa cho cậu mấy thứ mợ nhờ gửi.
Lần đó Thụy về mà hết hồn. Dân kỹ thuật thấy gái nhao nhao ỏm tỏi. Chặn ngay cửa đòi xin số điện thoại, rồi trắng trợn rủ chiều về đi xem phim. Đợi lúc cậu lên tiếng mới chịu thôi. Thụy đi như trối chết về phòng. Hóa ra công ty mình toàn đàn ông, đếm trên đầu ngón tay chắc tầm hai chục “bánh bèo”. Soi kỹ lại thì chắc cả trăm anh lúc nào cũng bảo độc thân. Chỉ vỏn vẹn năm ba cô là còn một mình. Vậy nên, tiệc tùng liên hoan, đám con gái chưa chồng được o bế như thiên nga. Anh nào cũng giành gắp thức ăn, anh nào cũng tranh phần đưa đón.
Nhưng ngặt nỗi Thụy đâu ham mấy chỗ tiệc tùng bia rượu. Hết giờ làm là tất bật chạy sang cô nhi viện dạy lớp học tình thương. Bảy ngày thì hết sáu là cắm mặt gò từng con chữ, giải từng bài toán cho các em. Duy chỉ có ngày Chủ nhật là thong dong cho riêng mình.
Đáng ra chuyến lên Đà Lạt công tác này, ông Chú phải đi với người bên phòng sales để chốt hợp đồng. Đâu ra bắt con nhỏ kế toán non èo nhất công ty, lại chẳng đúng chuyên môn tổng hợp tháp tùng.
Hai hôm nay, ôm cái tập hồ sơ số liệu học muốn héo tàn mùa xuân. Bảng báo cáo tài chính cũng toàn là con số nhảy múa đến mờ cả mắt. Thiệt tình đâu phải kế toán nào cũng đọc được báo cáo tài chính. Mấy vụ này là do kế toán trưởng làm. Chỉ có họ mới phân tích, hay trình bày được. Đêm qua Thụy còn nhắn với Hiên: “Chẳng biết mình đi theo làm gì. Hay kiểu làm cu li xách đồ chạy kè kè theo sau Giám đốc kinh doanh cho ra vẻ oai phong lẫm liệt.”
Hiên cười sằng sặc:
– Mày ngô nghê quá. Ông Chú tốt nghiệp xuất sắc PhD bên Mỹ, lại là cao thủ khi đi thương lượng với đối tác. Đi theo là phước đấy! Học biết bao thứ. Mỗi tội ổng “một ngàn điều khó”. Nhớ để ý là trong buổi thương thảo, hễ sếp chống cằm là hợp đồng sẽ ngưng đàm phán, về nhà suy nghĩ kỹ. Hễ hai cái tay sếp xoa vào nhau là chốt các yêu cầu của đối tác. Hễ sếp lấy tay xoa cằm ba cái là không đồng ý các yêu cầu của đối tác. Thêm cái nữa là sếp kỵ màu tối. Đi chốt hợp đồng đừng có mặc mấy cái màu đen, xám, tím rịm gì đó. Nhắc thêm là màu trắng lại càng bị mắng. Kiểu như mình đầu hàng người ta. Cứ xanh, vàng, hồng, đỏ, cho sếp vui lòng. Mình cũng yên ổn nhen cưng.
Mười một giờ đêm, Thụy mở cái va ly ra, thay mớ đồ khác vào. Thiên hạ kháo nhau ông Chú già mà còn ế, nên khó hơn chữ khó. Kiểu khó có lót thêm chữ khăn, cho đậm đà. Chuyến bay sáng mai là sáu giờ. Hơn một giờ đêm, Thụy mới lăn ra giường mà thở phì phò.
***
Đà Lạt những ngày giáp Tết, gió se sắt, lạnh the thắt. Từ ban công khách sạn nhìn ra bờ hồ là một màu xanh thẫm của hàng thông. Ngày đầu tiên của chuyến công tác, ông Chú chỉ gọn lỏn với Thụy một câu: “Tôi đi đánh golf với đối tác, chưa cần cô lúc này.” Thụy đáp một tiếng dạ, nghe lòng mừng rơn. Thụy nhận phòng và tự thưởng cho mình một tách trà nóng. Nhìn buổi sớm Đà Lạt từ ban công, nghe cái lạnh tê tê ngay đôi bàn tay.
Thụy xuống phố, đến quán Tùng ngồi nhâm nhi ly cà phê nóng, thấy cái xô bồ ồn ả của phố núi ken cứng khách du lịch như bỏ lại ngoài cánh cửa. Bên trong quán là những con người yêu Đà Lạt rù rì, thương Đà Lạt thâm trầm và cố níu kéo những xưa xa ấy bằng một không gian u hoài miên tịch. Nhiều lần ghé đến thành phố mờ sương này, Thụy đều chỉ chọn Tùng làm nơi dừng chân. Chỉ ở đây, Thụy mới thấy cảm được mình đang ở Đà Lạt.
Cậu hay nói Thụy “cứ như mây, làm thứ gì cũng chầm chậm”. Thiên hạ hối hả đua tranh, người ta bon chen giành giật. Thụy cứ ở yên đó, cứ bình thản mà nhìn và thong thả mà làm. “Con y hệt mẹ con” – cậu nói trong cơn ngà ngà say ở lần giỗ mẹ gần nhất. “Hay để cậu tìm mối cho con?”, Thụy lắc đầu. “Thôi cậu ơi, tùy duyên mà tới.”
Tối ông Chú về, mặt ửng đỏ sau cuộc tiếp rượu, nhìn Thụy đang lặng lẽ ngồi ngoài ban công.
– Cô ăn gì chưa? Ơ thế chưa ăn từ trưa tới giờ à? Thay đồ ngay, khuya lạnh dễ đói, mặc ấm vào nhé! Đang chỉ có 17 độ thôi đấy. Tôi đứng ngoài cửa đợi.
Hai cái phòng sát nhau, hai cái ban công chỉ cách một vài chậu hoa đậu biếc tim tím. Thụy chỉ kịp chồm người sang hỏi vội:
– Mặc màu trắng được không chú? Tại đâu có phải đi gặp đối tác.
Đáp lại lời Thụy là một nụ cười.
23 Tết, Đà Lạt thưa người. Đêm mờ sương, cả hai thả theo triền dốc đến một quán lẩu mang tên “Ủ ấm tay”. Quán bán lẩu nhỏ gọn, phần ăn chỉ dành cho đúng một người. Thụy rút vai, chà xát hai bàn tay của mình rồi hơ lên nồi lẩu. Thụy ít ăn, nhưng vì sợ tối phải cồn cào bụng. Ông Chú lại chả bảo, xứ lạnh dễ đói, nên thôi cứ ăn cho ấm bụng. Nhớ những lời Hiên nói: “Ổng kêu gì mày làm đó, cấm cãi lôi thôi.”
Thụy chỉ ăn lưng nửa nồi lẩu, dẫu khẩu phần chỉ là của một người. Cả hai đi ngược triền dốc, thông reo theo từng đợt gió bát ngát. Thụy xoa đều đôi bàn tay, hít hà thở ra hơi lạnh. Bất giác ông Chú cởi vội khăn choàng cổ, chườm vào đôi tay Thụy, quấn thành những vòng tròn kín kẽ. Đêm khẽ lướt êm theo hai bóng người đổ dài.
***
Có lần cậu nói:
– Khôi nó vậy thôi, chứ giỏi lắm con. Hồi cậu với nó học bên Mỹ, nó luôn đứng đầu trường. Được mời ở lại thỉnh giảng. Nhưng nó lấy xong bằng tiến sĩ là về nước ngay. Nó tự lập sớm. Chỉ đôi khi quá chú trọng công việc mà thành ra khó chịu. Đám nhân viên cứ ở phía sau kêu nó ông Chú hay Một Ngàn Khó. Nó biết hết đó, nhưng chỉ cười cười. Mặc kệ, miễn công việc ổn hết, miễn công ty thành công là được. Giữ một công ty là giữ cả nồi cơm của mấy trăm nhân viên. Nó đeo nặng chuyện phải vực dậy công ty sau lời di chúc của bố nó mà thành ra cứ lận đận tình duyên. Mỗi lần cậu nhắc nó, thì nó cứ phủi tay, chưa phải lúc. 45 tuổi rồi còn gì nữa mà đợi.
Thụy nghe vậy biết vậy, chứ hổng dám hỏi thêm. Ba mẹ Thụy mất sớm, cũng phải tự lập từ nhỏ. May nhờ cậu mợ chăm chút. Lớn lên cũng theo cậu mợ sắp xếp mọi chuyện. Căn nhà nhỏ ở cái chung cư này, cũng do cậu mợ cho thêm phần lớn mà mua được. Với Thụy, cuộc sống chỉ cần giản đơn biết đủ là an yên rồi. Những ngày mệt lả công việc, về đến nhà, thả mình trong làn nước ấm, nhìn quanh quẩn bốn bức tường của riêng mình, lòng lại thấy bình an.
Nhiều khi Hiên bảo: “Chán thế, sống cứ ủ ê như bà cô già. Khỏi cần đi coi bói, mày có đẹp cách mấy cũng ế. Đàn ông bây giờ thích phụ nữ cá tính.” Hiên nói năm bảy lần, mà Thụy vẫn cứ dửng dưng, thành ra thôi cũng chả thèm nhắc tới.
Ngày cuối cùng của chuyến công tác, đêm có bữa tiệc chiêu đãi từ phía đối tác, Thụy chẳng muốn đi. Phần vì mình chẳng thể uống bia rượu, phần vì Thụy muốn đi mua một sớ “táo quân” mấy món mứt mà hội chị em dặn dò.
Chọn cho mình một chiếc đầm dài bằng nỉ màu đỏ mận ôm đều eo thon, dù khá lạnh nhưng Thụy chẳng dám khoác cái áo choàng. Nhớ như in cái màu trắng là màu ông Chú kỵ. Thụy đứng tần ngần trước cửa, ánh mắt ông Chú nhìn đầy săm soi.
– Áo khoác đâu? Lạnh lắm cô có biết không?
– Dạ. Nhưng chú ơi, áo khoác màu trắng ạ!
Nụ cười lại nở trên môi của ông Chú khó chịu.
– Tôi có bao giờ quy định cô phải mặc màu gì chưa? Cô cứ thoải mái. Tôi không có tin ba cái dị đoan màu này màu kia đâu!
– Ơ thế sao chị Hiên lại bảo…
Một đêm của rượu và nến. Một đêm của những bản tình ca bát ngát. Thụy chẳng uống được rượu, nhấp môi một ít đã ửng hồng gò má, nóng ran cơ thể. Phía trên sân khấu, ông Chú hát bài tình ca da diết: “Dìu em đến, đem cho đời anh thôi hoang vắng. Tim ta say đắm đã yêu em trọn cuộc tình…”
Tiếng nhạc âm vang trên những ngọn thông. Lời ca quyện gió mênh mông khắp triền đồi. Ánh mắt ông Chú hình như xoay tròn chòng chành theo chiếc đầm màu đỏ mận.
Đêm ấy, ông Chú nắm tay Thụy giấu trong túi áo măng tô để ủ ấm. Cả hai cứ lững thững đi dạo vòng bờ hồ đêm.
– Trăng với sao, Thụy thích cái nào?
– Thụy á, Thụy thích cả hai. Thế còn chú thì sao?
– À… Tôi…
Gió bạt rào rạo, Thụy chẳng nghe được lời nào.
***
28 Tết, Sài Gòn thưa người, nắng chớm xuân rây vàng góc phố. Hiên lại ùa vào góc quán cà phê quen thuộc.
– Nay ông Chú vui lắm tụi bây. Nãy tao gõ cửa vào phòng còn nghe ổng hát. Giọng trầm ấm nghe muốn rụng tim. Con thư ký mới nói, ổng hỏi Tết ghé nhà bạn gái chúc Tết thì nên mua gì? Vậy mà đứa nào nói ổng ế?
Thụy nghe và thấy lòng bồn chồn khó tả.
Đêm tất niên, công ty rộn ràng với những lời chúc tụng, nhiều nụ cười giòn tan. Mọi người hồ hởi cho một năm dẫu nhiều biến chuyển của thời cuộc, dịch bệnh, nhưng may là vẫn còn đầy đủ những gương mặt này. Một sự lèo lái tài tình của ông Chú. Sau đêm nay, nhiều người sẽ rời Sài Gòn về quê ăn Tết, lại hẹn một kỳ tân niên thiệt vui để bắt đầu năm mới vạn điều may.
Chú ngà ngà cơn say, trong cái áo thun trắng và chiếc quần jeans trẻ trung hơn cái tuổi 45. Thụy cứ có cảm giác ánh mắt ấy đeo đuổi theo từng bước chân của mình. Thụy trốn ra ngoài ban công của sảnh tiệc. Gió xuân mơn man mái tóc dài suôn mượt.
– Thế giữa trăng và sao, Thụy thích cái nào?
– Cháu thích cả hai. Vậy còn chú?
– Anh thích Thụy…
Bên trong vẫn ồn ào náo nhiệt, ngoài này tĩnh lặng bất thường. Chú nắm tay Thụy, ấm áp và yêu thương.
28 Tết. Mùa Xuân đã đến. Mùa nở đóa hoa yêu!
Tác giả: Trúc Thiên
Tiếp Thị Gia Đình