Truyện ngắn hay trên TTGĐ: Mùa ngân nhịp bình an – tác giả: Đào Thu Hà

Chị đã từng nghĩ đến chia tay nhưng chưa từng nghĩ đến việc anh mãi mãi không còn. Chỉ hình dung đến đấy, tim chị như bị ai bóp nát

Truyện ngắn hay trên TTGĐ

Truyện ngắn hay trên TTGĐ: Mùa ngân nhịp bình an – tác giả Đào Thu Hà

Chỉ khi cu Nam ngồi hí hoáy cả buổi chiều để viết một lá thư rồi nhờ chị gửi cho Ông già Noel, chị mới nhận ra Giáng sinh đang tới. Sau những ngày tháng thành phố căng mình chống chọi với dịch bệnh, mùa Giáng Sinh năm nay có vẻ trầm lắng hơn. Nhưng dẫu vậy cũng chẳng thể nào ngăn được niềm háo hức của những đứa trẻ.

Từ khoảng sân nhà hàng xóm vọng lên những tiếng cười bàn nhau năm nay viết thư xin Ông già Noel tặng quà gì, chị nghe tiếng thấp thỏm: “Chẳng biết Giáng sinh ba đã được về chưa?” Mà chẳng riêng gì trẻ con, ngay cả người lớn có lẽ cũng háo hức chờ Giáng sinh như mong đợi một điều gì tươi sáng hơn sẽ đến, mong đợi được sum vầy bên nhau sau những tháng ngày xa cách.

Cả thời tiết cũng đã trở nên bớt oi nồng, gắt gỏng. Những cơn gió mang theo chút se se lạnh. Cái lạnh vừa đủ để thèm một vòng tay ôm ấm áp. Chị lấy chiếc áo khoác cho con trai, quàng lên vai mình chiếc khăn len dày. Tự nhiên, chị thẫn thờ. Chiếc khăn len này anh tặng chị nhân chuyến công tác Đà Lạt từ cách đây mấy năm. Thành phố quanh năm nóng ẩm, chẳng mấy khi dùng đến nên vẫn còn mới tinh.

Chiếc khăn vẫn còn mới mà lòng người thì đã cũ. Không! Chỉ có lòng chị là đã cũ.

***

Dạo này, vào mỗi buổi chiều, chị thường ngồi ở ban công, nép mình sau mấy chậu hoa nhìn xuống mảnh sân nhỏ nhà hàng xóm. Chẳng phải chị tò mò, tọc mạch. Chị chỉ muốn cảm nhận được không khí cuộc sống diễn ra trên mảnh sân nhỏ ấy, nghe tiếng nói cười để xua đi nỗi lo lắng.

Nhà ấy mới chuyển về từ cuối năm ngoái. Hồi đầu, chị còn nghe tiếng người chồng. Sau rồi chỉ nghe thấy giọng của chị vợ và hai đứa nhỏ. Anh chồng nhà bên ấy là bác sĩ. Từ lúc dịch bùng mạnh, anh trực luôn ở bệnh viện, không về nhà.

Câu chuyện về anh chỉ nghe qua lời kể của người vợ và hai đứa con gái mỗi ngày vào giờ cơm tối. Nấu một món nào đấy, người mẹ bảo hai đứa con: “Món này ba thích ăn. Hôm nào ba về mẹ phải nấu cho ba ăn đến chán thì thôi”. Học online gặp một bài toán khó, đứa con lớn ao ước: “Giá có ba ở nhà, ba chỉ một xíu là con biết làm ngay”. Thi thoảng, đứa con gái nhỏ nhà bên ấy cười khúc khích: “Khi nào ba về, con sẽ kể cho ba nghe thật nhiều chuyện cười con đọc được để ba nghe cho vui”.

Cô bé nhỏ ấy cũng giống hệt con trai chị. Mỗi khi nghe được chuyện gì thú vị, nó lại bảo để dành chờ ba về sẽ kể cho ba nghe. Người chồng, người cha của gia đình ấy không ở nhà nhưng lúc nào cũng hiện hữu. Còn chị, chị tránh nhắc đến anh trước mặt con.

***

Cũng gần cả năm trời rồi anh không về nhà. Phần nhiều vì nhiệm vụ. Phần nữa vì trước đó chị đề nghị hai vợ chồng tạm xa nhau để cùng suy nghĩ về cuộc hôn nhân giữa hai người. Anh không làm gì có lỗi với chị. Chị cũng chẳng có người khác. Chỉ là chị cảm thấy mình kiệt sức. Chị cảm thấy mình chẳng thể nào thông cảm cho công việc của anh được nữa. Khi đã mỏi mệt, chị muốn buông tay.

Chẳng ai hiểu vì sao chị lại chọn yêu và kết hôn với anh. Ngày còn trẻ, vừa có vẻ đẹp dịu dàng lại thùy mị, nết na và khéo léo nên có nhiều chàng trai ngỏ lời với chị. Nhưng chị yêu anh.

Trong buổi giao lưu giữa hai Đoàn trường, chị và anh cùng tham gia một tiết mục văn nghệ. Anh đàn cho chị hát. Mắt chạm mắt, nụ cười ngượng ngùng dành cho nhau đã khiến cả anh và chị đều cảm mến đối phương.

Rồi những tin nhắn, những cuộc điện thoại chuyện trò qua lại vào những ngày cuối tuần anh rảnh rỗi đã chắp cánh cho tình yêu của anh chị. Ra trường, anh được phân về đơn vị đóng quân cách thành phố vài chục cây số. Chị xin một công việc văn phòng. Hai năm sau, anh chị làm đám cưới. Bạn bè bảo làm vợ lính vất vả lắm, chị chỉ cười cho qua.

Rồi cu Nam ra đời. Anh chị dành dụm và được bố mẹ hai bên phụ thêm mua được căn nhà nhỏ nằm gần cuối một con hẻm cũng nhỏ xíu nhưng yên bình. Anh tranh thủ những ngày cuối tuần, những ngày nghỉ phép về thăm vợ con. Chị đã nghĩ, hạnh phúc cứ bình dị và êm đềm trôi qua như thế là đủ mãn nguyện.

Nhưng chẳng biết, từ lúc nào chị thấy mỏi mệt. Chị ghen tị với những người bạn chẳng cần tất bật trở về sau giờ làm vì đã có chồng đón con. Chị chạnh lòng khi thấy một người đồng nghiệp khoe ảnh gia đình đi chơi vui vẻ nhân ngày nghỉ. Chị tủi thân những lúc nhức đầu, sổ mũi mà chẳng có ai nấu cho một bát cháo nóng.

Đôi lúc, chị thèm một buổi tối se lạnh, hai vợ chồng ngồi cùng nhau trên ban công ngắm mấy chậu hoa xinh xinh, chị tựa đầu vào vai anh. Rồi những lúc con đau, con ốm, một mình chị đưa con đi khám, dỗ con uống thuốc, thức đêm trông con. Có lần, chị vừa ôm con vừa bật khóc. Những suy nghĩ ích kỷ nảy lên trong đầu chẳng có cách nào dập tắt đi được.

***

Khi chị đưa ra đề nghị, anh sững sờ. Chị đọc được những hoang mang trong đôi mắt rất hiền của anh. Anh buồn, những tiếng thở dài hòa vào với đêm đằng đẵng. Sáng ra, đôi mắt anh trũng xuống. Anh đi chợ mua gạo đổ đầy thùng, mua đồ ăn bỏ sẵn vào tủ lạnh giống như những ngày bình thường anh được về nhà. Anh dắt chiếc xe của chị đi thay nhớt, kiểm tra lại hết đường dây diện, hệ thống nước trong nhà. Anh ôm con, thơm lên má nó rồi trở lại đơn vị. Anh bảo, anh tôn trọng quyết định của chị nhưng anh vẫn thương và yêu chị như những ngày đầu.

Có lúc, chị thấy mình nóng vội và quá đáng. Chị nghĩ lại những năm tháng còn yêu nhau. Chị chọn cưới anh, chấp nhận những vất vả, khó khăn một cách tự nguyện và vui vẻ. Bằng ấy năm, anh chưa từng nặng lời với chị. Mỗi lần về nhà, anh tranh thủ sắm đồ dùng cho hai mẹ con, kiểm tra, sửa chữa hết mọi vật dụng trong nhà rồi mới trở lại đơn vị để chị bớt phải tất tả đi chợ. Những lúc không về được, có ai về, anh lại gửi quà cho hai mẹ con.

Sóng điện thoại ở đơn vị yếu, có lúc anh tranh thủ buổi tối trèo cả lên cây…bắt sóng để gọi cho chị. Anh thường xa nhà, nhưng trong căn nhà nhỏ lúc nào cũng hiện hữu bóng dáng của anh.

Kể cả cái ban công này, chốn thư giãn yêu thích của chị sau một ngày làm việc, loay hoay với trăm mối bận tâm của một người phụ nữ cũng từ đôi bàn tay anh cải tạo, chăm chút. Anh dọn dẹp, sơn sửa lại, mua mấy chậu cây cảnh xếp phía trước, làm mấy chiếc kệ xinh xinh treo những chậu hoa be bé phía trên. Biết chị thích đọc sách, anh kê bộ bàn ghế nhỏ xinh ở góc nhiều ánh sáng nhất.

Đi đâu, thấy loại hoa gì lạ lạ, anh lại xin hạt hay kiếm cành về ươm. Anh từng bảo, trồng sẵn một ban công hoa để ngày lễ đỡ phải nhức đầu chuyện đi mua hoa. Đùa thế chứ chưa ngày lễ nào anh quên hoa và quà tặng chị.

***

Lúc thành phố bùng dịch dữ dội nhất, những lo lắng bủa vây khiến chị có cảm giác đến không khí cũng đặc quánh lại. Phong tỏa, giăng dây. Đầu hẻm có mấy ca mắc bệnh. Anh gọi điện về dặn dò đủ thứ, chị cố tỏ ra không cần anh, hai mẹ con vẫn ổn. Vì tự ái, vì cái tôi hay vì bất cứ một điều gì khác chị cũng không rõ.

Chị lên ban công tưới nước cho mấy chậu cây cảnh, nhìn xuống sân nhà hàng xóm, nghe thấy chị vợ gọi điện nhắc chồng phải cẩn thận, giữ gìn sức khỏe và chiến thắng trở về. Chị cũng muốn gọi cho anh, dặn dò anh cẩn thận. Chị biết, anh được tăng cường phục vụ khu cách ly tập trung ngay từ những ngày đầu.

Khi lực lượng quân đội được huy động giúp người dân đi chợ, chị đứng trong nhà ngóng ra cổng, mong bắt gặp trong số những bóng dáng mặc quân phục màu xanh ghé qua cổng nhà phát đồ có anh. Hồi hộp, ngóng chờ, rồi hụt hẫng, tiếc nuối khi không thấy anh.

Cu Nam hay hỏi mẹ về ba, kêu nhớ ba. Con hỏi chị có nhớ không. Chị thấy lòng mình day dứt. Nhiều đêm, chị ôm cu Nam, nghe tiếng con ngủ mơ gọi ba mà ứa nước mắt. Chị lấy điện thoại ra bấm số anh nhưng rồi khựng lại. Mấy tháng rồi anh không gọi cho chị, cũng chẳng gọi cho con. Chị tự an ủi, có lẽ tại dịch bệnh. Nhưng bận đến nỗi nào mà một cái tin nhắn cũng không gửi được. Hoặc là anh đã suy nghĩ và chấp nhận lời đề nghị của chị. Không hiểu sao nghĩ đến tình huống này, chị thừ người ra, ánh mắt nhìn xa xăm, vô định.

***

Người chồng hàng xóm nhà bên đã được về nhà sau tháng ngày chiến đấu, giành giật sự sống cho bệnh nhân. Chị đứng trên ban công, nhìn thấy đứa con gái nhà bên ấy chạy ùa ra, tíu tít:

– A, ba về! Ông già Noel tốt bụng đã nghe thấy mong ước của con rồi.

Người đàn ông của gia đình đã trở về. Nhà hàng xóm dọn dẹp khoảng sân nhỏ, trang trí chuẩn bị đón Giáng sinh. Những tiếng cười giòn tan vang lên. Chị lặng lẽ chung vui rồi lại thấy lòng mình nhoi nhói. Trong lá thư cu Nam gửi ông già Noel, thằng bé viết: “Ông già Noel ơi, năm nay con không cần quà. Con chỉ ước ba con về nhà đón Noel với con. Mẹ bảo ba đang bận chống dịch chưa về được. Nhưng con nhớ ba con lắm…”

Có tiếng chuông cửa. Chị nhìn xuống. Bóng áo màu xanh. Tự nhiên chị thấy trái tim mình đập rộn ràng. Chị vội vàng chạy xuống. Không phải anh. Là một người cùng đơn vị anh mà chị đã từng gặp trong một lần cho cu Nam lên đơn vị thăm ba. Người đồng đội của anh đưa cho cu Nam một hộp quà, xoa đầu thằng bé:

– Quà ba gửi cho Nam đây. Con vào nhà mở ra xem có thích không nhé!

Lại bận công tác. Hàng mấy tháng trời chẳng gọi nổi một cuộc điện thoại hay nhắn một cái tin. Dẫu không muốn gọi cho chị thì cũng phải gọi cho con. Như hiểu suy nghĩ của chị, người đồng đội của anh khẽ khàng:

– Hai tháng trước anh ấy bị nhiễm bệnh, có lúc tưởng như… Trước khi bệnh trở nặng, anh ấy nhờ anh em trong đơn vị không thông báo cho gia đình vì sợ mọi người lo lắng. Xa xôi cũng không giải quyết được điều gì.

Chị sững sờ, đứng không vững.

– Kìa, chị bình tĩnh lại đi. Đừng khóc! Anh ấy đã qua cơn nguy kịch và đang hồi phục rất tốt. Đến Giáng sinh anh ấy sẽ được về nhà một thời gian. Sợ cháu mong, anh ấy gửi tôi món quà mang đến cho cháu Nam trước và báo cho chị một tiếng. Anh ấy rất muốn về nhà chị ạ…

Chị đã từng nghĩ đến chia tay nhưng chưa từng nghĩ đến việc anh mãi mãi không còn. Chỉ hình dung đến đấy, tim chị như bị ai bóp nát. Sao chị có thể giận hờn chỉ vì nghề nghiệp của anh vất vả, ít thời gian dành cho gia đình. Anh đã từng bảo, chờ đến lúc nghỉ hưu, anh sẽ chỉ ở nhà cùng chị, bên chị để bù lại những năm tháng ít được gần nhau, chỉ sợ lúc ấy nhìn anh nhiều quá chị lại phát chán lên. May mà anh đã vượt qua để còn cả một quãng đời phía trước bên chị.

Người đồng đội của anh đã chào hai mẹ con để trở về với gia đình nhỏ của mình. Anh ấy cũng hơn nửa năm nay chưa được về nhà. Vợ anh mới sinh cháu nhỏ. Đứa bé ra đời vào đúng những ngày cả thành phố giãn cách. Hai vợ chồng đặt tên gọi ở nhà cho cháu là Măng. Một búp măng mạnh mẽ, kiên cường và nghị lực như ba cháu cũng như đồng đội.

Chị bấm điện thoại, gọi anh.

– Em và con chờ anh về nhà. Mau về anh nhé!

Giọng anh khàn khàn nhưng nghe lấp lánh niềm vui. Chị cho anh nghe những tiếng chuông ngân. Tiếng chuông ngân từ món đồ chơi anh gửi cho con. Rộn ràng và thánh thót.

Mùa bình an đã về trong phố, trong con hẻm nhỏ và trong căn nhà của chị.

Tác giả: Đào Thu Hà
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua