Cô đến Nhà Ấm vào một chiều tháng Năm vàng nắng. Bờ sông mênh mang mấy cụm lục bình. Chiếc bàn quen thuộc nằm sát góc của hiên sau luôn là nơi cô lựa chọn. Bàn chỉ cho một người. Trong một lần vui miệng, cô nói với cậu chủ trẻ, đây là bàn cô đơn.
Cái bàn nằm trơ trọi cuối hiên sau, gần dàn hoa đậu biếc tím buồn. Từ chiếc bàn này, cô thoải mái đón gió sông, ngắm hoàng hôn dát vàng trên luềnh loáng con nước. Khi thành phố buông màn, phía trung tâm bắt đầu lấp lánh thứ ánh sáng kiêu kỳ từ các tòa nhà nhấp nháy.
Cô thích ngồi như thế. Chỉ đúng một mình. Có khi đến tận đêm. Lắm lúc chủ quán đặt lên bàn chiếc tab đựng hóa đơn tính tiền cùng đóa quỳnh trắng muốt. Cậu trai trẻ cười bâng quơ rồi lui vội vào bên trong. Cô nhẹ nhàng móc ví để lại tiền và ra về.
* * *
Nhà Ấm nằm lọt thỏm trong bán đảo của thành phố. Rời xa cái ồn ào náo nhiệt, chạy xe tầm bốn mươi lăm phút sẽ thấy con đường đất trồng nhiều kèn hồng, cuối đường là đến Nhà Ấm. Người ta vẫn cứ hay gọi Nhà Ấm là nhà hàng lạ lùng nhất của thành phố. Cái nhà hàng cũ kỹ còn sót lại của đô thị hiện đại bậc nhất nước.
Bàn ghế gỗ, sàn nhà trát vữa, tường toàn gạch ống đỏ, mái lá, gác-măng-ghê, nia tre, muỗng lá, đũa cây. Đập vào mắt chỉ toàn những thứ xưa xa nghèo khổ mà đám trẻ thời thượng bây giờ chán ngán. Kỳ thực lần đầu Huy dẫn cô đến, cô bất giác thấy như mình đang đi vào một ngôi nhà quê nào đó.
Cái không khí ẩm mốc của bếp đen bồ hóng, mấy chiếc áo bà ba cũ cùng khăn rằn quấn đầu của nhân viên khiến cô hẫng nhẹ. Giữa nhiều lựa chọn cho lần kỷ niệm tròn một năm yêu nhau, cô đề nghị một chuyến du lịch nghỉ dưỡng tại resort sát biển, hay chí ít một bữa tiệc trên mấy con tàu chạy dọc sông Sài Gòn. Huy lại dẫn cô đến đây. Bữa ăn với mấy món quê khiến cô có một đêm gượng gạo.
Chiều rải nắng vào góc hiên. Cô chọn cho mình một chiếc bánh màu tím làm từ bột gạo và đậu xanh, ủ bằng nếp cẩm. Chiếc bánh mang hình trái tim. Nơi đây luôn có những thứ lạ lùng, như chiếc bánh này có cái tên: “Côi”.
Chẳng biết tự bao giờ cô quen với Nhà Ấm thể như một người lữ khách trên hành trình tìm được nơi trú ngụ. Một nơi mà mỗi khi lòng chênh vênh nhất cô vội vã tìm về. Chỉ cần cô ghé đến Nhà Ấm, đẩy cửa gỗ bước vào, tiếng cót két của cái bản lề cũ bị xệ xuống phát ra thứ âm thanh chậm rãi nhưng nhừa nhựa ấy, là cô hít một hơi thật căng tràn lồng ngực. Như cô tìm về được sự bình yên.
* * *
Huy dáng dong dỏng cao, nước da trắng, sóng mũi thẳng, đôi mắt một mí cùng bờ môi mộng đỏ, như một nam thần bước ra từ câu chuyện ngôn tình nào đó cô hay xem trong các bộ phim Hàn Quốc. Ngày cô chạm Huy ở thang máy tòa nhà, cô làm ướt cả chiếc áo vest của anh. Ly trà sữa vừa mới mua đổ thành vũng dưới sàn. Cô luống cuống xin lỗi, vội lấy khăn lau. Không dưng đôi mắt mọng nước. Cô khóc.
Đó là một chuỗi ngày cô dày vò mình trong đau khổ. Cô chia tay mối tình sáu năm gắn bó từ thời sinh viên. Ra trường, cả hai lao đầu vào công việc với ước mơ kiếm tiền, rồi đám cưới, tạo dựng một gia đình nơi thành phố này. Nhưng cô phát hiện mình bị cắm chiếc sừng to dài bởi những chuyến công tác đã khéo léo sắp xếp người yêu mình thành chồng của con gái sếp tổng nơi anh làm việc.
Ngày anh bảo dừng lại để cho nhau những cơ hội mới, cô cười gật đầu. Vì quả thực đôi bàn tay trắng chẳng thể níu giữ một ước mơ to lớn.
Cô leo tuốt lên tầng thượng tòa nhà cùng Huy, kể một câu chuyện cho người lạ. Nhẹ nhõm. Huy chỉ cười. Ai trong cuộc đời mà không có một vết thương. Nhưng chí ít, mình phải tự chữa lành vết thương, đừng trông đợi vào người nào cả. Là con gái, thì phải mạnh mẽ gấp đôi đàn ông. Cô bật cười khùng khục trước câu nói của Huy.
Đêm đó cô về, giấc ngủ dễ chịu sau một quãng dài gần như thức trắng. Mãi cả tháng hơn, khi cô được điều chuyển từ phòng Nhân sự về phòng Giám sát nội bộ, cô mới vỡ lẽ, cái anh chàng hôm trước ngỡ xa lạ hóa ra chính là người thừa kế duy nhất của tập đoàn. Cô lấm lét trốn ánh mắt của Huy ngay lần họp giao ban đầu tiên.
Cô càng trốn, Huy càng tìm. Cho đến lúc cô hết cách thì một đêm tiệc tất niên của công ty, cô say đứ đừ mạnh dạn đối diện Huy. Cô chẳng sợ, chẳng mắc cỡ, cũng chẳng làm gì sai. Chỉ là khi ấy cô chẳng biết phải nói với ai. Đôi khi khóc với người lạ lại thoải mái hơn mà. Huy đưa cô về. Cô mặc chiếc đầm trắng thêu một đóa hoa quỳnh bung cánh. Cô say. Huy tỉnh.
Sáng cô choàng dậy, thấy mình nằm một nơi nào đó xa lạ, trên chiếc giường ấm áp. Phía ghế sofa, Huy nằm co ro. Ai đó đã quay lại cảnh cô say ngã nhào và quát tháo vào Huy, rồi gục lên người anh. Đoạn clip truyền nhau và nhanh chóng lan thành tin nóng hổi trong đêm. Điện thoại anh nổ tung. Cô thì vẫn ngủ say.
“Em phải chịu trách nhiệm đời tôi đấy!”. Huy nói vậy và thản nhiên vào bếp làm bữa sáng cho cô. Mùi thức ăn lan tỏa trong căn bếp khiến cô bần thần. Lâu lắm rồi, cô mới có một cảm giác thèm một bữa ăn, thèm một bờ vai, thèm cái không gian hai người. Cô đứng nhìn Huy trân trân. Là trách nhiệm hay là yêu? Cô mặc kệ. Chí ít cô cần những niềm ấm áp từ căn bếp này.
* * *
Một buổi mưa chiều quất ràn rạt trên con sông, Nhà Ấm vắng vẻ. Cô ngồi nhìn những hạt mưa nghiêng mình sà xuống lòng sông. Nước cuộn, lục bình bị sóng đánh rã rời. Từng cụm lá tách ra, mấy nhành hoa tím lặc lìa theo gió. Cậu chủ trẻ đến, bâng quơ tựa vào hiên mưa. Cậu ta cũng chính là bếp trưởng của cái quán ăn lạ lùng này.
Thực đơn quán tùy theo ngày. Ngày nào đi chợ mua được gì thì lên món đó. Hôm nào ra vườn nhà hái mớ rau nào thì có món trộn đó. Hôm buồn sẽ làm bánh tím, hôm vui thì bánh cam, có lúc không vui không buồn sẽ nấu dăm ba món chè, làm mấy loại xôi.
Có hôm thực đơn toàn gà. Hỏi ra mới biết bà cụ bán gà ế hàng hồi sáng nên cậu chủ trẻ mua mão để bà về sớm. Hôm ra chợ có mớ cá đồng thấy ngon thì gom hết về quán. “Mà đừng gọi nơi này là nhà hàng, cũng chẳng nên gọi quán, gọi là Nhà. Là Nhà để không phải đến ăn, mà về ăn. Về Nhà Ấm ăn bữa cơm vui”. Cậu chủ trẻ nói với cô, một người khách bắt đầu thành mối ruột tầm hai năm nay.
Một vài lần đầu, cậu chủ trẻ hỏi cái anh “soái ca” đâu rồi. Cô nhìn thẳng vào mắt cậu chủ trẻ trả lời từng tiếng rõ mồn một: “Chia tay”. Câu chủ trẻ sượng trân, lặng lẽ rút lui. Lát sau đem đến cho cô một một thố rau trộn mang tên “Thương mình”.
Mớ khổ qua cắt sợi ướp đá, kèm nước sốt chanh dây cay xè. Một chút rượu vang đỏ. Cô trộm nghĩ, cái quán đúng lạ lùng, dường như đọc được cả tâm tư của khách hàng. Cậu chủ trẻ ấy dường như thấu tận lòng người.
Quán lạ thiệt. Không gian tĩnh lặng đến ngay cả những người phục vụ, phụ bếp cũng chỉ ra dấu cùng nhau. Những ký hiệu được biểu thị bằng ngón tay. Ban đầu cô ngờ ngợ là một loại mật mã bí ẩn nào đó của quán, sau mới hiểu, hóa ra đó là thủ ngữ. Nhà Ấm là nơi nhận những người khiếm thính về làm việc. Quán tạo cho họ một nơi để hòa nhập cộng đồng cũng như mưu sinh kiếm sống. Cậu chủ trẻ mới tầm đâu chừng hai sáu tuổi, nước da ngâm rắn rỏi, khi cười có má lúm đồng tiền trông rất hay.
Nhà Ấm dựng lên từ khu vườn cũ được chàng trai trẻ mua lại bằng tất cả số tiền dành dụm của khoản đời bôn ba. Lúc đôi mươi, cậu trai ấy ruổi rong mọi vùng miền để học nghề bếp. Có khi ra tận Hà Nội mấy tháng trời để học cho bằng được cái món phở trứ danh. Cũng có bận lang thang đâu đó trên Tây Bắc để tìm hiểu mấy loại lá rừng.
Cũng có khi khăn gói ra cố đô Huế cả năm để thọ giáo mấy món cung đình nem công chả phượng. Rồi lại xuôi về miền Tây để tìm đến các bà má miệt đồng bưng hỏi cách gói bánh, cách nấu mắm. Cứ vậy mà cậu trẻ lênh đênh với đam mê của mình.
Tưởng chừng đã dừng hẳn ở Cần Thơ gạo trắng trăng thanh bởi nụ cười ngọt ngào của cô gái châu thổ, nhưng rồi cũng chia tay bởi dạo đó người ta rần rần chuyện lấy chồng ngoại, đi Đài Loan, Hàn Quốc.
“Đời người ta đâu dễ dàng gả con cái cho một thằng đầu bếp quèn hen chị!” Cậu chủ trẻ nói vậy vào một bữa lảo đảo cơn say rượu gạo Nha Mân. Thứ rượu cậu tự ủ bằng một công thức đặt biệt mà như cậu nói là để nhớ về quê ngoại. Nhớ những ngày chái bếp hiên sau nồng khói ấm, ngoại lúi húi tẩn mẩn nấu món quê vỗ về đám cháu.
Giờ ngoại mất rồi. Con cháu theo đời cuốn trôi về thị thành. Nếp xưa cũ tụ về bếp ngoại đã không còn nữa. Chàng trai trẻ dựng Nhà Ấm, tạo không gian bếp vui là để ai đó lang bạt đô thành xa hoa này, một lúc nào đó chợt thèm quê nhớ xứ thì ghé về đây.
Đôi khi chạm môi mình vào một món ăn thôi, vậy mà quê hương gợi về thấm đẫm trong lòng mình. Mỗi món ăn lại nhắc một khoảng nhớ nào đó của ký ức đẹp đẽ. Người ta càng lớn lại càng sống bằng ký ức xa xưa.
Cô nhớ hôm đó Nhà Ấm vắng. Chỉ dăm ba khách. Cậu chủ trẻ dừng lại bàn cô mời rượu và một loại bánh mang tên “Ký ức”. Thứ bánh làm bằng củ khoai mỳ bào ra, trộn lẫn với đậu đỏ xay nhuyễn, thêm ít kem tươi bắt bông phía trên. Bánh có kết cấu dẻo và vị ngòn ngọt. Màu của bánh nhờ nhợ tựa màu đất.
Thấy cô ngơ ngác vì tự nhiên được tặng bánh, cậu chủ trẻ cười bâng quơ và nói: “Hôm nay sinh nhật em đấy. Nếu có một ước mơ, có thể em sẽ ước cái bàn này sẽ không còn cô đơn.”
Cậu trẻ quay bước vào trong bếp, nụ cười má lúm vẫn níu lòng cô theo chòng chành đêm phủ bên dòng sông. Sóng lòng sông lao xao. Đêm hình như cũng lao xao theo.
* * *
Huy nói chia tay trong một hôm thành phố đổ lá. Cô bàng hoàng. Huy khóc, cũng trên tầng thượng. Huy đã thử, đã ngỡ mình sẽ rung động, sẽ làm tròn chữ hiếu cho ba mẹ. Nhưng mà trái tim luôn có những lý lẽ riêng của nó. Trái ngang và nghiệt ngã.
Cậu ấy và Huy đã cố xa nhau nhưng chẳng thể được. Câu chuyện tình từ hồi họ còn là du học sinh bên Mỹ. Những năm tháng xa nhà đó, hai trái tim cô đơn nương tựa vào nhau mà sống. Chỉ khi đối diện với gia đình, với cái vị trí phải kế thừa của tập đoàn thì thuyền tình ấy chao đảo giữa cơn phong ba. Những giọt nước mắt lặng lẽ rơi. Giọng Huy lạc hẳn.
Ngộ kỳ là cô chẳng khóc. Cô cảm thấy trái tim dường như đập những nhịp chậm chạp. Cô nắm tay Huy.
“Muôn đời tình yêu chẳng có lỗi. Chẳng có một tình yêu nào sai trái cả Huy à! Có chăng ánh mắt chúng ta nhìn vào đó lệch lạc đi. Đầu óc chúng ta phán xét ấu trĩ mà thành.”
Cô tin mọi tình yêu xuất phát từ trái tim chẳng sớm thì muộn sẽ chạm vào trái tim. Dẫu biết là chông gai nhưng giây phút này cô thành tâm mong Huy sống với con tim mình. Cô sẽ vẫn thương Huy. Thương như một người anh. Đêm lộng gió bát ngát. Bàn chân cô bất giác dẫn dụ về Nhà Ấm lúc nào chẳng hay.
Cho đến hôm nay khi Huy gởi tấm ảnh đôi bàn tay đang nắm vào nhau. Trên đó có cặp nhẫn cưới xinh xắn. Cô bỗng thấy lòng vui và nhẹ tênh. Cô lại tìm về góc quen của mình. Như thường lệ, cô chẳng cần nhìn thực đơn, lúc nào cũng bảo hôm nay có món đặc biệt nhất.
Sẫm trời, quán mở bài nhạc hòa tấu. Tiếng kèn harmonica réo rắt nghe vui tai. Cậu chủ trẻ lại tựa người vào góc hiên với món ăn lạ. Một thứ bánh màu hồng ngọt ngào, cốt bánh bông lan, xen giữa là lớp mứt dâu, phủ bên trên mặt bánh là những cánh hoa kèn hồng được bắt gọn gàng và rất đẹp. Cô chưng hửng ngước nhìn. Phía dưới dĩa bánh là tấm thiệp ghi tên: “Tỏ tình”.
Tháng Năm hất gió từ lòng sông mát rượi. Cậu chủ trẻ cười. Nụ cười có má lúm đồng tiền trông hay hay. Mỗi một món ăn đều mang trên mình nó một ý nghĩa. Người đầu bếp nêm bằng một thứ gia vị yêu thương của mình vào đó. Có khi đó là tình yêu với nghề. Nhưng ở Nhà Ấm, còn là tình yêu với người nào đó. Cậu chủ trẻ nhìn cô. Không gian như ngưng đọng. Tháng Năm ngọt như chiếc bánh “tỏ tình”.
Tác giả: Trúc Thiên
Tiếp Thị Gia Đình