Hôm đó là cuối tuần, tôi sớm đã dự định cùng bạn bè đi dạo phố đêm, nhưng vừa tan ca thì mẹ gọi điện đến, giọng vui vẻ hân hoan giống như một cô gái còn xuân: “Ngày mai đơn vị mẹ tổ chứ đi du xuân, con về thì đến tiệm bánh Uy Phong mua giúp mẹ một túi bánh mì nhân dừa nhé. Mai mẹ mang theo để ăn trưa”.
“Du xuân?”, tôi giật cả mình và không thể ngờ được: “Hả, mọi người còn đi du xuân à?”. Tôi từ chối: “Mẹ, con hẹn bạn đi ra ngoài rồi, con không có thời gian”.
Tôi cằn nhằn khước từ với mẹ một hồi, bà cứ luôn miệng nói: “Chỉ mua một túi bánh mì thôi, rất nhanh mà, sẽ không làm con trễ hẹn đâu”. Cuối cùng bà có hơi giận, tôi mới miễn cưỡng nhận lời.
Trong lòng muốn giải quyết cho sớm, vừa tan ca tôi đã chạy đi như bay. Thế nhưng từ đằng xa đã nhìn thấy tiệm bánh đó, lòng tôi chợt ủ rũ. Trong tiệm đông nghẹt, người ta xếp hàng rồng rắn dài ra đến tận ngoài tiệm.
Theo con rồng dài từ từ nhích về trước, tôi liên tục xem đồng hồ và nhón chân dõi mắt về đằng trước. Đứng gần 20 phút mới vào được trong tiệm, tôi đầu nặng chân run, đói đến hoa mắt. Nghĩ trong bụng chắc các bạn đã đi hết rồi, tôi càng sốt ruột đến nỗi cứ giậm chân liên tục. Cơn gió ấm áp của mùa xuân ôm lấy cả người tôi, nhưng hương thơm làm người ta ngây ngất của bánh mì mới ra lò lại đang vây lấy cơn nóng của tôi. Thật không biết mẹ nghĩ sao, hai ngày cuối tuần ở nhà nghỉ ngơi có phải tốt hơn không? Sao lại đột nhiên nổi hứng đi du xuân chứ? Còn nói là do đơn vị tổ chức nữa, một đoàn phụ nữ trung niên đi với nhau có gì mà chơi? Vả lại, du xuân vốn là chuyện của tụi nhỏ và thanh niên, mẹ đã từng tuổi này rồi!
Những người khách phía trước vì chen lấn xếp hàng mà cãi nhau kịch liệt, tiệm đã có nhân viên đứng ra dàn xếp cho mọi người theo thứ tự. Tôi đứng ở quầy thứ ba, sau bốn người. Có nhiều hy vọng là sẽ mua được bánh nhanh và đi ngay, tôi thở phào và đưa tay nghịch đuôi tóc .
Bỗng nhiên, sau lưng tôi có người nhẹ nhàng gọi một tiếng “cô gái”. Tôi quay đầu lại, đó là một phụ nữ tầm 40 tuổi không quen biết. Tôi mở lời: “Gì vậy ạ?”. Nụ cười của cô ấy rất khiêm nhường: “Cô gái, chúng ta thương lượng với nhau có được không? Cháu xem, tôi ở phía sau cháu nhưng tôi đang rất vội. Tôi ghé tiệm mua bánh cho con trai. Ngày mai nó đi du xuân. Tôi sợ đợi một lát nữa sẽ trễ giờ về nhà nấu cơm, tối nó còn phải đến trường nghe giảng bài. Nếu cháu không vội thì tôi muốn, ừm…”. Biểu hiện của bà ấy có chút thỉnh cầu không nói ra rồi chợt hỏi: “Cho hỏi cháu mua bánh cho ai vậy?”.
Tôi đáp một cách tự nhiên: “Mua cho mẹ cháu, ngày mai bà ấy cũng đi du xuân”.
Không ngờ, khi tôi trả lời xong, cả tiệm trong phút chốc bỗng yên lặng đến kỳ lạ. Tất cả ánh mắt đổ dồn về phía tôi. Tôi bị nhìn đến cứng cả người.
Có người lớn tiếng hỏi tôi: “Cháu nói là cháu mua cho ai?”. Tôi còn chưa kịp trả lời thì chị bán hàng đã cười nói: “À, hôm nay bán mấy trăm túi bánh rồi nhưng em là người đầu tiên mua bánh cho mẹ đó!”.
Tôi giật mình, nhìn xung quanh mới phát hiện, những người xếp hàng hầu như là phụ nữ.
“Thế mọi người mua bánh cho ai ạ?”, tôi hỏi.
“Đương nhiên là mua cho con cưng của chúng tôi rồi”. Không biết ai vừa tiếp lời, nhưng mọi người đều cười cả lên.
Người phụ nữ sau lưng tôi nói tiếp: “Xin lỗi, tôi thật không ngờ tiệm bánh nhiều người như vậy mà cháu có thể đứng đợi được. Thật không đơn giản. Tôi vốn không muốn đến đây, nhưng do con trai tôi nài nỉ. Cả năm chỉ có một lần mà, tôi cũng muốn nó được ăn loại bánh yêu thích và đi chơi vui vẻ với bạn bè”.
Gương mặt người phụ nữ ấy bỗng hiện lên một nét quyến rũ, dịu dàng. Tôi thỏ thẻ hỏi lại: “Sao con cô không đi chơi xuân cùng cô?”.
Cô ấy cười: “Cũng muốn đi lắm. Năm nào cũng muốn, cho dù chỉ là đi vài vòng ngắm người xe qua lại dưới nắng cũng thấy vui rồi. Nhưng mà con cái ham vui, thích tụ tập bạn bè, đâu thích đi chơi với mình. Với lại việc nhà lu bu, bận rộn nên không có thời gian đi chơi”. Bà ấy nhẹ thở dài: “Chắc là tôi phải đợi đến lúc con mình lớn bằng cô đây mới có cơ hội được đi chơi xuân một cách thảnh thơi”.
Thì ra là như vậy, không phải là mẹ nổi hứng mà là tận sâu trong lòng luôn có một tâm nguyện chôn giấu mấy chục năm nay rồi. Thế mà sao tôi lại không biết được chứ nhỉ? Tôi là con gái của mẹ mà. Dường như tỉnh mộng ra, tôi thấy mình thật ích kỷ.
Túi nhựa trong tay người phụ nữ ấy toàn là những thứ mà trẻ con thích ăn như nước uống, bánh, trái cây…, cái túi nặng nề, oằn xuống làm vai hơi xiêu vẹo, nhưng cô ấy không dám đặt xuống nghỉ một lát. Cô giải thích với tôi: “Đây đều là những thứ không thể đụng mạnh, không thể đè lên”. Cứ như thế mà cô đang gánh trên lưng trách nhiệm không thể đụng mạnh và không thể đè lên, dùng hết sức, kiên trì nhưng lại vô cùng ung dung để đứng đợi.
Tôi nói: “Cô thật vất vả”. Nụ cười điềm tĩnh của cô có chút than thở: “Ai bảo tôi làm mẹ chứ? Chịu thôi, đợi đến lúc con cái biết mua đồ cho mình thì ổn thôi”. Ánh mắt cô ấy nhìn sâu vào tôi, giọng nói tràn đầy khẳng định: “Đằng nào thì ngày đó cũng không xa nữa”.
Chỉ vì sự tồn tại của tôi mà khiến người phụ nữ trung niên ấy có nhiều niềm tin đến vậy sao? Họ thực sự trông chờ đến ngày những đứa con thương yêu của họ sẽ làm cái việc giản đơn mà tôi đang làm? Tôi chợt nhớ đến sự chống chế của mình đối với mẹ, cả gương mặt nóng bừng như có lửa đốt và trái tim tôi bắt đầu xót xa.
Lúc này, hơi nóng của lò bánh bốc ra, hương thơm lan tỏa đầy mũi, người phụ nữ trước mặt tôi quay người lại: “Chúng ta đổi chỗ nhé, cháu mua trước đi!”.
Tôi ngẩn người ra, vội khiêm nhường nói: “Dạ không cần đâu ạ! Cô đã đợi lâu như thế rồi! Cháu còn trẻ, có thể đứng chờ được thêm nữa mà chẳng hề gì”.
Bà ấy đã đi đến sau lưng tôi, trên gương mặt trắng nhợt hốc hác hiện lên vết hằn của sự từng trải, nhưng giọng nói lại vô cùng ấm áp và quyết đoán mà chỉ có người mẹ mới có được: “Nhưng mẹ của cháu đã đợi ở nhà rất lâu rồi”.
Một bà cụ ở trước mặt bà ấy mỉm cười và cũng nhường chỗ. Người ở trước nữa quay lại nhìn, cũng lẳng lặng lùi lại. Tôi nhìn thấy, họ cứ như thế, yên tĩnh, ung dung, một người tiếp một người ở trước mặt tôi mở ra một lối hẹp thông suốt đến quầy bánh.
“Mau lên!”, có người thúc giục tôi: “Mẹ cháu còn đang đợi cháu ở nhà kìa”.
Tôi ngượng ngùng nhìn qua từng người, họ cũng mỉm cười nhìn lại tôi, trong ánh mắt có sự nặng nề của năm tháng nhưng cũng có niềm tin đối với tương lai, và hơn hết là sự ấm áp vô bờ bến.
Trong khoảnh khắc, tôi hiểu ra rằng, lúc ấy họ không phải nhìn tôi mà là đang nhìn những đứa con của họ trưởng thành. Phải chăng tất cả những người mẹ đều đã quen không kể khổ nhọc, cũng không đòi hỏi, niềm mơ ước nhỏ bé, duy nhất chính là nhìn thấy có một ngày, những đứa con của họ trên đường đi làm về sẽ mua cho họ một túi bánh mì mà họ yêu thích?
Nước mắt nhạt nhòa trong mắt tôi. Con đường đến quầy bánh bỗng trở nên rất dài. Tôi cẩn thận đi qua tấm lòng của mỗi một người mẹ cũng giống như đi qua cả một cuộc đời dài. Đứa con gái trước giờ vô lo, chưa hiểu chuyện đời trong phút chốc tưởng như đã đi đến tận cùng của cuộc đời.
Cuối cùng tôi cũng hiểu được tấm lòng của mẹ.
Nguyệt Quế
Tiếp Thị Gia Đình