Ba mươi năm trước nơi này là đất trống. Ngày ấy chị còn nhỏ lắm, mỗi buổi chiều, chị và những đứa trẻ trong làng hay tụ tập ở đó, chơi ú tim, năm mười… trong lúc đàn trâu đang nhởn nhơ gặm cỏ. Có nhiều khi mải chơi để trâu ăn lúa, cả đám lại vội vàng dắt trâu đi nơi khác chăn, cho chủ ruộng khỏi biết rồi rầy la. Đến bây giờ ngồi đây và nghĩ lại, chị không thôi nhớ quay quắt những ngày tháng tuổi thơ đẹp đẽ đã qua đi.
Chị mồ côi mẹ năm lên bốn. Một cơn bạo bệnh đã cướp đi người mẹ yêu dấu của chị. Ngày mẹ mất, chị không khóc, lúc ấy chị còn quá nhỏ để nhận ra nỗi mất mát quá lớn của cuộc đời mình. Sau này khi nghe ngoại kể, chị chỉ mang máng nhận ra. Chị vốn mạnh mẽ như tính tình của bố, bà ngoại từng nói chị như vậy.
Mẹ mất, bố gửi chị về ngoại sống rồi bỏ đi đâu đó biệt tăm, thi thoảng bố mới nhờ người gửi chút tiền về chu cấp cho bà ngoại để nuôi chị. Chị chưa bao giờ có suy nghĩ thù hận, cho dù có khoảng thời gian chị thèm muốn biết bao tình thương của một người cha, của một gia đình đúng nghĩa.
Chị nhớ như in đó là một buổi chiều tháng Tư, nắng nhuốm vàng những khóm cúc dại ven lối. Lúc ấy chị đang trên đường tới ngôi nhà thờ giáo họ để dọn dẹp sân vườn. Vừa bước chân vào cổng ngôi giáo đường, chị phát hiện ra tiếng trẻ con khóc lanh lảnh. Linh cảm như mách chị có chuyện chẳng lành. Chị vội vàng bước tới theo tiếng khóc vang lên không ngớt.
Ập vào mắt chị là chiếc giỏ nhựa mà người ta vẫn dùng để đựng quần áo cho em bé. Trong chiếc giỏ bằng nhựa ấy, chị thấy một đứa bé đang nằm, miệng không ngưng khóc. Chị lục trong chiếc giỏ nhựa, một bức thư được gửi kèm theo, chị chăm chú đọc, từng nét chữ được viết vội vàng, thỉnh thoảng có chữ đã nhòe đi vì thấm nước. Chị ẵm đứa nhỏ trên tay, dỗ dành, không quên cất bức thư ấy vào trong người, chị đón nhận đứa nhỏ như món quà mà chị tin Thiên Chúa đã ban tặng cho mình trong buổi chiều hôm ấy.
Đứa bé càng lớn mái tóc càng ngả màu vàng óng ả, kiểu màu vàng mà những cô gái thời nay có đi salon để nhuộm cũng không thể có được màu vàng óng như vậy. Càng nhìn, đứa nhỏ càng hao hao giống người nước ngoài. Từ cái mũi lõ, đôi mắt xanh mà càng ngắm chị càng nhận thấy điều ấy từ nó. Chị đặt tên cho bé là Quỳnh, một loài hoa chỉ nở về đêm và tàn cũng chóng vánh.
Chị không có chồng. Chị sống cùng bà ngoại đã ngoài 80. Sau một lần ốm nặng phải nhập viện, chị phát hiện ra mình không còn khả năng làm mẹ. Lúc đầu nghe bác sĩ thông báo chị còn khá bi quan, tưởng như cả tương lai tươi đẹp sụp đổ trước mắt. Nhưng rồi chị nhận ra, có những điều còn đáng sống hơn khi mỗi ngày chị đến nhà thờ cầu nguyện.
Chị giấu ngoại chuyện mình không thể làm mẹ. Nhiều lần ngoại thúc giục chị chuyện chồng con nhưng chị luôn tìm cách thoái thác. Bởi chị hiểu mình hơn bất cứ ai khác. Có người đàn ông nào thời buổi này chấp nhận một người phụ nữ không thể mang đến cho họ những đứa con. Nếu nói không cần thì tất cả chỉ là dối lòng chẳng đáng tin cậy. Chị từng chứng kiến cảnh người vợ hàng đêm nghe chồng chì chiết vì không thể sinh cho họ những đứa con kháu khỉnh, rồi cảnh những người vợ trẻ hàng đêm ngồi đợi chồng trở về trong men rượu lập lòe. Có người chạy đến ngôi thánh đường xin khấn trong nước mắt, chị chứng kiến hết thảy và tự nhủ mình không thể phạm sai lầm như những người phụ nữ ấy. Thà rằng chị sống trong cô độc như vậy chẳng phải sẽ tốt hơn sao.
Khi càng lớn lên, con bé càng có những câu hỏi mà chị phải đau đầu để suy nghĩ. Chị đã nghĩ đến việc phải nói ra sự thật cho con bé nhưng phải đợi khi con bé thực sự trưởng thành. Nào ngờ, con bé luôn đặt ra những câu hỏi làm chị phải bối rối. Phải trả lời thế nào để con bé hiểu và không mặc cảm lại không dễ dàng chút nào. Chị không muốn mình trở thành người nói dối.Chị muốn con bé được hồn nhiên, vui vẻ mà lớn lên nhưng sao khó quá.
Có bữa, chị vừa đón con bé ở trường mẫu giáo về nhà, nó liền hỏi:
– Mẹ, các bạn ở lớp nói con không phải là con của mẹ. Là sao hả mẹ?
Mất mười mấy giây để suy nghĩ rồi chị xoa đầu con bé mà nói:
– Con không là con của mẹ thì là con của ai? Các bạn chắc giỡn con đấy.
– Nhưng các bạn nói tóc mẹ màu đen, tóc con lại màu vàng, không giống nhau gì hết.
– À, tại hồi mang thai con, mẹ luôn cầu mong bé con của mẹ có mái tóc vàng óng như công chúa trong chuyện cổ tích, vàng tươi tựa tia nắng ngoài vườn. Chẳng phải trời nắng thì luôn tươi đẹp đúng không bé con của mẹ?
– Dạ, vâng ạ. – Nói xong con bé ôm chặt lấy chị, cười đùa vui vẻ hơn, không dè dặt nghi ngờ như vài phút trước đó. Chị cũng ôm trầm lấy con, hít hà hương thơm còn vương trên từng sợi tóc. Nắng ngoài kia như cũng nhoẻn môi cười.
Ngoại mất cũng vào buổi chiều nắng mùa hè nóng như chảo lửa.
Ngoại mất nhưng tâm hồn ngoại thanh thản lắm, cứ như người ngủ say rồi không bao giờ tỉnh lại.
Hôm ấy chị đang hái rau ngoài vườn chuẩn bị cho bữa cơm chiều, còn đứa con gái chạy sang chơi ở nhà hàng xóm. Nghe tiếng chó sủa đầu ngõ, kèm theo tiếng ai đó gọi tên chị. Chị phủi vội tay lên vạt áo rồi bước vào nhà. Đứng trước chị là cô gái còn khá trẻ, độ ngoài hai mươi. Nhìn thấy chị, cô gái từ tốn chào hỏi.
– Dạ, chị có đúng là Phượng không ạ?
– Đúng rồi, tôi là Phượng. Mà cô là…?
– Dạ chuyện nói ra thì dài… nhưng em xin ngắn gọn với chị thôi. Thực ra, khó khăn lắm em mới hỏi thăm được chị. Em chính là mẹ của đứa bé mà chị nhặt về nuôi nấng suốt năm năm qua. Ngày ấy, vì trẻ người non dạ nên em…
Không để cô gái ấy nói thêm, chị vội vàng lên tiếng.
– Cô chính là người phụ nữ đó sao? Suốt bao năm nay tôi luôn canh cánh, nhưng không ngờ cô lại xuất hiện vào lúc này.
– Xin chị đừng hiểu lầm. Em quay về lần này không mong được chị cho xin lại đứa bé. Em chỉ mong được gặp lại nó, xem nó lớn khôn thế nào. Chứ em biết, mình không có quyền gì để nhận được ân huệ của chị. Xin chị cho em được gặp đứa bé, chỉ một lúc thôi rồi em sẽ đi ngay. Chị đồng ý nhé?
Khi chị còn đang lưỡng lự thì con bé từ hàng xóm chạy về. Nhìn thấy người lạ xuất hiện, con bé vội nép sau chân chị. Chị ôm lấy con rồi bảo:
– Quỳnh, con khoanh tay chào cô đi con.
– Dạ, con chào cô ạ.
Con bé vừa dứt lời, chị ngỏ ý mời cô gái trẻ vào nhà uống nước. Ngôi nhà cấp bốn thấp lè tè suốt bao năm không có bàn tay người trụ cột nên cũng mọt mối đi nhiều. Con bé nũng nịu đòi mẹ ẵm, chị lau kỹ tay hơn một chút rồi cúi xuống ẵm con. Trong khi cô gái trẻ một tay xách giỏ, một tay nựng khuôn mặt bầu bĩnh của đứa bé. Ở gần cô, chị ngửi thấy mùi nước hoa thơm nức, như mùi của những nhánh hoa ngoài vườn.
Chị rót nước mời cô gái trong khi ánh mắt cô chăm chú ngắm nhìn con bé rồi mỉm cười. Con bé lúc đầu còn lạ lẫm nhưng rồi nó cũng quen nên không còn e dè nữa. Nó bưng nước cho cô gái ấy, lễ phép như chị đã dạy con như vậy.
Cô gái ngồi được một lúc thì xin phép ra về. Hai người phụ nữ ngồi cạnh nhau, cùng nhìn con bé, một người có công nuôi dưỡng, một người có công sinh thành. Khoảng cách của hai người như càng giãn xa hơn bằng tiếng cười hồn nhiên của đứa trẻ. Nhiều khi chị định mở miệng nói nhưng rồi lại không thể cất lời, có gì đó nghèn nghẹn nơi cổ họng, chắc cô gái ngồi đối diện chị cũng chung cảm giác ấy.
Cô gái đứng dậy ra về, không quên mở túi xách lấy ra một phong bì đặt trên bàn rồi bảo:
– Em chẳng biết lấy gì cảm ơn công lao của chị, em không có nhiều, có chút quà gửi chị để chị lo cho bé Quỳnh. Như em đã nói ban đầu, em không mong được chị đồng ý cho em nhận lại đứa bé. Nhưng nếu được, em mong chị thỉnh thoảng cho em có dịp được đến thăm cháu, nha chị?
Chị chần chừ không nói, cầm lấy chiếc phong bì đưa cho cô gái rồi bảo:
– Cô cầm lấy đi. Mẹ con tôi bao năm nay có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, vẫn sống rất hạnh phúc. Con bé sống được đến chừng này cũng hiểu được những điều người lớn nói với nhau. Tôi không ngăn cấm cô đến thăm con bé, nhưng tôi xin cô hãy để con bé sống với những gì nó đang sống, đừng đảo lộn cuộc sống của chúng tôi có được không?
Chị nói, nhưng mắt chị không nhìn thẳng vào cô, bởi chị sợ, sự thương cảm từ đáy lòng chị sẽ trỗi dậy nếu nhìn vào gương mặt đầy đau khổ, mặc cảm ẩn sau lớp phấn son quánh đặc nên chị đành phải nhìn ra hướng khác, để những lời lẽ mà chị cho rằng nó cay độc, ích kỷ được nói ra để người đã từng vứt bỏ máu mủ của mình kia nhận ra được lỗi lầm. Nói thì nói vậy nhưng trong thâm tâm chị động lòng ghê lắm, sao có thể nhẫn tâm chia cắt tình mẫu tử thiêng liêng được. Nhưng chị thương con bé quá. Năm năm nuôi dưỡng, đau ốm, vui buồn chị đã trải qua, giờ nói phải xa con bé một thời gian thôi cũng đủ khiến chị giằng xé lắm rồi.
Cô gái lần lữa, như không muốn rời đi. Nhưng thấy sự quả quyết, dứt khoát từ lời nói của chị nên cô đành lòng ra về. Chiếc phong bì chẳng hiểu sao vẫn nằm gọn trên bàn, có cả số điện thoại và tên cô gái. Chị cầm lấy cất đi, định để đến khi cô gái quay lại rồi chị sẽ đưa tận tay, chứ chị nhất quyết không cần số tiền ấy dù cuộc sống của chị lúc này túng thiếu thật.
Cả mấy tháng trôi qua không thấy cô gái đến thăm con bé. Trong lòng chị lẽ ra phải vui lắm nhưng hoàn toàn ngược lại. Có chút gì đó lo lắng ẩn hiện trong những giấc ngủ chập chờn. Lẽ nào những lời nói của chị hôm ấy khiến cô gái tự ái, hay vì nó quá cay nghiệt khiến cô không dám trở lại mà gặp chị và con bé. Càng nghĩ chị lại càng thấy tâm trạng mình rối bời. Có khi nào chỉ vì lời nói ấy mà chị làm tổn thương cô. Nếu vậy thì rõ ràng chị là người đáng trách thật.
Chị gọi điện cho cô gái mà chị chẳng kịp nhớ tên bằng số điện thoại cô ghi lại trên phong bì dạo nọ. Đầu dây bên kia là một người phụ nữ, chắc cũng trạc tuổi rồi. Qua nói chuyện, chị mới hay người đang nói chuyện với chị là mẹ cô gái. Vì cô gái đi ra ngoài có việc nên để điện thoại ở nhà. Hai người phụ nữ chưa từng gặp mặt, mới nói chuyện với nhau lần đầu nhưng có vẻ thân thiết lắm. Nói chuyện qua lại hồi lâu, người phụ nữ đầu dây bên kia cũng thật thà kể lể. Bà kể về cuộc đời cô con gái trong nước mắt, chỉ vì chút bồng bột của tuổi trẻ mà cô phải bỏ đi đứa con của mình để chạy theo những xa hoa phù phiếm. Để rồi giờ cô phải mang trong mình căn bệnh thế kỷ, cô trở về nhà, chỉ mong gặp đứa con mình đã từng dại dột đem bỏ. Nói đến đây giọng bà như nghẹn lại, đầu dây bên kia là những tiếng khóc không ngừng. Chị cố an ủi bà, hỏi xin địa chỉ nhà. Chị biết lúc này trái tim chị đang mách bảo chị đúng đường.
Chị dẫn con bé ra phần mộ của bà ngoại, nằm trơ trọi ở bãi đất trống mà hơn ba mươi năm trước chị đã từng có thời thơ ấu tươi đẹp. Con bé vẫn ngây ngô, tay cầm bó nhang đang nghi ngút khói, tay kia ngắt vài nhành hoa cúc cài vội lên đầu. Nó thấy chị khóc nhưng chẳng hiểu vì sao, lon ton chạy đến lấy tay lau khô những giọt nước mắt ấy.
Con bé thấy mẹ dắt nó ra khỏi nhà cùng túi quần áo trong tay nên cũng dò hỏi, thắc mắc. Chị ôm chặt con vào lòng, hôn lên mái tóc màu nắng. Chỉ bảo chị sẽ đưa nó đi, đến nơi con bé thực sự thuộc về. Những tia nắng cuối hè như nhuộm vàng theo từng bước chân hai mẹ con trên con đường trải đầy đá sỏi, như ánh lên những tia hy vọng tươi sáng của những phận người nơi miền quê nghèo, xen lẫn trong tiếng cười khúc khích của đứa trẻ từng là khát khao cháy bỏng của chị với ước mơ về một gia đình, nhỏ bé thôi, đơn sơ thôi nhưng ngập tràn hạnh phúc.
Song Ninh
Tiếp Thị Gia Đình