Truyện ngắn hay: Con gà Đại tướng

Rõ là một Đại tướng! Chú gà ấy bộ dạng uy nghiêm, hùng dũng quả rất xứng danh Đại tướng bởi mang hai dòng máu bố chọi và mẹ kiến

Nó thừa hưởng của bố cái vóc dáng cao to, lực lưỡng. Còn mẹ? Đó là bộ cánh sặc sỡ điểm vàng, điểm tía, điểm xanh. Lũ gà mái tơ ngây người, tít mắt đến quên bươi mỗi khi Đại tướng dạo gần…
Khuya mờ đất, Đại tướng đã lục cục trong chuồng. Nó đập cánh bình bịch, dõng dạc cất một tràng dài ò o giật nảy cả xóm làng. Chuỗi ò o như hiệu lệnh báo thức đám “bộ hạ dưới quyền” còn mải ngủ say. Cả chuồng gà lập tức nhộn nhạo, xôn xao. Mẹ con mái Hoa chiêm chiếp, tùng tục. Lũ gà choai chen ra cửa, cãi kình nhau oang oác. Thằng trống non phởn chí cũng ngửa cổ lên trời, tít mắt, cố rặn một tràng cụt lủn: Kéc… ke…
Đại tướng xuống chuồng đầu tiên. Tất nhiên! Nó đường bệ phi lên đống rơm, khom người xem xét “bộ hạ” đang lũ lượt… duyệt binh. Xong, Đại tướng mới quay lưng, ngửa mặt lên trời, lại bình bịch cánh, lại một tràng dài ò o. Giọng nó trầm hùng, sang sảng, âm vang như tiếng chuông đồng!
Đại tướng là nhà vô địch. Từ lúc bắt đầu làm chú trống trưởng thành, Đại tướng đã là nhà vô địch. Thể lực tuyệt vời của gà chọi, cộng với máu hăng, nhanh nhẹn và những miếng đá hiểm của gà kiến khiến Đại tướng không còn đối thủ. Thời Đại tướng sung sức, từng có không biết bao nhiêu tên chọi nòi chính cống, dòng dõi mười mươi phải cắp… cựa chạy dài. Dân chơi gà chuyên nghiệp cứ nài nỉ hỏi mua. Bố lắc đầu bảo để làm giống. Thật tình, còn thêm một lý do khác. Ấy là bé Mi. Bé Mi yêu con Đại tướng từ lúc nó còn là một chú gà con lích rích, ngày ngày chạy theo bé vòi dế cơm, châu chấu, thằn lằn…
Ấy là nói chuyện ngày trước, chứ bây giờ thì Đại tướng đã già. Tuy già nhưng cái oai danh lẫy lừng một thuở vẫn còn. Bằng chứng là lũ trống tơ không con nào dám xâm phạm “lãnh địa”. Cứ nhác trông đôi mắt diều hâu, nhác nghe tiếng gáy quen thuộc “ò o” là lảng xa, nem nép. Mà không riêng lũ gà trống, cả ngan, cả ngỗng, cả chó mèo cũng thế. Chúng “kiềng mặt” Đại tướng đến mức lỡ có “xung đột quyền lợi” vì mẩu xương cá hay vài hạt cơm thì bọn to xác ấy cũng chỉ “khống chế hành vi” ở mức gầm gừ, quàng quạc cãi vã chơi chứ không dám “ẩu” với chiếc mỏ khoằm cong ánh thép và cặp cựa nhọn, dài! Tranh để mà tranh, thực tình, Đại tướng cũng chẳng thiết ăn.
Những của tầm phào ấy, Đại tướng đem làm quà biếu các chị mái tơ. Mổ lên thả xuống, cục cục một tràng, vậy là các nàng mái tơ te tái đổ xô đến, vây quanh. Đại tướng đứng gật gù, âu yếm nhìn đám “phu nhân” hớn hở tranh cơm, tranh thóc, tranh xương. Nói vui, chỉ còn thiếu một bàn tay đưa lên thong thả vuốt “râu”, hẳn Đại tướng sẽ càng giống y một lão đại tướng thứ thiệt với bao chiến tích xông pha trận mạc, và bây giờ đang vui vẻ cùng vợ con sau khi ca khúc khải hoàn vang lên.

truyen-ngan-con-ga-dai-tuong-quan-hinh-anh-1

Ấy vậy mà, Tết này, gà Đại tướng sẽ… vô xoong!
Nó già quá, bố bảo: “Giống không còn tốt. Làm thịt thôi!”. Bé Mi rụng rời. Thịt con Đại tướng ư? Quả tình, bé rất mê thịt gà nhưng tưởng tượng đến cảnh con Đại tướng vô xoong bé lại thấy chẳng ngon lành gì! Bé liếc mẹ, cầu cứu. Mẹ trù trừ: “Nó già, thịt dai nhách, ăn uống gì? Cứ để nuôi làm cảnh. Lỡ rồi…”. Mắt bé Mi sáng lên, đầy hy vọng. “Không sao! Mẹ nó cứ mua măng. Ta sẽ hầm măng, hầm nhừ. Trời ạ, ấy mới thật hết đường!”.
Viễn cảnh Đại tướng vô xoong thành chắc chắn, không sai! Bé Mi hầu như muốn khóc. “Gà nuôi là để ăn thịt, không ai lại nuôi gà làm cảnh”, bố bảo thế với Mi.
Biết vậy, nhưng Mi vẫn cứ buồn thiu. Mi nhớ đến ngày Đại tướng còn là một chú chíp con lông vàng lẽo đẽo theo Mi. Mi nhớ đến Đại–tướng–trống–choai, lộc ngộc cao to mà vẫn khờ đặc, không biết “theo mái, chỉ nhăm nhăm chờ cô chủ bồng, vuốt ve để lim dim mắt, cổ họng bật ra những tiếng rên khoái trá cồ ồ… cồ ồ…
Còn nữa, còn cái lần Mi ôm Đại tướng trốn đi vì sợ khách hỏi mua. Rõ ràng, với Mi, Đại tướng không còn là con gà bình thường, mà là một thành viên gia đình, một đứa em. Thịt Đại tướng ư? Không ổn. Phải ngăn ba mẹ. Phải có cách gì đó ngăn ba mẹ. Cái “cách gì đó” bé Mi nghĩ mãi, nghĩ mãi, hết ngày rồi đến đêm mà vẫn chưa ra. Mai là ba mươi Tết. Bố mẹ sẽ thịt gà vào ba mươi Tết. Cái “cách gì đó” cần phải nghĩ ra, phải thực hiện gấp hôm nay!

– Này, tối qua em quên đóng chuồng gà phải không?
– Đâu? Em chốt kỹ rồi mà!
– Chốt đâu mà chốt? Con Đại tướng sổng rồi.
Quả thật, Đại tướng đã rời chuồng tự lúc nào, đang ngẩng cao đầu, hùng dũng ò o trên chót đống rơm!
“Làm sao đây?”, bố nhăn mặt. Mẹ ca cẩm. Chỉ có bé Mi cười thầm. Rụt đầu trong chăn, bé giả vờ ngủ nhưng thực ra bé không ngủ. Con Đại tướng đã sổng chuồng. Và vì sao con Đại tướng sổng chuồng, thú ghê, chỉ mình bé biết.
Nhưng bé không cười được lâu. Bé lò dò ra sân đã thấy bố vốc thóc, ngồi xổm, miệng cục cục. Con Đại tướng từ đống rơm vù xuống, dáo dác nhìn quanh, e dè tiến lại gần. Ban đầu, nó nghi ngại, dừng bước. Nhưng sau, chắc nghĩ mình là Đại tướng mà rụt rè e xấu hổ với “ba quân” nên nó lại ngẩng cao, đường hoàng dắt cả lũ gà mái, gà choai xúm xít ùa vào. “Oác” một tiếng, bé Mi chỉ kịp thấy bố nằm xoài, con Đại tướng đã bị túm chân, giãy đành đạch. Cả đàn gà bay tán loạn.
Bé Mi điếng người!
Trưa, mẹ đun nước. Bé Mi thấy bố mài dao. Con dao sáng loáng, lạnh lùng. Rồi bố vào chuồng, túm Đại tướng mang ra. Bố lại ngồi xổm, kẹp cánh, kẹp chân. Con Đại tướng lúc lắc đầu, ngơ ngác. Hình như nó vẫn chưa hiểu vì sao ông chủ lại tàn nhẫn với nó. Nó nhìn bé Mi cầu cứu, đôi mắt diều hâu chơm chớp, cổ họng đưa ra những tiếng rên ảo não cồ ồ, cồ ồ…
Mặt bé Mi tái nhợt. Nước mắt lưng tròng.
Bố không để ý. Bố vừa giơ dao, toan cắt tiết, đã nghe tiếng bé òa khóc. Bố hốt hoảng buông dao, nhìn bé. Vừa khóc, bé vừa bệu bạo: “Đừng, đừng giết Đại tướng, bố ơi”. “Không giết nó, thịt đâu mà ăn Tết? Con không thích thịt gà sao?”. “Không! Con không thích thịt gà. Con không thích thịt Đại tướng. Bố… híc, bố… đừng… giết…”.
Mẹ bỏ bếp chạy ra. Mẹ nhìn bố. Bố nhìn mẹ. Mẹ lại nhìn bố rồi mẹ lắc đầu. Cái lắc đầu khiến bố hiểu ý, ngừng tay. Con Đại tướng được mở trói đứng rùng mình, dậm dậm chân, rồi đủng đỉnh đi về phía góc sân. Bình bịch cánh, nó lại gân cổ ò o. Hình như nó cho cái sự cố vừa qua là chuyện vặt, chẳng xứng cho sự quan tâm của một Đại tướng từng xông pha trận mạc, tăm tiếng lẫy lừng.

Tết năm nay, nhà bé Mi không có thịt gà!
Ấy vậy mà chưa năm nào bé cảm thấy cỗ Tết ngon hơn. Không khí Tết cũng vui hơn. Tinh mơ đầu năm, cái giọng kèn đồng của con Đại tướng đã rúc oang oang. Bố cười:
– Cha! Đầu năm to tiếng gớm chưa? Cứ theo lời ngài Đại tướng, năm nay nhà ta tha hồ mà phấn chấn, phát tài.

Y Nguyên
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua