Truyện ngắn hay: Cơm mẹ nấu

Đôi khi, sự chán ngán của người này lại là sự khát khao của người khác. Đến lúc nào đó, ta nhận ra mình đã lỡ không trân quý những điều tuyệt vời quanh mình!

1.

Tôi ghét phải nói đi nói lại một điều vì sợ nhàm chán, nhưng biết sao giờ, câu chuyện của tôi không thể có cái mở đầu khác, lại phải nói, ba mẹ tôi côi cút và nhà tôi nghèo.

Khi bắt đầu hiểu nỗi thống khổ của con nhà nghèo, tôi thường trách trời xanh bất công, thật là chẳng “tế nhị” chút nào khi bắt kẻ nghèo làm hàng xóm người giàu. Nhà tôi tới chín chị em, đứa lớn nách đứa nhỏ nhem nhuốc. Ông Sáu chỉ một mụn con, là con cầu con khẩn nên bé Hồng được “nâng như trứng, hứng như hoa”. Nhà tôi nhỏ xíu, nằm trên thẻo đất méo xẹo, trống trước trống sau. Nhà ông Sáu nguy nga, tường rào tráng lệ. Buổi chiều, Hồng mặc chiếc đầm trắng bồng bềnh với những đường đăng-ten viền kiểu cách chạy đi chơi khắp xóm, bà Sáu lẽo đẽo theo năn nỉ đút cơm đút thịt. Những lúc như thế thì tôi quay ra trách bà Mụ. Bà Mụ cũng thiệt biết chơi khăm. Kẻ ăn không hết, bà nắn cho cái bao tử cỏn con, chưa ăn đã kêu no, còn cái lũ “tìm không ra” như tôi thì bao tử bự như… bao tải, đã vậy còn làm việc cần mẫn nữa chớ. Hậu quả là tôi lúc nào cũng trong tình trạng đói. Vì đói nên thấy miếng thịt bên chén của bé Hồng là rỏ nước dãi, nghĩ đến bữa cơm nhà mình mà tủi, thiếu điều chảy nước mắt.

Không khóc sao được khi thực đơn chính của nhà tôi là “một không, một có” – ngôn ngữ của con Út đấy. “Một không” là chén mắm trong (phần của tôi và Út) còn “một có” là chén mắm có dầm ớt – phần của ba mẹ, anh chị. Ăn cơm mắm nhưng tay lua mắt dòm, phải canh chừng nồi cơm để điều chỉnh tốc độ “lua”, hy vọng kiếm thêm chén nữa chứ anh Năm tôi sức trai, ăn nhanh ăn khỏe, chị em tôi thấy mắm ứ hự thì anh kêu “ăn mắm thắm cơm” (“thắm” là “thấm”, phương ngữ), lơ cơ mình chưa kịp no là nồi cơm đã sạch chứ ở đấy mà õng ẹo. Mẹ tôi bữa nào chẳng nói: “Của không ngon đông con cũng hết”.

“Hôm nay nhà ta được ăn “má với cằm”!”, đi học về, nghe câu đấy là muốn sà ngay vào mâm cơm liền. “Má với cằm” là ba tôi nói ngược “mắm với cà”, đây chắc là món xa xỉ nhất mà tuổi thơ tôi được ăn. Ba tôi trồng mấy cây cà trên cái nền cũ của sân kho. Tới mùa cà cho quả, nhà tôi sáng luộc cà, chiều cà luộc. Ngon là ngon bữa đầu chứ ăn cho hết mùa cà thì cũng ngắc ngứ.

Nhà tôi nghèo như vậy vì có chín miệng ăn, chỉ mấy sào ruộng, đứa nào cũng được ôm vở tới trường. Đã vậy, ba mẹ côi cút, cõng thêm chi phí giỗ chạp hai bên. Nói ra ông bà trách tội chứ đám giỗ nhiều cũng là cái khổ. Không có nội ngoại, chú dì nên chúng tôi đói ăn đói mặc cũng chẳng biết ngó chừng ai.

Mẹ tôi là một đầu bếp “sáng tạo”, thứ gì ăn vào không chết thì mẹ đều có thể chế biến thành món ăn, tới chừng nào bí quá, không còn gì để chế biến thì nhà tôi sẽ hát bài ca “một không, một có”.

Hồi đó tôi nghĩ chắc đứa nhỏ nhà nghèo nào cũng ăn những món như mình, nhưng lớn lên, hỏi thăm mấy đứa bạn, nhà cũng nghèo thì mới biết, mẹ tôi đúng là một đầu bếp “thiên hạ đệ nhất sáng tạo”. Này nhé! Nhà có cây dừa, còn khuya chị em tôi mới có cái thú uống nước “giếng của trời”, rồi lấy muỗng vét sạch cơm dừa non mềm, beo béo, ngọt ngọt. Thực ra chỉ được uống dừa nhà ông Sáu, tại ổng kêu anh Năm tới hái, sợ dừa khô, rụng nát hoa của bà Sáu. Dừa ở nhà phải khô mẹ mới ra chỉ thị hái, chất thành đống, xử từng trái một. Mùa mưa lạnh, có dừa kho khô, chay cháy dưới đít xoong, ăn với cơm thì nhức mình nhức mẩy. Trong danh sách thực đơn sáng tạo của mẹ, chắc là tôi thích món này nhất.

Còn những món như vỏ dưa hấu kho, dưa leo nấu canh bột ngọt, lưỡi long luộc… thì tôi không thích. Hôm nào đi học về, dở nồi ra, gặp mấy món đấy thì ráng ăn lấy sức để chiều lùa bò qua sông chứ không ưa nổi. Cực hình thì đúng hơn. À quên, nhà tôi còn một món ăn truyền thống nữa là chuối chát non kho. Nhà có vườn chuối chát sau hè, tới mùa cho quả, mẹ kho chuối chát liên tục. Mùi chuối chát kho thiệt là không dễ chịu chút nào. Bé Út đi học về, gặp cả nhà ăn cơm, em còn đứng ngoài ngõ đã mếu máo: “Lại chuối chát!”. Út từng bị một trận roi vì tội lấy dao cắt sạch mấy cây chuối non, em bụm đít vừa khóc vừa nói: “Không thích ăn cơm chuối chát!”.

Kể đến đây thì nhớ có lần tới bữa cơm mà nước mắt vắn dài, trách cái số mình hẩm hiu, bị trời “đày”. Mẹ nghe bầy con than, không nói một lời, mẹ tôi mau miệng và nghiêm lắm, lơ mơ là ăn roi liền nhưng hôm đó lại im lặng bỏ đi – lúc ấy tôi cũng thấy lạ. Sau này làm mẹ, lúc “bắt” con phải đối mặt với khó khăn cơm áo thì tôi mới hiểu sự im lặng ngày đó của mẹ.

truyen-ngan-com-me-nau-hinh-anh-01

2.

Tôi gặp lại Hồng trong lần tham gia Trại sáng tác ở Nha Trang. Hồng không nhận ra, khi tôi áo quần xênh xang lại mua ký vải. Còn tôi, dù cô chủ sạp trái cây ở chợ Đầm có khẩu trang kín mặt thì vẫn nhận ra cái nốt ruồi tròn vo giữa trán và bàn tay đưa túi trái cây về phía tôi chỉ có bốn ngón.

“Hồng! Em vô trong này từ khi nào?”, tôi hỏi rất bản năng khi gặp người đồng hương nơi đất khách chứ chẳng có ý xoi mói, tọc mạch gì. Hồng thì kéo khẩu trang xuống, cười nhạt. Tính tôi hay hóng chuyện từ nhỏ nên gặp em trong tình cảnh này thì tôi càng không đành lòng làm ngơ. Tôi hiểu là mình vô tình chạm phải nỗi đau nào đó nên giả lả: “Gặp lại em ở đây chị vui quá. Chị học xong, ra trường đi làm, lang bạt xứ người nên giờ ôm con về quê mẹ mà y như sống trên đất khách. Bạn bè cùng thời cũng chẳng còn mấy đứa ở đất quê, tưởng em đã theo gia đình… (tôi tính nói “xuất ngoại” thì ngừng lại). Gặp lại em ở đây chị vui quá. Tối nay cà-phê Bốn Mùa với chị đi. Gặp em ở đấy lúc 8 giờ nha!”. Tôi không đợi em gật đầu mà vội cầm túi trái cây quày quả đi, không để em có cơ hội chối từ.

Đêm, gió biển rì rào. Lạnh. Khẽ kéo cao cổ áo lên, tôi sửa lại chiếc khăn quấn cổ đứng trước cửa quán đợi Hồng. Hồng đến, dắt theo cậu bé, vui vẻ nói:
– Cà-phê nhanh em về cho cháu ngủ nha chị! Muốn ngồi lâu với chị nhưng khổ nỗi cháu nhà em ngủ sớm!

Tôi là bà mẹ đơn thân, nhìn cảnh này, tôi lờ mờ đoán được chuyện rồi. Và Hồng kể chuyện. Năm Hồng học lớp 11, khi đó tôi đã là sinh viên năm 2 thì “gia biến và lưu lạc”, nhà bị tòa án niêm phong, ba bị tù chung thân vì tội lừa đảo. Mẹ con Hồng trôi vô Cam Ranh, bà bị tai biến khi cầm cuốc đứng ngoài ruộng khoai mì giữa trưa.

– Nói phải tội, mẹ con em về Cam Ranh, bữa no bữa đói. Mẹ em không giỏi chế biến các món ăn như mẹ chị nên em cứ cơm mắm ròng rã. Lúc ấy, em ước chi mẹ em cũng “giỏi giang” như mẹ chị. Trời ơi! Lượm được một mớ dưa hấu non người ta bỏ giữa đồng, đem về bảo mẹ kho, mẹ không biết làm, em khóc hu hu. Chị thiệt là sướng.

– Em đi cà-phê với chị vầy, chồng em có la? – Tôi thăm dò.

– Chồng chéo gì chị! Không bằng cấp, em về Nha Trang phụ bán cà-phê, rồi lạc vô phường buôn phấn bán hương, kết quả, không chồng nhưng vẫn có con. Mà thôi, đừng nói chuyện em nữa. Buồn lắm! À, ba mẹ chị bây giờ sao rồi? Ngày em đi hai bác vẫn làm lở núi lở non!

– Ba chị vẫn khỏe, hiện đang sống với vợ chồng anh Năm ngoài quê.

– Còn bác gái? Trời ơi, nhắc tới bác gái làm em nhớ kỷ niệm hồi nhỏ. Cứ qua nhà chị gặp bữa cơm là về khóc, nhảy đứng nhảy ngồi đòi ăn cơm có đủ màu như nhà chị! Mẹ em bảo đó là cơm của người nghèo, em khóc đòi làm con nhà nghèo nữa chớ! Con nít vui thiệt! Có một chuyện mà em chưa bao giờ dám kể nè. Đó là có một lần, lén qua xin mẹ chị để được ăn cơm với chuối chát kho. Trời ơi! Nó ngon hơn bất kỳ một món sơn hào hải vị nào mà em từng được ăn đấy!

Ngồi nghe em say sưa biểu cảm, tôi có cảm giác của một tội đồ, tự dưng nghe đâu đây có mùi chuối chát kho, muốn ăn quá chừng. Không thể ăn lại lần nữa rồi, lúc lâm chung, mẹ dặn: “Mẹ chết chị em bây đừng cúng thịt cá chi cho tốn kém”.

Nguyễn Thị Bích Nhàn
Mục Truyện ngắn
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua