Lớp nằm tuốt trên lầu 2. Cửa nhìn ra con đường nối cổng trường với khu tập thể dành cho bọn học sinh xa nhà trọ học. Con đường mới mở, rộng thênh thang và đẹp lạ lùng. Có khối đứa tranh nhau đặt tên cho con đường này. Tụi có đôi có cặp thì hí hửng cùng “Con đường tình yêu”. Đứa sớm tối lủi thủi một mình thì cam chịu với “Xa lộ buồn (bực)”. Riêng nhà thơ lại đinh ninh là “Đại lộ ngẩn ngơ”. Hắn lý giải cho cái tên này hết sức hợp lý: “Làm sao tui không ngẩn ngơ cho được khi mà mỗi ngày hai lượt nhìn áo trắng mấy bà bay ngợp con đường này chứ”. Hèn chi, từ ngày có con đường này hắn đến lớp sớm hơn. Đơn giản thế thôi sao? Ai biết trong đám nữ sinh “gói mây trong áo” dưới kia không có một nhỏ nào mà hắn thầm thương trộm nhớ kia chứ?
Ấy vậy mà, mặt tiền của lớp không thu hút bàn dân thiên hạ như là mặt hậu, nhất là vào giờ cao điểm. Mặt hậu của lớp hướng về một địa chỉ quan trọng, không thể không có được: WC công cộng duy nhất của trường. Vào giờ cao điểm, người đi lại lố nhố. Từ trên cao nhìn xuống, “mấy con quỷ của làng Văn 26” – tụi nó tự phong cho nhau – tha hồ bàn tán, chọc ghẹo hết đứa này tới đứa khác rồi túm tụm cười hô hố vang cả góc trời. Nhà thơ cũng thường ra đứng ở mặt hậu, song chẳng mấy khi hắn tham gia vào trò đùa hơi mất lịch sự của tụi bạn. Đơn giản vì lớp của cô nhỏ mà hắn định “tòm tem” nằm ngay tầng dưới. Hắn muốn đôi mắt của nhỏ khi ngước lên, dù là vô tình, cũng chỉ dành riêng cho mình hắn.
Vì vậy hắn luôn làm mặt quạu với đám bạn để tụi nó ghét hắn mà tránh xa, để đôi mắt mí lót kia chỉ dành cho cái mặt làm bộ nai tơ của hắn. Vậy mà tụi bạn hắn có ghét hắn đâu. Hắn càng “hình sự”, tụi nó càng xúm lại, cười hô hố bởi vì cái mặt baby lún phún ria của hắn hình sự lên nhìn buồn cười không thể tả. Hắn đâm quạu: “Có ai bán cái dịu dàng. Tui mua một thúng tặng nàng làm duyên”. Tụi tự phong cho mình chức quỷ thì đâu có vừa, chúng đồng thanh: “Có cần hào phóng đến vậy không, ông để xài đi, có hai “viên” mà cho với nhận nỗi gì”, rồi phá lên cười. Công nhận tụi này vô duyên thiệt, cả “cái đó” mà cũng lôi ra nói tỉnh bơ. Nhà thơ quê độ quay đi, lòng hùi hụi tiếc lại một buổi ra chơi không nhìn được mặt nàng.
••
Gần một tuần nghe ngóng, nhà thơ mới nắm được hầu như toàn bộ mọi thông tin về đối tượng lọt vào mắt xanh của hắn. Nàng tên Diên Anh, quê Châu Thành, cùng tuổi với nhà thơ, được ông thầy chủ nhiệm trẻ măng của nàng “chăm sóc” rất kỹ. Và “đau lòng con quốc quốc” hơn là thằng Thư, đứa bạn cùng chia bàn xẻ ghế với nhà thơ gần hai năm nay cũng hướng đến nàng từ khi hai đứa còn là học sinh cấp II dưới xã. Hú vía nhà thơ, cái bí mật tận đáy lòng này, chưa bao giờ hắn bật mí cùng Thư. Hắn lo lắm, chẳng biết là tình bạn giữa hắn và thằng Thư rồi sẽ đi về đâu.
Nhà thơ nghía mình trong gương thật lâu. “Mình cũng đâu thua ai ta, cũng có mắt có miệng có mũi như ai mà”. Mấy bữa nay, nhà thơ còn bắt chước thằng Thái tập tạ tay nữa. “Ê, bộ mày đang để ý nhỏ nào phải không, tập cho đẹp hơn trong mắt nàng chứ gì?”. Thằng Thái nhìn nhà thơ, dò xét. Nhà thơ chối đây đẩy mà lòng nghĩ khác. “Thằng này tâm lý thiệt, người lăn lộn nhiều trên tình trường có khác”. Biết là không thể giấu, nhà thơ huỵch tẹc luôn với thằng Thái. Đại khái là hắn bị rung rinh bởi một con nhỏ, định tiến tới mà không biết bắt đầu từ đâu. “Một chầu cà phê Bảy Tâm đi”, thằng Thái ra điều kiện. “Nhầm nhò gì, một đôi tạ tay mới, tao mày cùng tập”. “OK”. Thế là hai đứa chụm đầu vào nhau. Thằng Thái bày cho nhà thơ cách tiếp cận đối tương sao cho phù hợp.
Nhà thơ luôn băn khoăn khi biết nàng và thằng Thư có mối quan hệ trên mức tình bạn. Hắn đến lớp mà hồn cứ để đâu đâu, không còn ngó ngàng gì đến bài vở. Trong lòng nhà thơ đang diễn ra sự đấu tranh gay gắt, hay đúng hơn là sự so tính thiệt hơn trong tình cảm. Nhà thơ sợ khi tiếp cận nàng, chẳng biết nàng có đáp lại không. Nhưng chắc chắn là điều này có ảnh hưởng không tốt đến tình bạn giữa hắn và Thư. Không chịu nỗi sự giằng xé, hắn thăm dò thằng bạn: “Ê, nếu biết mày và thằng bạn thân cùng để ý một nhỏ, mày sẽ làm gì?”. Thằng bạn ngừng tay viết, nhìn nhà thơ: “Gì nữa vậy, bộ mày có tâm sự hả?”. Hắn chống chế: “À không, tao đang làm một chuyện”. Thằng bạn thân cằn nhằn gì đó, bảo hắn hãy nghe thầy giảng đi đã. Nhưng rồi nhìn bộ mặt thất vọng của nhà thơ, thằng bạn không chịu nổi: “Là tao hả, tao sẽ rút êm. Nhớ viết như vậy nghen!”
••
Nhà thơ thả mình cái phịch vào ghế, gọi một ly cà-phê đen không đường, mắt đăm đắm buồn. “Làm gì nhìn chán đời ghê vậy? Tự phục vụ như mọi bữa đi”. Anh chủ quán, một người bà con dưới quê, cũng là thầy giáo trong trường của nhà thơ, hất hàm về phía hắn. Nhà thơ không thèm đoái hoài gì đến câu nói của ông anh, mắt dán vào màn hình, tập trung cao độ thính giác để không bỏ sót lời yêu thương ủy mị nào phát ra từ chiếc ti-vi nơi góc quán.
– Bị nhỏ nào đá rồi đúng không? – Ông anh hỏi
– Làm gì có, em anh mà. – Nhà thơ chống chế trong khi tay đang cố gắng bật lại bài hát đúng tâm trạng một lần nữa.
Ông anh giành lấy cái điều khiển:
– Tắt dùm cái, điếc tai tao quá rồi. Dì Út gởi mày cho tao, ráng mà học. Năm nay thi tốt nghiệp nha.
Câu nói của ông anh chạm vào phần nhạy cảm nhất trong lòng nhà thơ. Hắn biết mùa thi đang đến gần. Và cũng biết là lúc này mẹ hắn cũng đang ở đâu đó trên đồng, mồ hôi đầm đìa lưng áo mà lòng không thôi nghĩ về hắn và không thôi hy vọng.
Giọng ông anh vẫn đều đều:
– Mày cũng lớn rồi, thương thầm nhớ trộm một ai đó cũng bình thường thôi. Quan trọng là phải biết mình là ai, đang ở đâu, việc gì cần làm trước mắt. Có gì cứ nói ra đi cho nhẹ nhõm. Dù gì tao đã đi qua cái tuổi của mày rồi cu à!
Nhà thơ ngầm phục ông anh sao mà tâm lý quá. Nỗi buồn trong hắn đã chín, như trái trứng cá đỏ ối trên cành, chỉ cần ai đó chạm vào là rụng ngay. Hắn thôi ngần ngại, dốc hết nỗi lòng với ông anh:
– Không biết có phải là tình yêu hay không, chỉ biết là em rất nhớ nó, gặp nó em thấy vui vui, không gặp thì thấy sao sao đó. Ngặt nỗi là thằng bạn thân của em cũng đang để ý nó.
Ông anh cười xòa:
– Chỉ có thế thôi à? Vậy mà trầm trọng quá. Ừ, mà tuổi trẻ thường là vậy. Cũng là tình yêu, chính xác là tình yêu tuổi học trò, đầy ngu ngơ, vụng dại. Rồi tất cả sẽ qua. Ngày mai, ngày kia, nhìn lại, mày sẽ thấy nỗi buồn này thật vô lý và mình mới ngốc nghếch làm sao. Khi nào rảnh, anh mày kể chuyện xưa cho mà nghe. Còn bây giờ học bài đi đã.
Ông anh đi vào với xấp bài kiểm tra chấm dở trên tay, bỏ nhà thơ ngồi một mình gặm nhấm những điều ông anh vừa nói. Hắn băn khoăn có lẽ nào như thế.
••
Giờ thì nhà thơ đã là sinh viên năm nhất của một trường đại học. Cậu bạn thân tên Thư và cô bé một thời là đối tượng của hắn cũng thế. Ai cũng có công việc, bạn bè riêng, thỉnh thoảng họ mới gặp nhau giữa thành phố xa lạ này. Vừa học vừa làm thêm, nhà thơ bận túi bụi. Chuyện ngày xưa như một dấu chấm mờ nhạt trong lòng hắn. Nhiều khi nghĩ lại hắn thấy mình mới trẻ con và ngốc nghếch làm sao. May mà hắn không làm gì quá đáng, để mỗi khi tình cờ gặp lại vẫn đường hoàng nhìn thẳng mặt nhau.
Bận rộn là thế. Mệt mỏi là thế. Vậy mà trái tim nhà thơ vẫn rộn ràng những nhịp đập yêu thương. Khi thì tà áo trắng dễ thương một chiều qua phố, khi thì mái tóc dài lạc lõng nơi góc trái giảng đường, lúc lại giọng Huế nhẹ nhàng, nồng ấm… và còn bao điều khác nữa. Chúng thay phiên nhau cày xới tâm hồn nhà thơ mỗi khi đêm về.
Tôi biết đó là một lẽ tự nhiên. Tôi cũng biết tất cả những điều ấy cũng chưa đủ để hứa hẹn một tình yêu chắc chắn. Tiếc là tôi không thể nói với nhà thơ những điều mình nghĩ. Bởi vì tôi chỉ là một chiếc nhẫn bạc được nhà thơ đeo vào tay ngày hắn tròn mười sáu! Nhưng tôi tin rằng hắn đủ bản lĩnh để nhận ra.
Lê Minh Tú
Tiếp Thị Gia Đình