Hàng cau lão đứng yên, thân dài như những sợi dây khổng lồ giữa không trung, tàu rủ xuống không khác gì tội đồ đứng chờ phán quyết. Không có mắt kính, bà không cách gì dòm được trên tàu lá xác xơ kia liệu có hoa trái gì không? Qua nay nghe có tiếng chìa vôi lích rích sốt cả ruột, bà không sao vứt ra khỏi đầu ý muốn nhìn xem nó là chim trống hay chim mái, hay một con chim non xao xác tìm mẹ? Kêu thằng Ri ghé chợ mua cái mắt kính, mà sáng giờ không thấy nó đâu. Tự nhiên dạo gần đây ý nghĩ cứ bồng bềnh trong đầu, rồi neo bà vào hình ảnh một mớ vải lùi nhùi bên chân cầu biết khóc loe ngoe, cũng cơ hồ như tiếng chìa vôi lít chít trên đám cau trước nhà kia vậy.
Bà nhớ lúc đó, ai nấy cứ đứng dòm ngó chỉ trỏ bàn tán, ba bà vạch đám người lố nhố ôm thằng bé lên, đi thẳng về nhà: “Có ông đây con!”. Nó cứ ri rỉ khóc. Ông gọi luôn nó là thằng Ri. 28 năm hơn rồi. Ba bà cũng đi xa lâu lắm rồi, từ hồi thằng Ri mới đứng ngang cái đầu võng ngoại hay nằm. Thi thoảng thấy bà cứ bần thần ngồi trong nhà ngó ra chân cầu những khi trời mưa dầm như đứa con gái dỗi, thằng Ri thấp thỏm:
– Má kiếm gì dạ má?
– Má dòm mưa!
Bà tẩn mẩn bóc tách lớp vỏ lụa màu nâu nâu bám chặt vô mấy hạt điều căng mẩy. Lúc trong xóm râm ran về cái nhà máy hạt điều sẽ xây bên kia đường nhà bà, ai cũng hồ hởi vì nghĩ rồi xóm mình cũng giống như trong phim nè, đi làm công nhân nè, mặc đồng phục nè, chiều tan ca nè… Cái hạt điều cong cong như dấu hỏi, chỉ cần ngồi tách vỏ ra. Nhìn tưởng dễ nhưng nhiều khi tướt cả da, đầu ngón tay ê buốt mà lớp vỏ vẫn lì lượm nắm níu không rời hạt ra được. Rồi giờ giấc chấm công, rồi tính sản phẩm, sự hồ hởi của cả xóm cũng vơi đi ít nhiều. Cái bảng “Cần tuyển công nhân lương cao” mốc thếch, treo quanh năm tòng teng ở cây cột điện loang lổ cạnh bảng “Cho thuê phòng trọ” không thấy gỡ.
Mấy tháng nay chứng thoái hóa đầu gối làm khó bà. Trở trời cái chân trái tê rần, mới ướm xuống đất thôi mà nghe như có ai bẻ ngang. Buốt tới óc! Bác sĩ liếc qua, giọng nhẹ như kêu tô hủ tiếu buổi sớm mai:
– Bệnh già, không chữa được. Từ từ nặng. Nặng quá ngồi luôn. Bà ít đi, ít làm nặng thì được lâu!
Quen tay quen chân làm việc, giờ ngồi một chỗ bà không đành. Nhất là nhà có hai mẹ con. Nhiều lúc ngồi một mình, không làm gì bà dường như nghe được thời gian chảy tí tách, nghe đông cứng trong tứ bề mênh mang của ngôi nhà dù là thân thuộc. Thằng Ri lủi thủi một mình ngoài vườn, lắt nhắt kéo rê cái chân đau đem cho nó ca nước là nó cũng cằn nhằn. Bà vừa giận, vừa tủi, nước mắt mấp mé chực trào ra! Nó vác bao hạt điều về bỏ ạch trên bộ ván:
– Má có việc làm rồi nè! Thiếu nhân công, người ta cho lãnh về nhà.
Dãy phòng trọ mọc lên theo công ty làm chộn rộn xóm nhỏ. Bà cũng giống mọi người, lắm khi len lén nhìn những đứa con trai con gái lạ hoắc, áo quần ôm sát cũn cỡn ngồi dính chặt như sam trên chiếc xe máy gầm gừ ào qua trước mặt rồi mất hút sau những cánh cửa như hòn đất quăng xuống sông. Im ắng. Lâu lâu ngồi tẩn mẩn với đống hạt điều dở dang, bà hết hồn khi nghe tiếng chửi, tiếng thút thít, cả tiếng đập đồ loảng xoảng.
Mấy tháng nay còn có tiếng con nít góp vào. Xóm nhỏ giờ nháo nhác, tìm được giấc ngủ trong âm thanh “tạch tạch” của thằn lằn tặc lưỡi coi bộ không ra. Mấy quán cà-phê thi nhau giăng dù xanh đỏ che kín hai bên chân cầu, bà phảng phất nghĩ: có ai muốn tìm, liệu còn nhận ra cái chân cầu vắng người tròm trèm 30 năm trước? Thằng Ri dạo này cứ lần khần mỗi chạng vạng, bước chân thậm thịch, chân này cuốn chân kia. Bà cũng mong nó vừa bụng đứa nào cho có đôi có bạn. Nhà quạnh người. Nhiều lúc thèm cái tiếng đến cuống quýt. Tiếng bấc tiếng chì, hay tiếng khóc o oe như của thằng bé Cún con trai con Nhàn làm công nhân bên nhà trọ đối diện cũng được, còn hơn là cả ngày chỉ nghe tiếng khẩy khẩy vỏ hạt điều và tiếng vỗ vào đầu gối lộp bộp của chính bà.
Nhắc đến con nhỏ bà nghe một cái gì đó vương vướng trong lòng. Gần năm trời trọ ở đây không thấy nó đi đâu qua lại với ai nhiều, hai mẹ con như hai cái bóng ôm ấp nhau. Thằng bé mới tập tễnh đi lừng khừng như chú rô-bốt xinh xắn, khóc đó cười đó, giờ tũn tĩn cái ba lô hình chiếc xe hơi cười khoe một chiếc răng và đi học mẫu giáo. Thấy mà cưng! Con nít lạ kỳ, như nước mát thấm vào đất để nuôi cây, nuôi người, làm mềm lòng tất cả kể sắt đá. Thi thoảng thằng Ri không thu kịp ánh nhìn nóng hôi hổi từ bên kia nhà trọ về. Bà chợt bâng khuâng…
– Má!
– Hử? Đốt má khoanh nhang, đợt rày muỗi nhiều dữ thần!
– Má! Hồi đó sao má không chịu lấy chồng?
Thằng Ri thòng một chân xuống cái võng dù màu xanh rêu bà mới mua tháng trước. Lưng oằn xuống gần chạm đất nhìn xa xa như con tôm kho tàu co ro trên dĩa. Không biết bao nhiêu lần bà nghe câu hỏi đó. Và lần nào bà cũng ước phải chi người ta đừng hỏi, bà cám ơn biết mấy. Bà thường chọn sự im lặng hoặc cười cho qua chuyện. Thằng Ri có bao giờ hỏi. Sao hôm nay nó hỏi nhỉ? Tự nhiên bà nghe tay chân mỏi nhừ, người cứng đờ khi nhớ về lời nói năm nào.
– Tui cũng vừa ý con Út nhà anh lắm anh Năm. Ngặt nỗi…
– Có gì không anh? Con nhỏ có tiếng tai gì sao anh?
– Dạ, không anh. Thằng nhỏ… về rồi, con này con kia rối rắm. Đằng nào thằng nhỏ cũng là con nhặt người ta bỏ. Hay anh cho nó cho người ta. Để con Út toàn tâm toàn ý mần vợ mần dâu nhà tui.
Bà nhớ thinh không đang ngủ trong buồng, thằng Ri khóc ré lên. Bàn tay nhỏ xíu quơ quơ. “Má đây, má đây!”. Chiếc quạt mo cau phất lên phất xuống nhẹ nhẹ, hơi thở nó ấm và vướng vít mùi sữa thơm thơm.Bà không hiểu sao bà mê cái mùi con nít đến mụ mị như vậy. Có lần cô cháu họ lấy chồng xa về thăm, biếu bà chai dầu thơm nho nhỏ. Mùi hoa cỏ phảng phất dễ thương không tả được. Bà cứ bồi hồi nghĩ mà không dám nói, có chai dầu thơm nào người ta làm mùi con nít không nhỉ? Lâu lắm rồi bà thèm ngửi mùi con trẻ. Bà bất giác đưa tay sờ lên má mình, khô ráp, nhăn nheo! Không soi gương bà vẫn biết được những vết đồi mồi loang như vết dầu từ cổ đến cằm như thế nào! Nhanh quá! Thời gian mà, đâu phải nước trong chai hay mắm muối để dành trong lọ, cần là mang ra dùng đâu! Bà đã chọn nó.
– Hỏi chi vậy con?
– Không, má!
– Ờ, lo kiếm con vợ. 28–29 tuổi rồi. Hỏi chi chuyện má?
– Tại sao không được em?
– Em có con. Anh chưa có vợ… Em không xứng với anh!
– Thì làm sao? Anh là cái thằng bị người ta bỏ ngoài chân cầu kia kìa. Quý giá gì anh hả? Xứng với không gì hả em?
– Nhưng…
– Không nhưng gì hết. Anh sẽ nói với má!
– Anh ơi, em bỏ xứ tới đây là vì ba thằng Cún ép em. Anh ta dọa sẽ giết em nếu em có người khác.
– Nhưng em và anh ta đã ly dị. Chính quyền sẽ bảo vệ em. Anh sẽ bảo vệ em!
Cánh tay đen bóng rắn chắc của người con trai phủ lên vóc dáng nhỏ nhắn, lên đôi vai run run trong tiếng khóc cố nén lại của cô gái. Cô như con chim sẻ con lạc ổ, co ro, ngờ vực. Anh nhớ rõ ràng khoảnh khắc lần đầu trông thấy cô. Cô đứng sớ rớ trước cửa phòng trọ, lọt thỏm trong bộ đồ rộng thùng thình nhăn nhúm như một củ khoai lang bị nhổ khỏi đất, cả gốc, dây và rễ. Trơ trọi. Ánh mắt xa và dài tận đẩu tận đâu. Cả một đời này anh rong ruổi trong chiều dài của ánh mắt ấy, anh biết như vậy. Và anh chọn.
Buổi chiều chờn vờn trên giàn mướp trước sân nhà. Những đốm sáng cuối ngày yếu ớt thập thò nghịch ngợm núp trong mớ lá xanh rì. Đám bông mướp lúc sáng vàng óng, ánh lên lấp lánh giờ gục đầu như những người lính sau phiên gác muốn nghỉ ngơi. Thằng Ri sợ chân bà yếu trợt ngã, đã lấy gạch lót nhô lên lồi lõm để bà có điểm tựa lúc ngắt đọt, hái trái, bắt sâu hay với tay kéo một dây cứng đầu cứ nhoi nhoi chực muốn trốn ra khỏi giàn. Tiếng xe máy ở đâu gầm rú như máy khoan kề sát tai bà. Bà giật thót, không kịp bấu vào nhánh tre khô xương xẩu chìa ra trên giàn chắc té rồi. Mắt mũi lòa nhòa, bà dường như thấy dáng ai như con Nhàn và thằng bé Cún. Mà chắc không phải! Cả năm nay có thấy ai chở hai mẹ con nó bằng honda bao giờ. Mắt mũi già, thiệt bực bội con người! Bà lẩm bẩm lò dò né chỗ đất sình đặt chân lên những miếng gạch lem luốc nghiêng nghiêng vào nhà, ánh sáng héo hắt cuối ngày cũng chực quầy quả bỏ đi rồi.
Bà với tay bật đèn. Bóng đèn tròn như trứng vịt hắt ra thứ ánh sáng vàng đục. Mở lên một hồi là mấy con thiêu thân xúm xít tranh giành, rồi té ngửa phơi bụng lít nhít trên nền gạch.
– Sao mấy con đó cứ bu quanh đèn hoài má?
– Chắc nó thích.
Bà mỉm cười một mình nhớ những lời năm nảo năm nào của nó, ngày nó cao chưa qua bụng bà. Ừ, bao nhiêu năm nó chưa bao giờ rời bà. Bà nghe đâu đó trong lòng có cái gì lướt qua êm dịu. Bà đung đưa cái võng, mắt lim dim.
– Bà Út ơi!
– Gì bây? Gì mà hoảng vậy con?
– Đi nhanh, đi nhanh…
Bà không biết người ta lôi bà đi bằng cách nào, bà không biết bà nhấc chiếc chân trái sưng và tê rần đi như thế nào. Dưới chân cầu, đứa con trai bà, thằng Ri, nằm im một đống, người ngượm dính đầy bụi đất, sình lầy và máu. Đứa con gái ôm chặt nó. Thằng bé con níu áo mẹ khóc thét. Bà đau chân quá, đứng không vững nữa.
– Cún, lại đây với bà. Con Nhàn, buông thằng Ri ra, cho người ta mang nó đi nhà thương!
Bà nghe dường như gió phất từ dưới sông lên lạnh buốt, lời nói của bà cũng lạnh buốt. Bà lê đến bên nó và nói: “Có má đây con!”.
Tiếng còi xe cấp cứu hối thúc riết róng. Bóng đèn giữa mui xe xoay tròn lúc trắng lúc vàng lúc đỏ. Nhấp nháy khẩn trương! Bà nhớ đến cái bóng đèn nhà bà, chỉ có một màu vàng vọt.
– Nó thích đèn, bu vô chết luôn hử má?
– Ừ, đèn nóng, nó không biết.
– Vậy làm sao cho nó biết má?
– Con nghĩ mình làm sao?
– Mình tắt đèn thì nó khỏi bu vô!
– Ừ, cũng được. Nhưng con nghĩ nó còn thích nữa không? Nó có buồn không con? Má nghĩ nó vẫn thích ánh sáng. Hãy mở đèn lên cho nó đi con… Nó chọn như vậy!
Triệu Vẽ
Tiếp Thị Gia Đình