Truyện ngắn: Hai mẹ con

Chị vốn là giáo viên dạy văn, tình duyên gãy đổ, phải dắt díu con vào Sài Gòn sinh sống. Dù khó khăn, vất vả trăm bề, chị vẫn mang lòng yêu thơ... Truyện ngắn Kim Quyên

Quầy sách gần chùa Vĩnh Nghiêm của chị là nơi tôi thường ghé để mua sách hay tán gẫu chuyện thơ văn. Chị là một nhà thơ sống bằng nghề bán sách, đứa con trai chuyên in ấn các loại băng đĩa thuyết giảng về Phật pháp của các thượng tọa. Lần nào ghé, chị cũng đưa cho tôi vài đĩa về nghe để thấm nhuần Phật pháp.
Chị là đệ tử Phật giáo ngoan đạo nên thơ văn luôn nhuốm màu thiền, còn tôi thuộc loại “a-ma-tơ” nên chuyện tu hành rất lơ mơ. Dù đang bận bán hàng cho khách, chị cũng tranh thủ đọc bài thơ mới làm, tôi lơ đãng nghe vì thơ chị đa phần là thơ về đạo nên không hợp “gu” tôi lắm. Đọc xong, chị hớn hở hỏi tôi bài thơ thế nào, tôi trả lời chung chung:
– Cũng hay đó.
– Hay chỗ nào?
Tôi ngắc ngứ:
– Thì nghe hay hay vậy thôi chớ không biết chỗ nào, để hôm nào em đọc lại kỹ mới phân tích được.
Chị biết là tôi rất bận việc, có khi nào ngồi tẩn mẩn đọc lại thơ của chị (vì tôi viết văn) nhưng chị cũng vui vẻ dặn:
– Bài này chị ưng ý nhất đó, mai mốt em đọc lại nghe.
– Đọc thơ phải đọc đêm khuya, tĩnh mịch chớ đọc thơ gì mà vừa bán hàng vừa đọc làm sao ngấm được?
– Đúng rồi, tại mới làm được bài thơ phấn khởi quá nên khoe với em vậy thôi.
Thằng Khoa xách mấy kiện sách bước vào chỗ chị, thấy tôi nó vui vẻ:
– Chào cô, lâu quá không thấy cô ghé chơi, mẹ con nhắc hoài. Mẹ ái mộ cô lắm đó.
– Cám ơn con, lúc này in ấn kinh, đĩa được nhiều không?
– Dạ được cô, nhờ ơn trên độ nên mọi việc tạm ổn.
Khoa tính tiền nong với mẹ rồi chào tôi, ra xe phóng đi.
Nó đi giao đĩa cho các chùa đó, lúc này nó biết lo làm ăn rồi, chị cũng mừng.
Chị nhìn theo con rồi nói với tôi. Tôi nhìn gương mặt khắc khổ và thân hình nhỏ bé của chị mà cám cảnh. Hai mẹ con từ miền Bắc vào, bơ vơ giữa chốn phồn hoa nhộn nhịp không biết nương tựa vào đâu. Chị vốn là giáo viên cấp ba môn văn nhưng vì tình duyên gãy đổ, bèn dắt con vào Nam sinh sống. Nỗi cô đơn và bao khó nhọc trong việc mưu sinh càng khiến cho dáng hình chị thêm khắc khổ. Trong nỗi khổ đó, may mắn là chị rất say mê thơ và nhờ niềm vui nho nhỏ đó mà vin vào để sống, để làm điểm tựa cho đứa con ngoan ngoãn, hiếu thảo, giúp chị bước qua bao nỗi gian truân. Hai mẹ con chị cư xử với nhau như đôi bạn, nhiều lúc thấy cảnh đầm ấm của hai mẹ con tôi cũng vui lây.
Sở dĩ tôi thương chị vì cảnh đời khá giống nhau, tôi cũng ly dị chồng, dắt hai con bỏ quê lên thành, nhưng quê tôi ở gần và nuôi con với đồng lương nhà giáo ba cọc ba đồng nên phải đi làm gia sư thêm. Vất vả trăm bề, vừa làm cha vừa làm mẹ, mọi việc trên dưới, trong ngoài đều phải qua tay mình. Ngày đi dạy, đêm về vắt óc trước trang giấy trắng, viết những bài tạp văn cho báo hoặc truyện ngắn để kiếm thêm thu nhập. Ba mẹ con sống lây lất qua ngày, rồi các con cũng lên được đại học và tìm được việc làm.
Còn chị, ngày ngày đứng bên quầy sách, bán từng quyển sách về đạo, những vòng chuỗi Phật, viên đá thạch anh với giá rẻ bèo. Lúc nào vắng khách thì làm thơ, chờ bạn đến lại mang ra đọc say sưa. Niềm say mê thơ của chị khiến tôi phát thèm.
Có hôm tôi ghé không thấy chị ở quầy mà thằng Khoa đứng bán, tôi hỏi nó nói mẹ bị bệnh rồi, hỏi bệnh gì nó nói bị tim mạch, nhiều lúc mệt mỏi không làm gì được hết. Tôi vội chạy vô nhà, ngôi nhà nhỏ nằm trong con hẻm nhỏ. Chị nằm trên giường, thân xác nhỏ bé như đứa trẻ, nhìn thấy tôi chị vội ngồi dậy, gượng cười:
– Lâu lâu nó dợt một trận, uống thuốc đầy đủ là hết ngay, không sao đâu. Bệnh thì bệnh chớ cũng tranh thủ làm thơ, không hiểu sao mấy hôm nay chị nhớ mẹ quá, để chị đọc em nghe nhé!
– Còn mệt mà đọc thơ gì, mai mốt hết rồi đọc.
– Không, để chị đọc cho vui, chị đọc cho mau hết bệnh. Chị đọc nghe: Như con tàu đi khắp đại dương/Lòng vẫn nhớ bến tình thương của mẹ/Vẫn khao khát làm bọt bèo sóng bể/Để tìm về nương bến mẹ yêu thương…
Một hôm, tôi đi chợ ghé ngang nhà thăm, thấy chị nhổ tóc bạc cho thằng Khoa, tôi kêu:
– Trời ơi! Con không nhổ tóc cho mẹ mà mẹ nhổ cho con coi sao được?
Thằng Khoa vội đưa ra một nhúm tóc bạc, khoe:
– Cô coi nè, con mới có ba mươi lăm mà tóc bạc trắng thế này, bởi vậy bọn con gái gọi con là “anh già” nghe tức chết được, mẹ con quyết tâm nhổ cho hết, nếu không hết thì phải nhuộm thôi, con xấu máu quá cô ạ.
Chị phân bua:
– Thằng này giống máu xấu của cha nó, còn nhỏ xíu mà tóc bạc trắng, vậy mà sao có vợ bé được mới hay chớ.
Thằng Khoa cười:
– Cha ăn mặn con uống nước, bởi vậy tới giờ con vẫn ế, chắc mẹ không có con dâu. À! Mà con có quen với một nhỏ quê ở miền Tây, nó có tật một chân mà nó thương con lắm, nếu má chịu thì con dẫn về…
– Tổ cha mày, sao không nói sớm cho mẹ có dâu?
– Hì hì, để coi cô ấy có thiệt tình không. Cô này hiền lắm.
Tôi nghe cũng mừng, vội nói với Khoa:
– Người miền Tây thật thà lắm con à, tuổi mày cưới vợ được rồi, còn chờ gì nữa, lẹ lên cho mẹ mày có cháu ẵm bồng.
– Ngày mai dẫn nó về cho mẹ với cô Mai coi, nếu được thì tiến hành liền nha, cái thằng này, nó kín miệng ghê chưa? – Chị cười nói với con.

truyen ngan hinh anh 01Cô gái có vóc dáng gọn gàng, ăn nói nhỏ nhẹ, một bên chân bị tật đi hơi khập khiễng. Nó nói chuyện với chị và tôi vui vẻ, hồn nhiên. Gia đình nó ở An Giang, ba mẹ là nông dân, nhà có hai chị em gái, nó lên đây tìm việc làm. Con nhỏ được bạn thằng Khoa giới thiệu, thế là Khoa nhờ nó đi giao băng đĩa phụ và làm một số việc linh tinh khác. Chị có thấy con này mấy lần nhưng không để ý. Bây giờ nghe Khoa nói chị mới chú ý nhìn ngắm con dâu tương lai, tuy hơi mang tật một chút nhưng nhìn chung con bé siêng năng, tính tình dễ thương. Con bé ra về, chị nhìn tôi hồ hởi:
– Em thấy thế nào? Trông nó cũng được đấy, để coi ngày lành tháng tốt mà lo cho rồi.
– Hai bà chấm rồi phải không? Con nghe lời con cưới, sau này có chuyện gì hai bà chịu trách nhiệm đó nghe. – Khoa cười nói.
Kể từ khi được hai gia đình chấp nhận, Khoa với Vân quấn quýt bên nhau, chờ ngày cưới hỏi, hai đứa cùng lo việc nhà và bán sách. Nhìn thằng con với con dâu khắng khít thương yêu, chị vui lắm, từ nay mọi việc có con dâu đỡ đần, đi đâu có nó chở đi, chuyện gì cũng nói với nó, xem như con gái của mình.
Công việc làm ăn của Khoa đang tiến triển tốt và cũng sắp tới ngày đám cưới. Một bữa, nửa đêm Khoa bỗng lên cơn đau đầu và đau thắt tim phải chở vào bệnh viện cấp cứu. Y, bác sỹ tận tình cứu chữa nhưng không cứu được, nó bị nhồi máu cơ tim. Nó ra đi không kịp nói với mẹ, với vợ câu nào. Vân cầm bàn tay còn hơi ấm của chồng ấp vào ngực mình khóc nức nở, còn chị ngất xỉu phải đưa đi cấp cứu.
Đám tang của Khoa tiến hành gọn nhẹ. Chị mở đĩa kinh sám hối đặt trên bàn thờ ngày đêm. Đêm nào chị cũng ngồi trước bàn thờ con đọc kinh đến khuya, thân hình héo hắt, tiều tụy.
Thương mẹ chồng, Vân ở lại làm tiếp công việc của Khoa, an ủi, chăm chút bà sớm hôm, giúp bà nguôi ngoai phần nào. Tôi cũng hay đến nghe chị đọc thơ nhưng dạo sau này thơ chị ngày càng nhuộm màu thiền và nỗi lòng thương nhớ con. Gian nhà nhỏ bây giờ sao quạnh quẽ/Mẹ đi về mang nỗi nhớ niềm thương. Nén nhang vòng lưu luyến ngát thơm hương/Lời kinh Phật nguyện cầu con siêu thoát…
Thắm thoát đã hai lần đám giỗ Khoa, lần nào tôi cũng đến dự, nhìn chị sụt sùi khóc mà đau lòng. Rồi chị dặn tôi:
– Em coi chỗ nào được làm mối giúp bé Vân, tội nghiệp con nhỏ, để nó ở vậy hoài đâu có được. Chị coi nó như con đẻ vậy. Từ lúc thằng Khoa mất, không có nó không biết chị sống ra sao.
Nghe chị nói tôi lại chạnh lòng nghĩ, không biết tới ngày Vân đi lấy chồng, chị có chịu nổi những ngày cô đơn quạnh quẽ của tuổi già không?

KIM QUYÊN

Mục Truyện ngắn / Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua