Dòng sông vẫn chảy

Ông ở bờ Bắc, bà ở bờ Nam con sông. Ngày trước, nơi ông ngồi có cây lộc vừng to lắm. Tại gốc cây này, ông từng hứa sẽ đưa bà đi suốt cuộc đời, vậy mà... − Truyện ngắn của Đặng Nguyên Sơn

Dự định sang bờ Nam gặp bà lần này thực sự khó khăn với ông. Tuấn con trai ông và Dịu con gái bà yêu nhau, mong sớm được nên duyên chồng vợ, vậy mà bà ngăn cấm. Ông suy nghĩ rất nhiều nhưng không rõ nguyên cớ vì sao. Lẽ nào bà còn giận chuyện xưa hay bà mặc cảm lý lịch không trong sáng?

Bến sông bờ Bắc là nơi ông thường ngồi nghĩ ngợi mỗi khi buồn. Chỗ ông ngồi, ngày trước có một cây lộc vừng to lắm. Tại gốc lộc vừng này, ông từng hứa sẽ đưa bà đi suốt cuộc đời. Bây giờ, cây bị người ta bứng mất rồi. Ông chép miệng, thở dài và dán mắt vào dòng sông.

Dòng sông sẽ đẹp hơn khi lộc vừng ra hoa. Hoa nở trong đêm nên đến sáng hoa thả mình trên sông như tấm thảm nhung rực rỡ đến nức lòng. Và từng lớp hoa trút xuống sẽ được dòng sông đưa về phía biển. Dòng sông giây phút đó bỗng trở nên linh thiêng lạ. Ông nhớ đến ông Khế, người bạn thân từ khi vào chiến trường. Ông Khế hy sinh ở bến sông này, trước mặt ông chừng năm mét. Đó là một ngày hè đỏ lửa năm Đinh Mùi. Nước sông xanh trong vắt điểm xuyến những gam màu của đá, rong rêu bỗng chuyển mình thành dải lụa đào uốn lượn. Ông thấy thốn trong người khi nhớ lại câu nói của ông với bà ngày trẻ: “Nếu hắn không chết vì bom thì sẽ chết vì đạn của tui”. Lúc đó ánh mắt bà nhìn ông chất chứa đầy thương tổn.

Ông Khế là bạn từ thời chăn trâu cắt cỏ của bà. Ông biết bà qua ông Khế. Ngày ấy, ông sang bờ Nam thâm nhập cơ sở cách mạng mới hay tin cha bà cầm súng cho Ngụy. Ông đến tìm thì thấy bà và ông Khế ôm nhau thắm thiết ở sân.

Ông bỏ đi không thèm nghe một lời phân bua. Ông đi một mạch lên thượng nguồn con sông, cắt rừng sang bờ Bắc. Rồi không hiểu sao, bất chấp bom đạn, ông quay lại bờ Nam tìm bà. Ông gặp ông Khế và bà ở giữa rừng. Ông Khế bảo, muốn dẫn bà sang gặp ông để giải thích, không ngờ máy bay địch thả bom. Ông cay cú: “Gặp bom răng không chui xuống hầm mà ôm chầm nằm úp lên nhau. Rõ ràng là đã có tình ý với nhau”. Cũng tại bà quá đẹp, đẹp nhất trong số những phụ nữ ông từng gặp. Ông Khế thầm thương trộm nhớ rồi đem lòng yêu bà là chuyện thường. Ông chỉ trách bà sao lại đồng lõa, ỡm ờ.

Để lòng hả giận, ông nhờ gia đình tìm hiểu cô bé giao liên gần nhà bà. Cô bé kém bà chục tuổi, xinh đẹp nổi tiếng trong làng.

Ngày cưới của ông là ngày bà vượt cạn. Mạ bà mua một phong pháo về treo ở cây mít trước cổng. Đợi nhà bên cho pháo nổ, nhà bà cho nổ, chúc mừng mạ tròn con vuông. Thế mà, bà cũng bị tổn thương tinh thần. Bình thường thì thôi, hễ trong làng có đám vui là bà như bị ai cướp mất hồn.

Những ngày ấy giờ đã ở lại phía sau. Xem như ông và bà có duyên mà không phận. Bây giờ, con trai ông và con gái bà yêu thương nhau hết lòng hết dạ. Chẳng phải, đó là duyên tiền định sao? Không hiểu sao trong khi ông càng vun đắp, bà lại cắt chia.

hoavan_truyen

Một buổi chiều cuối thu năm Ất Hợi, ông quyết định sang bờ Nam gặp bà. Ông sẽ cố gắng thuyết phục, buộc bà đồng ý cho Dịu và Tuấn cưới nhau.

Ông cuốc bộ qua khỏi chiếc cầu. Đến chân cầu phía Nam, ông rẽ phải. Ông đi ngược hướng gió và dòng chảy con sông. Gió hôm nay thổi mạnh nhưng không cản được bước chân ông. Chẳng mấy chốc, ông đã đến nhà bà. Hai hàng chè ở cổng cao bằng dáng đứng ông. Trước nhà là khoảng đất bồi, một bên trồng sắn, một bên trồng khoai. Đối diện cửa chính là bồn hoa nhỏ, chỉ còn mỗi cây hoa hường. Cây hường thiếu nước còi cọc đến tội nghiệp nhưng vẫn gắng sức nở một đóa hoa thơm ngát.

Ông tiến vào ngôi nhà ba gian mái ngói vách ván. Ông ghé mắt qua cửa sổ nẹp nứa nhìn vào trong. Gian giữa thờ cúng, phía trước bàn thờ đặt một cái bàn gỗ cũ kĩ. Trên bàn, bên cạnh cái khay đựng ly uống nước là bộ hồ sơ đang viết dở. Hai bên bàn là hai chiếc ghế đòn bào sần sùi, một chiếc bị mối ăn gãy mất chân phải kê vào cột nhà. Những gian còn lại kê giường làm chỗ ngủ. Gian bên phải buông rèm hoa màu đỏ bằng vải thun.

Ngôi nhà tĩnh mịch, chỉ có tiếng tờ lịch treo tường mang dòng chữ trường Đại học Kinh tế tặng từ ba năm trước, nay đã hoen màu, co xoắn lên, đánh phành phạch vào cột nhà theo từng đợt gió lùa. Cửa chính đóng hờ, ông lách người bước nhẹ vào bên trong.

Bà nằm trên chiếc giường tre sau tấm rèm đỏ. Khuôn mặt xanh xao, mắt đờ đẫn và môi như vảy cá bong từng mảng. Gắn vào cơ thể yếu ớt đang lụi dần là cái cổ cao gầy thở khó nhọc. Ông nén tiếng thở dài. Năm nay, bà đã 57 tuổi còn ông thì 65 rồi. Tuổi già như chuối chín cây, chẳng mấy chốc sẽ gửi xác lại cho đất mà bay lên trời tựa khói tựa mây.

Ông kéo tấm rèm sang một bên, chủ động lấy cái ghế đòn bào còn lành lặn đến đặt cạnh giường bà. Bà giật mình mở mắt, thấy ông liền chào. Ông cười hiền:

– Tui chớ ai. Mụ ni, ngủ chi dữ rứa?

Bà kê chiếc gối lên thành giường, ngồi tựa lưng và nói:

– Tui bị cảm uống thuốc rồi thiếp đi.

– Trông mụ không phải cảm thường. Dậy, tui đưa mụ đến bệnh viện.

– Không cần mô. Đời tui có biết bệnh viện là chi. Đau, nằm nghỉ ngơi mấy hôm lại khỏe.

Không gian rơi vào im lặng. Chỉ có tiếng gió thổi, tiếng thằn lằn tặc lưỡi nghe não ruột. Phá tan khoảng lặng đáng sợ đó, ông buột miệng hỏi Dịu. Bà nói Dịu đi gánh nước ở giếng làng. Hỏi lấy cớ vậy thôi chứ thực ra ông thừa biết Dịu đang ở cạnh Tuấn tại nhà ông. Hai đứa thấp thỏm đợi ông mang tin vui trở về.

Nhìn mặt ông tự dưng bà cảm thấy chạnh lòng:

– Ông cười tui vì đến gần cuối đời rồi mà vẫn dùng nước giếng làng?

Ông xua tay đáp lại bằng ánh mắt trìu mến. Bà chùng giọng hỏi tiếp:

– Mà ông sang chơi hay có chuyện chi rứa?

– Tui sang gặp mụ để bàn tính chuyện hôn nhân đại sự cho thằng Tuấn và con Dịu.

– Nếu chỉ vì chuyện ni, ông đừng tìm tui nữa, mất công.

– Hình như trong lòng tui và mụ, cuộc chiến chưa có hồi kết.

Bà cúi mặt và lặng đi. Rồi bà cười, cười mà nước mắt rỉ ra đọng ở gò má gầy sọp. Ông tiếp tục hỏi:

– Rứa lý do là chi? Hay…

Có lẽ chất giọng khàn đục của ông giục bà, mối quan hệ của Tuấn và Dịu hối thúc bà. Điều đó khiến bà đau đớn, như thể bao nhiêu đắng cay trong người đang dồn ứ lên đôi mắt hoắm sâu ngập úng rưng rưng. Bà nén hơi thở đến mức có thể bật ra, nhanh và mạnh như chiếc lò xo bung:

– Dịu là giọt máu của ông.

Ông điếng cả người. Mặt biến sắc. Định thần một lát, ông nói:

– Mụ định trả thù tui nên mới dựng lên chuyện này đúng không? Nếu Dịu là con tui, răng mụ không nói cho tui biết sớm?

hoavan_truyen

Ngày bà có thai, ông và mọi người đều nghĩ cái thai đó là của ông Khế. Bà vẫn hy vọng ông hiểu bà, lắng nghe bà giải thích dù chỉ một lần, nhưng ông đã bỏ đi. Đùng một cái ông Khế hy sinh, không còn ai giúp bà minh oan với ông. Sau đó có lệnh cấp trên, gia đình bà không được tham gia hoạt động cách mạng và bà không được gặp gỡ, tiếp xúc với ông. Ngày gặp lại ông, mọi sự đã an bài. Bà từng có ý nghĩ, khai tên ông Khế vào giấy khai sinh của Dịu. Ông Khế là liệt sĩ, sẽ tốt hơn cho tương lai của Dịu, nhưng rồi thôi. Lương tâm không cho phép bà làm điều đó.

Nói hết với ông bí mật giấu diếm bấy lâu, bà quay mặt vào vách, co gối nằm nghiêng, tựa cái xác không hồn. Tâm trạng ông lúc này, khó mà cắt nghĩa được. Ông thực sự bấn loạn. Bà vẫn nằm im. Im lặng, nó như quả ổi không nhìn thấu bên trong, ông muốn dùng dao xẻ nó ra nhưng thất vọng ê chề cứ lan dần trên khuôn mặt.

Bên ngoài, gió không ngừng thổi. Gió len qua những kẽ vách vào nhà càng làm cho không gian lạnh lùng hơn. Hồ sơ xin việc trên bàn cuốn theo gió bay lung tung. Đập vào mắt ông là tờ giấy khai sinh của Dịu. Giấy khai sinh để trống tên cha và mang họ mạ. Không còn gì để nghi ngờ, Tuấn và Dịu là chị em. Ông đứng chết lặng, rúm ró. Mắt đỏ hoe. Ông chực buột miệng định nói gì đó rồi khựng lại.

Ngôi nhà bà xa dần dáng của ông. Xuôi theo hướng gió, chân ông bước không ngừng. Bên cạnh, dòng sông tha thiết chảy theo nhịp điệu vốn có thường ngày.

Truyện ngắn của Đặng Nguyên Sơn – Theo Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua