Đời bong bóng

Bà dồn hết sức lực chăm sóc và đặt trọn niềm tin vào thằng Út với hy vọng nó làm rạng danh gia đình, dòng họ. Nào ngờ... − Truyện ngắn của Nguyễn Thị Nga

Mấy bữa nay trời trở chứng, mưa rỉ rả cả ngày. Con hẻm dẫn vào nhà bà Ni nước lênh láng. Tiếng bô xe ngậm nước, kêu bùm bụp rồi tắt ngúm. Bà Ni vừa đẩy xe, miệng không ngớt chửi. Bà chửi hết bộ giao thông đến bọn phụ hồ cầu đường rồi chửi luôn những người hàng xóm giàu có, cứ đổ nền cao mãi, cuối cùng báo hại căn nhà của bà thấp lè tè như cái hầm. Vừa dừng xe ở cửa, bà Ni đã nghe tiếng búa đục gõ lạch cạch. Bà rùng mình. Nhớ lại một năm trước, đúng cái ngày trời xám ngoét, mưa sụt sùi, bà về nhà thấy cảnh thằng con trai lớn đang ngồi gò lưng bên tủ sắt, tay đục, tay cưa. Nó như con chuột đang cố đục khoét tủ tiền của bà. Có năm trăm ngàn bạc, số tiền bà để dành cho thằng Út đóng học phí. Bà hét lên. Nó chẳng vừa, cầm cây cưa khua khoắng trước mặt bà. Nó bảo bà im mồm không là nó cho chầu ông bà. Bà từng hai lần bị tai nạn giao thông, chết đi sống lại còn biết sợ gì. Bà cứ la toáng lên, luôn miệng chửi nó là thằng bất hiếu, thằng mất nhân tính… Rồi cái cưa quệt ngang cánh tay bà, máu nhuốm đỏ một vạt áo. Nó xanh mặt, quăng cái cưa xuống đất, chạy như chó trốn pháo.

Tối hôm ấy, thằng Út chạy về báo tin anh Hai bị công an bắt. Nghe đâu nó lên cơn nghiện, trấn lột tiền của một đôi nam nữ ở gò đất trống sau khu nghĩa địa. Nó đi tù. Bà không khóc. Có lẽ bà chẳng còn nước mắt để khóc cho nó. Nó ra tù vào khám như cơm bữa. Lần đầu nó đi tù, bà còn đứng ngoài, khóc rấm rứt, ruột gan lộn mèo. Ngày cũng như đêm, bà thơ thẩn như người mất hồn. Dần dà, bà cũng quen. Bà có lo, có buồn nhưng không hoảng sợ nữa.

Bà đi lại cửa sổ, đưa một mắt qua khe hở. Trong góc nhà, thằng Út đang đóng lại cái ghế gỗ. Mấy bữa trước, hai mẹ con ngồi ăn cơm. Nó thấy cái ghế của mẹ lúc lắc chân, nó bảo để nó sửa lại cho chắc chắn. Mẹ lớn tuổi, té ngã nguy hiểm. Bà Ni nhìn cái dáng gầy gò, mái tóc xoăn lù xù trước mặt thằng Út sao mà giống anh Hai nó đến lạ. Ngày nhỏ đi đâu, các cô, dì, chú, bác cũng giành nhau ẵm bồng. Những ngày hè oi bức, hai má tụi nó ửng hồng, phúng phính như hai con búp bê. Bà cứ nhớ mãi khoảnh khắc đáng yêu của chúng và thầm ước phải chi chúng nhỏ mãi.

– Sao má không vô nhà mà đứng ngoài đó chi?

Thằng Út hỏi, thoáng ngạc nhiên khi thấy bà Ni thập thò ngoài cửa.

– Phải chi thằng Hai cũng ngoan như mày, tao đỡ khổ.

Bà Ni dứt lời, thở hắt một hơi. Út dừng đóng ghế, gương mặt trĩu buồn. Nó lẩn trốn ánh mắt của mẹ.

– Mẹ! Con cũng không ngoan đâu. Con…

Nói chưa hết câu, Út đi vội xuống bếp. Bà Ni nhìn theo, lắc đầu, không hiểu thằng Út nghĩ gì. Từ nhỏ, nó chỉ chăm chăm vào sách vở, học giỏi nhưng không thích ai khen. Mỗi lần bà Ni khoe với hàng xóm, nó hay càm ràm: “Mẹ đừng có khen, con không thích đâu”.

hoavan_truyen

Bà Ni ngồi bần thần bên mâm cơm. Dạo gần đây thằng Út hay đi sớm về trễ. Bà chẳng biết nó làm gì. Bà chỉ nghe nó nói nó học đại học, ngành gì liên quan đến tính toán. Thằng con lớn đã hư như cái trứng ung. Giờ bà chỉ còn hy vọng thằng Út sẽ làm rạng danh gia đình, dòng họ để hàng xóm không còn ai khinh bà. Họ sẽ không còn nhắc đến bà với câu cửa miệng: “Bà xe ôm có thằng con nghiện…”. Bà đang miên man suy nghĩ thì có tiếng xe đạp lọc cọc. Ai như thằng Út.

– Ai đây?

Bà Ni sững sờ khi thấy một đứa con gái ôm cái bụng, đứng nép sau lưng Út. Con bé độ hai mươi tuổi, người mỏng lét, da xanh xao. Vừa nghe con trai bảo: “Cho bạn gái con ở đây chờ ngày sinh…”, bà Ni tựa cửa, chân tay bủn rủn, trán vã mồ hôi. Thằng con Út mà bà dày công chăm sóc và hy vọng. Cái trứng cuối cùng lẽ nào cũng bị ung. Hai hàm răng bà khít lại, hai mắt bà xốn như ai vắt chanh vào, nước mắt không chảy được chỉ thấy toàn thân choáng váng, người chực ngã sấp, ngã ngửa.

– Kiếp trước tao đâm trâu, chém chó hay sao mà ông trời quả báo. Kiếp này tao khổ vầy nè.

Bà quăng đôi đũa xuống mâm cơm. Cả hai cúi mặt, nín lặng. Bà Ni ra quán, xách về chai rượu. Thằng Út đi ra, đi vào, mặt nó ủ rũ. Hai đứa nói gì đó rì rầm với nhau. Lát sau, bà thấy con nhỏ xách ba lô lên.

– Nếu má không thích Hân, con dẫn cô ấy đi chỗ khác tìm nhà trọ.

Thằng Út lí nhí. Mặt bà Ni đỏ bừng. Bà không say, chỉ thấy tai ù ù.

– Không đi đâu hết. Ở đây có rau ăn rau, có cháo ăn cháo.

Giọng bà ngọng nghịu như người ngậm thức ăn trào miệng. Con gái bụng mang dạ chửa sắp đến ngày sinh nở, không có người thân thích, biết nương tựa vào ai.

Từ hôm ấy, hàng xóm thấy cửa nhà bà luôn khép kín. Người ta cũng thấy bà Ni ít nói, ít cười hơn. Cả ngày lẫn đêm, bà cắm mặt ngoài đường, đôi mắt lúc nào cũng đỏ ngầu. Bà dồn tiền mua thức ăn, sữa về cho con dâu hờ.

– Phải ăn mới có sức mà sinh. Ngày tui có thai thằng Út, mỗi lần thèm món gì mà không có tiền mua ăn là ngồi khóc ngon ơ. Giờ cô thèm gì thì cứ ăn, đừng có nhịn, mai mốt con nó không biết ăn, tội nghiệp.

Bà Ni căn dặn. Con nhỏ khẽ gật đầu, tay vân vê cái bụng tròn như quả bí ngô. Bà Ni nhìn con bé, vừa giận vừa thương. Từ ngày người yêu có thai, Út cũng không còn thảnh thơi với con chữ. Sau giờ học, nó chạy đôn đáo xin việc làm thêm, từ rửa xe đến bốc vác… Ai thuê gì làm nấy. Thằng Út được cái siêng, có trách nhiệm nên bà Ni cũng bớt lo.

Bà nhìn căn nhà thấp lè tè, dự định để bảng bán nhà, gom góp ít tiền vốn cho vợ Út buôn bán. Bà sợ khi đứa nhỏ chào đời, hai vợ chồng Út sẽ khổ. Cả hai đều chưa ra trường, không có việc làm, lấy gì nuôi con. Bà chưa kịp nói ý định ấy ra vì còn chần chừ dò ý bụng dạ các con. Dù chưa cưới xin nhưng trong lòng bà đã nhận con bé là dâu con trong nhà.

Ngày con nhỏ đau bụng chuyển dạ, khóc than dậy trời. Thằng Út run lập cập, lóng ngóng, không biết làm gì. Bà Ni tức tốc lấy xe, chở con bé vào bệnh viện. Hàng giờ oằn mình chống chọi với cơn đau, cuối cùng con bé cũng sinh được thằng cu kháu khỉnh.

Trước ngày xuất viện, chẳng hiểu sao con nhỏ nhìn bà Ni chằm chằm. Nó luôn miệng dặn dò: “Má ơi! Má nhớ thương thằng bé nghen má”. Bà Ni phát bực: “Nó là cháu tui, không thương nó thương ai”. Con bé nựng nịu con, cười mà như mếu: “Nội thương con đó. Con cũng phải thương nội nghen”. Bà Ni còn tưởng con bé học thói nịnh nọt nhưng mà nghe nó nói, không hiểu sao bà cũng thấy mát lòng, mát dạ.

Không ngờ nửa đêm, con nhỏ nhờ bà Ni bồng cháu giúp, lấy cớ đi vệ sinh rồi đi luôn không trở lại. Không có mẩu giấy nào nhắn nhủ, nó bỏ luôn cái sim điện thoại. Thằng Út nghe tin vợ “hờ” đi mất, nó ra ngẩn vào ngơ, mặt con vuông tròn ra sao nó cũng không dòm đến. Bà Ni hỏi địa chỉ nhà bạn gái, thằng Út lắc đầu: “Tụi con quen trên mạng, con còn chưa về nhà cổ”. Bà Ni muốn rụng rời.

Đôi lần bà chột dạ, nghĩ quẩn thằng bé không phải cháu ruột của bà. Con gái thời nay dễ dãi, ai biết có phải con của thằng Út hay không? Xe ôm ngày càng ế ẩm, tiền sữa, tã lót tăng vùn vụt, một mình bà gồng gánh. Từ ngày con nhỏ bỏ đi, thằng Út cũng chẳng ngó ngàng gì đến con, nó cứ lầm lũi đi về như cái bóng.

Dại gì nuôi con cho thiên hạ. Bà nhen nhóm ý nghĩ đưa thằng bé vào cô nhi viện, nhưng không đành. Mỗi lần ngó thằng bé nằm ngủ, cái miệng con con chúm chím, hồng hào, hàng mi dài, bà lại thương đứt ruột. Bỏ thì thương, vương thì tội, bà năm lần bảy lượt ẵm thằng nhỏ lảng vảng qua trước cửa chùa rồi không đành lòng lại ẵm về. Thôi thì nó sinh ra ở nhà bà, xem như bà nợ nó. Mà ở đời đã nợ thì phải trả. Bà bấm bụng nuôi cháu và bỏ hẳn ý định bỏ rơi thằng bé.

hoavan_truyen

Một buổi sáng, bà lau cái hộc tủ và phát hiện số sách vở trong tủ Út không còn. Bà hỏi:

– Sao dạo này mày không đi học?

– Học làm gì. Học cũng đâu có giàu.

Út trả lời cộc cằn, lủi thủi đi khỏi nhà. Ngày nào, từ mờ sáng đến đêm khuya, nó cũng ở ngoài đường, có hôm một, hai giờ sáng mới về nhà. Mà lúc nào cũng về trong ngập ngụa hơi men. Thi thoảng chạy xe qua bến cảng, bà nghe người quen xì xào con bà bốc xếp trong đó. Có khi họ lại rỉ tai bà chuyện Út lê la quán nhậu vỉa hè, gây gổ, đánh nhau. Người ta thương cho số phận hẩm hiu của bà. Có hai thằng con trai, đứa nào cũng đẹp trai, cao ráo, thông minh nhưng đứa nào cũng sớm lầm đường lạc lối. Thằng lớn nghỉ học sớm, dính vào ma túy, giờ đến thằng nhỏ lại dây dưa với ma men. Họ ví con của bà như những quả bong bóng, lúc mới thổi lên thì căng đẹp nhưng chỉ chốc lát không nổ tan tác thì cũng xì xẹp, nhăn nheo. Càng nghĩ đến những lời ong tiếng ve, bà càng buồn. Bà nhìn thằng cháu, hai má hồng hồng, ngủ ngon như thiên thần trên võng, lại nhen nhóm hy vọng sau này nó sẽ nên người.

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Nga – Theo Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua