Điện thoại vẫn còn tin nhắn cuối cùng của anh: “Em ơi, anh có việc, về hơi trễ chút. Em và con ngủ sớm nhé. Yêu ba mẹ con nhiều”.
Kết thúc bao giờ cũng là cụm từ đó. Hồi trước, có lần Di đùa bảo, sao mà anh sến và sáo rỗng thế không biết. Cứ nhắn bừa, mà không cần quan tâm tới người khác nghĩ gì, cảm thấy ra sao thật ư? Anh chỉ cười. Tính anh càng ngày càng lờ đờ, bất cần hay bất mãn kiểu gì ấy, đến mức đã có lúc Di nghĩ, thà mình tự giao tiếp với cái đầu gối có lẽ còn dễ chịu hơn.
Di ngồi ở quán cà-phê đầu ngõ. Dán mắt vào iPad, Di vừa xem mấy clip nhảy múa, vừa ngả đầu ra sau. Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu Di: “Đi thì đi hoài, lạ gì nữa đâu mà phải nhắn nhe cho nhọc”. Ba mẹ con ăn qua quýt mấy món nấu sẵn của cái quán nửa ta nửa tây, khách hút thuốc lá nhặng xị mùi khói.
Di nghĩ tới cái lúc thả con xuống xe, lúi húi mở hai lớp cửa, ổ khóa lớn nhỏ, nhà cửa tối om mịt mù, sàn nhà nham nháp bụi, trống trải hơi người nên đã dắt díu con ra tiệm ngồi chơi, thay vì lẩn quẩn trong nhà, bức bí rồi tự làm khổ mình.
Đã lâu lắm rồi cả nhà Di thực hiện đúng theo phương châm: hạn chế không làm phiền nhau. Nâng quan điểm lên chút, nó có nghĩa là “mạnh ai nấy sống”. Những dịp tụ tập cùng nhau ngày càng hiếm hoi. Miễn sao đừng làm gì quá đà, ảnh hưởng đến cuộc sống của người kia là được, chứ kềm kẹp, miễn cưỡng nhau thì cũng không mang lại hạnh phúc, mà thoải mái nay người giữ con, mai ta canh nhà thế này cũng chưa biết thế nào…
(Bạn có thể đọc tiếp hay thưởng thức audio truyện ngắn này tại đây)
Khuya hôm ấy, trời mưa. Khi Di buông máy tính bảng xuống, đưa đôi mắt mỏi mệt ngó qua hai đứa con đang dang tay gác chân ngủ say, bên ngoài đã nghe tiếng lất phất của những giọt mưa. Di hình dung ra cảnh vật xung quanh nhà mình, tưởng tượng ra sự vắng vẻ rợn người, con đường từ hướng công ty anh về nhà phải ngang qua một khu nghĩa trang lớn. Mộ cũ, bia mới san sát. Giờ này chắc hẳn đường đã thưa người lắm rồi, nhất là trong cảnh mưa gió mịt mờ, bóng người lẫn với bóng ma thế kia…
Đi gì mà đi lắm thế không biết. Đó là cảm giác đầu tiên của Di lúc quẩn quanh nhớ lại khoảng thời gian sau này của hai vợ chồng. Dân kỹ thuật, cứ chuyển đổi hệ thống, thay cái này cái nọ cho khách hàng, là phải làm khuya. Rồi sau đó nhậu nhẹt, bù khú. Tính anh chậm chạp, cầu toàn. Gửi một cái e-mail thôi mà cũng cẩn thận, lâu lắc. Cứ như vậy, nói sao không vất vả. Mà ngay cả Di cũng không thường xuyên ở nhà. Nếu về hơi sớm chút, thấy anh cũng có mặt ở nhà, là Di lập tức tìm cách gầy độ với bạn bè, thay váy áo, dặn anh cho con ngủ rồi vù ra đường, ngồi không làm gì cho nó phí thời gian.
Tự dưng Di khó dỗ giấc. Cơn mưa đêm rào xuống, lớn hạt, ầm ào trên mái tôn. Thi thoảng có tiếng gió rít lên khe khẽ, dễ làm cho người ta tưởng tượng này nọ. Mưa to như vầy ngủ cũng chả ngon, nói chi là đang mất ngủ. Mùa mưa năm nay đúng là kinh khủng thật. Nó làm cho người ta thấm thía hơn nỗi tất bật và vắng vẻ của đời mình. Di từng trải qua biết bao mùa mưa, nhưng năm nay quả là Di biết sợ. Những chiều tất tả về đón con, nước dâng cao, hơn nửa bánh xe chìm trong thứ nước ngập ngụa lờ lợ và cả đen mun, lảng vảng vài ba thứ rác rưởi gì đó. Không gì đáng tởm bằng.
Di có hôm lạnh run, đầu như rạp xuống trước cơn gió phần phật những cây dù to bên đường, như chực chờ cuốn nó phang lên bất kỳ cái gì có thể. Những bất trắc rình rập. Những tai nạn đâu đó, gần lắm, ám ảnh Di mỗi chiều, hớt hải nghĩ tới con đang chờ mà ráng dầm cơn giá lạnh trở về nhà. Căn nhà mà chẳng nhớ từ khi nào, những bữa cơm đông đủ, ấm áp đã lùi xa.
Lâu nay, Di mất ngủ triền miên, không lý do gì rõ rệt. Chả ai biết, càng không hứng thú chia sẻ với nhau. Anh thì thế nào nhỉ? Di cũng chẳng bận tâm nhiều. Có khi, anh coi phim ở dưới nhà và ngủ luôn trên ghế sô-pha. Có hôm, thấy anh chong đèn bàn lục cục gõ phím suốt đêm. Đôi lúc, trong những giấc ngắn chập chờn, Di giật mình thức dậy, thấy phía trước mịt mờ. Mình không có người thân. Mình chẳng có một chỗ dựa nào cả. Mình không có ai để mà vin vào đấy, tựa vào để khóc, chẳng hạn. Cuộc đời sao mà bi quan đến vậy, cô độc và hoang hoải như ngọn đèn vàng trong phòng ngủ, chỉ vừa đủ để nhìn thấy bóng Di mờ nhạt. Người đàn bà soi gương trong đêm, chỉ thấy bóng mình và năm tháng vùn vụt trôi.
Đôi lúc, Di ngỡ mình vẫn đang chờ một nhân duyên tình cờ nào đó. Di không tin rồi cuộc sống của mình sẽ chỉ có chừng ấy, đi làm, loanh quanh với con, siêu thị cửa hàng, chợ búa cơm nước, thi thoảng lại cà-phê, nhà sách. Đơn điệu và cô độc. Di thèm những niềm vui bé mọn và tầm thường đến tẻ nhạt. Sẽ có ai đó đồng hành cùng Di, trò chuyện cùng Di đêm đêm, xoa lưng cho Di, thức dậy cùng Di vào lúc bình minh chứ! Vì đâu thế này?
Sẽ có ai đó chờ đợi Di ở phía trước. Điều đó rõ ràng và hiển nhiên đến độ, khi Di thoa kem dưỡng da lên cổ lên mặt, Di tưởng như mình đang gìn giữ chút nhan sắc cuối mùa lại cho một người đến sau nào đó. Kết hôn với anh, một người không thể đồng cảm, có lẽ là sai lầm lớn nhất đời Di, cái sai lầm mà không hiểu sao mình lại ngớ ngẩn mắc phải và chẳng đủ can đảm để sửa chữa, nói gì đến việc xóa bỏ nó.
Sao không gọi điện cho nó, đêm hôm như thế, hở con? Giờ có hối hận thì muộn rồi”… Đó là khi mọi chuyện đã lỡ làng, mẹ trách Di lúc biết rằng Di đã không buồn điện thoại hay nhắn tin, dù trời đã chuyển về sáng mà anh chưa về. Mẹ sao hiểu nổi lâu lắm rồi, khi mà những cuộc gọi hỏi han, nhắc nhở của Di chỉ nhận được những hồi chuông dài không hồi đáp. Thế nên Di bỏ hẳn thói quen ấy. Cái cảm giác mình đang mất công làm phiền người khác khiến Di chán ngán. Mặc kệ. Dần trở thành một quy tắc khó bỏ. Không phải giận hờn. Càng chẳng giống sĩ diện. Nó hao hao như một sự buông tay.
Phải hai ngày sau cái sự kiện khủng khiếp ấy, Di mới nhận được tin. Ráo hoảnh. Chuyện gì phải đến đã đến. Đi đêm lắm, say xỉn nhiều, có ngày gặp tai nạn, cũng là điều dễ hiểu. Vấn đề làm Di khó tin nhất là chẳng có người đàn bà nào đến rưng rưng nước mắt trong đám tang anh hoặc phim ảnh nữa là dắt theo đứa con thơ đến xin nhận cha, chia phần, chẳng hạn. Chỉ có mẹ con Di và dăm cái tin nhắn chưa kịp xóa trên điện thoại là dự phần vào cái sự cố chẳng biết có phải là lớn lao trong đời này hay không. Những tin nhắn luôn kết thúc bằng câu: “Yêu ba mẹ con nhiều”.
Phải rất lâu sau đó, Di vẫn chưa tin rằng, người hay gửi những tin sến súa và sáo rỗng ấy cho mình đã không còn nữa. Di cũng không lập tức bán nhà, dọn xuống trung tâm ở như ấp ủ. Dù mỗi chiều tàn, sau khi tan sở và gom đủ hai đứa nhỏ về đến nhà, đối diện với mấy cái ổ khóa lủng lẳng và sự im lặng tối tăm của căn nhà, Di luôn thấy mình mỏi mệt đến rã rượi. Làm sao mà người ta có thể cứ sống hoài, sống mãi theo cái cách như thế này được nhỉ?
Có một câu rất văn hoa rằng khi mất rồi, người ta mới biết rằng mình đã có, hình như nó lậm vào Di rất đậm. Đó là buổi sáng, Di chật vật tự đưa con đến trường, rồi tất tả chạy tới cơ quan, nhớ ra, việc này hồi đó do anh đảm nhận. Nay còn lại một mình, Di buộc phải đưa và đón. Đó là lúc cái vòi nước nối giữa máy giặt và cái cống ngầm bị bung ra, xà bông đang trong lúc xả tuôn đầy nhà, tưng bừng như tiếng la hét xen với reo hò của hai đứa con Di trước cảnh tượng vui mắt. Đó là khi Di tằn tiện từ chối những cuộc hàng quán tiêu vặt với bạn bè, mới đóng kịp mớ biên lai học phí cho hai đứa con giữa thời buổi người người học thêm, nhà nhà học thêm bây giờ. Đó là khi mẹ Di nhắc đến anh, thằng con rể dễ nhờ vả, lại biết làm những việc đàn ông trong nhà, kêu chở đi đâu cũng sốt sắng, không như mấy thằng em trai Di.
Đêm, Di vẫn ngủ trong căn phòng đèn vàng mờ tối. Con Di vẫn chưa đủ lớn để trăn trở cùng mẹ nên vô tư ngủ. Có hôm, Di bỗng giật mình thức dậy giữa khuya, chợt nghĩ, hay mình cứ gọi anh về. Nhắn cho anh một cái tin là khuya rồi, về đi anh. Mấy mẹ con em trông. Đại khái thế. Bao nhiêu người đàn bà trên thế gian này kêu réo, chỉ đạo, ép chồng phải về nhà đúng giờ kia mà. Bình thường thôi, phải không Di? Biết đâu, anh sẽ giật mình, nhớ là ở nhà vẫn còn có ai đó chờ mong mình. Không đến mức thờ ơ mặc kệ anh đi đâu, chừng nào về cũng được.
Bần thần trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh, cuối cùng rồi Di cũng sực nhớ ra rằng, đã trễ mất rồi, anh chẳng bao giờ còn có thể đọc được những lời nhắn nhủ của Di nữa đâu.
Truyện ngắn của Hoàng My – Theo Tiếp Thị Gia Đình