Bên ngoài, tiếng ngựa hí vang. Guleri nhận ra tiếng chú ngựa đang bị cột là của nhà cha mẹ cô. Cô dựa đầu vào cổ nó và tưởng như nó là cánh cửa ngôi nhà mình.
Cha mẹ Guleri sống ở Chamba, cách nhà chồng cô vài dặm đường. Nhà chồng cô nằm trên một vùng đất cao, còn con đường dẫn về nhà cha mẹ cô chạy thẳng xuống dốc đồi dựng đứng. Từ đỉnh đồi, cô có thể thấy Chamba nhỏ như một bàn chân. Bất cứ khi nào Guleri nhớ nhà, cô sẽ cùng chồng, Manak, đến đây. Cô sẽ trông thấy những ngôi nhà ở Chamba lấp lánh trong ánh mặt trời.
Mỗi năm một lần, khi vụ mùa kết thúc, Guleri được phép dành vài ngày về thăm cha mẹ. Họ sẽ gửi một người đàn ông đến Lakarmandi để cùng cô về Chamba. Hai người bạn của cô cũng vậy. Họ cũng kết hôn với những người đàn ông không phải người làng và được cho về thăm nhà vào cùng thời gian đó trong năm. Những cô gái luôn trông chờ cuộc đoàn tụ hàng năm này. Khi đó, họ dành nhiều thời gian nói về cuộc sống của mình, niềm vui lẫn nỗi buồn. Sau đó, làng sẽ tổ chức hội mùa. Các cô gái sẽ diện những bộ váy mới. Chiếc duppata cũng sẽ được nhuộm màu, đính kim sa. Họ còn sắm cả vòng thủy tinh và hoa tai bằng bạc.
(Bạn có thể đọc tiếp hay thưởng thức audio truyện ngắn này tại đây)
Guleri thường nhẩm tính từng ngày cho đến hội mùa. Khi những cơn gió mùa thu thổi qua làm tan biến những áng mây còn đọng
lại sau mùa hè, cô háo hức nghĩ về những thứ quen thuộc với cô ở Chamba. Cô làm những công việc hàng ngày như cho gia súc ăn, nấu bữa tối cho cha mẹ chồng và sau đó cô sẽ lui ra sau nhà ngồi đếm xem còn bao lâu nữa mới đến ngày người đầy tớ của cha mẹ cô đến đón cô về thăm nhà. Bây giờ, lần nữa, đã đến ngày về Chamba như mọi năm. Cô vuốt ve con ngựa, chào anh người hầu Natu. Con ngựa đã chuẩn bị lên đường vào ngày mai.
Guleri không cần diễn tả thành lời nỗi vui mừng của cô, gương mặt cô đã thể hiện rất rõ điều đó. Manak kéo tẩu thuốc và nhắm mắt lại. Biểu cảm trên khuôn mặt anh thật khó hiểu.
– Em sẽ về hội mùa ở Chamba phải không?
– Em sẽ về kể cả nếu nó chỉ diễn ra trong một ngày – Cô trả lời, giọng có chút nài nỉ.
Manak đặt ống tẩu sang một bên, không đáp.
– Sao anh lại không nói gì?
– Guleri cáu kỉnh – Em muốn nói với anh vài việc.
– Anh biết em định nói gì. Em chỉ được về nhà cha mẹ mỗi năm một lần. Thế đó, em đã bao giờ không được về nhà đâu.
– Vậy sao anh còn muốn ngăn em? – Cô gặng hỏi.
– Chỉ lần này – Manak nài xin.
– Mẹ anh còn không nói gì, vậy sao anh cứ mãi ngăn em?
– Mẹ anh…
Manak bỏ dở câu nói.
Tờ mờ sáng hôm sau, Guleri đã sẵn sàng lên đường. Cô không có con, vậy nên chẳng phải bận tâm gì về việc để chúng lại với cha mẹ chồng hay mang chúng theo. Natu buộc yên cương vào ngựa khi cô cáo từ cha mẹ Manak. Họ xoa đầu cô và chúc cô thượng lộ bình an.
– Anh sẽ tiễn em một đoạn – Manak nói.
Guleri cảm thấy rất vui và họ khởi hành. Cô giấu cây sáo của Manak dưới chiếc dupatta của mình.
Phía sau làng Khajiar, con đường chạy xuống đồi thẳng hướng về Chamba. Guleri lấy ra cây sáo và đưa cho Manak. Cô cầm tay Manak và nói:
– Ngay lúc này, thổi sáo cho em nghe đi – Nhưng Manak đang chìm đắm trong những suy nghĩ riêng, anh hoàn toàn không nghe cô nói gì.
– Sao anh không thổi sáo đi? – Guleri cố thuyết phục chồng.
Manak nhìn cô buồn bã, sau đó đặt sáo lên môi, tiếng sáo phát ra như tiếng khóc than đau khổ.
– Guleri, đừng đi mà – Anh cầu xin cô – Anh xin em lần nữa, đừng đi vào lúc này.
Anh đặt cây sáo vào tay cô. Anh không thể thổi tiếp nữa.
– Nhưng tại sao? – Cô hỏi – Hay anh đến hội mùa với em rồi chúng ta cùng về? Em hứa sẽ không ở lâu đâu.
Manak không đáp lời cô. Họ ngừng lại bên vệ đường. Natu dẫn ngựa đi vài bước về phía trước để hai vợ chồng có thể nói chuyện riêng. Một kỷ niệm thoáng vụt qua tâm trí Manak. Cũng vào khoảng thời gian này, bảy năm trước, anh và những người bạn đã theo con đường này để đến hội mùa ở Chamba. Chính trong buổi lễ hội đó, anh gặp Guleri. Họ đã trao cho nhau con tim mình.
Manak nhớ lúc anh nắm tay cô và thì thầm:
– Em như một bắp ngô non còn mọng đầy sữa.
– Chỉ có gia súc mới tìm kiếm những bắp ngô non – Guleri đáp, đẩy tay anh ra – Còn con người thích ngô đã được nướng lên. Nếu anh muốn cưới em, hãy gặp và hỏi xin cha em.
Đối với những chàng trai ở làng của Manak, đến chỗ cô dâu trước khi cưới là điều bình thường nhưng Manak lo nhất là anh không biết giá sính lễ mà cha Guleri sẽ đòi hỏi. Tuy nhiên, cha Guleri rất giàu có và từng sống trong thành phố. Ông đã thề rằng sẽ không vì tiền cưới mà gả con gái ông cho một người đàn ông không xứng đáng với cô. Manak đã quyết định đáp ứng tất cả yêu cầu của ông và rất nhanh sau đó, hai người làm đám cưới.
Đang chìm trong miền ký ức, Manak trở lại hiện tại bởi bàn tay của Guleri đang đặt trên vai của anh.
– Anh đang nghĩ gì vậy?
Manak không trả lời. Con ngựa hí vang, có vẻ mất kiên nhẫn. Guleri nghĩ đến chuyến đi của cô. Cô phải đi.
– Anh có biết rừng hoa chuông xanh cách đây vài dặm không? – Cô hỏi – Người ta đồn rằng bất cứ ai đi qua đó đều sẽ bị điếc.
– … Có vẻ như anh đã đi qua khu rừng đó. Anh không nghe bất cứ điều gì mà em nói.
– Em nói đúng, Guleri. Anh không thể nghe những gì em đang nói với anh.
Manak đáp với một tiếng thở dài. Họ nhìn nhau, không hiểu đối phương nghĩ gì.
– Em đi đây, anh nên về nhà. Anh tiễn em một đoạn khá xa rồi – Guleri nói rất nhẹ nhàng.
– Ừ, em cũng đã đi bộ khá xa rồi. Em lên ngựa đi.
– Đây, cây sáo của anh.
– Em mang theo đi.
– Anh sẽ đến và thổi sáo trong ngày hội mùa chứ?
Guleri hỏi với nụ cười rạng rỡ. Ánh mặt trời làm khuôn mặt cô sáng rực. Manak quay mặt đi. Guleri nhún vai khó hiểu và lên ngựa.
Về đến nhà, Manak bơ phờ, nằm vật xuống giường.
– Con về trễ quá đấy. – Mẹ anh nhắc nhở – Con tới Chamba chơi luôn à?
– Không, con chỉ tiễn cô ấy đến đỉnh đồi thôi.
– Sao giọng con cứ thều thào như một ông già vậy?
Manak muốn cãi lại nhưng anh chọn cách im lặng. Manak và Guleri cưới nhau đã bảy năm, nhưng cô không sinh được đứa con nào và mẹ Manak đã nghĩ ra cách giải quyết. Năm nay, đúng kế hoạch, bà đã bỏ ra 500 rupee và mang về cho Manak một cô vợ hai. Bà đợi đến lúc Guleri về thăm cha mẹ mới mang cô dâu mới về.
Để vừa lòng mẹ và cũng vì tục lệ, Manak đáp lại người phụ nữ kia, nhưng con tim anh dường như đã chết. Một buổi sáng, anh đang hút thuốc với cái ống tẩu quen thuộc thì người bạn cũ đi ngang.
– Ồ, Bhavani, đi đâu sáng sớm vậy?
Bhavani ngừng lại. Anh đang mang gói đồ trên vai.
– Đi loanh quanh thôi. Anh bạn kia đáp một cách lảng tránh.
– Chắc chắn cậu đang trên đường đi đâu đó – Manak nói to – Hút thuốc không?
Bhavani ngồi xổm xuống và nhận ống tẩu từ tay Manak:
– Tớ định đến Chamba chơi ngày hội mùa.
Câu nói của Bhavani như mũi kim đâm xuyên tim Manak.
– Lễ hội diễn ra hôm nay à?
– Như mọi năm thôi. Cậu không nhớ chúng ta từng đến đó bảy năm trước sao?
Bhavani không nói tiếp nhưng Manak biết cậu bạn đang trách cứ mình và anh thấy thật bức bối. Bhavani đặt ống tẩu xuống, vác gói đồ lên vai. Anh tạm biệt Manak và lên đường.
Trưa hôm sau, khi đang làm việc ở cánh đồng, Manak thấy Bhavani đã trở về. Anh cố tình nhìn đi hướng khác khi bắt gặp ánh mắt Bhavani. Bhavani đi vòng lại và cuối cùng ngồi xuống trước mặt Manak. Khuôn mặt Bhavani rất buồn, tối sầm:
– Guleri chết rồi – Giọng Bhavani vô cùng buồn thảm.
– Cái gì?
– Khi biết cậu cưới thêm vợ khác, cô ấy đã ngâm mình trong dầu hỏa và tự thiêu.
Manak chết lặng trong nỗi đau. Lúc này đây, anh cảm thấy cuộc sống của bản thân cũng đang cháy rụi.
Nhiều ngày trôi qua. Manak trở lại làm việc trên cánh đồng, vẫn ăn cơm khi đến bữa, nhưng anh giống như một người đã chết, khuôn mặt không cảm xúc, đôi mắt trống rỗng, vô hồn.
– Con không phải vợ anh ấy.
– Người vợ thứ bực tức phàn nàn với mẹ anh.
Không lâu sau đó, cô ta mang thai và mẹ Manak rất hài lòng. Bà nói với Manak về việc đó, nhưng anh dường như không hiểu, đôi mắt thất thần.
Mẹ anh trấn an nàng dâu mới, bảo cô cố chịu đựng tính cách của Manak. Khi đứa bé ra đời, Manak sẽ thay đổi thôi.
Cô vợ mới sinh ra một bé trai, mẹ anh vô cùng vui mừng. Sau khi tắm cho cậu bé và cho cậu mặc quần áo thật đẹp, bà đặt đứa trẻ vào lòng Manak. Anh nhìn chằm chằm đứa trẻ, khuôn mặt lạnh tanh. Bỗng nhiên đôi mắt vô hồn của anh tràn ngập nỗi sợ hãi. Manak hét lên:
– Mang nó đi đi. Người nó toàn mùi dầu hỏa.
Truyện ngắn do Quỳnh Mai dịch từ Stench of Kerosene của Amrita Pritam – Theo Tiếp Thị Gia Đình