Đàn bà 30

Đàn bà ba mươi với những tiếc nuối tuổi trẻ nhưng cũng đủ đằm thắm để nhận ra đâu là hạnh phúc đơn giản của cuộc sống... − Truyện ngắn của Trần Huyền Trang

Cuối năm, công ty thông báo chọn ngày tổ chức team building vào đúng ngày Chúa Giáng Sinh. Phòng hành chánh nhân sự gửi e-mail thông báo về ngày giờ và địa điểm chính xác, quy định được mang theo trẻ em dưới 12 tuổi. Nàng vừa chăm chú đọc từng câu từng chữ trong cái thư vừa nghĩ ngợi nhiều thứ. Những người có con như nàng đang xì xào bàn tán việc nên đưa con theo hay không. Tiếng một anh chàng nào đó nửa đùa nửa thật: Thôi, mang theo làm gì, để khi về nó “report” tất tần tật thì có mà chết với “gấu mẹ vĩ đại” ở nhà.

Nàng ngần ngừ cả buổi mới dè dặt nói với chồng về chuyến đi ấy. Nàng không ngại việc chồng có thể không đồng ý cho nàng đi mà chỉ ngại mỗi việc nhờ chồng trông nom con gái năm tuổi trong ba ngày liên tiếp nàng vắng nhà. Nếu nàng mang con bé theo thì không có gì phải bàn. Nhưng sau những đắn đo, nàng quyết định để con ở nhà, vừa tập tính tự lập cho bé, cũng là cho phép mình sổ lồng ít hôm sau sáu năm đằng đẵng đeo mang bổn phận làm vợ, làm mẹ chỉn chu đến mức quên hẳn bản thân. Nếu nàng mang con đi nữa thì rõ là bất công cho nàng quá.

Ba mươi tuổi, nàng vẫn ở đậu nhà bố mẹ, được chia cho căn phòng tám mét vuông, đủ cho hai vợ chồng và đứa con gái làm chỗ chui ra chui vào. Tài sản của nàng cho đến bây giờ cũng chỉ vỏn vẹn hai thứ quý giá nhất: chồng và con gái. Ba mươi tuổi, nàng vẫn dùng cây son màu hồng da cam từ thuở mới cưới, ở nhà vẫn mặc lại những bộ đồ khi mang bầu, đã được cắt sửa gọn gàng. Một năm nàng sắm thêm ba bộ đồ công sở cho mình, còn tủ quần áo của con đều là đồ mới và là hàng xịn. Đứa bạn thân nhìn nàng ái ngại: “Mày phải sửa soạn cho sáng sủa lên, sắm vài bộ đầm cho hợp thời vào, tút tát lại nhan sắc, chỉ cần ít son phấn là có thể trẻ ra thêm vài tuổi. Làm truyền thông mà cứ quê mùa như thế, có ngày mày bị ra rìa chứ chẳng chơi”.

Cũng có lúc trong nàng gợn lên những suy nghĩ xung quanh lời dọa dẫm của con bạn, nhưng kiểu gì thì kiểu, mỗi sáng nàng còn phải đèo con đến trường mầm non, thêm ba lô, nệm gối lỉnh kỉnh, mặc đầm chỉ tổ vướng víu thêm. Nàng không màng đến chuyện ăn ngon hay mặc đẹp. Trong đầu nàng lúc nào cũng nghĩ cách kiếm được nhiều tiền để lo cho cái tổ cúc cu bé nhỏ. Chồng nàng thi thoảng vẫn muốn đưa hai mẹ con đi nhà hàng, nàng luôn tìm cách thoái thác. Một bữa ăn nhà hàng bằng cả tuần chi tiêu, sao lại có thể phung phí như thế trong khi lương hai vợ chồng vẫn ba cọc ba đồng. Mỗi tháng, nàng quay như chong chóng với đống hóa đơn điện nước, gas, tiền học phí cho con, thực phẩm… Sổ tiết kiệm ngân hàng vẫn giữ nguyên số dư của suốt một năm qua, chỉ đẻ thêm vài đồng lãi ít ỏi.

hoavan_truyen

Nàng có rất nhiều đêm thở dài trong ngao ngán. Ai biểu mình ham hố đèo bòng sớm làm gì. Con bạn thân của nàng cùng tuổi, xuất thân và học vấn cũng ngang tầm nàng, mà chừng đó năm đi làm đã tích cóp được một ngôi nhà tuy nhỏ nhưng xinh xắn ngay quận nội thành. Không ít lần đến nhà nó chơi, nàng tặc lưỡi tiếc rẻ: “Phải chi quay ngược được thời gian, tao chỉ ước được làm bà chủ như mày thôi”. Con bạn cười khẩy bảo nàng cũng đã có đủ thứ: chồng, con và một công việc nhàn hạ như vậy còn muốn gì nữa. Như nó, có hẳn một căn nhà nhưng vẫn chịu cảnh “vườn không nhà trống”. Số nó đen tình đỏ bạc. Thoạt đầu có cả khối anh theo đuổi, kiểu như si mê dữ lắm. Cũng có vài anh ngỏ lời cầu hôn, chọn ngày lành tháng tốt để người lớn sang nói chuyện. Nhưng lúc ấy, nó như đang đứng trên mây nên không nhìn thấy ánh sáng của đời mình. Rồi khi ánh sáng ấy lịm tắt, từng người lần lượt ra đi, nó lại cuống cuồng nắm níu, thậm chí đứng cả tiếng đồng hồ trước nhà người ta và còn đòi ngủ lại qua đêm. Nàng nghe thế, bất ngờ đến nỗi suýt rớt khỏi ghế sofa êm ái của nhà nó. Nàng lắp bắp: “Ôi, sao mày… dại trai thế! Con gái ai lại làm thế, chúng nó coi thường cho”. Con bạn nàng lại sụt sùi: “Kệ, coi thường cũng không sao cả, miễn chịu cưới là tao OK hết”. Nàng suýt chết giấc với cái kiểu yêu mù quáng của nó. Đời này, sao lại có kẻ điên tình thế nhỉ?

Con bạn bảo, hàng nó sắp quá date rồi, nó thuộc dạng “ế vì quá bề thế”. Ba mươi tuổi đã là giám đốc nhãn hàng của một tập đoàn mỹ phẩm lừng danh, chỉ cần chỉ tay tám ngón là có cả đống nhân viên khúm núm vâng lệnh răm rắp. Uy quyền như thế mà lại phải đi van vỉ tình yêu của một thằng trai nào đó, nghịch lý, bất công! Thế mà con bạn vẫn lao đầu vào yêu không biết mệt. Một tháng thất tình không biết bao ngày, đôi khi lại thất tình cùng lúc dăm ba anh chàng khỉ gió nào đó. Nó còn biện minh, tao như vậy là nhất rồi, còn hơn khối đứa ế quá đành phải cặp với đàn ông có vợ. Ờ, thôi thì, coi như con bạn nàng vẫn còn biết sống đúng với bản chất và bản năng của nó. Nàng cũng phải mừng cho nó, cớ gì phải so đo thiệt hơn với nó, nhỉ?

hoavan_truyen

Mới mấy hôm trước, nàng vừa giận chồng vì cái tội anh đi nhậu về khuya. Khi mới cưới, cứ mỗi lần không vừa ý điều gì thì nàng lại ầm lên. Từ khi có con, nàng lại mắc thêm cái tật lười nói khi giận hờn. Có khi đến năm bảy hôm nàng chẳng buồn nói chuyện với chồng, anh hỏi thì nàng chỉ ừ hử cho qua chuyện mặc dù cơm canh vẫn lo đầy đủ. Đàn bà, nhất là đàn bà có con, hình như mỗi lần buồn là buồn sâu tận đáy, cứ ghim gút vào lòng khó mà gột rửa được. Nhiều người bảo đôi mắt nàng đẹp nhưng dễ khiến người khác chết chìm trong biển buồn.

Chồng nàng vẫn đưa tiền về hàng tháng đều đặn, vẫn chở vợ con ăn kem, cà-phê cuối tuần, vẫn sẵn lòng đi chợ, nấu ăn nhưng khi ra ngoài thì lại chẳng nhớ gì đến hai mẹ con nàng nữa. Chồng có thể nhậu đến nửa khuya, nói chuyện Đông chuyện Tây không biết mệt với cái lý do cũ rích là tiếp khách, bàn chuyện làm ăn. Chồng không hề biết nàng ở nhà lo lắng thế nào. Có lần giận quá, nàng bảo: “Hay chúng mình đường ai nấy đi, em đã quá mệt mỏi với cuộc sống như thế này rồi”. Chẳng thấy anh phản ứng gì, dường như chồng biết lỗi. Nàng lại cho qua, rồi tình trạng ấy lặp lại nhiều đến nỗi nàng chẳng thể nhớ đã bao nhiêu lần mình đòi chia tay.

Nàng vẫn còn giận chồng, nên mở miệng nhờ vả lúc này sao khó khăn quá. Nhìn điệu bộ ấp úng, chồng đoán ngay: “Công ty không cho mang con theo à?”. Không hiểu sao, nàng gật đầu. Chồng nói nhỏ, sợ con bé nghe thấy: “Vậy để anh chở con về nội ngủ, chứ ở đây, đi ra đi vô không thấy em, nó khóc cho coi”. Nàng bất ngờ trước thái độ của chồng, khác với hình dung của nàng là chồng sẽ giãy nảy lên, không chịu giữ con. Nàng nhìn vào mắt chồng, chừng như chưa tin lắm: “Có được không?”. Chồng cười: “Sao lại không?” rồi bật hẹn giờ dậy sớm đưa con bé đi học.

Chuyến đi khởi hành vào sáng sớm thứ Sáu. Tối đó, chồng dặn nàng lúc đi phải nhẹ nhàng kẻo con bé thức dậy thì hỏng. Suốt đêm ấy, sau khi sửa soạn hành lý xong, nằm bên cạnh chồng, nàng vẫn không hiểu tại sao hôm nay chồng lại tốt tính đến thế. Rồi nàng lại nghĩ vẩn vơ có hơi hướm tiêu cực, hay là ổng nhân dịp này mang con về gửi nội, rồi bù khú với bạn bè. Không được, nàng phải gọi về kiểm tra thường xuyên, léng phéng là chết với nàng.

hoavan_truyen

Điểm đến là một resort 5 sao cao cấp. Quăng mình lên chiếc giường nệm trắng muốt êm ái, nhìn qua cửa kính thông ra biển, bao mệt mỏi tan biến. Những bức tường của khách sạn đều được lắp bằng kính trong suốt, mọi thứ trở nên tuyệt hảo. Nàng mở tung cửa, gió hắt từ biển vào mát lạnh. Nhóm hoạt náo viên của công ty du lịch vác loa ra biển, rống riết kêu gào mọi người tập trung để chơi những trò chơi tập thể. Nàng lúng túng thay quần soọc và áo sát nách, con bé cùng phòng xuýt xoa nhìn cặp giò trắng thẳng tắp của nàng: “Ôi chao, chị thế này thì đố ai biết đã là gái có con, vẫn còn ngon lắm đấy”. Nàng hơi ngượng khi bị lôi ra đám đông: “Hôm nay phải “xõa” hết cỡ nha bà chị!”. Nàng thở ra một hơi, tự nhủ, hôm nay là ngày của mình, tự tin lên nào!

Nàng thoáng ngạc nhiên khi mình vẫn còn đủ “lửa” cùng nhóm hoàn thành xuất sắc những trò chơi “bựa như con cá ngựa” của mấy gã hoạt náo bày ra. Tối hôm ấy, sau tiệc nướng là hát hò và nhảy nhót tưng bừng. Nàng cầm lon bia, chậm rãi thưởng thức từng ngụm tê đầu lưỡi. Đã lâu rồi nàng sống “chay”, không tiệc tùng, bia bọt và ca hát gì sất. Nàng tản bộ ra biển một mình, điện thoại reo, giọng con bé sụt sùi: “Sao hồi sáng mẹ đi mà không nói con?”. Nàng chữa cháy: “À, mẹ xin lỗi, con đang ngủ nên mẹ không nói được”. Tiếng chồng nàng át tiếng thút thít của con: “Thôi, chút ngủ với ba, nay mai mẹ về mua quà cho con nghen” rồi vội vàng cúp máy, chắc là lo dỗ con.

Nàng bồi hồi, nhớ con đến nao lòng. Đêm hôm ấy và cả đêm hôm sau nữa, dù nệm ấm chăn êm nhưng khi nằm xuống, thiếu chồng, vắng con, nàng chẳng thể nào chợp mắt. Cái ý nghĩ muốn “hồi teen” của nàng tan như bọt sóng. Ôi, nàng đa đoan quá chăng?

Nàng trở về với một thùng hải sản tươi ngon biếu hai bên nội ngoại. Những đứa độc thân nhìn nàng tay xách nách mang mà ngao ngán: “Có gia đình mệt quá hả chị, đi đâu về cũng phải quà cáp”. Nàng chỉ mỉm cười. Bọn chúng không biết rằng, có khối người thèm được lỉnh kỉnh như thế mà không được. Những con ghẹ nàng mang về, chồng tấm tắc khen tươi ngon. Con bé mừng suýt khóc sau mấy ngày vắng mẹ. Nàng hôn con, hít lấy hít để mùi da thịt con, thấy mình như vừa được hồi sinh.

Con bạn thân hồ hởi khoe đã có một anh chàng chịu “chui vào rọ” cùng nó. Nó rủ nàng đi bar ăn mừng nó sắp từ giã đời độc thân. Có lẽ đây là lần cuối, để tiễn đưa những nỗi niềm và dang tay đón những hân hoan cuộc đời vừa mở ra phía trước.

Truyện ngắn của Trần Huyền Trang – Theo Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua