Huế nhớ như in ngày sinh thằng Tộ. Đón nó từ tay bà đỡ, nước mắt Huế ngắn dài. Má Huế nhìn, mắt bà cũng ngấn lệ theo, mừng vì mẹ tròn con vuông, tủi vì thằng nhỏ, rồi sau này cả đời nó sẽ nghe người ta rêu rao, má mày ngủ lang mà sinh ra mày. Bà sợ giùm thằng nhỏ một thì sợ cho Huế mười. Phận đàn bà, vậy là hết. Cứ ru rú ở cái xứ này thì hết thật, chỉ còn nước bỏ xứ mà đi thì may ra vớt vát phần nào, bà nói với Huế vậy. Nhưng còn thằng Tộ, bỏ nó cho ai, má già rồi, cực chẳng đã. Vậy rồi Huế đi, dắt theo cả thằng Tộ. Má Huế đứng bên này với qua: “Khổ quá thì về với má nghen con”. Bến sông phăng phắc, tiếng nước gợn lên không đủ xua đi cảnh chiều tàn hôm đó.
Mấy ngày đầu lên thành phố ở trọ, ăn uống kham khổ, sữa mẹ không đủ, thằng nhỏ khát bầu sữa mẹ khóc ré suốt đêm. Bà chủ nhà trọ đôi ba lần gõ cửa: “Không biết dỗ con thì đẻ nó ra chi, để nó có cơ may đầu thai vào nhà nào có của ăn của để cho nó sướng cái phận làm người”.
Huế im lặng, chẳng lẽ lại đi trả treo với người đáng tuổi má mình. Đúng là người đời, có biết gì đâu mà buông lời cay đắng. Bộ tưởng Huế muốn như thế lắm sao, nếu ngày đó má Huế không ngăn, chắc giờ này mộ cô xanh cỏ từ lâu lắm rồi, chứ đâu phải đi lang bạt trong cái xó xỉnh này.
Giờ nhìn cô giống một kẻ đi chạy trốn số phận hơn là người đi tìm cho mình một cuộc sống mới. Nếu không vì má, không vì cái thai đã nhu nhú trên người, Huế đã chẳng tiếc cái thân mình. Càng nghĩ, càng thương cho số kiếp mình, Huế lại càng hận kẻ bạc tình đã đẩy đời cô vào ngõ cụt như ngày hôm nay. Giá ngày đó cô sớm nhận ra. Giá đêm đó tay Huế giữ chặt đôi bàn tay thô ráp đã mân mê bầu ngực tròn đầy của cô. Giá như ngày đó… Huế nằm và tiếc.
Thằng Tộ được hơn một tuổi, Huế gửi nó cho người phụ nữ góa chồng gần khu nhà trọ, còn mình thì ra phố, kiếm công việc nuôi sống má con cô qua ngày. Bằng cấp không có, nhan sắc thì không còn, cô đành xin phụ bán hàng trong chợ. Thôi thì có việc là làm, chứ kén chọn với Huế lúc này chỉ có nước bế con ra đường ăn mày, số phận đưa đẩy thì mình chấp nhận đẩy đưa.
Cùng là đàn bà với nhau, Huế thu dọn đồ đạc, sẵn sàng cho hành trình trở về, để đối diện sự thật, để chuộc lại lỗi lầm và tìm kiếm hy vọng còn sót lại
Quán cà-phê gần khu trọ treo bảng tuyển người. Huế đánh liều vô hỏi. Người đàn bà mặc chiếc đầm xẻ ống, khoét sâu vòm ngực căng đầy nhìn Huế từ đầu tới chân rồi gật đầu, lương chỉ hai triệu rưỡi, khách boa thêm thì cộng vào cuối tháng chia nhau, ưng thì mai làm. Huế bấm đầu ngón tay, lương ít hơn chỗ làm hiện tại bảy trăm, nhưng được ngồi máy lạnh, gần nhà dễ chăm con. Huế gật đầu, người đàn bà đưa cô bộ đầm bảo vào trong ướm thử, uốn éo một vòng rồi bấm tay nghe rôm rốp kêu Huế mai nhớ đúng giờ.
Quán đông khách lúc chạng vạng, chỉ đàn ông tới, kẻ sang như ông hoàng, người nức mùi nước hoa, kẻ râu ria lởm chởm, áo ướt đẫm mồ hôi chua lòm. Mấy bữa đầu Huế được giao nhiệm vụ ngồi bàn ngoài chào khách. Họ đến, đánh mắt vào chỗ khoét sâu hoắm ở vùng ngực, kẻ lại hứng thú với cặp giò trắng nuột, như thể muốn nhào vô nuốt chửng. Bà góa khu nhà trọ ngồi nghe Huế kể mỗi đêm về, tay bà vẫn phe phẩy chiếc quạt nan xua muỗi cho thằng Tộ ngủ. Chiếc radio cũ mèm rò rò những bản cải lương nghe não nề giữa không gian tĩnh mịch của xóm trọ. Huế bước ra khỏi phòng, bà góa khe khẽ thở dài, thương gì đâu phận đàn bà dở dang bến đỗ.
Quán tuyển nhân viên mới, thế chỗ Huế đang làm. Bà chủ gọi cô vào, giọng ngọt như mía.
– Mấy nay làm ở đây chắc em cũng biết quy luật tồn tại của quán Thúy Hường rồi. Từ mai có người thế chỗ em, chị nghĩ em đang nuôi con nên cũng cần tiền, đây em cầm lấy ít tiền trang trải đỡ, có người muốn giúp đỡ mẹ con em. Nhận lấy đừng phụ lòng người ta.
Nói rồi người đàn bà nhét vào tay Huế, toàn tờ polymer mới cóng, vừa hất mặt về phía người đàn ông mặc quần áo chỉn chu đang ngồi nhâm nhi ly cà-phê đặc quánh. Huế im bặt, hình dung lại gương mặt kẻ đã gieo vào lòng mình những bất hạnh. Cô đau đáu những hứa hẹn, lả lơi như dòng nước, ám ảnh như thôi miên, không để người ta tỉnh táo mà suy nghĩ. Mà lúc đó Huế như bị thôi miên thật, cái giọng nói miền ngoài lần đầu nghe lọt thỏm vào màng nhĩ cô thiếu nữ đang tuổi trăng tròn đến mộng mị, khiến cô trượt dài trong vô thức.
Người đàn ông đêm nào cũng đến, kéo Huế sang một góc riêng, hoặc một phòng riêng trong quán. Trong ánh đèn lờ mờ ấy, vỏ bọc của những kẻ mang giới tính đàn ông dù khác nhau nhưng giống nhau về bản chất. Huế chấp nhận đếm tiền nghĩa là cô đồng ý. Nhắm mắt lại, cô thấy mình lả lơi trong những mơn trớn, nhưng là chịu đựng, không có giọng nói như để thôi miên, chỉ nghèn nghẹn tiếng thở và nhịp đập.
Người phụ nữ góa chồng khu xóm trọ đã quen với việc đi sớm về khuya của Huế, thằng Tộ cũng chẳng thiết tha với bầu sữa mẹ. Nó cũng không còn khóc ré khi vắng hơi cô. Có khi đang ngủ, được mẹ ẵm trên tay nó khóc lên re ré. Huế sụt sùi dỗ: “Mẹ Huế nè. Mẹ chứ ai đâu mà con khóc”. Nhưng thằng nhỏ vẫn ngằn ngặt, chắc nó thấy lạ. Gương mặt Huế nặng lớp phấn son, thi thoảng cô còn không nhận ra mình khi đứng trước gương nữa là… huống chi thằng nhỏ. (Cùng là đàn bà với nhau)
Huế quen mùi tiền, cuộc sống đúng là không ai biết trước. Ngày má dắt Huế đi lễ chùa, có ông lão ngồi ăn xin ngay cổng phán Huế một câu xanh rờn khi cô móc túi ra mấy nghìn lẻ bố thí: “Số con sau này khổ, lang bạt, chạy trốn mỏi chân rồi cũng quay về bến đậu”. Huế chẳng hiểu gì, chỉ má cô hiểu, nhưng Huế nhớ.
Bỗng một ngày, một người phụ nữ đến tìm cô, dắt theo đứa nhỏ cũng cỡ tuổi thằng Tộ con cô hoặc nhỉnh hơn chút đỉnh. Nếu để ý kỹ mới nhận ra đứa nhỏ không nói được, nó bị tật bẩm sinh. Huế chưa bao giờ gặp người phụ nữ ấy, từ khi tới thành phố, ngoài bà chủ nhà trọ hàng tháng đảo như diều hâu qua từng phòng nhắc tiền nhà trọ, bà góa cùng dãy giữ con cho Huế thì cô chẳng tiếp xúc mà đúng hơn là quen ai.
Người phụ nữ ấy không dám nhìn thẳng vào Huế, tay vẫn cầm chiếc muỗng khuấy đều ly sinh tố đang lắng dần xuống đáy trong lúc Huế đang thắc mắc về cuộc hẹn bất ngờ này.
– Chúng ta chưa từng gặp nhau nhưng tôi biết cô và cô biết chồng tôi.
– Chồng chị? Xin lỗi, tôi thật sự không hiểu chị đang muốn nói gì, nhưng tôi chắc chắn chị nhầm tôi với một cô gái nào đó. – Huế vô cùng ngạc nhiên.
– Tôi chắc chắn là tôi không nhầm. – Nói rồi người phụ nữ lấy trong túi ra tấm hình đưa cho Huế xem.
Huế nhận tấm hình từ tay người phụ nữ. Đập ngay vào mắt cô là người đàn ông mặc quần áo chỉn chu, kế bên là người phụ nữ đang bồng đứa trẻ trên tay. Rõ ràng cô biết người đàn ông này, còn người phụ nữ kia, lẽ nào là người đang ngồi trước mặt Huế ngay lúc này. Còn thằng bé, cô nhận ra nó, chiếc áo nó mặc trong tấm hình là chiếc áo nó đang mặc ngồi trước cô. Huế nuốt nước bọt ừng ực. Tay cô run lên.
– Cô nhận ra chứ? Người đó là chồng tôi. Và hôm nay tôi hẹn cô cũng vì anh ấy. Tôi không có ý trách hay xúc phạm. Tôi đến đây gặp cô với danh nghĩa một người vợ đang cố gắng níu lại hạnh phúc gia đình đang rạn nứt và danh nghĩa người mẹ đi tìm cha cho con của mình. Tôi xin cô buông anh ấy ra, trả anh ấy về cho con của tôi. Tôi biết mình chẳng có lý gì để xin cô điều ấy, phụ nữ có mất chồng họ vẫn vững vàng ý chí, mạnh mẽ và kiêu hãnh. Nhưng con thiếu cha, nó thiếu hụt tình cảm gia đình. Nhất là với đứa bé từ nhỏ đã không bình thường như con tôi. Nếu có con, cô sẽ hiểu. Cùng là đàn bà với nhau, tôi mong cô hiểu.
Huế trở về phòng trọ, đắn đo lời người phụ nữ nói. Nhất là hình ảnh đứa bé dị tật bẩm sinh, tiếng nói ú a ú ớ của nó cứa vào lòng tự trọng tưởng như đã rữa mục trong cô tự bao giờ.
Huế bế thằng Tộ trên tay, nó còn say ngủ. Câu chuyện của người phụ nữ một lần nữa làm thức tỉnh trong đầu cô biết bao vết sẹo. Cùng là phụ nữ với nhau, không lẽ cô không đau khi nghe lời khẩn cầu. Mà cô với người đàn ông ấy có gì đâu. Cô cần tiền, anh ta cần tình, một mối quan hệ chẳng ràng buộc.
Huế kể cho người đàn bà góa chồng cùng xóm trọ. Bà không khuyên cô điều gì. Nhưng bà kể cho cô nghe câu chuyện về cô gái đi tìm cha cho con. Cô tìm hoài không thấy, rồi chính lúc tuyệt vọng nhất cô ruồng bỏ tất cả, ruồng bỏ mọi thứ thuộc về đau khổ ở lại nơi đã làm nên đau khổ. Để rồi khi tỉnh lại sau những tháng ngày trượt dài trong u mê, cô muốn trở lại nhưng không thể dừng lại.
Người đàn ông vẫn đến tìm Huế mỗi đêm. Vẫn quần áo chỉn chu và sực nức mùi nước hoa nhưng không gặp.
Mấy đêm liền Huế ngủ không ngon giấc, ôm thằng Tộ trong tay, hình ảnh đứa trẻ lay lắt gọi cha trong buổi chiều tàn nắng làm cô đau đáu. Không lẽ ông lão ăn xin cửa chùa ngày đó nói đúng? Không lẽ cô phải quay về nơi cô từng trốn chạy? Dì Năm kế nhà đánh điện nhắn Huế về, má cô bệnh nặng. Huế thu dọn đồ đạc trong đêm, sẵn sàng cho hành trình trở về, để đối diện sự thật, để chuộc lại lỗi lầm, về lại nơi duy nhất còn chút hy vọng tìm cho thằng Tộ đúng nghĩa một gia đình mà chút nữa thôi, chính tay cô sẽ để vuột mất.
Song Ninh
Tiếp Thị Gia Đình