Cường đắn đo:
– Thú thực là chuyện này làm tao hoang mang quá. Nó phi lý vô cùng vì xưa nay hễ con trai chúng mình đụng tới em nào là y như nghe thiên hạ ca điệp khúc “con gái nhà người ta”, chứ làm gì có người đẹp do không khí quản lý. Tao vẫn công nhận ý nghĩ đây là một cái bẫy nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu nó quả thực là của chùa thì vô cùng tuyệt. Vô cùng tuyệt! Cường nhắc đi nhắc lại câu đó ba lần, đủ hiểu anh biết tuyệt ra sao.
Hùng gật đầu:
– Cho nên xin nhắc lại là anh em cần thận trọng. Có thèm đến run người cũng không được làm gì bậy bạ, hãy để sau ít nhất mười ngày.
Nam rên lên:
– Mười ngày cơ à?
Hùng gắt:
– Mười ngày! Bao nhiêu năm nay chẳng có em nào, ta không chết, tại sao không nghiến răng chờ được?
Nam lắp bắp:
– Tao không phải thằng xôi thịt. Ý tao chỉ muốn nói nhỡ trong thời gian đó, nó bỏ theo bọn khác thì mình trơ mỏ.
Nguy cơ đó quá đúng khiến ba chàng hốt hoảng. Cường đưa ra ý kiến:
– Cho nên chúng mình phải canh nó suốt ngày đêm. Không lúc nào rời.
Hùng khen:
– Xuất sắc. Không lúc nào rời! Phân công nhau ra, mỗi đứa canh một buổi.
Nam giơ tay:
– Tao xung phong canh tất cả những khi nàng tắm!
Hùng gắt:
– Bậy bạ. Dù sao bọn mình cũng là đàn ông hào kiệt, không phải sinh ra để chờ con gái tắm mà nhìn. Hôm nay tao phải đi học, Nam phải đi làm, cho nên Cường canh giữ.
Cường đứng lên, chào theo kiểu quân sự:
– Báo cáo, có em.
Đúng lúc ấy thì cửa phòng tắm bật mở, cô gái hiện ra:
– Các anh làm gì thế?
Nam lúng túng:
– À, bạn này đang khen em đẹp quá.
Cô gái hỏi lập tức:
– Nếu không đẹp thì sao?
Hùng thề thốt:
– Không đẹp bọn anh cũng nuôi. Bọn anh là trai tốt mà. À, phải đặt cho em cái tên.
Cô bé ngạc nhiên:
– Tên?
– Ừ. Đó là một thứ để người ta gọi, ví dụ anh tên Hùng, anh này tên Nam, còn anh kia tên Cường. Em nhớ nhé.
– Dạ, nhớ rồi.
– Vậy em thích tên gì?
– Em không biết.
Cường reo:
– Ngày xưa có một bộ phim rất nổi danh Cô bé từ trên trời rơi xuống, nhân vật chính là Maika. Bọn anh gọi em là Maika nhé?
Cô bé gật đầu:
– Vâng ạ.
Nam tham lam:
– Tên là thế, còn họ thì sao cả hai vị? Chúng mình có nên dùng một cái họ nổi tiếng, kiểu như Tăng Thanh Maika, Hồ Ngọc Maika hay Mai Phương Maika không? Vì bộ phim kia xưa quá, chả mấy ai còn nhớ.
Hùng khoát tay:
– Đây là Maika của chúng ta, không phải của toàn xã hội. Thôi, không bàn nữa, bây giờ tao với Nam đi làm, Cường ở nhà trông em, hãy nghiêm túc và cẩn thận. Có chuyện gì xảy ra là chú sẽ mềm xương. Đó không phải là một lời đe dọa, mà là một câu nói rất nghiêm trang.
Cường hiểu. Nam có vẻ tiếc rẻ trước khi bước ra cửa:
– Anh đi nhé, bé ơi.
– Dạ.
Hùng còn Tây hơn:
– Maika, tạm biệt. Nhưng em có biết khi chia tay, nam nữ thường làm gì không?
– Dạ, không.
– Họ phải ôm nhau để chào. Anh ôm em được chứ?
– Dạ, được.
Thế là Hùng ôm. Nhưng rất nhanh và đàng hoàng, khiến hai chàng kia tức tối.
Tám giờ sáng, còn lại mình Cường với cô bé trong nhà. Cô ta giương con mắt tròn xoe nhìn khắp căn phòng sơ sài khiến chàng trai sốt ruột.
– Maika à, em có muốn ra ngoài chơi với anh không?
– Ngoài kia là cái gì?
– Là mình bước ra khỏi đây. Mình nhìn xung quanh.
Cường bắt đầu quen với kiểu hỏi ngược lại của cô bé. Và cũng bắt đầu biết cách trả lời. Anh thật lòng muốn bước ra, vì cảm thấy nếu cứ ở mãi trong phòng sẽ xảy ra nguy hiểm khi trai mới lớn sát bên gái trẻ tự do. Cường bèn dắt tay thiếu nữ:
– Đi nào.
Nhưng bước được hai bước chân, Cường vội vã lùi lại:
– Khoan đã.
Anh lấy ra một chiếc quần dài trong tủ vải:
– Em mặc cái này vào?
– Tại sao phải mặc?
Chàng trai lúng túng. Anh không muốn giải thích là tại cô bé có đôi chân tuyệt đẹp, quá nổi bật, đi bộ trong xóm sẽ gây sự chú ý. Cô bé thay quần. Và cũng giống hệt như tối hôm qua, nó cứ đứng giữa phòng làm chuyện ấy. Lòng chàng trai bừng bừng như lửa đốt, nửa quay đi nửa liếc nhìn. Sau đó anh lấy hết lương tâm và nói:
– Maika này, từ nay em phải nhớ, khi thay quần áo em phải không để ai nhìn.
– Nếu nhìn thì sao?
Cường lắp bắp:
– Thì họ có thể trở nên… không tốt.
Cô bé ngạc nhiên:
– Anh vẫn nhìn, nhưng vẫn tốt đấy thôi.
Cường bật cười:
– Tốt vừa vừa. Chưa phải tốt cao lắm đâu.
Rồi anh dắt cô ra ngoài. Nom cô rất buồn cười với cái quần của con trai và cái áo sơmi dài lụng thụng. Tuy nhiên khuôn mặt đẹp vô cùng, đẹp tới mức ai đi qua cũng ngoái lại nhìn. Sài Gòn buổi sáng mùa hè nắng vàng rực rỡ, xe cộ đi lại tấp nập, chim ríu rít trên cành. Maika trố mắt ra, thấy cái gì cũng lạ lùng:
– Anh Cường ơi, kia là gì?
– Xe ô tô.
– Tại sao nó kêu?
– Không phải kêu, nó bóp còi báo hiệu đấy.
– Thế tại sao cô gái kia không bóp còi?
– Người không bóp còi. Người nói cho nhau nghe.
– Nhưng em thấy ông kia đang vừa đi vừa nói với cục sắt?
– Không phải cục sắt đâu, điện thoại đấy.
– Điện thoại để làm gì?
– Để nói với người ở xa.
– Xa nhiều lắm à, vì thấy ai cũng gọi?
Cường lúng túng:
– Ừ. Xa nhiều lắm. Xa mà vẫn rất đông. Mới gọi là phố xa. Sau đó Cường cảm thấy nên tự giảng giải trước với cô thì hơn:
– Đây là xe máy, nó chạy bằng xăng. Đây là cửa hàng, bên trong bán đủ thứ.
– Bán là gì ạ?
– Là đưa ra một món, đổi lấy đồng tiền. Tiền là một thứ làm từ giấy.
– Có còn cái gì từ giấy nữa không anh?
– Có sách, có báo.
– Thế sao họ bán lấy tiền mà không lấy sách?
Cường nói bừa:
– Do sách không quý bằng tiền thôi.
Chàng trai hoảng quá. Cô gái này chả biết một cái gì, ngốc toàn diện. Nhưng chính vì thế, nhiều câu hỏi lại khó đáp vô cùng.
– Maika nhìn đi, chúng ta đang đi trên phố. Hai bên phố có các tòa nhà. Trong tòa nhà có con người ở. Người to sẽ ở nhà to.
Cô bé ngạc nhiên:
– To đâu? Em thấy họ giống nhau mà?
– À, nhìn bề ngoài thì giống nhưng thực ra người rất khác nhau, có đứa tốt, có đứa thông minh.
– Sao biết?
– Biết, vì xã hội có những thứ gọi là thước đo.
– Ai cũng phải đo à?
– Ừ. Nhưng cũng có một số người đo kiểu khác. Đây là ngã tư, nơi hai con đường gặp nhau. Những cái cột kia gọi là đèn xanh đèn đỏ, khi đèn xanh bật mới được đi.
– Anh Cường ơi, vẫn có người đi kia kìa.
– Cái đấy gọi là vi phạm. Vi phạm sẽ bị phạt.
– Phạt là gì?
– Là phải nộp tiền. Thay vì nộp thân mình, gọi là giam giữ. Còn đây là cửa hàng hoa. Người ta mua hoa để đưa cho ai họ yêu, gọi là tặng.
– Yêu là gì?
– Phức tạp lắm. Nhưng chủ yếu là con trai như anh thích con gái như em. Nói chung là không có tình yêu, người ta sẽ chết.
– Còn gì phải chết nữa không anh?
– Còn nhiều lắm. Thiếu tiền cũng chết, không có việc làm cũng chết, không ăn cũng chết và không tắm cũng chết luôn.
Cô gái reo:
– A, thế thì em tắm rồi.
Cường lẩm bẩm:
– Tắm mà không đóng cửa đôi khi cũng chết.
Cô gái ngạc nhiên:
– Sao em không chết?
– À, ý anh là chết kẻ đứng bên ngoài.
Còn tiếp…
Truyện ngắn của Lê Hoàng / Tiếp Thị Gia Đình