Khi người ta giàu có và quyền lực, người ta nghĩ cái gì tự nhiên sẽ thành quan trọng.
Quản lý lui. Chỉ mười phút sau, toàn bộ nhân viên trong quán bưng kem đến tất cả các bàn. Các cô gái ngạc nhiên, họ dò hỏi. Nhân viên không trả lời, chỉ nhìn Nam. Thế là các cô nhìn theo.
Nam thờ ơ nhìn lên trời. Nhưng trong lòng nổ bung như pháo hoa.
Khi đàn ông có tiền, việc đầu tiên họ làm là gì? Họ sắm xe hơi, sắm máy bay hay sắm nhà lầu. Ồ, không, các món ấy để sau. Việc đầu tiên là họ muốn các cô gái biết họ giàu. Nam cũng không ngoại lệ.
Dù khiêm tốn đến đâu, anh cũng hiểu từ nay mình là tỷ phú. Chả có tỷ phú nào dùng tiền để mua một viên kim cương to bằng quả bưởi sau đó lại trùm chăn nằm ngắm bao giờ cả. Nên anh đưa mắt nhìn kỹ trong phòng. Ở bàn thứ ba, bên trái có một cô gái rất đúng ý anh. Nàng mặc một chiếc váy hồng loại phổ thông, bán ở các cửa hàng mặt tiền trên các phố nhỏ, đi một đôi giày đế cao chắc bán ở các khu phố còn nhỏ hơn, và đang xem gì đó bằng một cái vi tính dày cộp, có khả năng sản xuất trước Công nguyên. Tất cả những thứ ấy khi bao quanh một cô gái trắng trẻo, sạch sẽ, tròn trĩnh sẽ gây cho ta một cảm xúc thân thiết diệu kỳ.
Cô ngây người nhìn ly kem của Nam tặng, đầy thích thú, tò mò không chút sợ sệt. Chắc chưa khi nào cô gặp tình huống như thế nên chả lo lắng gì. Cô vội vã xơi kem, chả hề ngại dùng cái lưỡi hồng hồng liếm cái thìa.
Nam bật cười, vẫy gọi anh bồi:
– Bưng cho cô bé kia một ly kem nữa. À, không, hai ly nhé!
Mệnh lệnh lập tức được thi hành. Thiếu nữ kinh hoàng thấy kem bỗng nhiên la liệt trước mặt. Cô kêu với bồi bàn:
– Ăn hết chỗ này, em sẽ lăn quay ra chết.
Nam đứng lên, tiến tới ngồi xuống cái ghế trước mặt cô:
– Vậy chúng ta cùng chết nhé, được không?
Cô bé ngạc nhiên:
– Anh là ai?
Nam cười:
– Là đứa con trai ăn kem một mình muốn ngồi với đứa con gái ăn kem cũng một mình.
Xưa nay anh vẫn tin chắc bản thân là kẻ xấu trai và ăn nói kém và tin rằng điều ấy bẩm sinh. Nhưng từ lúc có một tỷ đồng trong túi, Nam phát hiện ra mình đẹp và ăn nói thông minh. Chả biết tiền có mang lại hạnh phúc hay không, nhưng chắc chắn mang lại sự duyên dáng.
Thiếu nữ bật cười, hỏi một câu vô cùng thẳng thắn và trẻ con:
– Tiền ở đâu mà anh có nhiều thế?
Nam hóm hỉnh:
– Làm báo.
Câu này hoàn toàn không sai. Viết báo là nhà báo. Còn lãnh đạo báo, điều khiển báo, ra lệnh cho báo, kinh doanh báo, nói báo phải cư xử thế nào gọi là làm báo chứ còn gì nữa
Thiếu nữ reo:
– Em đang đọc tin tức, thấy cả xã hội xôn xao về mấy cuốn tạp chí có bìa tự nhiên biết nói. Anh ở báo có biết việc này không?
Nam gật đầu:
– Biết chứ. Theo anh thì nói như vậy còn quá ít và quá chậm. Đáng lẽ các tấm hình ấy phải cất tiếng lâu rồi.
Cô gái kêu, như tất cả mọi kẻ khác đang kêu:
– Nhưng anh ơi, tại sao các tấm hình nói được?
Nam nhún vai:
– Hình là người. Người đúng ra phải nói được trong mọi hoàn cảnh.
Rồi Nam chuyển hướng. Suy cho cùng anh tới đây để gặp gái đẹp chứ không phải để bàn về những vấn đề của loài người em ạ:
– Em tên là gì? Em làm nghề gì?
– Dạ, em tên Ngọc Mai. Em là sinh viên và em mơ được nổi tiếng.
Đúng quá đi mất. Mọi con người bình thường đều mơ nổi tiếng.
Chỉ có những đứa tầm thường mới mơ áo cơm. Nam khoan khoái gật đầu:
– Xuất sắc đấy. Em sẽ nổi tiếng cực nhanh.
Thiếu nữ ngẩng ra:
– Tại sao được như vậy ạ?
Nam búng tay vào mũi của nàng:
– Tại vì có anh giúp.
Cô bé reo lên:
– Giúp bằng cách nào?
Nam rút điện thoại ra và giật mình thấy nó được chế tạo từ cách đây hai thế kỷ. Anh bèn rút hai chục triệu, vẫy anh bồi:
– Cậu chạy ra cửa hàng thế giới di động đầu đường kia, mua cho tôi một chiếc iPhone hoặc một chiếc Samsung đời mới nhất, sao cũng được, đem về đây và cứ giữ lại tiền thừa.
Anh bồi vội vã phi như bay khác nào mọc hai cánh ở chân. Rồi Nam giảng giải:
– Anh sẽ dùng điện thoại chụp hình em gửi đến cho một tạp chí. Họ sẽ lập tức đăng một bài ca ngợi trên trang chủ.
Thiếu nữ la làng:
– Đâu có được. Họ biết em là ai?
Nam vươn vai:
– Nhưng anh biết.
Cô gái lắc đầu:
– Nhưng anh cũng mới gặp em thôi mà.
Nam khề khà:
– Mới gặp nhưng anh thích. Mà anh thích thì báo chí phải nghe.
Thật là một thứ lý luận xấu xa, cùn và trịch thượng. Nhưng khi người ta bao nhiêu năm sống trong thiếu thốn, trong cay đắng và thất vọng, người ta bất ngờ trở nên có quyền lực, thì rất dễ trịch thượng, xấu xa và cùn.
Ngọc Mai hỏi tiếp:
– Anh làm nghề gì? Bố anh là ai?
Khi một chàng trai trẻ thế này mà hống hách như thế, thường chỉ hống hách thay cho bố mà thôi. Cả thành phố mọi người đều biết điều đó.
Nam đành vội trả lời qua loa:
– Anh là Trời. Trời không có bố.
Còn gì chính xác hơn điều ấy nữa. Khi chúng ta tuyệt vọng quá hoặc hạnh phúc quá, chúng ta đều kêu: Trời ơi! Chưa có một ai, chưa ở nơi nào có cá nhân kêu: Bố trời ơi cả. Nghĩa là Trời tối cao. Tột đỉnh. Độc thân vui tính.
Điện thoại mới đã được mang về. Nam rút nó ra, chụp vài tấm hình của thiếu nữ khi nàng ngồi ngay trong quán. Cô gái than thở:
– Xấu quá!
Chàng trai an ủi:
– Yên tâm đi. Tạp chí nào cũng có chuyên viên photoshop kia mà.
Rồi anh đưa tấm hình ấy vào cái vi tính cũ của nàng, viết một vài dòng ở dưới như sau:
– Kính gửi ông Tổng biên tập tạp chí Model.
Xin ông tức khắc đưa hình thiếu nữ này lên trang chủ. Nhớ chỉnh sửa cho đẹp tối đa. Rồi đăng một bài ở dưới như sau:
“Đây là một thiếu nữ đang ngồi trong quán cà-phê như hàng triệu cô gái ở Sài Gòn. Nàng tên là Ngọc Mai.
Ngọc Mai không phải người mẫu, không phải hoa hậu, không phải diễn viên mà cũng không là ca sĩ. Nàng chỉ là một cô sinh viên sắp ra trường, lo lắng không có việc làm, lo lắng không làm quen được với một chàng trai tốt và trên hết lo lắng một cuộc sống đầy vất vả trước mắt.
Nhưng đó mới chính là những con người mà Model cần miêu tả, cần theo dõi, cần phản ánh tâm tư. Từ giờ phút này trở đi, Model sẽ vĩnh biệt với những cô nàng cho rằng thứ lao động đáng giá duy nhất là lao động để tìm danh vọng. Model sẽ vĩnh biệt với những bộ đồ được chế tạo từ bên Ý, sẽ từ bỏ những kẻ mặc quần áo thuê cho các nhà thiết kế nhưng lại phát biểu đó là cảm xúc của mình. Model rời xa các căn phố trung tâm và đi vào chợ, nguyện tìm ra những vẻ đẹp dân gian”.
Xin ông Tony Trần đăng bài này cùng ảnh cô ta, và tôi muốn thấy mười phút nữa nó có trên mạng. Cám ơn ông rất nhiều.
Nam”.
Anh bấm nút gửi đi, và xóa không cho thiếu nữ kịp đọc.
Cô gái đang tận dụng thời gian rỗi để mải miết ăn kem. Sẽ chả ai ngạc nhiên nếu như đêm nay về nàng viêm họng. Đâu phải cô gái nào cũng được viêm họng vì kem đắt tiền nhất thế giới, nhập khẩu từ Na Uy.
Thấy chàng trai dừng thao tác, cô hỏi:
– Tại sao anh lại giúp em hả Trời?
Phải mất tới ba phút, Nam mới hiểu Trời chính là anh. Anh bèn trả lời:
– Chả lẽ anh lại giúp Mai Phương Thúy, Hồ Ngọc Hà hay Tăng Thanh Hà? Cũng phải có ai đó quan tâm tới các thiếu nữ vô danh như em chứ. Đúng không nào, Ngọc Mai?
Còn tiếp…
Truyện ngắn của Lê Hoàng
Tiếp Thị Gia Đình
ĐẠO DIỄN LÊ HOÀNG
♦ Đạo diễn Lê Hoàng sinh tại Hà Nội. Anh được biết đến từ những năm 1990 với vai trò đạo diễn cho các bộ phim mang tính nghệ thuật như Ai xuôi vạn lý, Lưỡi dao. Tuy nhiên, bộ phim giải trí Gái nhảy mới thực sự giúp anh trở nên nổi tiếng. Ngoài vai trò đạo diễn, anh còn viết báo với bút danh Lê Thị Liên Hoan và làm giám khảo cho nhiều cuộc thi. Hiện anh sống và làm việc tại TP. HCM.