Chị xoa xoa cái bụng bầu, đi đi lại lại trước mặt mẹ chồng, mỉm cười mãn nguyện. Dù không nhìn nhưng chị biết, đôi mắt mẹ chồng tối sầm lại trong cơn tức giận phải cố gắng lắm mới kiềm chế được. Dù có tức tối đến đâu, vì thanh danh của gia đình, nhất định bà sẽ không để lộ cho người ngoài thấy. Bà đứng dậy, hậm hực:
– Cô đừng quên cô xuất thân từ đâu. Nhờ ai mà cô mới có cuộc sống đầy đủ thế này.
Chị đáp lại mẹ chồng một cách hết sức lễ phép:
– Con cảm ơn mẹ đã nhắc nhở. Con làm sao quên được con là đứa nhà quê, được mẹ ưu ái lựa chọn.
Mẹ chồng tức tối nhưng không nói thêm gì, bỏ lên gác.
Còn lại một mình, chị mệt mỏi ngồi xuống ghế. Chẳng cần mẹ chồng nhắc thì suốt đời chị cũng không quên nơi chị sinh ra, hoàn cảnh nghèo khó khiến chị bước chân về làm dâu gia đình giàu có và quyền thế này.
Đứa con trong bụng khẽ đạp. Chị đưa tay xoa bụng, thầm thì với con:
– Mẹ đánh đổi tất cả để có con. Con phải chào đời thật mạnh khỏe, phải để cho họ thấy mẹ không phải là người đàn bà không biết đẻ.
Ngày ấy, chị là cô thôn nữ khỏe mạnh, chăm chỉ và xinh đẹp nhất vùng. Chẳng thế mà người đàn bà sang trọng, quyền quý là mẹ chồng chị bây giờ đã ưng chị ngay từ lần gặp đầu tiên. Bà bảo thẳng, tướng chị lẳn như cá trắm, ngực nở, mông nở, chắc chắn mắn đẻ. Bà chẳng cần gì hơn, nhà bà giàu có, quyền thế, tiền của chẳng thiếu nhưng lại có mỗi đứa con trai. Chỉ cần chị đẻ cho bà đứa cháu đích tôn nối dõi tông đường là được. Một sự trao đổi diễn ra. Chị chấp nhận lấy con trai độc nhất của bà, bù lại, gia đình chị sẽ nhận được một món tiền mà cả đời có nằm mơ cũng không có được để làm ăn, sinh sống. Ngày cưới, chị còn nhìn thấy chàng trai làng từng hẹn hò đứng thẫn thờ nhìn theo. Chị và anh đã hẹn ước chuyện cau trầu, đã mơ về ngôi nhà nhỏ với tiếng cười trẻ thơ.
Cũng may, chồng chị là một người đàn ông mạnh khỏe, bình thường, không có dấu hiệu bệnh tật như các cuộc trao đổi hôn nhân giữa những gia đình giàu có mà chị thường nghe kể. Anh hoàn toàn bình thường, là nhân viên trong một công ty nhà nước. Thậm chí, chồng chị khá đẹp trai, lãng tử và nam tính với hàm râu quai nón. Vậy mà không hiểu sao mẹ anh rồi cả anh lại đồng ý chọn một đứa con gái quê mùa, nghèo khó như chị. Chắc mẹ chồng nghĩ quê mùa chân chất sẽ dễ dạy dỗ, bảo ban hơn chăng?
Sự thật không chỉ có vậy. Đêm tân hôn, chị hồi hộp, chờ đợi. Chị không yêu chồng, nhưng chị cũng như bao cô dâu khác, cũng có những khát khao của tuổi thanh xuân. Trái với sự hồi hộp của chị, người chồng vẫn vô tư nằm ngủ, tựa hồ như không có cô dâu mới bên cạnh. Đêm ấy, nước mắt chị ướt đầm chiếc gối cưới.
Hai năm sau ngày cưới, chị vẫn còn là gái trinh. Chồng chị không có chút xúc cảm gì với chị. Mẹ chồng mong mỏi có cháu, lúc đầu còn bóng gió, sau thì thẳng thừng nói thẳng vào mặt chị là đồ không biết đẻ. Cay nghiệt hơn, mỗi lần có khách, bà lại lôi chuyện chị không biết đẻ để đay nghiến:
– Rõ nhà tôi rước phải loại con dâu vô phúc, có mỗi việc ăn với đẻ cũng không nên thân.
Đến khi chị có bầu, bà lồng lộn lên hỏi chị cái thai là của ai, chị trốn chúa lộn chồng, nhà bà không chứa chấp loại lăng loàn mất nết thì chị mới biết bà rõ bệnh tình của con trai hơn ai hết.
Thì ra hồi nhỏ anh ta bị quai bị, biến chứng đến mức không còn khả năng làm cha.
Bà nghĩ còn nước còn tát nên về quê kiếm cho anh một cô gái khỏe mạnh, có tướng mắn đẻ, biết đâu may mắn kiếm được đứa con.
Vậy mà suốt mấy năm trời, bà cứ đổ vấy cho chị.
Bao nhiêu uất hận tích tụ bầm tím ruột gan, chị thủng thẳng nói lại hết sức nhỏ nhẹ:
– Mẹ nói gì hay vậy? Người ngoài nghe thấy lại tưởng con là đứa trắc nết không ra gì. Đứa con này là con của chồng con chứ ai. Mẹ vẫn chửi con là không biết đẻ, nay con mang thai với chồng, mẹ lại đổ cho con lang chạ ở đâu.
Mẹ chồng nghe chị nói, uất quá mà không nói được tiếng nào. Phản đối chị hóa ra lại phơi bày cho mọi người biết con bà bất lực.
Chồng chị không nói gì. Anh hiểu nỗi khao khát của chị. Con người chứ có phải gỗ đá đâu mà lấy chồng bao nhiêu năm, rốt cuộc vẫn là gái trinh. Anh biết ngoài nỗi khao khát thể xác, chị còn khao khát được làm mẹ.
Khi biết chị có bầu, cơn giận dữ bùng lên khiến anh muốn tung hê tất cả, nhưng rồi bình tĩnh lại, anh nghĩ anh không thể có con thì nuôi con của chị. Đằng nào cá vào ao mình cũng là cá của mình.
Thái độ của anh khiến chị day dứt đôi chút, nhưng điều ấy nhanh chóng bị cơn oán giận lấn át. Chị giận mẹ anh một thì hận anh mười. Anh biết bản thân mình như thế, ngay từ đầu còn nghe theo sự sắp đặt của mẹ anh để kéo chị vào bi kịch, bất hạnh của anh. Chị quên mất rằng chính chị là người đồng ý cuộc hôn nhân không tình yêu để lấy tiền cho gia đình. Từ một cô gái quê hiền lành, chị trở nên cay nghiệt. Trong lòng chị chỉ có ý muốn phản kháng lại bà mẹ chồng cay độc, người chồng đẩy chị vào cảnh có chồng cũng như không. Chị muốn giẫm đạp tất cả, để cho người nhà chồng phải sống trong uất hận mà không thể nói ra.
Chị gặp lại người yêu cũ trong một lần đi chợ. Anh ra thành phố làm thuê. Gặp lại anh, một toan tính bùng lên trong lòng chị. Khi chị nói ra ý định của mình, anh nhìn chị kinh ngạc rồi khinh bỉ. Anh vẫn nghĩ vì gia cảnh khó khăn, chị phải hy sinh tình yêu. Nhưng con người chị khác nhiều quá. Cô thôn nữ chân chất xưa đã bị đồng tiền làm cho mờ mắt, sẵn sàng làm mọi thứ để đạt được mục đích.
Chị bình thản đón nhận cái nhìn của anh, cười nhạt:
– Chính họ chứ không ai khác đẩy em vào con đường này. Họ đã làm tuổi xuân của em mòn mỏi, tàn úa. Em chỉ lấy cái em đáng được nhận. Nếu anh giúp em, con của chúng ta sẽ không phải khổ như bố mẹ nó.
Người ta bảo tình cũ không rủ cũng tới. Những giọt nước mắt tỉ tê của chị đã khiến anh xiêu lòng. Anh như một kẻ nô lệ, nhất nhất nghe theo lời chị. Họ gặp nhau lén lút, thậm thụt. Có lúc, anh bảo:
– Việc gì phải lén lút thế này. Em bỏ quách nó đi. Bây giờ anh có thể nuôi em được rồi.
Chị cười:
– Em biết anh nuôi được em, nhưng sự giàu sang thì anh không mang lại được. Em nghĩ cho con chúng ta thôi.
Niềm hạnh phúc khiến anh mụ mị không còn nghĩ được bất cứ điều gì. Kể cả khi chị bảo để bảo vệ con, anh nên về quê sống. Tốt hơn hết, anh nên lấy vợ để tránh lời dị nghị, điều tiếng cho con sau này.
Chị pha một ly sữa, cố nhắm mắt uống. Mẹ chồng ỡm ờ:
– Cô đừng tưởng có thể chiếm được gia sản nhà này.
– Sao mẹ nói là chiếm? Đây là cháu mẹ, nó có quyền hưởng chứ ạ.
Mẹ chồng nhìn chị bằng ánh mắt giận dữ:
– Con ai thì cô là người biết rõ nhất.
Chị cười:
– Sao mẹ không tin con nhỉ? Hay mẹ hỏi chồng con xem.
Mẹ chồng phẩy tay ra chiều không thèm đôi co. Chị vào phòng nằm.
Anh nghe lời chị đã về quê lấy vợ. Vợ anh là người cùng làng. Đó cũng là một cô gái hiền lành, tháo vát. Dẫu có chút hờn ghen, chị vẫn chúc anh hạnh phúc. Chị rất muốn giữ anh cho riêng mình, nhưng để bảo vệ con, chị không còn cách nào khác. Chỉ khi anh có gia đình riêng, có những đứa con riêng, anh sẽ bận bịu lo cho gia đình nhỏ của mình mà quên chị và đứa con này.
Chồng chị đã dọn sang phòng riêng từ khi chị có bầu. Chị tưởng anh sẽ tung hê lên, thậm chí đánh đập rồi đuổi chị đi khỏi nhà, nhưng anh im lặng. Im lặng trước cả những lời đay nghiến của mẹ. Duy nhất một lần, anh bảo chị:
– Tôi cũng là người có lỗi…
Chị trở dạ sinh khi những cơn gió mùa đông thổi về lạnh lẽo. Một đứa con trai khỏe mạnh. Mẹ chồng sợ thiên hạ biết chuyện dị nghị cũng có mặt lúc chị chuyển dạ. Người chồng lặng lẽ đón đứa trẻ, không biểu lộ chút cảm xúc.
Ngày ra viện, chị thấy chồng trồng một cây gấc trong góc vườn. Chị nhớ, người già trong làng bảo nếu bị bệnh quai bị, dùng lá gấc sẽ khỏi mà còn tránh được di chứng vô sinh.
Chị quyết định bế con rời khỏi nhà trong một chiều đông ảm đạm. Mùa đông ít khi có mưa mà hôm ấy, một cơn mưa bất chợt đổ xuống làm cái lạnh càng thêm tê tái. Chị tin, mưa là khởi đầu cho một sự sinh sôi mới, dẫu đó là một cơn mưa mùa đông lạnh lẽo.
Mục Truyện ngắn/Tiếp Thị Gia Đình