Khi bé Tép nâng niu ẵm nó trên tay thì đó chỉ là một con mèo hen nhỏ xíu, lông thưa thớt. Ở đâu ra cái thứ mèo xấu xí thế không biết! Chị thoáng liếc qua, không khỏi khó chịu. Chẳng qua bé Tép thích quá, năn nỉ ngọt ngào nên chị đành phải nhượng bộ, coi như chiều con đi. Hy vọng nuôi một con mèo cũng không đến nỗi phức tạp.
Thấy vậy mà không phải vậy. Nó ị bậy ra toilet. Đúng là toilet thì để ị, nhưng con mèo đâu biết… lật nắp bồn cầu lên mà ngồi. Nó nhè đầy ra sàn, trong góc kẹt, lên những cái bàn chải lớn nhỏ mà chị đã xếp ngay ngắn. Mọi thứ trong nhà xáo trộn tung tóe vì một con mèo. Thiên hạ nói, giấu như mèo giấu cứt, sao con mèo này lại không biết… câu nói ấy, cứ xù xù cái mùi chua loét. Thật dễ làm cho người ta vốn đã mệt mỏi bởi bao thứ lo toan, thêm ức chế.
Thế nhưng bé Tép yêu con vật đó theo một cách thật đặc biệt. Thứ tình yêu mà chị ngấm ngầm nghĩ mình là mẹ mà còn chưa có dịp nếm trải. Con bé chăm ăn, chăm ngủ, chăm buồn, chăm vui. Chị đi làm về, trời mưa như trút, chưa kịp thay quần áo ướt, đã thấy Tép nhào ra hỏi:
– Mẹ thấy bé mèo ngủ chưa, có nằm lên cái mền con trải sẵn không mẹ?
– Mẹ không để ý. Con không thấy mẹ mắc mưa sao?
– Con sợ bé mèo bị lạnh.
Câu trả lời không ăn nhập gì làm chị bực. Một đứa con gái bảy tuổi sao có thể thờ ơ với mẹ đến thế cơ chứ! Hay bởi những bận rộn mỗi ngày đã làm chị xa cách con, còn con mèo nhỏ đáng ghét kia, chỉ mỗi việc ăn rồi ngủ đã tranh thủ được tình cảm của bé Tép hơn cả người đã sinh và nuôi lớn Tép?
“Nhà ở thành phố, lấy đâu ra tro ra bụi kia chứ” – đó là câu cằn nhằn của chồng dành cho chị, khi chị vừa thu dọn mấy bãi chiến trường của con mèo vừa nói: “Nuôi nó trong nhà chỉ tổ thêm phiền. Thứ mèo lúc nào cũng quẩn quanh, nịnh bợ, ưỡn ẹo, xấu xa như mấy kẻ thứ ba chuyên phá hoại gia đình người khác”. Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta bảo đàn ông có bồ thì gọi là “nuôi mèo” đó sao?
Con mèo mới đó mà đã ra dáng một ả mèo ướt át. Bộ lông đã thoát khỏi cái vẻ lơ xơ cũ. Ả đâu có phải đi làm, về nhà đâu có đầu tắt mặt tối như chị, lại chẳng phải lo âu khi nhìn thấy mấy cái tin nhắn đầy quan tâm chồng dành cho một cô đồng nghiệp trẻ: “Em về tới nhà thì nhắn anh biết để yên tâm nhé”. Những dịu ngọt mà dường như đã lâu lắm rồi chị không còn nhận được từ chồng. Ngay cả bé Tép cũng chỉ thích quanh quẩn với mèo, với cá, với cái ti-vi và những cuốn Doraemon. Chỉ có chị, quẩn quanh, cáu gắt, lơ mơ như chong chóng giữa việc công ty với việc nhà, với sự thờ ơ của con gái và một anh chồng thà bênh vực mèo còn hơn là đồng cảm với vợ.
Anh đi làm về, mở lồng bàn, nhìn một cái. Qua kệ bát lấy đôi đũa, gắp miếng cá khô chiên, mang bỏ xuống cái đĩa cho mèo.
– Nuôi con mèo đó chả được tích sự gì.
– Con nó thích. Sao em cái gì cũng càm ràm khó chịu vậy?
Dường như chồng, con gái và con mèo bỗng dưng đứng về một phía. Phía bên kia, chị cô độc một mình, trăn trở với ý nghĩ, mình già quá rồi nên không thấy thương loài vật, chẳng biết dịu dàng chia sẻ, không có khả năng lay động lòng người nữa rồi. Chị từng thủ thỉ với con về những bất tiện do con mèo mang lại, ngay cả khi anh đã tậu thêm cái lồng mèo bằng sắt to tướng, chiếm một khoảng không gian chẳng mấy khiêm tốn trong căn nhà vốn đã chật hẹp. Chị bóng gió xa xôi về việc sẽ nhờ ai đó nuôi giùm con mèo chết bầm. Ai thì chị không nghĩ ra.
Giọt nước tràn ly khi chị mở tủ và suýt ngã ngửa với cái mùi chua nồng nặc ập vào mũi. Bằng cách nào con mèo đã len vào tủ áo và làm bậy vô đó kia chứ? Chịu, chắc anh đã mở tủ và quên đóng lại. Nỗi ghê sợ và tức giận làm chị thấy mình tràn đầy quyết tâm hơn hết.
Cái túi ni-lông màu đen với hai quai được cột lại, treo tòng teng ở bên hông xe. Chị chạy khá chậm, mắt dáo dác. Gần nhà quá, thật không tiện, đi thêm chút nữa xem sao, mình sẽ tìm bãi rác hay khoảnh đất trống nào đó vắng người, dừng xe lại, mở cái bịch ra, quăng nó xuống. Ơ hay, hóa ra đường phố chẳng còn nơi nào hoang vắng nữa rồi. Giờ mà dừng lại, lúi húi với một cái túi to màu đen thì quả là dễ gây chú ý. Biết đâu lại có ai đấy tò mò nghi vấn, báo công an thì phiền. Chị nghĩ vậy. Dừng lại đổ xăng xem nào. Mình nghĩ nhiều quá chứ có ai ngoài đường thèm chú ý. Chị tranh thủ tạt ngang ngân hàng làm chút giao dịch chẳng liên quan gì tới tiền, lừng khừng ở bãi xe, chẳng biết tính sao. Đương nhiên là cái bịch giãy giụa, thi thoảng nó còn phát ra những tiếng meo meo thê thiết. Lâu nay ở nhà, sao chị ít khi nghe thấy nó kêu rêu gì nhỉ? Chắc là nó sợ. Cứ thử nghĩ đến cảnh tự dưng bị bỏ vào một cái túi kín miệng tối om, đòng đưa đòng đưa trong tiếng xe cộ ồn ào, cũng đủ để thất kinh hồn vía ấy chứ.
Thắc thỏm. Như thể chị đang làm một việc gì xấu xa, mờ ám, tội lỗi. Tự dưng chị thấy sờ sợ, đến mức tránh nhìn xuống dưới. Vì vậy, chị không biết đã có một cái chân nhỏ xíu đầy móng vuốt thoát ra khỏi túi. Rồi một chân nữa. Thêm cả một cái đầu với đôi mắt to xanh. Cuối cùng, chỗ để chân trên chiếc xe bỗng đột ngột chật chội vì có thêm một con mèo đang uốn éo. Chị rợn cả người. Chỉ trong một tích tắc nào đấy, chị cũng không kịp định thần lại việc mình làm, con mèo bị văng khỏi cái chỗ trú tạm bợ ấy, rơi xuống đường.
Gần tám giờ rồi, đường đã rất đông, toàn những gương mặt vội vã cần điểm danh đúng giờ ở cơ quan. Chị cũng vậy. Cảm giác nhẹ nhõm vì thoát nợ chưa kịp lướt qua thì chị đã rùng mình với ý nghĩ: “Đường sá thế này, chắc gì con mèo đã thoát được vào tới lề”. Chị luýnh quýnh quay xe ngược lại, chẳng phải dễ dàng gì, vài ánh mắt khó chịu liếc theo. Chị vòng lại khá xa, vượt qua khỏi cái chỗ con mèo rơi xuống đất. Mặt đường không có dấu hiệu gì cho thấy có một con mèo vừa gặp tai nạn giao thông. Nhìn vào mấy căn nhà bên đường đã mở cửa, chị cũng không thấy bóng dáng nó đâu. Chắc nó đã chạy sâu vào phía trong, để chính thức sống kiếp mèo hoang đây mà.
Con mèo chưa biết trèo leo, chị nhớ ra khi tiếp tục đến chỗ làm. Chó treo mèo đậy nhưng cơm cá trên bàn nhà chị không cần phải dè chừng, bởi con mèo béo ấy chưa hề bị đói đến mức phải tự thân vận động. Làm sao nó sống sót khi bị bỏ rơi?
Chị trở mình trên giường. Phòng ngủ không rộng nhưng hiu hắt. Anh không còn thường xuyên về trễ nữa, mà coi như là về sớm. Sớm mai. Khi ngày mới đã bước sang được một hai giờ đồng hồ. Chị cũng lấy làm quen thuộc rồi. Những xoay vần đã làm chị quen với những khuya khó ngủ, đêm chong chong mà chẳng hiểu mình đang chờ mong điều gì ở phía trước. Chị chập chờn nhiều giấc ngắn. Đôi lúc quờ quạng trong ánh đèn vàng mờ mịt, chị không rõ thực mơ thế nào. Chị nghĩ về hiện tại, về đứa con chưa lớn nhưng đã xa lạ với mẹ. Về cuộc hôn nhân vá víu bởi vô số những ràng buộc mà người ta chẳng hiểu vì sao tự quàng xiên vào đời mình. Có đêm, chị giật thót mình thức giấc trong bóng tối mịt mờ. Điện cúp. Chị hoảng loạn quờ quạng, chẳng biết bản thân đang nằm ở đâu, còn sống hay đã chết.
Những bước chân của loài vật săn đêm im ru tựa như không chạm đất. Đôi mắt xanh lè chiếu vào chị cái nhìn sáng quắc. Con mèo đang quanh quẩn trong nhà. Chị không dứt được khỏi ánh nhìn ma quái ấy. Mày về rồi, hở mèo? Mày hổm rày no đói thế nào? Mày trách tao đấy ư? Trong đầu chị vang lên những lời tựa như bào chữa. Một cách vô thức, chị vươn cánh tay trái vuốt nhẹ lên lưng con mèo. Ối con ơi! Chị lập tức giật bắn mình rụt tay lại. Đau điếng. Mấy ngón tay tứa máu. Lớp lông mượt mà của con mèo ngay tức khắc đã biến thành những sợi gai tua tủa. Tay chị đau như thể đã xước lên mớ dây kẽm trên hàng rào chống trộm. Những mảng loang lổ tựa gai trái sầu riêng xám ngoét, có đuôi và một cặp mắt trừng trừng không chớp.
M…e…o! G…r…ừ! Ầm ầm. Loảng xoảng. Trong đêm khuya tiếng chuyển động trên mái tôn vang lên mồn một. Chị choàng tỉnh, vã người vì lạnh. Run rẩy, chị đưa bàn tay lên xem, tưởng như cái cảm giác đau đớn kinh hãi vẫn còn. Con mèo ghê gớm ấy đã mọc gai, ám vào giấc ngủ của chị. Ám vào đoạn đường mà chị đã đi qua, ám vào bữa cơm tối vắng vẻ lợt lạt mẹ con gắng gượng ăn với nhau. Ám vào câu nói bâng quơ của chị đồng nghiệp giữa hành lang vắng người rằng: Chắc là chồng bà có bồ thiệt rồi nên bà mới nằm chiêm bao như vậy. Bồ lần này có khi đúng là thứ dữ. Nó như thể con mèo có gai. Bà không cẩn thận là nó đâm nát đời bà chứ chẳng chơi đâu…
Chị không muốn nghĩ xa xôi. Bồ của chồng và một con mèo đầy gai, hai món ấy liệu có liên quan gì? Chẳng qua, lòng chị day dứt khi phải nói dối bé Tép rằng mẹ đã cho con mèo để người khác nuôi rồi. Con bé muộn phiền hỏi mãi. Làm sao có thể kể thật với con về cái hành trình kinh khủng hôm ấy. Chị càng không dám nghĩ đến việc liệu con mèo sẽ sống nổi mấy hôm ở cái mảnh đất mà đến con người còn phải vội vàng, vất vả để mà tồn tại đường hoàng này.
Chỉ là một con mèo thôi mà! Chị nói như phân bua trước cái nhìn nghi hoặc lạ lẫm của anh đang ngó mình trừng trừng.
– Em làm gì với nó rồi rồi? Người đâu mà độc ác thế không biết.
Giọng anh khá nhẹ nhàng nhưng chị có cảm giác như hơi lạnh lùa vào lòng, buôn buốt. Từ lúc nào, chị trở thành kẻ xấu xa đáng ghét đến mức phải nhận lãnh câu chỉ trích này? Chị giật mình làm rớt cái gì đó đang cầm trên tay sau câu nói ấy. Mảnh vỡ tứ tán văng ra. Như thể gai của con mèo trong giấc mơ xộc xệch hôm nào vừa rơi rụng xuống ngôi nhà của chị, dị thường.
Truyện ngắn của An Nhiên – Theo Tiếp Thị Gia Đình