Hiên xách cái cà-mèn uể oải men theo cầu thang lần ra căn-tin. Bệnh viện giờ này đã thưa bệnh nhân. Vừa đi, chị vừa cố gắng hít thở không khí đã bớt quến đặc hơi người. Hai ngày nằm trong phòng cách biệt với thế giới bên ngoài, chị tưởng chừng như mình đã ở trong tù mấy tháng. Thấy tim mạch đã phần nào ổn định, chị xin ngày mai xuất viện nhưng bác sỹ bảo còn phải làm thêm vài xét nghiệm nữa mới cho về. Chị nóng lòng, ở nhà còn nhiều việc đang chờ, không có chị công việc rối tinh rối mù.
Mua cháo xong, Hiên trở lên phòng. Vừa bước tới cửa, cô y tá nhác thấy đã gọi lớn:
– Chích thuốc cô ơi!
Hiên nhìn ống thuốc, hỏi:
– Thuốc gì giống kháng sinh vậy cô?
– Dạ, đúng rồi!
– Ủa, cô có nhầm không? Tôi có bị bệnh gì đâu mà chích kháng sinh?
– Dạ, cháu không biết. Bác sỹ chỉ định chích thì chích thôi, cháu không rõ cô bị bệnh gì. Hình như cô bị nhiễm vi-rút hay sao đó.
Hiên bực bội:
– Tôi phải biết bịnh gì vì tôi bị dị ứng với nó dữ lắm. Nếu cần trị kháng sinh thì cho tôi uống thuốc được không?
– Dạ để cháu hỏi bác sỹ. Cô chờ chút.
Hiên thắc mắc, mình chỉ bị cao huyết áp chớ có nóng sốt gì đâu mà trị kháng sinh. Mà theo chỗ Hiên biết, nếu có cảm mạo hay bệnh gì đi nữa thì cũng không phải dễ dàng tiêm kháng sinh như vậy.
Trao đổi với bác sỹ xong, cô y tá bảo:
– Cô ơi! Bác sỹ nói cô muốn uống thuốc thì uống nhưng phải làm bản cam kết.
– Cam kết cái gì?
– Dạ cam kết là cô không chịu chích kháng sinh.
– Ngộ chưa? Tui có bịnh gì đâu mà chích kháng sinh? Tui chỉ bị huyết áp, tự nhiên chích kháng sinh mà không thông báo lý do là sao?
– Ở bệnh viện, bác sỹ có quyền quyết định tất cả mà cô.
– Quyết định sáng suốt thì nghe chớ quyết định bậy bạ nghe theo đặng chết hay sao? Chết có ai thường nhân mạng không?
Thấy Hiên mặt đỏ lự và kiên quyết không chịu chích thuốc, cô y tá vội phân bua:
– Thôi cô cứ uống thuốc đi, ngày mai gặp bác sỹ sẽ giải quyết.
– Tôi không cần uống gì cả, trị bệnh kiểu này ai mà dám đến đây chữa trị.
Cô y tá tiu nghỉu bưng hộp dụng cụ bước ra khỏi phòng. Hiên thấy mệt trong người, vội nằm xuống giường. Chị bấm huyệt thái dương, hít thở sâu, đều… được một lúc thì thấy đỡ mệt. Hiên gọi điện thoại cho thằng em con ông cậu:
– Tân ơi! Chị vô bệnh viện hôm qua. Chị bị huyết áp mà bác sỹ cho chích trụ sinh là sao? Mày rảnh tới coi thế nào.
– Em bận lắm! Mà bác sỹ nào trị thì người đó toàn quyền quyết định, em có tới cũng vậy thôi.
– Vậy mày là phó giám đốc mà không ý kiến ý cò gì được sao?
– Hà… hà… Bà chị yên tâm. Chích trụ sinh là chuyện bình thường. Chắc chị cũng có bệnh gì đó bác sỹ mới chỉ định chích chớ hà… hà…
– Mày nói chuyện nước đôi nghe không được. Thôi để tao tính.
Hiên tắt máy, gọi thằng con:
– Bình ơi! Mẹ vô bệnh viện từ hôm qua, bệnh bớt rồi mà tự nhiên bữa nay bác sỹ bắt chích trụ sinh, mẹ sợ quá không biết tính thế nào. Con nhín chút thì giờ lại hỏi bác sỹ giùm mẹ coi sao?
– Mẹ tự giải quyết đi, huyết áp tim mạch thôi mà có gì đâu. Con kẹt quá trời, mai con tới.
Tiếng thằng con cắt ngang khiến Hiên không kịp nói thêm câu nào. Cố dằn lòng, Hiên gọi con gái, mong sao nó có chút thời gian đến gặp Hiên. Tiếng con gái nhừa nhựa, ngái ngủ bên kia đầu dây điện thoại:
– Mẹ kêu gì giờ này vậy mẹ?
– 9 giờ sáng rồi chớ còn sớm lắm sao. Mẹ vô bệnh viện hôm qua mà bây giờ không biết có bệnh gì không, bác sỹ biểu chích trụ sinh.
– Con nói hoài mà mẹ không nghe. Trị bệnh theo bảo hiểm là trầy trật như vậy đó. Bệnh viện đó lại không phải chuyên khoa tim mạch mà trị cái gì. Bác sỹ bây giờ toàn là bác sỹ dỏm không hà. Chuyển qua 115 đi.
– Nhưng mẹ đang mệt, làm sao đi?
– Thì kêu taxi. Con cũng bệnh mấy bữa rày. Để mai khỏe khỏe con tới… ới…
Tiếng máy tút tút nơi đầu dây khiến Hiên xây xẩm mặt mày. Chị vội lấy dầu xoa, hít thở sâu, đều nhưng hồi lâu sau chân tay vẫn rũ rượi, tim đập liên hồi. Chị bệnh nhân nằm chung phòng nhìn gương mặt tái nhợt của Hiên liền bảo người nhà kêu y tá, nhưng Hiên ngăn:
– Không sao đâu… chị ơi… đừng… gọi.
– Chị bị huyết áp mà mệt vậy, không gọi sao được! Lỡ có chuyện gì…
– Để tôi uống thuốc. Không sao đâu.
Hiên lập cập lấy viên thuốc huyết áp, bỏ vào miệng rồi trệu trạo nuốt. Chị bệnh nhân nằm kế bên kêu thằng con:
– Mày xoa bóp chân giúp cô đi con. Chai dầu đây nè.
Thằng bé thắc mắc với mẹ:
– Sao cô không kêu y tá vậy mẹ?
– Ai biết đâu. Chắc cô sợ làm phiền. Mà phiền cái nỗi gì chứ, vô tới đây thì phải chịu thôi.
Thằng bé sang cho dầu ra tay rồi xoa, chà mạnh vào gan bàn chân của Hiên. Nó xoa cật lực một hồi lâu mồ hôi mồ kê tươm ra ướt áo. Hiên nhìn nó, nở nụ cười héo hắt:
– Được rồi con. Bác đỡ rồi. Cảm ơn con nhiều lắm.
– Chị ơi – Hiên gọi mẹ cậu bé – Chắc tôi phải chuyển viện thôi. Tôi trị ở đây là theo bảo hiểm, con gái tôi kêu phải chuyển qua bệnh viện chuyên khoa tim mạch.
– Nhưng bác sỹ phải làm giấy chuyển viện chị mới đi được.
– Ờ! Nhưng… thôi…
– Con cái chị đâu mà không thấy đứa nào tới hết?
– Chúng nó bận công việc hết rồi. Không sao đâu. Tôi còn khỏe mà.
– Khỏe gì mà khỏe! Bệnh tim mạch là cái bệnh bất đắc kỳ tử, coi tỉnh queo nhưng “đi” không biết lúc nào.
Hiên cố nở nụ cười:
– Tuổi này rồi “đi” cũng được thôi.
– Chị còn trẻ mà nói gì vậy.
– Tôi cũng gần sáu mươi rồi, còn trẻ gì nữa. Thôi! Tôi đi. Nhờ cháu xách đồ đạc đưa xuống đất giùm bác với. Cảm ơn chị với cháu nhiều nghe.
Người phụ nữ lắc đầu, chép miệng, nhìn Hiên với ánh nhìn thương cảm và không quên dặn con:
– Con gọi taxi giùm cô nghe.
– Dạ.
Hiên vịn thằng bé bước xuống cầu thang, giục nó:
– Nhanh con, nhân viên bệnh viện thấy họ hỏi tới lui mắc công lắm.
– Nhân viên mà sợ gì cô. Mình sợ là sợ bác sỹ thôi.
– Bác sỹ làm gì nhớ cô. Thôi lẹ lên.
– Từ từ, cô đang mệt mà.
– Không sao.
Ra tới đường, thằng bé định gọi taxi nhưng Hiên ngăn:
– Thôi để cô đi Honda ôm cho tiện, giờ này đi taxi kẹt đường lắm. Với lại, tốn nhiều tiền.
– Cô ngồi Honda ôm được không? Cô đang mệt mà.
– Không sao.
– Chắc không? Con gọi Honda ôm à nghe?
– Gọi giùm cô đi. Nhanh lên con.
Thằng bé ngoắc một chiếc xe ôm. Nó nhanh nhẹn trả giá rồi mắc đồ lên xe. Hiên xoa đầu nó, cảm ơn rồi bước lên xe. Nó vẫy tay chào Hiên và đứng nhìn theo cho tới khi chiếc xe lẫn vào dòng xe cộ trên đường.
Gần tới bệnh viện, Hiên lại thấy đầu choáng váng, hai mắt tối sầm. Hiên gọi khẽ:
– Ngừng lại chút cậu ơi. Tôi thấy chóng mặt quá.
– Chị có sao không? Tôi đưa chị vô phòng cấp cứu luôn nghe.
– Ừa.
– Ráng chút xíu nghe chị, gần tới rồi.
Vừa trờ tới cửa bệnh viện, chiếc xe lảo đảo, Hiên té xuống đường khiến anh xe ôm chới với gượng không kịp. Mấy người đứng cạnh đó chạy lại xốc nách Hiên đưa vào phòng cấp cứu. Anh xe ôm vội chạy theo quên cả gởi xe. Tiếng người bảo vệ la í ới phía sau:
– Anh gì ơi! Bỏ xe mất bây giờ.
– Để đó tôi ra liền.
– Cái thằng cha này. – Cậu bảo vệ vừa dẫn xe vào bãi vừa càm ràm.
Hiên được đưa lên băng-ca đẩy vào phòng cứu cấp. Tiếng bệnh nhân rên rỉ, tiếng thân nhân trò chuyện, tiếng bước chân bác sỹ, y tá tới lui cấp tập và tiếng kêu tên bệnh nhân liên tục khiến phòng cấp cứu ồn ào như cái chợ. Hiên cố trấn tĩnh nhưng tiếng ồn va đập vào tai khiến chị tối tăm mặt mày.
Hồi lâu sau, cô y tá đến bên gọi:
– Chị ơi! Chị bị bệnh gì vậy?
Gọi năm lần, mười lượt không thấy trả lời, cô nhìn chung quanh tìm người nhà nhưng không thấy ai, cô vội cúi xuống đo huyết áp, 18mg/90, cô vội chạy lại báo bác sỹ. Khám xong bệnh nhân, bác sỹ đến đo lại lần nữa, chỉ đạo y tá cho uống thuốc và làm hồ sơ nhập viện. Cô y tá để trống phần tên tuổi, ghi vội mấy chữ phần trị bệnh, nhưng không có người đóng viện phí làm sao cho nhập viện được. Cô y tá để hồ sơ trên bàn, lấy thuốc đưa Hiên uống rồi lo cho bệnh nhân khác, mắt cô lâu lâu lại liếc chừng Hiên.
Hiên đi giữa, hai tay nắm tay hai con, bước nhẹ nhàng trên đám cỏ xanh êm, tiếng cười đùa rộn vui trong nắng sớm. Giọng đứa con gái thật dịu dàng:
– Mẹ ơi! Mẹ khỏe được như vầy tụi con mừng lắm. Mai mốt tụi con đưa mẹ đi chơi chỗ này chỗ kia cho biết nghe mẹ.
– Mẹ muốn đi đâu, tụi con đưa mẹ đi? – Thằng con vẻ ân cần.
Hiên cười tươi:
– Mẹ không muốn đi đâu hết, chỉ muốn được gần các con thôi.
– Thì tụi con cũng tới lui với mẹ thường đó thôi, có gì đâu mà mẹ suy nghĩ.
– Không phải suy nghĩ mà mẹ muốn…
– Muốn gì? – Thằng con hỏi vặn vẹo.
Tiếng con gái cười vang:
– Hay mẹ muốn có bồ?
– Mẹ già rồi, bồ bịch, bạn bè gì nữa. Có tụi con là đủ vui rồi.
– Thì có tụi con là mẹ vui, nhưng sao… sao tụi con xa cách với mẹ quá.
Đứa con gái lại cười:
– Mẹ thiệt là… Tụi con có gia đình rồi, làm sao kề cận mẹ hoài được.
– Thì biết vậy, mà sao lúc nào mẹ cũng thấy chơ vơ quá.
– Ha… ha… Mẹ thiệt đa sầu, đa cảm. Mẹ phải nhớ, thực tế mẹ có hai đứa con đàng hoàng, còn nỗi buồn kia là do mẹ tưởng tượng ra thôi… ha… ha…
Tiếng cười lại giòn tan trong nắng sớm khiến Hiên thấy nỗi buồn cố hữu của mình tan biến, chợt thấy lòng ấm áp xiết bao. Người Hiên lâng lâng, bỗng nhẹ tênh, gió cuốn chị bay lên, bay lên.
Cô y tá lục trong bóp của Hiên tìm số điện thoại. Cô nhìn vào những dãy số ghi chi chít trong sổ, mắt sáng lên khi nhìn thấy số điện thoại của con gái, miệng làu bàu:
– May quá! Tìm không được không biết làm sao. Có con đường hoàng mà không biết chúng ở đâu để mẹ một mình đi vô bệnh viện như vầy?
– A lô! Ai vậy?
– Tôi ở viện 115 đây. Mẹ cô bệnh nặng, ngất xỉu nằm ở đây sao cô không tới?
– Dạ… dạ… Để em tới liền, số mấy vậy cô?
Tiếng máy tút tút khiến cô gái bực bội:
– Đồ vô duyên, nói chưa hết chuyện đã cúp. Mẹ bệnh gì bệnh hoài, chán quá.
Cô ngáp dài rồi ra phía trước đánh thức thằng con dậy đi học. Thằng nhỏ càu nhàu một hồi rồi ngồi dậy, đôi mắt vẫn nhắm nghiền. Giọng cô nhão nhoẹt:
– Còn sớm gì nữa. Ngủ trưa một chút thôi, chiều nay thứ Bảy phải đi học thêm môn văn.
– Thôi! Con không đi đâu. Con ở nhà chơi với anh Nam.
– Không được! Mẹ đóng tiền nhiều lắm, phải đi học.
Thằng bé òa lên khóc. Cô gái rút chiếc roi mây, gằn giọng:
– Mai mốt tao giao mày cho bà ngoại. Chỉ có ngoại là dạy được mày thôi, không ai dạy được hết… ết..
– Dạ. Giao con cho ngoại đi. Con thích bà ngoại dạy con hà. Bà ngoại là cô giáo dạy giỏi mà.
– Được rồi. Học đỡ tháng này rồi mẹ đưa cho ngoại. Mày phải học với ngoại thì mới nên người.
Thằng bé nghe nói vội đi thay đồ, ôm cặp leo lên xe ngồi sau lưng mẹ. Đưa con đi học xong, con gái chạy lại bệnh viện, vào phòng cấp cứu, hỏi tên bệnh nhân, cô y tá lắc đầu: “Không có ai tên Nguyễn Thị Hiên hết”. Con gái đi ra phòng nhận bệnh hỏi, cũng không có tên. Cô tra lại số điện thoại đã gọi mình khi nãy, có tiếng trả lời gắt gỏng:
– Tôi đã nói ở phòng cấp cứu mà sao không tìm, tên tuổi ai biết đâu mà ghi.
Con gái quay trở lại phòng cấp cứu, nhìn mặt từng người. Hơi người hừng hực tỏa ra khiến cô nhức đầu, hoa mắt. Nhìn kỹ lại lần nữa, thấy người đàn bà ốm yếu nằm trong cùng giống tướng mẹ, cô vội chạy lại. Mẹ cô nằm mê man, không nghe tiếng gọi thảng thốt của con:
– Mẹ ơi! Mẹ ơi! Con đây. Mẹ đỡ chưa mẹ… ẹ…?
Đáp lại cô chỉ có im lặng.
Con gái nắm bàn tay xanh xao, lạnh lẽo của mẹ, khóc òa:
– Mẹ ơi! Mẹ có sao không mẹ?
Mẹ cô vẫn không phản ứng gì. Cô lấy dầu xoa vào hai bàn tay lạnh mong tìm lại chút hơi ấm nhưng dường như mẹ cô… Cô hốt hoảng chạy lại bàn cô y tá trực, giọng lắp bắp:
– Mẹ tôi sao rồi bác sỹ?
– Bà ấy bị nhồi máu cơ tim, tình trạng nguy hiểm đã qua nhưng sợ bị di chứng, bà đến bệnh viện trễ quá. Sao người nhà thiếu trách nhiệm quá vậy?
– Dạ mấy lần trước thấy mệt mệt mà cũng không sao, sao lần này… hu hu…
– Thôi! Cô không khóc la làm gì, lo chăm bà cẩn thận. Bị như vậy rồi là nguy hiểm lắm đó. Từ nay không được bỏ bà một mình, bà đang uống thuốc an thần, khi nào tỉnh thì cho ăn cháo.
– Dạ. Con biết rồi.
Con gái chạy lại chỗ mẹ nằm, chăm chú nhìn gương mặt hốc hác của mẹ mà nước mắt chảy dài. “Mẹ ơi! Mẹ đừng bỏ con nghe mẹ ơi! Con có lỗi với mẹ quá, mẹ ơi”.
Trong giây phút, con gái chợt thấy đời mình trống rỗng, bơ vơ, lòng cô chênh chao như đang đứng trên con thuyền trong cơn bão biển.
Khóc kể một hồi, chợt nhớ thằng em, cô gọi điện:
– Bình ơi! Mày vô bệnh viện gấp. Lần này mẹ bệnh nặng lắm.
– Tan giờ mới đi được, chớ đi bất tử vầy ai cho đi.
Giọng con gái chìm trong nước mắt:
– Mày ở đó làm đi. Mai mốt mẹ đi rồi mới biết thân… ân…
Truyện ngắn của KIM QUYÊN – Theo Tiếp Thị Gia Đình