Quân quỳ trước mặt Thùy, nồng nặc hơi men, khuôn mặt lem nhem bụi lẫn mồ hôi, miệng lắp bắp. Ánh đèn ngủ màu xanh tím mát dịu, lãng mạn Thùy vẫn yêu thích, hôm nay phả lên khiến mặt Quân thêm tái mét, méo mó thảm hại. Cô đã đợi anh suốt buổi tối. Bộ dạng lúc này của Quân làm cô sợ, nhưng vẫn cố kiên nhẫn lắng nghe xem chuyện gì đang xảy ra…
Thùy như rơi vào ác mộng khi nghe Quân bảo cô phải gom hết tiền bạc, nữ trang cho anh trả nợ, nếu không xã hội đen sẽ xử thẳng tay. Đó là món nợ trước đây Quân chơi số đề mong đổi đời, giờ lãi mẹ đẻ lãi con, không cách nào trả nổi. Gã đàn ông lực lưỡng, mạnh mẽ Thùy vẫn tin sẽ làm chỗ dựa vững chắc cho mẹ con cô suốt đời, giờ trở nên hèn mọn thế này sao? Thùy chẳng thể hình dung còn trong tuần trăng mật mà cô đã phải đụng chuyện sốc ngược thế này.
Nghe chuyện nhà Quân rất nghèo, đông anh em, quê lại xa lắc xa lơ, ba mẹ rất lo. Cô là con út, được cưng chiều, sung sướng từ nhỏ, làm sao có thể làm dâu nhà Quân? Thùy bảo không sao, cô yêu Quân, tin ở tình yêu của anh, tin cả ông thầy bói, bảo tuổi cô và Quân rất tốt, sau này sẽ ăn nên làm ra. Thấy Thùy cương quyết, ba mẹ cô chiều lòng và cho hết số tiền bên nhà gái mừng đám cưới, lại thêm số nữ trang hồi môn, cũng khá. Trước mắt, cô yên tâm với khoản “dằn túi” này, đợi Quân tìm việc.
Nhưng giờ đây, Thùy chẳng khác nạn nhân một vụ cướp cạn. Quân rất hiền của cô đâu rồi? Người đàn ông cô yêu tha thiết, rất có trách nhiệm đã biến mất. Trong căn phòng đơn sơ cô vẫn thầm ví như “một túp lều tranh, hai trái tim vàng”, Con đường Truyện ngắn Thùy muốn gào lên, đập phá, muốn nhào vào Quân mà cắn xé, la hét cho thỏa cơn tức giận trào dâng.
Cô cũng muốn gọi thật to ba mẹ, anh chị mình để được khóc lóc, kể lể như mỗi lần gặp khó khăn, đều có họ bên cạnh, nhưng Thùy chẳng thốt lên được lời nào. Bốn bề vắng lặng, cha mẹ cô ở xa, thiên hạ cũng đã chìm vào giấc ngủ từ lâu. Những giọt nước mắt thi nhau chảy thành hàng. Biết phải làm sao bây giờ? Còn đứa con trong bụng vừa mới tượng hình từ trước khi cưới? Những câu hỏi ấy cứ cuộn lên, dồn nén, hối thúc…
Tờ giấy kết hôn chưa ráo mực, mọi người vừa mới chúc phúc cho Thùy, tin cô sẽ hạnh phúc. Họ khen Quân hiền hậu, tử tế, lễ nghĩa và là mẫu người đáng tin cậy. Cô yên tâm với ý nghĩ, con người mới quan trọng, giàu nghèo có là gì? Vậy mà… người đàn ông Thùy đã “chọn mặt gửi vàng” đang sụp xuống xin cô tha thứ, hứa sẽ bỏ hết, sẽ chí thú làm ăn và yêu thương mẹ con cô hết lòng. Nhìn Quân đau khổ, ân hận, lòng Thùy chợt dịu lại, mà cũng lỡ cả rồi. Lau khô nước mắt, cô mím chặt môi: “Chỉ một lần thôi đó, anh nhớ nghen!”.
Vợ chồng Thùy bắt đầu lại từ hai bàn tay trắng. Cô giấu kín nỗi đau vào lòng. Thời gian mang thai, cô phụ việc trong tiệm may của chị chồng. Quân cũng làm bất cứ việc gì để có thêm chút tiền đưa vợ. Tới kỳ sinh nở, cô về nhà cha mẹ ruột. Qua ba tháng hậu sản, Thùy bàn với chồng ở lại luôn. Quân đồng ý vì ở đây dễ làm ăn hơn, lại có sự hỗ trợ của gia đình vợ. Ba mẹ cho vợ chồng Thùy một căn nhà cũ nhỏ, với bàn tay khéo léo của Quân, vợ chồng cô đã có một tổ ấm xinh xinh, tươm tất. Cuộc sống tuy còn khó khăn nhưng đồng vợ đồng chồng cũng khá ổn định, nhất là từ khi trong nhà có tiếng bi bô con trẻ, hạnh phúc như được nhân lên. Quân làm thợ hồ, được bao nhiêu về đưa hết cho vợ, căn nhà nhỏ của họ luôn tràn ngập tiếng cười. Thùy thở phào, thỉnh thoảng gặp bạn cũ, cô thấy mình còn hạnh phúc chán, dù có nghèo hơn họ. Con trai được ba tuổi, Thùy vào làm ở cơ quan nhà nước. Đến khi cô có một vị trí ổn định cũng là lúc công việc làm ăn của Quân ngày càng tốt đẹp. Ai cũng bảo anh có duyên với nghề xây dựng này nên vào nghề chưa lâu đã có thể tự nhận thầu, được nhiều người biết đến. Quân bảo với vợ, mình không cần lãi nhiều, miễn sao có việc làm đều đều là tốt rồi. Thùy đồng ý với chồng, làm ăn chữ tín mới là quan trọng. Dưới quê, anh em bà con bắt đầu nhờ Quân về xây nhà, hết người nọ đến người kia. Thế nhưng, Quân đã xong gần chục cái nhà mà tiền về đưa vợ cũng chỉ giúp cho cuộc sống có phần dễ chịu hơn trước chứ chưa thấy dư. Quân lại bảo, làm ăn là chuyện lâu dài, đừng vội ham lời nhiều, không bền. Thùy lại yên tâm chờ đợi, cô tin chồng mình có cái tâm. Anh còn ăn chay, rước Phật về thờ phụng rất cung kính.
Thế nhưng có lúc Thùy cũng buồn khi mỗi lần về quê, Quân luôn tỏ ra là người có tiền, rộng rãi, hào phóng trong khi nếu gia đình có khó khăn gì cô luôn phải tự xoay xở một mình. Ngay cả mua chiếc xe máy đi làm, cô cũng phải dành dụm, gom góp, nhờ ba mẹ hỗ trợ thêm.
Một lần, Quân nhờ Thùy đứng tên vay ngân hàng cho chị anh dưới quê đang kẹt tiền làm ăn. Đến hạn không thấy trả, Thùy phải nhắc, cuối cùng Quân đành thú thật là vay cho anh. Hóa ra những chuyến về quê xây nhà cho anh em bà con, Quân lại gây nợ. Tiền công đối với “người nhà” ai nỡ thẳng tay, lại bày ra ăn nhậu, rủ nhau ghi số đề, biết đâu trời thương, đỡ khổ. Đã vậy, lâu nay Quân nghe lời “sư phụ”, phán rằng kiếp trước anh có căn tu, nên giờ phải tích cực đi chùa van vái, cầu xin mới mong có cuộc sống may mắn, dư giả. Nghe đâu “sư phụ” là vong của ông chú ruột chết trẻ cách đây mấy chục năm, nhập vào xác phàm của chị anh, nói đâu trúng đó, linh lắm. Bởi vậy, “sư phụ” nói gì anh cũng tin. Đang bận làm mà nghe sư phụ kêu đi chùa, đi núi lạy Phật là anh đi ngay, không có tiền cũng vay nợ mà đi. Anh bảo, đó là bổn phận của mình. Thùy điên lên, hỏi vậy bổn phận làm cha, làm chồng anh vứt đi đâu, Quân chỉ im lặng. Thùy đã nghĩ đến chuyện ly hôn. Cô thức trắng viết đơn ly hôn rồi lại cất đi. Cô tự hỏi, lỗi này có đáng ly hôn không? Thùy nghĩ đến cô bạn thân, có chồng tệ hơn Quân mà còn tiếc. Ngẫm cho cùng, cũng chỉ tại Quân hiền nên dễ tin người. Ngoài ra, anh vẫn thương yêu vợ con lắm. Mà sống với nhau đã mười mấy năm, như “lia thia quen chậu”, đâu dễ dứt? Cô trăn trở, tự hỏi chẳng biết có nên cho anh thêm cơ hội, để con trai còn có cha? Thùy không dám sinh thêm con vì sợ không thể lo cho con tươm tất. Vậy mà bỗng dưng cô lại có thai khi đã vào tuổi bốn mươi. Trong đầu cô chợt lóe lên một tia hy vọng, hay là cứ sinh, biết đâu hạp tuổi, làm ăn khá, thằng nhỏ lại có anh có em… Cô nhờ chị đưa đi khám, nhưng cái thai đã hỏng. Cô đau đớn rã rời, nằm một chỗ chẳng muốn ăn uống gì. Quân đi làm về nghe chuyện trợn tròn mắt tỏ vẻ thắc mắc. Chẳng hỏi thăm vợ một câu mà miệng cứ lẩm bẩm: “Cây độc một trái mà? Sư phụ đã nói, sao lại… có thai?”. Thùy chưa kịp thốt ra lời nào Quân đã lớn tiếng:
– Mày ở với thằng nào có thai? Hả? Tao là “cây độc một trái” mà sao kỳ vậy, hả?
– Sư phụ nào mà ác nhơn thất đức, ăn nói càn rỡ vậy? Người ta nói gì anh cũng nghe sao? – Thùy uất ức phản ứng.
– Im ngay! Tao cấm mày xúc phạm sư phụ! Quân lồng lên như con thú muốn ăn tươi nuốt sống vợ. Anh ta như bị ma nhập, lớn tiếng chửi rủa. Quân còn lôi cả những ý nghĩ nghi ngờ, ghen tuông dồn nén lâu nay ra chất vấn một thể. Rằng, mày đi với thằng nào mà có tiền mua xe? Có chồng con rồi sao còn sửa soạn, làm đẹp?… Thùy nằm im nuốt nước mắt, trong lòng trào dâng uất ức, căm phẫn. Cô không ngờ Quân ra nông nỗi này. Ăn chay niệm Phật làm chi, đi chùa, đi núi cầu an làm chi mà suy nghĩ tăm tối, ác tâm đến vậy? Quân đã tin tưởng sư phụ hơn vợ mình, rồi đây không biết sư phụ sẽ còn “phán” gì? Thùy bỗng rùng mình, thấy hạnh phúc của mình phụ thuộc cả vào những lời phán đó.
Nghe Thùy bảo đang làm thủ tục ly hôn, cô bạn thân nói với vẻ suy tư: – Có nhất thiết phải ly hôn không? Khối ông chồng vô trách nhiệm, tối ngày nhậu nhẹt, gái gú, gây nợ về còn đánh đập, chửi bới vợ con, lại tinh tướng như ông vua trong nhà… Còn tụi mình, dù sao cũng chưa bị cái bạt tai nào.
Thùy bảo, cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Lý do để chấm dứt hôn nhân cũng đủ kiểu. Đâu chỉ những vết thương trên thân thể mới làm đau người ta? Những lời nói tưởng “gió bay”, vô hại nhưng có lúc lại gây tổn thương rất lớn, giết dần giết mòn đối phương. Đôi khi cái vỏ ngoài tưởng yên ổn nhưng bên trong lại chứa đựng những đợt sóng ngầm vô cùng nguy hiểm. Lắm lúc người ta chẳng hiểu nổi vì sao người nào đó ly hôn.
Là người trong cuộc, mình phải hiểu hơn ai hết tình trạng hôn nhân của mình, biết rõ mình nên làm gì, để sống tiếp, sống tốt hơn. Năm lần bảy lượt đắn đo, bây giờ Thùy đã biết mình cần chọn con đường nào.
Bài: Hoài Thu
Tiếp Thị Gia Đình