Gần mười năm kể từ ngày chị cãi lời cha mẹ theo anh, một chàng thư sinh tỉnh lẻ nghèo rớt mồng tơi, cũng là từng ấy năm chị tất bật với công việc. Chị xinh đẹp, năng động, bon chen, tính toán. Chị làm bất cứ việc gì có thể để kiếm tiền và chăm con. Lương công chức của anh chị không đụng đến, chị muốn anh tập trung học cao học. Xót con gái ngày một tiều tụy, mẹ giấu cha cho chị tiền mua miếng đất hẻm rộng năm mét, dài hai lăm mét và chị đã cất được ngôi nhà cấp bốn để có chỗ chui ra chui vào.
Sáng nay, đám bạn nhàn rỗi gọi điện giục chị đến quán cà-phê để chúc mừng bức tranh được giải A. Chị tụ tập cà-phê cùng bạn bè chỉ mới một năm trở lại đây, khi con trai được sáu tuổi và gánh nặng áo cơm có phần nhẹ đi. Buổi hẹn của chị cùng bạn bè thường diễn ra lúc tám giờ sáng thứ Bảy. Được nói chuyện với những người bạn là giây phút chị thấy thư thái nhất trong lịch trình tất bật bao nhiêu là việc. Họ phục chị, một nàng công chúa chấp nhận sống kiếp lọ lem vì tiếng gọi của trái tim. Những người bạn của chị, họ sống thoải mái, ăn uống vô độ nên cơ thể vỡ dần theo thời gian. Họ thèm được như chị, lân la hỏi bí quyết làm sao giữ được vóc dáng thời còn son rỗi. Chị tự hào kể, buổi sáng chị đi chợ, chuẩn bị bữa sáng cho chồng con, đưa con đi học rồi đến công ty làm việc. Hết giờ làm, chị chạy về nhà nấu bữa tối, dọn dẹp, giặt giũ, thời gian còn lại thì vẽ tranh theo đơn đặt hàng để kiếm thêm thu nhập.
Năm nay chị đã ba lăm tuổi, phải sinh thêm một đứa nữa mới được. Tử vi nói, nếu sinh em bé vào năm sau sẽ hợp tuổi cả hai vợ chồng. Cuộc sống sẽ bớt khó khăn nhờ lộc con cái. Chị cũng đã tiết kiệm được trăm triệu đồng. Đó là số tiền thưởng trong các lần tham gia trại sáng tác mỹ thuật và chắt chiu dè sẻn từng đồng trong chi tiêu hàng ngày. Chị bàn với anh sẽ dùng số tiền này sửa lại mái nhà, thay hệ thống nước rò rỉ và lo cho con trai vào trường điểm.
Bỗng dưng, anh khuyên chị nên đưa tiền cho Hoa, em gái anh mượn. Con trai Hoa bị tai nạn chấn thương sọ não, phải mổ nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Gia đình chồng Hoa chạy vạy khắp nơi nhưng chưa đủ. Nghe anh nói nhưng chị phớt lờ, chị gọi điện hỏi thăm qua quýt, rồi bảo: “Chấn thương nặng thế, thà chết còn hơn. Sống mà nằm một chỗ thì khổ thân nó và cả người thân”.
Cha mẹ anh qua đời sớm, nhà chỉ có hai anh em đùm bọc lấy nhau. Lúc đó, anh đang học năm nhất Đại học Bách khoa còn Hoa học mới hết lớp chín. Anh đưa Hoa lên thành phố ở cùng. Không kiếm đủ tiền để hai anh em cùng học nên anh cho Hoa đi học nghề cắt tóc. Học xong Hoa trở về quê mở tiệm và lấy chồng. Hoa sinh được thằng con trai nối dõi tông đường nên gia đình chồng rất quý. Nào ngờ, một hôm con trai Hoa đi học về bị một người đàn ông say rượu đi xe gắn máy ngược chiều đâm phải. Thằng nhỏ bị chấn thương mạnh vùng đầu.
Chị nghĩ, cho Hoa mượn tiền biết khi nào mới đòi lại được. Mà có đòi chắc gì nhà bên đó có tiền để trả, tốt nhất là từ chối. Nhưng phải nói sao để anh hiểu và đứng về phía chị? Đây là vấn đề nhạy cảm, nói không khéo sinh chuyện ngay. Bỗng chị nghĩ đến bức tranh của mình, chị mừng rơn và thốt lên:
– Vẽ tranh phải biết chơi tranh, một bức tranh muốn có giải cần bám sát chủ đề và loại bỏ những thừa thẹo không cần thiết. Cuộc sống này của chúng ta là một bức tranh với những dự định đã được tính toán anh à.
Anh nhìn vào bức tranh mới hoàn thành của chị, bức tranh cùng với bức đoạt giải ở tỉnh sẽ dự thi trại sáng tác mỹ thuật Thiên nhiên gắn liền cuộc sống tổ chức toàn quốc, rồi nói:
– Cô biết không, bức tranh cô vẽ quá tầm thường. Cô quá chăm chút cho ngọn cây mà quên mất gốc rễ. Trong chùm rễ đó có tôi. Nghĩa là, cô đã loại luôn tôi.
Mặt chị câng lên:
– Miệng anh ăn phải môn nên ngứa à? Đây là bức tranh tôi vẽ để tham dự trại sáng tác mỹ thuật toàn quốc đấy. Nếu được giải sẽ có một phần thưởng lớn. Mà tôi kiếm tiền vì ai? Vì mình tôi sao? Không phải bàn tới tính lui đâu. Mọi chuyện cứ quyết như thế.
– Vậy thì cô hãy sống với những bức tranh cũng như tiền của cô đi.
Chị cười và bỏ ngoài tai tất cả. Chị giỏi giang, chị kiếm ra tiền. Chẳng phải vì tiền mà anh cay cú với chị đó sao. Chị tin anh không ngốc đến nỗi rời bỏ chị. Chị ung dung mang hai bức tranh của mình lên đường dự thi.
Bức tranh đoạt giải nhất ở tỉnh của chị được đánh giá rất cao. Bức tranh này tiếp tục giành ngôi vị cao nhất ở cuộc thi quốc gia. Nhưng bức tranh mới vẽ của chị được ban giám khảo là những họa sỹ nổi tiếng nhận xét hệt như những lời của anh. Chị nghĩ đó chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng câu nói ấy cứ xâm chiếm tâm hồn, bấu víu không cho chị một phút giây thảnh thơi.
Chị về nhà. Mọi thứ vẫn còn nguyên nhưng quần áo của hai cha con thì biến mất. Chị bấm điện thoại, máy không liên lạc được. Ở cửa tủ lạnh có ghi miếng giấy dán của anh. Hàng ngày, khi đi làm về chị vẫn đọc những dòng chữ của anh dán sẵn như: Hai cha con anh đi dạo em yêu nhé. Cho anh đi cà-phê với bác A, B, C nhé vợ yêu… Những khi ấy, đọc xong chị không nhịn được cười. Nhưng hôm nay anh viết: “Hẹn gặp nhau tại tòa”. Chị đứng chôn chân tại chỗ, lòng đầy bất an.
Chị gọi điện cho đám bạn nhàn rỗi. Lúc đầu họ còn khuyên chị nên làm thế này làm thế kia. Và những ngày sau đó đám bạn cũng chán câu chuyện của chị vì nói mãi chẳng thông.
Chị bắt đầu tìm đến những gã đàn ông từng theo đuổi chị. Họ từng tán tỉnh chị, tôn vinh chị, thậm chí hầu chuyện và ra sức giúp đỡ khi chị cần dẫu biết chị đã có gia đình. Nhưng bây giờ chị gọi điện và nói chị sẽ ly hôn. Tất cả đều im lặng và viện lý do để cúp máy. Chị nghĩ đến cha mẹ của chị. Chị chỉ muốn ôm chầm lấy mẹ và khóc thật to. Nhưng cha mẹ lặp lại điệp khúc muôn thuở: cá không ăn muối cá ươn. Điều đó càng làm chị thêm bấn loạn.
Ngày tốt nghiệp Đại học Kinh tế, cha đã sắp xếp để chị vào làm chức phó giám đốc trong công ty của gia đình. Cha mẹ cũng đã chấm cho chị một chàng bác sỹ lớn hơn chị hai giáp. Mẹ bảo, tại anh ta mê học nên mới muộn chuyện vợ con, đàn ông lớn tuổi biết chăm lo cho gia đình tốt hơn. Hơn nữa, có bác sỹ trong nhà, gia đình cũng đỡ lo khi ốm đau, hoạn nạn. Chị mặc kệ những lời mẹ cha nói. Chị quyết chọn anh, chọn cuộc sống tự thân lập nghiệp. Vậy mà bây giờ chị lại bị đồng tiền chi phối. Chị thấy mâu thuẫn với chính mình. Lúc này, chị cần lắm một người để tâm sự. Chị nghĩ đến Hoa. Mỗi lúc chị dỗi anh hay bực mình về chuyện công ty thì chỉ có Hoa là người chị trút bầu tâm sự. Hoa chịu lắng nghe chị nói và cho chị những lời khuyên như thể là chuyện của chính mình.
Chiều nay, chị đến bệnh viện trung ương để thăm con Hoa. Nằm ở đây một tuần rồi mà thằng nhỏ vẫn chưa tỉnh. Đã đứt hết hai trăm triệu đồng tiền vay mượn. Hoa ngồi quắt queo trước phòng cấp cứu như khúc gỗ mục. Gặp chị, Hoa òa khóc:
– Giá như ông trời có thể đổi tính mạng của em cho thằng bé chị ơi. Dù còn một chút hy vọng nhỏ nhoi cũng phải cứu thằng nhỏ. Không biết kiếp trước em đã làm điều gì thất đức mà kiếp này nó phải trả hả chị?
Nói xong Hoa lại ngất đi. Mẹ chồng Hoa bảo, mấy ngày liền con bé không chịu ăn uống gì cả. Tim chị quặn thắt đến tái tê. Chị thấy hối hận vô cùng với những lời đã nói. Và nếu người nằm trong kia là con trai chị thì chị phải sống sao? Chị chạy ra ngân hàng rút tiền và đưa cho mẹ chồng Hoa. Mẹ chồng Hoa cảm ơn chị và nói, anh cũng đã đưa cho mượn một trăm triệu rồi. Chị bảo, bà hãy cầm lấy lo cho cháu, tính mạng cháu quan trọng hơn.
Lúc ra về, chị gặp anh ở cổng bệnh viện. Anh nhìn chị như hai người xa lạ. Chị gọi anh, anh chỉ nói: “Hẹn gặp nhau ở tòa”. Chị nghẹn ngào không nói thêm được lời nào.
Giờ đây, một mình trong căn phòng trống vắng, cô đơn vây bủa và mệt mỏi thì cứ thừa mứa, chị nhớ con, nhớ anh. Không biết giờ này hai cha con làm gì.
Ngày mai chị sẽ tìm anh. Nếu anh chịu mở lời, chị sẽ nói với anh rằng, chị đã vẽ thêm phần gốc rễ vào bức tranh. Chị thực sự rất hối hận vì đã loại đi một chi tiết đắt giá. Nhưng nếu anh cương quyết phải gặp nhau ở tòa thật thì chị sẽ nói với những người có chức trách ở tòa rằng chị không đồng ý ly hôn, vì mất đi gia đình thì mọi vinh quang đều trở nên vô ích.
Mục Truyện ngắn/Tiếp Thị Gia Đình