Truyện ngắn: Bà Hai

Hồi mới lên Sài Gòn, suốt ngày bà ru rú trong khu trọ ẩm thấp, miếng ăn ly nước nhờ cả vào con. Giờ thì bà đã có thể tự lo cái ăn cho mình qua ngày

truyen ngan ba hai hinh anh 02

Hồi đầu mới đi bán vé số, bà cũng ngại lắm, tủi lắm nhưng đi riết thành quen mà tiền kiếm được cũng đủ trang trải

Bà Hai xếp lại những tờ tiền nhàu nát cho phẳng phiu, cẩn thận cất vào túi áo trong, lấy kim băng cài lại, rồi kéo khóa chiếc áo khoác. Sau đó, bà kiểm tra lại xấp vé số. Cũng còn khoảng phân nửa hồi sáng, ấy là bà ước chừng vậy thôi chớ mắt bà kém lắm, sợ đếm lại làm lộn tung thứ tự mà khi nãy bà đã nhờ người sắp theo từng đài.
Trời nắng thiêu đốt đỉnh đầu khiến mắt bà nhức và mờ hơn. Quệt vội mồ hôi trán, bà nhấc những bước chân mệt mỏi, cố mời bất kỳ ai gặp được. Cái nghề này nếu không chịu khó đi, không chịu khó mời thì không có cơm ăn. Đôi chân và cái miệng là vốn lớn nhất của người bán vé số. Chân bà đã yếu, mắt lại mờ, miệng chẳng khéo bằng đám trẻ. Dù vậy, bà vẫn bán được kha khá.
Quán cà-phê vắng hoe, chỉ có một người khách. Bà Hai tới gần, chìa xấp vé số mời:
– Mua giùm tui tờ đi chú.
Người đàn ông đang chúi mũi vào tờ báo, nghe tiếng bà thì ngẩng mặt lên. Ông ta nhìn bà một lúc lâu như dò xét, chứ không vội lắc đầu như những người khách khác. Bà Hai vẫn đứng yên, kiên nhẫn chờ. Người khách thấy dáng vẻ tội nghiệp của bà chừng như mủi lòng, đặt tờ báo xuống, lựa hai tờ. Ông ta ân cần hỏi:
– Con cái cô đâu, sao để cô đi bán cực vầy nè?
Bà Hai ngước đôi mắt mờ đục nhìn ông, rồi cất giọng:
– Chú thương mua giùm tui cám ơn chớ hỏi gia cảnh tui chi?
Sau vài giây bối rối trước phản ứng có phần gay gắt của bà, người đàn ông mỉm cười rồi mở bóp lấy tờ năm chục nghìn dúi vào tay bà:
– Khỏi thối, cô cầm mua nước uống.
Bà Hai đưa tờ tiền sát rạt con mắt dòm một hồi, rồi từ tốn kéo khóa áo khoác, mở kim băng túi áo trong, lấy bóp tiền ra. Trán bà nhăn nhúm lại vì tập trung. Hồi lâu bà cũng rút ra được một tờ hai chục và một tờ mười nghìn. Bà cẩn thận để xuống bàn, lấy ly cà-phê đè lên:
– Chú cho tui cám ơn, nhưng tui đi bán vé số chớ đâu có đi xin ăn.
Nói rồi bà cầm xấp vé số lầm lũi bước ra ngoài.
Ra khỏi quán, bà Hai giương đôi mắt mờ đục nhìn qua bên kia đường. Bên đó có nhiều quán nhậu, xế chiều đã đông nghẹt khách. Qua đó thì bán nhanh hơn là đi trên đường cầu may. Mà mắt bà kém quá, đường lại đông, đang độ tan tầm, xe cộ lao như tên bắn nên bà thấy sợ. Bà không sợ chết. Bà còn cầu được chết, nhưng không phải chết đầu đường xó chợ. Con người bà là vậy, làm việc gì cũng đường hoàng, cả chết cũng phải đường hoàng. Chết với bà chỉ đơn giản là việc trời không còn cho bà được sống nữa. Khi ấy bà sẽ ngủ một giấc ngủ dài, rồi trong đêm, lũ quỷ đến và đưa bà đi như trong truyện cổ thường kể.
Đứng chờ một đỗi lâu mà không có ai sang đường để đi theo khiến lòng bà chợt buồn. Bà buồn bản thân, chán con mắt bà. Giá mắt bà nhìn rõ hơn một xíu thôi thì hay biết mấy. Căn bệnh cườm nước khiến hai con mắt bà ngày càng mờ đi. Bà mong được mổ mắt, nhưng bà không có tiền. Thấy ti-vi đưa tin có tổ chức nhân đạo nào đấy quyên góp tiền mổ mắt cho người già, người nghèo là bà cứ mong hoài.
Có lẽ ông Trời nghe được bà cầu khẩn nên bữa trước ông tổ trưởng mang cho bà phiếu mổ mắt từ thiện. Bà khấp khởi mừng. Bà cười cả ngày hôm đó, vội vội vàng vàng mượn điện thoại hàng xóm gọi báo tin cho ba thằng con trai. Ai dè tụi nó không chịu cho bà mổ mắt. Chúng nó bảo mổ mắt chắc gì đã thấy đường, mù luôn thì khổ. Rồi lôi ra kể cả tá người mổ mắt miễn phí về bị mù.
Bà nghe mà giận trong lòng. Bà biết thừa tụi nó nghĩ gì. Tiền mổ thì không mất nhưng tiền ăn phải lo, rồi phải có một người chăm bà. Mổ về lại phải băng mắt cả tháng, ai ở nhà chăm bà được.
Chúng nó không cho thì thôi, bà không mổ nữa. Lòng tự trọng của một nhà giáo già không cho phép bà ở nhà ăn bám con. Bà còn chân để đi, mắt còn thấy mờ mờ, còn đi bán vé số được để ăn. Hồi đầu cầm xấp vé số đi bán bà ngại lắm, tủi lắm. Riết rồi quen, đi bộ nhiều cũng coi như tập thể dục, tốt cho sức khỏe. Mà tiền kiếm được cũng khá, trừ đi tiền ăn uống, bà cũng còn dư được vài chục một ngày. Dành dụm cũng mua được cái bảo hiểm y tế phòng khi ốm đau, rồi còn mua được khi thì cái áo, lúc thì thanh kẹo cho mấy đứa cháu.
Vậy là mừng rồi. Còn hơn hồi đầu lên Sài Gòn suốt ngày ru rú trong khu trọ ẩm thấp, miếng ăn ly nước nhờ cả vào con. Nghe con dâu rồi con trai ca thán, rồi ba anh em tụi nó đùn đẩy chia nhau một người nuôi má mười bữa, một tháng chuyển chỗ ba lần khiến bà ngao ngán.
Từ khi làm ra tiền, bà ở cùng thằng Hai, tiền phòng nó chịu, tiền ăn bà tự lo. Vợ nó bỏ đi, con gái nó bà cũng lo ăn nốt. Nó bận đủ thứ. Có khi đi cả tuần mới về. Chẳng biết nó bận gì, dăm lần bà nghe nói chuyện với con nhỏ nào đó hứa hẹn đủ thứ. Nghe mà bực, bực cũng để trong lòng, bà biết nói ra nó lại hét vào mặt bà: “Chuyện của tui bà lo chi?”. Nhìn con mắt nó long lên sòng sọc bà sợ lắm. Mắt nó như mắt ba nó, hung tợn như con gà cồ trước giờ ra đá. Ánh mắt đó ám ảnh suốt năm tháng tuổi xuân và thiêu đốt cuộc đời bà bằng những trận đòn như mưa dầm tháng Bảy.
Bây giờ thỉnh thoảng trong cơn mơ bà vẫn khóc gào kêu ổng đừng đánh nữa. Để rồi khi thức dậy, bà khóc tủi cho phận mình. Cuộc đời bà là những thất bại nối tiếp nhau. Một giáo viên dạy giỏi mà không dạy nổi ba thằng con trai. Một người vợ hiền làm lụng ra tiền là chồng nướng vào bài bạc, gái gú và hành hạ thân xác bà nhiều hơn. Khi ông chết, bà thấy mừng. Mừng chưa được bao lâu thì lại khóc. Lần này là vì con. Nghe lời con, bà bán tất cả tài sản lên Sài Gòn ở với tụi nó. Tiền, anh em nó chia nhau làm ăn gì đấy, rồi cũng tiêu tán hết. Rồi lại chui nhủi sống trong những khu nhà trọ ẩm thấp, chật hẹp. Giờ bà đã thôi than vãn. Tất cả là số phận. Có lẽ kiếp trước bà vay nhiều quá nên kiếp này phải trả. Trả cho hết kiếp. Giờ bà sống qua ngày, sống cho tới khi ông trời không cho bà sống nữa. Và bà cố sống sao cho khỏi phiền lụy đến ai.
Người thiên hạ vậy mà tốt lắm. Mấy cậu phục vụ quán nhậu bên đường hôm nào cũng ủng hộ bà dăm tờ, còn cho bà nước uống hay ổ bánh mì khách ăn còn dư. Ở mấy quán nhậu bán rất được. Chiều nào bà cũng tranh thủ tới sớm để bán.

truyen ngan ba hai hinh anh 03Thấy xe cộ có phần thưa bớt, bà rón rén qua đường. Bà đi rất chậm, vừa đi vừa cố nhìn. Lề đường hiện ra kia rồi. Bà thở phào, cuối cùng cũng qua được cửa ải khó khăn này. Nhưng khi vừa đặt chân lên lề thì một chiếc xe chạy ngược chiều ào qua quẹt trúng khiến bà ngã nhào. Cậu thanh niên chẳng buồn nhìn lại, rú ga phóng mất hút.
Cú ngã khiến chân bà gập lại và khuôn mặt già nua nhăn nhúm vì đau. Mấy cậu thanh niên phục vụ quán nhậu chạy ra đỡ vội bà rồi đưa vô bệnh viện. Cũng may bà còn nhớ số thằng Hai để nhờ họ gọi điện cho nó.
Bà Hai nằm trên giường bệnh, chân bó bột trắng toát. Mấy giường bên người ta nói chuyện tíu tít, con cái chăm cha mẹ, họ hàng vào thăm, chỉ có giường bà không có ai. Bà mắc quá mà cố chịu đựng. Bà nhớ lại hồi sáng thằng Hai nói với thằng Ba, giọng gắt gỏng:
– Hôm nay mày chăm má đi, tao xin nghỉ hai hôm nay rồi, nghỉ nhiều đâu có được.
– Nhà tui nghèo, nghỉ một ngày lấy gì ăn, công việc của anh còn có nhiều tiền, xin nghỉ dăm ba bữa có sao đâu.
Anh em nó còn đứng cãi nhau một hồi rồi quyết định gọi điện cho thằng Út. Bữa giờ nó chưa nuôi bà ngày nào. Bà nghe mà buồn quá. Vậy là bà phải sống bám vào con cái và nghe chúng nó tỵ nạnh nhau. Bà cố nuốt nước mắt. Ban nãy thằng Út ghé qua, biểu còn bận đi làm, chút vợ nó mang cơm vô. Nãy giờ bà ngóng con nhỏ mà chẳng thấy đâu. Bà đang mắc quá mà không biết làm cách nào. Hai giọt nước mắt lặng lẽ chảy trên đôi má nhăn nheo, đầy vết đồi mồi.
Chợt có giọng nói nhỏ nhẹ vang bên tai bà:
– Bà ơi, bà có cần gì không con giúp ạ.
Thì ra là gái con bà lão nằm giường bên. Bà quệt vội nước mắt nhìn cô gái ngại ngùng chưa biết nói sao thì cô đã nhanh nhảu:
– Con lấy bô cho bà nghen. Mấy bữa con thấy bà hay đi vệ sinh giờ này lắm, bữa nay chắc anh chị bận không vô được rồi.
Vừa nói cô vừa lấy bô giúp bà đi tiểu. Giọng nói dịu dàng và thái độ nhiệt tình của cô khiến bà ấm lòng. Cô gái cầm bô đi đổ thì con dâu Út bà cũng vừa vào. Cô cau mặt càm ràm:
– Lần sau má mắc thì đợi con vô chớ sao nhờ người ta chi. Nín xíu chết được đâu mà sợ.
Cô con dâu đặt cà-mèn cơm lên đầu giường rồi đi tới giường bên xem xép tám chuyện. Bà nằm yên giả vờ nhắm mắt ngủ. Cổ họng bà khô khốc mà vẫn cố chờ tới giờ ăn, khi ấy có thể nhờ nó rót giùm bà ly nước được. Còn giờ, nó hẵng còn say kể chuyện lắm. Bà nuốt khan vài cái, nghe cổ họng đắng ngắt. Mấy lần bà ốm đau, chúng thăm lấy lệ, cho vài ba chục biểu bà ăn cái gì thì mua. Tiền viện phí đã có bảo hiểm lo. Ngặt cái lần này gãy chân bà không đi đứng được, chứ bà chẳng muốn phiền tới chúng.
Chợt tiếng nhạc réo inh ỏi: “Một bông hồng cho anh, một bông hồng cho em, một bông hồng cho những ai, cho những ai đang còn mẹ…”. Thì ra là tiếng chuông điện thoại của cậu nằm cạnh giường. Nghe cậu nói chuyện với mẹ ở ngoài quê mà bà tủi thân quá. Nước mắt nhòe cả đôi mắt mờ đục, cay cay nơi sống mũi.

NGÂN KIM

Mục Truyện ngắn / Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua