Giám đốc sản xuất, diễn viên chính kiêm ca sỹ thể hiện MV ca khúc nhạc phim, ba chức danh trong một dự án lớn như phim Hương Ga là minh chứng rõ nhất thể hiện sự máu lửa và sự đa năng của cựu người mẫu – ca sỹ – diễn viên – doanh nhân Trương Ngọc Ánh. Cô cũng là đại sứ thương hiệu của tạp chí thời trang cao cấp Harper’s Bazaar Việt Nam. Nếu như từ tháng Năm đến tháng Bảy vừa qua, bạn ấn tượng với một giám khảo Trương Ngọc Ánh thông minh, sắc sảo với gu thời trang tinh tế trong chương trình Project Runway Việt Nam thì hiện tại, bạn sẽ bất ngờ với tạo hình rất khác của Trương Ngọc Ánh.
Trút bỏ bộ cánh sang trọng, lộng lẫy, Trương Ngọc Ánh hóa thân thành cô bé Diệu tảo tần bán nhang (hương) ở chợ Ga rồi trở thành bà trùm giang hồ Hương Ga. Trở lại sau một thời gian dài không đóng phim và lại là lần đầu đóng phim hành động nhưng cô Dần của Áo lụa Hà Đông ngày nào đã chinh phục người xem với nét diễn mạnh mẽ, đa dạng và có chiều sâu. Mời bạn trò chuyện với Trương Ngọc Ánh về những câu chuyện thú vị xoay quanh vai diễn này.
“Cuộc sống nhiều gai góc, mình cũng phải gai góc lên mà sống. Dù bị giập vùi vẫn cứ vươn lên và đừng bao giờ từ bỏ khát vọng”, Ánh chia sẻ
TTGĐ: Nhắc đến Trương Ngọc Ánh, khán giả thường nhớ đến hình ảnh của cô Dần dịu dàng, trong sạch, đúng chất của người phụ nữ Việt Nam. Thế nhưng ở Hương Ga, cô Dần hiền dịu ấy lại biến thành một bà trùm giang hồ khét tiếng với đủ mưu mô, sát phạt, giỏi đánh đấm… Chị không sợ đánh mất hình ảnh đẹp đã dày công xây dựng được trong lòng khán giả sao?
TRƯƠNG NGỌC ÁNH: Tôi may mắn vì có những nhân vật được khán giả yêu mến và nhớ đến bây giờ. Nhiều người gọi tôi là cô Dần (Áo lụa Hà Đông). Cũng nhiều người gọi tôi là Lan Anh (Đồng tiền xương máu) và bây giờ, người ta gọi tôi nhiều với cái tên Hương Ga. Nhân vật Hương Ga hấp dẫn tôi ngay từ những trang đầu tiên của tiểu thuyết Phiên bản (sách của nhà văn Nguyễn Đình Tú). Tôi hy vọng mọi người sẽ đón nhận bà trùm khét tiếng đó như đã đón nhận Lan Anh hay cô Dần.
TTGĐ: Cuộc đời của Hương Ga trải dài từ Hải Phòng đến Sài Gòn với liên tiếp những cuộc ẩu đả, giành địa bàn. Nghe nói, để hoàn thành những cảnh quay đó, chị đã ngất xỉu trên phim trường vì quá mệt?
TRƯƠNG NGỌC ÁNH: Nhắc đến ngày hôm ấy tôi vẫn thấy ớn lạnh đây (cười). Thời tiết ở Nam Định lúc đó rất lạnh, ban ngày cũng chỉ khoảng chừng 9–10oC. Đoàn phim mượn một góc chợ để dựng cảnh đánh nhau và Hương Ga sẽ đốt chợ.
Khi diễn tập, diễn viên nào cũng nhẹ tay mà lúc quay thật, có lẽ nhập vai quá nên ai cũng ra đòn mạnh cả. Kết quả, cả tôi và Trang Trần đều ngã văng ra, đầu đập bốp bốp vào mấy cái bàn ở chợ. Khói do keo con chó đốt để tạo khói lửa làm tôi ngộp thở. Sau shoot quay đầu tiên, tôi lả đi vì quá mệt. Dù đạo diễn hô “Good” (đạt) nhưng tôi cảm thấy chưa hài lòng nên vẫn muốn quay lại một lần nữa. Trước khi bước vào quay lại, tôi nói với đạo diễn: “Chị sẽ cố gắng quay lại một lần, nhưng mọi người cần chuẩn bị xe cấp cứu nhé”. Và đúng là sau cảnh quay đấy thì tôi xỉu thật.
TTGĐ: Khán giả khá ấn tượng với màn chị bị rượt đuổi, chạy bay qua cả chiếc xe chở đồ. Thì ra một Trương Ngọc Ánh bình thường rất yểu điệu thục nữ nhưng khi quay phim cũng máu lửa hết mức.
TRƯƠNG NGỌC ÁNH: Thú thực, phải quay lại khá nhiều lần ê-kíp mới hoàn thành cảnh quay đó trong tiết trời giá lạnh. Tôi và Trang Trần đều đau chân đến nỗi không muốn nhấc lên nữa. Mỗi lần đạo diễn hô “cắt”, chị em chúng tôi cà nhắc cà nhắc đi về điểm quay, và rồi khi diễn tiếp lại chạy như chưa từng bị đau chân như thế đấy. Chắc là có “máu lửa” thật (cười).
TTGĐ: Chị thích cảnh nào nhất trong phim này?
TRƯƠNG NGỌC ÁNH: Nếu tôi nói mình thích hết, bạn có cho là tôi quá tham lam? Đó là sự thật. Tôi yêu nhân vật Hương Ga. Chúng tôi đã bỏ rất nhiều tâm huyết và công sức dành cho Hương Ga. Vì thế, tôi trân quý từng khung hình. Cũng có lẽ vì vậy mà dù bầm giập, đau đớn nhưng cứ nhập vai là tôi lại thấy mình đầy… máu bà trùm, không thấy mình đau đớn nữa.
TTGĐ: Nhân vật gai góc này có vẻ không giống với con người thật của chị lắm nhỉ?
TRƯƠNG NGỌC ÁNH: Bạn biết là tôi không gai góc ư? (Cười). Đôi lúc nhìn vậy mà không phải vậy bạn ạ (cười thật tươi).
TTGĐ: Phải thừa nhận phim hành động nước nhà từng gặp phải sự cố không mong muốn, khiến các nhà sản xuất e dè thực hiện. Vì sao chị vẫn đầu tư làm Hương Ga với vai trò nhà sản xuất? Điều gì khiến chị tự tin rằng Hương Ga sẽ thành công, là bộ phim hành động “chất” nhất năm 2014?
TRƯƠNG NGỌC ÁNH: Tôi đã rút được khá nhiều kinh nghiệm từ sự cố của các bộ phim trước và Hương Ga đã có được điểm dừng hợp lý. Đây không hẳn là một bộ phim hành động xuyên suốt. Xen kẽ những cảnh đánh đấm vẫn là những diễn biến tâm lý, cũng có cả sự hài hước và tình cảm nữa chứ. Bạn xem phim sẽ thấy nhân vật Mỹ Chột của Trang Trần cũng đem lại nhiều tiếng cười sảng khoái lắm đấy. Đây chẳng phải là xu hướng phim truyện được yêu thích ngày nay đó sao?
TTGĐ: Chị muốn là một cô Dần giàu đức hy sinh trong Áo lụa Hà Đông, một Lan Anh cá tính trong Đồng tiền xương máu hay là một Hương Ga giang hồ có tiếng?
TRƯƠNG NGỌC ÁNH: Biết trả lời sao nhỉ? Tôi vừa muốn được là cô Dần, vừa muốn là Lan Anh và vừa muốn là Hương Ga. Quá tham lam phải không, nhưng tôi thích được thể hiện nhiều dạng vai diễn khác nhau và tôi tin mình có thể làm tốt chứ không muốn đóng khung vào một mẫu nhân vật cố định nào cả. Nhân vật Hương Ga đã làm tôi trở nên mạnh mẽ hơn trong cuộc sống và tôi hiểu rằng, cuộc sống nhiều gai góc, mình cũng phải gai góc lên mà sống. Dù bị giập vùi đến mức nào thì cứ vươn lên và điều quan trọng là đừng bao giờ từ bỏ khát vọng của mình.
TTGĐ: Cảm ơn Trương Ngọc Ánh. Chúc chị và Hương Ga đều thành công hơn cả mong đợi!
VÀI CON SỐ THÚ VỊ GẮN VỚI PHIM HƯƠNG GA
Bao nhiêu địa danh ê-kíp đã đi qua để hoàn thành bộ phim?
6 địa danh trên cả nước. Tổng số diễn viên: gần 30, không kể diễn viên quần chúng.
Hơn 2.000
Là số giờ quay để hoàn thành bộ phim Hương Ga.
30 nghìn bản
Đó là tổng số lượng bản đã được in ra của MV Cơn mộng du – ca khúc nhạc phim Hương Ga, để dành tặng cho khán giả yêu thích Hương Ga. Ca khúc Cơn mộng du do chính diễn viên – nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh thể hiện.
Theo Tiếp Thị Gia Đình