Để bạn đọc, đặc biệt là những bạn đang khởi nghiệp tìm được sự đồng cảm trên con đường xây dựng chữ tín, con đường dễ dàng nhưng cũng lắm khắc nghiệt này, TTGĐ đã có buổi trò chuyện với anh Trường Kha, chủ cửa hàng Mỹ nghệ Trầm hương Trường Kha (168– 172 Nguyễn Chí Thanh, Q. 10, TP. HCM). Trên nền của một chữ tín tuyệt đối, thương hiệu trầm hương của anh đã có mặt ở hơn 54 quốc gia trên toàn thế giới như Mỹ, Pháp, Nhật, Trung Quốc, Đài Loan.
Chân dung người kinh doanh trầm
Tôi đến cửa hàng Mỹ nghệ Trầm hương Trường Kha giữa buổi sáng tháng Năm. Cửa hàng đông khách nhưng vẫn tĩnh lặng, không gian thanh thoát mà gần gũi. Giữa cửa hàng, ông chủ Trường Kha vận chiếc áo vải xô trắng đơn giản. Anh ngồi sau quầy thanh toán với gương mặt trầm tĩnh.
Khi một vị khách yêu cầu giảm giá chiếc vòng tay gỗ trầm hương, anh ân cần trả lời: “Xin chị đừng gây khó cho người bán. Với mức giá đó, xin lỗi, chị rất khó mua được một vòng gỗ trầm hương như ý. Một số người kinh doanh có thể vì chiều theo giá của khách hàng sẽ trà trộn trầm hương thật và gỗ thường, nhưng tôi thì không thể làm thế. Với tôi, chữ tín luôn trên hết”. Và câu chuyện của chúng tôi bắt đầu từ đó.
TTGĐ: Với trầm hương, nhìn là thấy, nhưng cũng khó kiểm định chất lượng. Anh làm sao để khách tin vào sản phẩm của mình đúng là trầm hương tự nhiên?
Trường Kha: Nhiều khách hàng muốn mua nhưng lại chưa từng thấy trầm, họ rất hay hỏi: “Muốn biết đây là trầm thiệt thì phải làm sao?”. Tôi nghĩ đây là tâm lý chung của mọi người. Lúc này, tôi chỉ trả lời một câu thôi: “Dựa vào thương hiệu và khuôn mặt của tôi là mua”. Thú thật, trầm hương rất đắt! Việc kinh doanh trầm hương cần vốn lớn, niềm tin, đam mê, bản lĩnh và cả liều lĩnh. Chính vì đầu tư tổng thể quá lớn như vậy nên người kinh doanh trầm phải luôn giữ uy tín trên thương trường để đảm bảo sự bền vững của doanh nghiệp.
Sở dĩ tôi trả lời khách hàng nhìn mặt mà mua hàng là vì hiện nay, hầu như không có cơ sở nào xác minh trầm hương. Chính vì vậy, chỉ dựa vào uy tín và kinh nghiệm gia truyền mới có thể xác định chất lượng trầm. Gia đình kinh doanh trầm hương từ những năm trước 1980 nên tôi cũng được xem là lớn lên cùng trầm, để từ đó đúc kết nhiều kinh nghiệm quý giá. Năm 2006, được trầm cứu sống 3 lần sau những cơn đột quỵ, tôi mới quyết định gắn bó với trầm.
TTGĐ: Để có thương hiệu mạnh, anh làm gì để gầy dựng uy tín?
Trường Kha: Chuyện này với tôi có lẽ bắt đầu từ những yếu tố về tâm linh. Khi bắt đầu kinh doanh trầm, tôi quan niệm rằng điều gì cũng bắt đầu từ bằng cái tâm, niềm tin và đặc biệt là sự thành thật. Để gầy dựng uy tín, người kinh doanh cần tin vào tâm linh, sống không thẹn với lòng, thành thật với sản phẩm và tạo ra những sản phẩm khách hàng cần.
TTGĐ: Thành thật với sản phẩm là một ý niệm lạ. Ta nên hiểu điều này thế nào?
Trường Kha: Chưa nói đến thành thật với khách hàng, trước tiên, tôi phải thành thật và thương yêu chính sản phẩm mình tạo ra. Có như vậy, sản phẩm mới có sức ảnh hưởng cho người dùng. Ví dụ, với trầm xông nhà, khi dùng đòi hỏi phải có khói nhiều mới đủ sức tống, đẩy. Vì vậy, để hiệu quả, mình phải dùng sản phẩm viên. Với trầm dành cho người muốn tăng sự tập trung, mình dùng nhang trầm. Mỗi sản phẩm phải hướng tới mục đích, liều lượng dùng để không tốn kém nguyên vật liệu nhằm có giá tốt cho khách.
NẾU ĐÃ LÀM THÌ PHẢI LÀM CHO TỚI, CHO HẾT MÌNH
TTGĐ: Anh muốn tạo nhiều dòng sản phẩm để gầy chữ tín, tương tác với khách hàng. Anh thụ hưởng suy nghĩ này từ đâu? Trường Kha: Tôi học ở tôn giáo. Bất kỳ nghề nào cũng có nghiệp nhưng tôi nghĩ, mình phải tạo phước để giải nghiệp. Nếu chỉ biết hưởng thụ trong nghề thì khó bền lắm. Để giải nghiệp, mình phải yêu khách hàng, yêu sản phẩm, chỉn chu trong từng chi tiết.
Khi sản xuất ra 1.000 sản phẩm, người kinh doanh đôi khi sẽ có tâm lý cho rằng 1 sản phẩm là bình thường, nhưng với khách hàng, họ chỉ mua một sản phẩm duy nhất. Nếu sản phẩm đó không tốt thì tất nhiên họ không vui, không hài lòng. Từ sự quan tâm đó, mình hiểu được khách đang cần gì và mở rộng, đa dạng hóa các dòng trầm hương.
Tôi cũng tích lũy suy nghĩ đó từ kinh nghiệm mua sắm cá nhân. Muốn bán sản phẩm, doanh nghiệp đều áp dụng chính sách bảo hành hậu mãi để thuyết phục người mua. Bên cạnh chính sách hậu mãi thật tốt, tôi còn làm nên sản phẩm tốt, phục vụ tận tâm ngay từ ban đầu. Khi doanh nghiệp thỏa mãn mọi nhu cầu của khách hàng, họ sẽ không rời bỏ mình. Đó cũng là cách tạo uy tín trên thương trường.
TTGĐ: Mới khởi nghiệp từ năm 2011, đến nay chỉ mới hơn 6 năm, sao uy tín anh lại lan tỏa nhanh vậy?
Trường Kha: Quan trọng nhất, khi đã dấn thân làm một điều gì đó, bạn hãy làm cho “tới”, làm cho hết mình để tiếng lành đồn xa. Nhiều người nghĩ rằng trong kinh doanh, bạn nên đổ nhiều tiền để quảng cáo, tạo thương hiệu. Điều đó có ích đấy nhưng chỉ ngắn hạn, không bền lâu. Cái tâm, chất lượng dịch vụ mới là điều quan trọng bậc nhất của kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh trầm.
TTGĐ: Liệu có cách đối xử khác nhau giữa khách hàng lần đầu đến và khách hàng cũ?
Trường Kha: Mọi vị khách đến cửa hàng với bất kỳ nhu cầu gì, nhờ tư vấn hay mua sắm, đều là khách hàng thân thiết của tôi. Với tôi, mỗi khách hàng bình đẳng như nhau, không phân biệt người đó nhiều tiền hơn hay đến với mình lâu hơn. Ví dụ, có hai vị khách hôm trước đến cửa hàng, tôi đối xử rất thân mật nhưng nếu hôm nay quay lại, tôi đang bận tiếp khách khác thì không đón tiếp như bữa trước. Giờ nào dành cho người đó.
TTGĐ: Nhiều người còn biết đến ông chủ Trường Kha với cương vị ca nhạc sĩ. Anh thích tạo danh tiếng bằng nghệ thuật?
Trường Kha: Với tôi, làm nghệ sĩ là để giải phóng năng lượng. Trong đời sống thường nhật, làm sao tránh khỏi những phút giây bực dọc, đúng không? Từng điều bực ấy tích tụ lại sẽ làm nên năng lượng tiêu cực. Do vậy, tôi hát như một cách giải phóng những năng lượng tiêu cực.
Hiện tại, tôi đang ấp ủ việc thực hiện một vài MV liên quan đến Phật pháp. Tôi mong muốn góp phần mang những triết lý tôn giáo đến cho mọi người, để sống đúng và thiện lương hơn. n
Cảm ơn anh về những chia sẻ trên!
Ngoài vai trò là doanh nhân kinh doanh trầm thành đạt, có nhiều bằng sáng chế trầm được nhà nước công nhận, Trường Kha còn là:
♠ Ký giả cho nhiều Tạp chí Tôn giáo, là người Việt đầu tiên với ấn phẩm Đường về xứ Tạng bằng hai ngôn ngữ Việt – Hoa lưu tại bảo tàng Phật giáo phía Bắc Tây Tạng
♠ Giữ kỷ lục người trẻ tuổi nhất Việt Nam đi qua 6 châu lục với hơn 100 quốc gia.
♠ Giảng viên Luật Thương Mại tại các trường Đại học.
♠ Nhạc sĩ, ca sĩ.
Bài:An An
Tiếp Thị GIa Đình