Tập đoàn Boyalife (Trung Quốc) chuyên nghiên cứu về tế bào gốc và y khoa tái tạo gien công bố dự án thành lập trung tâm nhân bản vô tính động vật do Sinica (chi nhánh của Boyalife), Viện y khoa phân tử Đại học Bắc Kinh, Viện hàn lâm Y sinh học quốc tế Thiên Tân phối hợp cùng Quỹ nghiên cứu kỹ thuật sinh học Sooam (Hàn Quốc) xây dựng.
Chi phí xây dựng nhà máy là 200 triệu nhân dân tệ (31 triệu USD). Các phần chính của khu nhà máy này đã được xây dựng, dự kiến đưa vào hoạt động vào tháng 6− 2016.
Thông tin từ Boyalife cho biết nhà máy này sẽ tạo ra các loài chó kiểng và chó nghiệp vụ, bò, ngựa đua và các loài linh trưởng vì mục tiêu thương mại và cải thiện “nòi giống”. Quy mô sản xuất khoảng 100.000 phôi động vật mỗi năm, sau đó tăng sản lượng lên 1 triệu con.
Tuy nhiên, dự án đã vấp phải những ý kiến không đồng tình trong cộng đồng dân cư Trung Quốc và Hong Kong.
Kỹ sư Chung Thanh Hồng ở Bắc Kinh cho biết, anh không tưởng tượng được vì sao châu Âu đã cấm nhân bản vô tính động vật vì những loài này thường mắc bệnh, nhưng chính phủ Trung Quốc lại duyệt cho những dự án này thành lập.
Nhân bản vô tính là kỹ thuật tạo ra cá thể mới bằng công nghệ di truyền hiện đại mà không có sự kết hợp của giao tử đực và giao tử cái. Ca nhân bản vô tính thành công đầu tiên trên thế giới là năm 1996, với sự ra đời của cừu Dolly. Tuy nhiên các dự án nhân bản vô tính thường vấp phải phản đối do các vấn đề nhân đạo.
Tiếp Thị Gia Đình