Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cảnh báo cá hồi Alaska nhiễm sán dây

Tin từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ cho thấy, cá hồi Alaska nhiễm sán dây. Vậy đâu là cách để bạn an toàn khi thưởng thức món cá này?

Cá hồi Alaska luôn là lựa chọn tin tưởng của các gia đình khi muốn thưởng thức các món cá sống như sushi, gỏi cá hồi… Đây cũng là thực đơn chống ngán tuyệt ngon khi các gia đình muốn đổi vị cho những ngày tết nhiều thịt, nhiều mỡ.

Tuy nhiên, các nhà khoa học đã phát hiện ra cá hồi Alaska nhiễm sán dây rộng Nhật Bản hay còn gọi là Diphyllobothrium Nihonkaiense. Không chỉ cá hồi hoang dã ở Alaska mà ký sinh trùng này có thể xuất hiện trong cá hồi được đánh bắt ở bất kỳ đâu dọc bờ biển Thái Bình Dương.

Thông tin cảnh báo cá hồi Alaska nhiễm sán dây từ CDC thực sự đã làm những tín đồ hâm mộ cá sống hoang mang. Dòng họ sán dây ký sinh trong cá đã từng gây ra sự bùng phát của dịch nhiễm sán dây vào năm 1986 với 2.000 ca nhiễm sán dây trên khắp Nhật Bản, Hàn Quốc và dọc bờ biển Thái Bình Dương của Nga. Trong cơ thể con người, sán dây có thể phát triển, dài đến 9m.

Hầu hết người bị nhiễm sán dây không có triệu chứng. Tuy nhiên, nếu bạn là người mê món cá hồi sống và có bất kỳ khó chịu ở bụng, cảm thấy buồn nôn, đi phân lỏng hoặc giảm cân không thể giải thích, bạn nên đi khám bác sỹ tiêu hóa. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, sán dây có thể gây tắc ruột. Một số người bị nhiễm sán dây còn nhìn thấy sán ngoe nguẩy trong phân khi đi đại tiện.

Có một tin tốt là việc điều trị sán dây khá dễ dàng. Bác sĩ sẽ cho bạn dùng các loại thuốc đặc trị để diệt sán. Với nghi ngại cá hồi Alaska nhiễm sán dây, CDC khuyến cáo bạn chỉ nên tiêu thụ cá hồi đã nấu chín trong 4 hoặc 5 phút ở nhiệt độ 63 độ C. Ngoài ra, đông lạnh cá hồi đúng cách cũng giúp tiêu diệt sán dây, an toàn hơn khi ăn.

Xoa Nguyễn
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua