Hạt trân châu dùng trong trà sữa có thể chứa đế giầy da và lốp đã qua sử dụng − Ảnh minh họa
Trang “Hong Kong Free Press” cho hay, một phóng viên ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc đã đến uống trà sữa ở một cửa hàng địa phương. Sau đó, anh bị đau bụng và phải tới bệnh viện gần đó để kiểm tra. Kết quả chụp kiểm tra cho thấy, trong bụng phóng viên chứa đầy các hạt trân châu chưa được tiêu hóa.
Các nhà khoa học đến từ Trung tâm thí nghiệm hóa chất thuộc Đại học Thanh Đảo đã phân tích các hạt trân châu trên nhưng không thể xác định được chúng được chế biến từ chất gì. Họ chỉ miêu tả các hạt trân châu “có tính bám dính rất cao”.
Các cuộc phỏng vấn điều tra với những người chủ tiệm trà sữa cho thấy, họ không chắc chắn về nguyên liệu thực sự để chế tạo trân châu. Tuy nhiên, một chủ quán đã tiết lộ: “Tất cả chúng được tạo ra tại các nhà máy hóa chất. Nói thẳng ra là chúng được làm từ đế của giày da và các lốp cũ”.
Mặc dù bản báo cáo điều tra trên vẫn chưa chứng minh một cách chắc chắn rằng, các hạt trân châu thực tế được làm từ đế giày da hoặc lốp cũ, nhưng nó có khả năng sẽ dẫn đến nhiều tin xấu nữa đối với ngành công nghiệp trà sữa đang chịu nhiều tai tiếng ở Trung Quốc.
Tại Trung Quốc cũng như nhiều nơi khác trên thế giới, trà sữa trân châu là một loại đồ uống rất được ưa chuộng suốt một thập kỷ qua. Tuy nhiên, đồ uống có nguồn gốc từ Đài Loan này cũng gây ra nhiều tranh cãi. Bên cạnh những vụ bê bối ở Đài Loan và Phillipines về việc trân châu trong trà sữa có chứa các chất phụ gia nguy hiểm và không được phép sử dụng, vào năm 2012, bản báo cáo của một trường đại học Đức phát hiện, các hạt trân châu có chứa chất giống PCB, một hoá chất có độc tính vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe con người.
Tiếp Thị Gia Đình