Giàn khoan dầu khí của Việt Nam tại biển Đông
Cập nhật tình hình biển Đông, Trung Quốc vẫn tiếp tục kế hoạch xâm phạm biển Việt Nam bằng phương thức tập trung xây dựng các công trình trên đảo Trường Sa như đường băng sân bay tại bãi Đá chữ thập, sân bay trực thăng, các khu nhà kiên cố từ 3 đến 6 tầng, cùng các hệ thống đèn hải đăng, điện gió loại nhỏ và ra-đa hàng hải.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tổ chức diễn tập quân sự, đưa các tàu hải cảnh, tàu ngư chính và tàu hộ tống đi vào gần khu vực đặt giàn khai thác dầu khí của Việt Nam. Nghiêm trọng hơn, nước này còn ngang nhiên truy đuổi và tịch thu tài sản, thậm chí tấn công, đâm chìm tàu cá của Việt Nam khi ta đang khai thác hải sản tại khu vực đảo Hoàng Sa. Nước này đã thông qua giấy “quy hoạch khu chức năng chính về biển của quốc gia”, trong đó lãnh thổ biển bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Tại cuộc họp tiếp xúc cử tri các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII sắp tới, phó Chủ tịch Quốc hội – ông Huỳnh Ngọc Sơn cho biết: “Mới đây, lực lượng chức năng của ta đã phát hiện nhiều tàu Trung Quốc xâm phạm biển Việt Nam, ở vị trí chỉ cách phía Đông – Đông Nam đến Bắc bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng khoảng 34 – 89 hải lý.”
Ông Sơn cho biết thêm: “Trung Quốc tổ chức các đợt diễn tập quân sự và cho tàu đi vào gần các các lô dầu khí của ta nhằm mục đích giám sát, theo dõi các hoạt động của Việt Nam tại các lô này”.
Để ứng phó kế hoạch xâm phạm biển Việt Nam của nước này, chính phủ ta vẫn đấu tranh quyết liệt trên mặt trận ngoại giao, kêu gọi sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, đồng thời theo dõi sát các hoạt động của Trung Quốc tại đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Qua đó, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, kiên quyết giữ vững lãnh thổ biển đảo của Việt Nam, xử lý nghiêm các trường hợp đánh bắt trái phép trong vùng biển của ta và bảo đảm các hoạt động dầu khí của Việt Nam được triển khai bình thường.
Được biết, kỳ họp lần này dự kiến diễn ra trong 40 ngày, khai mạc vào ngày 20–10, Quốc hội sẽ thảo luận các vấn đề quan trọng như: Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011–2015 và định hướng chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016–2020, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016–2020, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016–2020.
Ngoài ra, Quốc hội sẽ cho ý kiến vào các báo cáo của chính phủ, của Tòa và Viện kiểm soát nhân dân tối cao về công tác tư pháp năm 2015, công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án, công tác phòng và chống tham nhũng năm 2015.
Tiếp Thị Gia Đình