Trung Quốc đang giết hạ lưu sông Mekong

Trung Quốc xây dựng hàng loạt đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong trong khi gần đây Lào, Thái Lan cũng khởi động những dự án tương tự trên con sông này. Nỗi lo về sự biến mất của Đồng bằng sông Cửu Long là không xa 

Đua nhau xây đập tích nước ở thượng nguồn sông Mekong

Thông tin được phía Trung Quốc công bố, hiện có 6 đập thủy điện đang vận hành ở khu vực thượng nguồn sông Mekong, theo thứ tự từ Bắc xuống Nam là Công Quả Kiều, Tiểu Loan, Mạn Loan, Đại Triều Sơn, Nọa Trát Độ và Cảnh Hồng.

ha luu song mekong hinh anh 1

Hạ lưu sông Mekong lâm nguy vì tích nước ở thượng nguồn

Ông Vương Hồng Minh, Vụ hợp tác quốc tế, Khoa học và công nghệ, Bộ Thủy lợi Trung Quốc lý giải, các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong của Trung Quốc là dùng để phát điện. Trung Quốc giữ lại nước trên thượng nguồn nhưng sau đó vẫn xả xuống hạ du, chỉ làm thay đổi quy trình chứ không làm mất nước đi nơi khác.

Vị này lý giải thoạt nghe tưởng có vẻ rất hợp lý: “Khi các quốc gia ở hạ lưu đang vào mùa mưa, họ không cần nhiều nước, lúc đó Trung Quốc sẽ tích nước để nhà máy điện hoạt động. Khi vào mùa khô, Trung Quốc sẽ xả nước. Quy trình này có tác dụng ngăn lũ, chống hạn cho các nước hạ du”. Tuy nhiên, thực tế thì không phải vậy.

ha luu song mekong hinh anh 2

Đập tích nước Cảnh Hồng trên sông Mekong ở Trung Quốc

Ông Đào Trọng Tứ, nguyên phó Tổng thư ký Uỷ ban sông Mekong Việt Nam phản bác: “Việc xây đập thủy điện không phải làm để xả nước, nếu không tích nước thì không thể phát điện. Câu chuyện đó với đồng bằng sông Cửu Long là gây nên tình trạng bị mất lũ”.

Vựa lúa lớn nhất Việt Nam là đồng bằng sông Cửu Long rất cần lũ vào mùa mưa để bồi đắp phù sa, tăng độ phì nhiêu, màu mỡ và các loại tôm cá, thủy sản. Dĩ nhiên, mùa khô nguồn nước đổ về đây lại càng quý báu hơn bao giờ hết.

Không chỉ Trung Quốc, theo Thông tấn xã Lào (KPL), dự án Don Sahong tại nước này chính thức khởi công ở tỉnh Champassak hôm 16-8. “Dự án thủy điện Lào vừa khởi công có khả năng cản đường cá đi, gây tác động xấu tới nguồn cá và hệ sinh thái dòng chảy sông Mekong” – Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, chuyên gia về nghiên cứu biến đổi khí hậu cho biết.

Giới khoa học gia cho rằng đập thủy điện Lào đang xây trên một trong những nhánh chính của sông Mekong sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn nước và sinh thái các quốc gia ở hạ lưu sông Mekong như Campuchia và Việt Nam. Dự án nằm ở khu vực Siphandone (gần thác Khone), miền Nam Lào, cách biên giới Lào – Campuchia 2km, với con đập nằm ở khu vực gần 4.000 hòn đảo, xây trên dòng Hou Sahong. Về mùa khô, nhánh sông này là dòng chảy duy nhất để hàng ngàn loài cá di cư và sinh sản.

ha luu song mekong hinh anh 3

Dự án thủy điện Don Sahong tại Lào đang được xây dựng

Hiện có quan ngại là việc xây đập tại đây thậm chí có thể sẽ làm biến mất loài cá heo nước ngọt Irrawaddy tại hồ Kratíe bên dưới dòng chảy. Đập thủy điện này đã được bắt đầu thi công vào tháng 10/2015. Hiện công trình đã được hoàn thành 8% và người ta trông đợi nó sẽ hoàn tất vào năm 2019.

Trong khi đó, Thái Lan trong những năm gần đây cũng liên tuc xây dựng những hồ chứa nước quy mô lớn, dẫn nguồn nước từ dòng sông Mekong vào khiến cho lượng nước trên con sông này đã thiếu hụt lại càng lâm vào tình trạng khan hiếm trầm trọng hơn.

Cái chết từ từ của hạ lưu sông Mekong

Giáo sư Marvin Ott từ trường Johns Hopkins, Hoa Kỳ cho biết: “Các con đập trên dòng Mekong có ý nghĩa chiến lược vì chúng cho phép Trung Quốc quyền lực quyết định sự sống hay cái chết với các nền kinh tế ở hạ nguồn trên cả vùng Đông Nam Á lục địa “. Ông ghi nhận căng thẳng gia tăng về nguồn nước và các công trình xây đập của Trung Quốc là mối đe dọa của nguồn nước trên sông Mekong.

Việc các thủy điện, hồ chứa ở thượng nguồn sông Mekong tại Trung Quốc, Lào, Thái Lan đua nhau xây dựng khiến nước lũ không về. Thậm chí, vào thời điểm hiện nay, mặc dù đang là mùa mưa nhưng mực nước cao nhất trên sông Tiền, tại Tân Châu chỉ 1,36m; trên sông Hậu tại Châu Đốc là 1,20m. Thấp hơn cùng kỳ năm trước khoảng 40-50 cm.

ha luu song mekong hinh anh 4

Đồng bằng sông Cửu Long lâm nguy vì thiếu nước

Đợt hạn hán vừa qua đã đẩy khu vực hạ lưu sông Mekong vào tình trạng thiếu nước trầm trọng. Hàng chục nghìn hecta đất nông nghiệp không thể canh tác được do thiếu nước hoặc bị nhiễm mặn, phèn. Cuộc sống người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày càng gặp khó khăn về nguồn nước, thủy sản và canh tác nông nghiệp.

Ông Đào Trọng Tứ, nguyên phó tổng thư ký Uỷ ban sông Mekong Việt Nam cho biết, một trong những vấn đề chính ở khu vực này là Trung Quốc vẫn chưa chia sẻ thông tin về cơ chế hoạt động của các đập thủy điện của họ với 4 nước thuộc hạ lưu, gồm Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Lào. Đây là các nước thành viên của Ủy hội sông Mekong (MRC). Điều đó khiến những nước hạ nguồn bị động trong việc sử dụng nguồn nước, nhất là khi xảy ra tình trạng hạn hán trong mùa khô.

Tiến sĩ Dương Văn Ni, một chuyên gia về nguồn nước tại Đại học Cần Thơ cho biết, những dự án thủy điện trên dòng sông Mekong ở thượng nguồn là “cái chết từ từ của Đồng bằng Sông Cửu Long”. Ông Ni giải thích chế độ thủy văn của sông Mekong bị thay đổi như “xây thủy điện chặn ngang dòng sông, đào thêm kênh mương, hồ trữ, dẫn nước từ Mekong qua các lưu vực sông khác” đều sẽ gây ra ảnh hưởng trầm trọng vì sông Mekong không chỉ đưa phù sa hay nước, mà còn đưa 160 – 170 triệu tấn cát mỗi năm về miền Tây Việt Nam.

Bài: Lâm Viên

Ảnh: BBC, TT

 Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua